Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

THẾ NÀY MÀ VẪN MUỐN TĂNG HỌC PHÍ

    mai xuân dũng posted 1/9/2010

Theo bà Geetanjali Narayan, giám đốc về kế hoạch và chính sách xã hội của UNICEF thì dù tăng phát tiển kinh tế của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là tương đối đồng đều. Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình bất bình đẳng càng lúc càng gia tăng, đặc biệt ở nông thôn hay các vùng dân tộc thiểu số.Lời báo động này được đưa ra vào hôm nay (31/08) tại Hà Nội nhân buổi lễ công bố bản báo cáo của UNICEF về điều kiện xã hội và kinh tế của 30 triệu trẻ em Việt Nam. Đối với Liên Hiệp Quốc "Tình trạng trẻ em bị lâm vào cảnh nghèo khó tại Việt Nam hiện nay chắc chắn là phổ biến và nghiêm trọng hơn là mọi người thường nghĩ." Trong bản báo cáo của mình, UNICEF công nhận là Việt Nam thuộc thứ hạng đầu vùng châu Á -Thái Bình Dương trong việc đạt được hầu như toàn bộ các "Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ", tức là các chỉ tiêu về giáo dục, xóa đói giảm nghèo, y tế...cần phải đạt được vào năm 2015 tới đây. Tuy vậy, phúc trình của Liên Hiệp Quốc vẫn lo ngại trước tình trạng một số trẻ em và thiếu niên ở Việt Nam tiếp tục phải sống trong các điều kiện vật chất thiếu thốn, và bị gạt ra bên lề, không được thừa hưởng các thành quả của phát triển kinh tế. Trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục trung học và nước sạch chẳng hạn, theo UNICEF, không phải mọi trẻ em đều được bình đẳng với nhau. Cơ quan Liên Hiệp Quốc ghi nhận là Việt Nam gần đây đã áp dụng một các thẩm định mới về tình trạng nghèo khó, dựa trên các nhu cầu thiết yếu bao gồm giáo dục, y tế và dinh dưỡng, thay vì chỉ căn cứ vào ngưỡng nghèo khó tính bằng tiền. Theo bản báo cáo, khi sử dụng phương pháp này, thì “gần một phần ba trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi là thuộc diện nghèo khó". Tuy nhiên, nếu tính theo thành phần dân tộc, thì có đến 62% trẻ em dân tộc thiểu số bị nghèo so với 22% của người Kinh và người gốc Hoa. Các số liệu cũng cho thấy là 34% trẻ em nông thôn bị rơi vào diện nghèo, so với vỏn vẹn 13% tại các đô thị. Một nghiên cứu trước đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy là tỷ lệ nghèo khó của 53 nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam gộp lại, cao hơn gấp năm lần so với người Kinh. Theo đánh giá của AFP, bản báo cáo của UNICEF, chủ yếu dựa trên dữ liệu của chính phủ Việt Nam, là một công trình nghiên cứu chi tiết nhất về tình hình kinh tế xã hội của trẻ em Việt Nam trong khoảng một chục năm nay.


nguồn: RFI

CỦ CHUỐI VÀ QUỐC KHÁNH

Mai xuân dũng 31/9/2010
                                              Ảnh: Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập
Dịp kỉ niệm Quốc khánh 2/9 là để toàn đảng toàn dân nhớ đến ngày lập quốc, ngày của cờ và hoa. Còn với nhiều người, trong thẳm sâu kí ức không khỏi bùi ngùi lặng nhớ về nạn đói Ất Dậu - năm 1945đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người Việt nam.
Những tháng năm không thể quên trên khắp miền Bắc Việt nam cái dễ gặp nhất, dễ thấy nhất là xác người chết mọi nơi trên hè phố, vệ đường, lòng đường, trong nhà, ngoài sân…
Người lớn chết đủ mọi tư thế, gục ngã ở bất cứ đâu. Trẻ em đói không còn hơi để khóc cho cái chết của cha mẹ, anh chị. Những người mẹ đã chết với đứa con thơ lay lắt nằm nhay vú mẹ không còn giọt sữa cũng chết đói theo.
Không đâu còn cái gì để ăn. Cám cho lợn người ta cũng đã đem ra ăn hết, Bất kì thứ côn trùng nào cũng bị bắt lấy để dỗ cơn đói. Bất kỳ thứ thực vật nào cũng bị con người vặt lấy đưa vào mồm nhai nuốt trong cơn tuyệt vọng của bản năng sinh tồn.
Năm 1945 dân số nước ta có khoảng 20 triệu người. Miền Bắc khoảng 12 triệu thì chết đói đến gần hai triệu, chiếm tỉ lệ 10% cả nước và 40% ở miền Bắc. Một con số kinh hoàng. Có lẽ Việt nam là nước có tỷ lệ người chết đói cao nhất thế giới trong mọi thời đại.

Việt nam chết đói tới 2 triệu người năm 1945 nhưng Trung Quốc năm 1959-1963 có tới trên 40 triệu người chết đói. Con số do chính Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương đưa ra năm 1980 quả thực khủng khiếp nhưng so với dân số của họ lúc ấy là 850 triệu thì tỷ lệ mới là khoảng năm, sáu phần trăm.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết khi đi thăm Trung Quốc:
…Mao Trạch Đông
Tôi đã thấy
Dáng người cao lồng lộng
Đẹp như ngọn cờ Hồng
Trên mặt người, mặt đất mênh mông…
Vâng, chính người “đẹp như ngọn cờ hồng” trong bài tụng ca ấy đã gây nên nạn chết đói cho đất nước Trung Hoa bằng chính sách kinh tế Đại nhảy vọt những năm 1959-1963. Những năm đó người Trung Quốc ở nhiều nơi phải ăn thịt người mà tồn tại.

 Ở Việt nam,Trong năm Ất Dậu đau thương đó, không có bất cứ sử sách nào nói dân ta đã ăn thịt người mà chỉ ghi nhận: dân đã đào củ chuối lên ăn thay cơm. Củ chuối đã là cứu cánh mạng sống cho không biết bao người Việt nam thoát chết. Củ chuối đã đem lại cho nhân dân chút hơi sức để cầm mã tấu, đòn càn đứng lên tự cứu mình. Hàng triệu người dân sống sót nhờ củ chuối cộng với nỗi thống khổ vô bờ, niềm tuyệt vọng vô cùng vô tận trước cái chết đói hiển hiện đã làm nên cơn lũ cách mạng giúp cho Việt Minh cướp chính quyền, lập ra nước Việt nam Dân chủ, Cộng hòa.
Trong ngày kỉ niệm Quốc khánh 2/9/ 2010, mọi người thay vì tiệc tùng linh đình, hãy dành vài phút tưởng niệm hàng triệu đồng bào đã chết đói trên quê hương Việt nam đau thương của chúng ta.
MXD

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

NGHỀ NÀO QUÝ HƠN

    Mai xuân dũng 30/8/2010


Truyền hình TTXVN kì này ngoài nhiệm vụ chính trị còn đưa nhiều tin khá ăn khách. Một trong những tin đó là mới đây có nhà báo Nga đã từ bỏ nghề làm báo để chuyên tâm lo công việc an sinh cho chó. Lí do: hiện nay tại Moskov có quá nhiều chó vô chủ đi hoang trên đường phố. Nghề làm báo cao quý hay nghề chăm chó cao quý hơn? Đó là quan điểm cá nhân.


Không biết các bác Trần Mục, Anh Tú Béo, Anh Tú không béo và nhiều đại gia kinh doanh ngành công nghiệp mộc tồn có biết tin này không? Và thông tin này có gợi mở cho các bác một hướng đầu tư sang Moskov, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở đó không? Tôi nghĩ là các bác nên quan tâm.


“Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó


Chết xuống âm phủ có biết hay không?”


Ở Việt nam, món thịt chó là món khoái khẩu nên nó đi vào ca dao một cách tự nhiên như thế. Hàn Quốc có phố thịt chó Tự Cống nổi tiếng, ở Trung Quốc, Tây Xương, Quế Lâm sầm uất vì thịt chó. Việt nam được quốc tế biết đến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mà một trong số đó là lĩnh vực chế biến thịt chó. Xứ Hàn làm món mộc tồn khá đơn điệu. Các bố xứ này rất khá về nền công nghiệp điện ảnh, điện tử, ô tô… nhưng về khoa ẩm thực chỉ nổi lên mỗi món quốc hồn là Kim chi. Món dưa cải muối này còn thay thế cho danh từ chỉ quốc hiệu.Vậy có lẽ thua anh Tàu về kĩ thuật chế biến món ăn từ chó. Ở Quế lâm người ta ít khi cắt tiết chó như ở Việt nam. Đầu bếp chích máu từ chân chó để chó chết cách từ từ. Không biết việc cắt cổ chó và chích máu cho chết cái nào nhân đạo hơn. Nhưng khác ở ta, miếng thịt chó hấp được đưa lên phục vụ thực khách có mầu trắng hồng như giăm bông chứ không thâm đen như thịt chó Trần Mục. Trung Hoa là đất nước kì bí trong việc hóa kiếp các sinh linh. Bác Trần mục nên đi thăm thú Quế lâm học hỏi tí kinh nghiệm xem sao nhé. Tuy nhiên, dân ta, từ thứ nguyên liệu giầu đạm này đã chế biến ra khá nhiều món ăn phong phú khác nhau cho thấy óc sáng tạo nghệ thuật của người Việt thật là bay bổng. Món dồi chó của ta đến Diêm vương còn thèm nhỏ dãi mà ở Tây Xương, Quế lâm, Hồ nam Trung Quốc thịt chó phổ biến đến thế mà không thấy có bán. Tàu thua ta ở chỗ đó. Dồi chó ở Hà nội phải nói là đa dạng, nhiều kiểu dồi hấp, luộc, nướng, rán và có nhiều thứ nguyên liệu cho vào dồi khác nhau tùy vùng miền. Nhưng giới sành ăn cho rằng dồi chó ngoài các nguyên liệu truyền thống nếu cho thêm một lượng hợp lý lá cúc tần vào thì miếng dồi nướng còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Ngày trước chợ Âm phủ thành danh với món thịt chó chặt. Phố Hàng Lược từng tự hào về món nhựa mận. Còn Nhật Tân nổi tiếng nhất hoa đào nhì thịt chó ở chỗ quy mô hàng quán. Từ 12, 13 âm trở đi, con đường Nhật tân lúc nào cũng khói um vì đốt rơm thui chó.


Nhưng nói gì thì nói anh Tàu là đất nước luôn dẫn đầu thế giới ở truyền thống bành trướng trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy chỉ có Trung Quốc mới có ngành nuôi chó thịt công nghiệp cung ứng nội địa và xuất khẩu. Việt nam làm gì có ngành nuôi chó thịt công nghiệp nên phải sang tận bên Lào, Campuchia mua vét chó về làm thịt.


Entry này không PR cho ngành thịt chó của Việt nam đâu vì số người ủng hộ, ngợi ca món mộc tồn không áp đảo so với những người chống đối. Có Liên hiệp các xí nghiệp cầy tơ thì lại có các Hội yêu chó, Hội không ăn thịt chó. Mấy tỷ dân Âu châu, Mĩ Châu, Úc châu cộng thêm mấy tỷ người Hồi giáo phản đối việc giết mổ chó. Dịp World Cup 2002 ở Hàn, Nhật là một minh chứng. Hàn Quốc suýt mất quyền đăng cai dải bóng đá thế giới chỉ vì châu Âu la ó về chuyện nước này giết và xơi thịt chó ghê quá. Họ la dữ đến mức Hàn Quốc phải ra lệnh đóng cửa các nhà hàng thịt chó ở Seoul để làm nguội cơn giận dữ của phương Tây. Ngay cả Việt nam là nước chả sợ đếch gì các anh đế quốc to mà dịp Seagame còn phải khuyến cáo tạm ngưng việc chén thịt chó cơ mà. Không biết kì này vào Đại lễ nghìn năm Thăng long, Hà nội có cấm thịt chó không đây?


Nói vậy để thấy ta nên có cái nhìn toàn cầu trong các vấn đề quốc tế chứ không nên theo đuôi anh Tàu làm các chiến dịch vĩ đại cải cách nọ kia kiểu như phong trào toàn dân đập chim sẻ để nhảy vọt một phát lên chủ nghĩa cộng sản. Thời buổi kinh tế hòa nhập biển lớn cũng nên nghe ngóng dư luận quốc tế một tí.


Ở tây, dân nó lợi dụng dân chủ và nhân đạo một cách “quá trớn”. Cộng mình bên đó ai mà chả biết câu: “nhất đàn bà, nhì trẻ nhỏ, ba chó bốn mới đến đàn ông”. (May quá tây nó không sống theo kiểu tứ đại đồng đường như mình không thì ông bà cha mẹ đứng ở đâu trong cái thang bậc ấy?).


Như vậy ta mới thấy: “văn hóa mỗi nước đều có đặc điểm riêng, không thể lấy tiêu chuẩn của nước này để áp dụng cho các nước khác được, việc Mĩ và các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề nhân đạo để áp đặt cho Việt nam là can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”. Các anh Dân chủ kiểu các anh, chúng tôi dân chủ theo kiểu của chúng tôi, không có lẫn lộn.


Bây giờ tản mạn sang chuyện khác nhỉ? Về chuyện văn hóa, dân tây quý chó thật sự chứ không như vài em Teen hoặc mệnh phụ đại gia bên mình ôm cẩu kè kè chỉ để làm dáng cho giống quý sờ tộc đâu. Bên đó có Luật bảo vệ động vật ở cấp quốc gia và cả Liên hiệp quốc nữa. Mà luật tây nó nghiêm. Mr Đàm sang Mĩ thì biết rồi đấy, Lý Tống công dân Mĩ, xịt hơi cay vào ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng là lập tức bị Police nó khóa tay tống giam tắp lự chứ không ưu ái hoặc kì thị là anh theo cộng sản hay tư bản gì cả. Đại danh ca Mĩ Brisney Spears Hot tung giời mà có mỗi một việc hàng xóm trình báo nhìn thấy cô nàng ôm con Mi mi bị bó bột một chân là Hội bảo vệ động vật mời cảnh sát tới tư dinh điều tra ngay. Ghê không?


Hai việc đó khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ luật pháp nó không phân biệt đối xử giữa đại danh ca bản địa hay ca sỹ èng èng nước ngoài.


Nhân chuyện dồi chó của ta được vinh danh ngon nhất thế giới lại nói về năng lực “cảm hóa” của người mình mới thấy được thế giới chả phải là “phẳng” một chiều như tác giả ăn khách Thomas L. Friedman trong cuốn “Thế giới phẳng” đâu nhé.


Phương Tây làm “phẳng” giữa Đông và Tây bằng công nghệ thì ta làm “phẳng” họ ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tây phản đối giết và ăn thịt chó nhưng dân tây sang ta được ta “cảm hóa” đến nỗi biết…thèm ăn thịt chó. Ăn nhiều đi đến chỗ khoái cả mắm tôm. Chưa hết, mê Việt nam đến độ có chú “Hai lúa mắt xanh” quay ra mở quán thịt chó ở Ngõ Huế Hà nội nữa chứ. Đó là chàng Stanilas Boissau sinh nở ở Paris “hộ tịch” Pháp quốc đàng hoàng kìa. Văn hòa mình có khả năng “đô hộ” nước khác đấy chứ.


Và gần đây Giáo sư Ngô Bảo Châu của ta làm “phẳng” luôn thế giới bằng việc chứng minh thành công “Bổ đề cơ bản Lanland”. Chúng ta lại có thêm năng lực đô hộ nước khác bằng toán học hàn lâm không chừng.


Ông Friedman nếu có ý định viết thêm tập 2 “Thế giới phẳng” thì nên lưu ý một chút về vấn đề này thì tác phẩm có lẽ sẽ hoàn chỉnh hơn nữa.


Viết đến đây và nhìn đồng hồ thấy đã khá muộn, cô con gái của mình (cứ chủ quan cho là của mình đi) phòng bên đã che mồm ngáp mấy cái. Tớ nghĩ nên thôi vì Blog là chỗ chẳng nên viết dài và nhất là chẳng thể cho mình cái quyền gõ máy xoành xoạch lúc đêm khuya.

MXD

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

HÃY ĐÁNH GIẦY THẬT ĐỀU ĐẶN

    Mai xuân dũng 29/8/2010


Nếu phải quyết định giữa hai sự lựa chọn: sử dụng máy đánh giầy chạy điện với “ máy đánh giầy chạy bằng cơm” thì có đứa sẽ chọn cách thứ hai. Ngồi vắt vẻo trên ghế xem báo, nhâm nhi ly cà phê Lâm, miệng phì phèo điếu thuốc lá thơm, gác cao chân cho thằng nhóc đánh giầy.


Cảnh tượng ấy có gì đó bất nhẫn. Bằng tuổi thằng đánh giầy, những đứa trẻ may mắn khác sáng đến trường, với bộ đồ được giặt ủi thơm phức xách tay con Apple Delux, trưa xuống nhà ăn sáng choang đánh chén phủ phê; chiều trước khi về nhà, rủ nhau vào Lotteria điều hòa mát lạnh nhâm nhi ly nước ép trái cây, buôn dưa lê và nghe nhạc Surround; tối về ngã vào lòng ba má nũng nịu đủ trò, chán chê LX lại đòi Liberty.


Còn nó ngồi đây, mặc bộ đồ cũ như chiếc khăn lau nhà, cặm cụi đánh giầy với vẻ mặt cam chịu. Đáng tiếc là ông Giời thông biết mọi sự nhưng không cho nó quyền lựa chọn cha mẹ để sinh ra và định thời khắc hợp lý để nó lạy đời.


Biết rằng bất nhẫn nhưng vẫn phải chọn “máy đánh giầy chạy bằng cơm” vì đơn giản có đứa muốn làm một việc tử tế cho một đứa trẻ để đỡ áy náy vì cả đời làm công việc bất lương và bất khả từ chối suốt 8 tiếng đồng hồ trong cơ quan công quyền. Thì nó không đánh giầy cho người này thì nó đánh giầy cho kẻ khác. Tất nhiên chỉ khác một chút, gặp được kẻ có 5 xu lương vẫn tốt hơn gặp kẻ chả có xu nào. Tình thương là thứ hoa trái bị mất mùa triền miên ở cái xứ đỉnh cao trí tuệ này.


Khi đã quen nhau cả năm trời thì kẻ nọ mới thấy bỏ ra 10 nghìn đồng bao gồm 6 nghìn đánh giầy và 4 nghìn tiền “bo” là cái giá quá bèo cho những gì nhặt nhạnh được trong các câu chuyện bâng quơ. Không như vậy làm sao biết rằng thằng nhóc chỉ kiếm được một ngày trên dưới tám chục nghìn đồng chứ không phải vài trăm như nhiều người đồn đoán. Nếu không biết đôi khi vứt mẹ tờ báo đi mà cứ cắm mặt cắm mũi vào đó thử hỏi làm sao hiểu được trong cái đầu bù xù be bé kia có gì? Thì đấy rốt cục nó chỉ được ba chục phần trăm trên tổng số thu mà thôi vì đơn giản luật “doanh nghiệp” của nó quy định rồi. Quy định là khỏi bàn cãi, ăn bớt là trốn thuế, là phải chịu một số luật hình của Hội liên hiệp đánh giầy quốc gia. Bớt 20 nghìn có thể phải chuộc lại lỗi lầm bằng một chiếc răng hoặc vài vết sẹo. Qua mặt luật là một việc bất khả thi. Nên ngoan biết điều đi. Đời dạy cho nó biết điều hay lẽ phải là đừng ăn bớt vài chục nghìn. Chỉ chết kẻ ăn bớt vài chục nghìn. Chưa thấy đứa nào ăn bớt vài chục tỷ chết cả. Ăn bớt càng nhiều tỷ, độ an toàn càng cao.


Thế nên việc có người nghĩ rằng mở lượng hải hà bằng cách để nó ở nhờ trong garage bỏ không nhằm đỡ cho nó “tiền ngủ” mà nó bị trừ hàng tháng là nhầm. Nó không dám đâu. Nó phải giữ để hàm răng của nó đủ cái nào hay cái đó cho một mai tương lai xán lạn phía chân trời.


Hãy đánh giầy thật đều đặn. Đánh giầy cho các sếp sạch bụi bẩn là công việc có thu hoạch. Dù cho cảnh đó có bất nhẫn đi nữa.

MXD

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

MẶT TRÁI CỦA TẤM HUY CHƯƠNG FIELDS

Mai xuân dũng 27/8/2010


Huy chương Fields do Hiệp hội toán học Quốc tế (IMU) trao 4 năm một lần cho các nhà toán học có thành tích đặc biệt suất sắc của thế giới. Năm nay Hiệp hội đã trao huy chương danh giá này cho các nhà toán học từ Israel, Nga, và Pháp. Trong đó có hai nhà toán học Pháp là Cedric Villani và Ngô Bảo Châu. Chúng ta vinh dự và tự hào vì dù nhà toán học Ngô Bảo Châu mang quốc tịch Pháp được học và đào tạo tại trường Đại học Paris 6, Université Paris Sud với người thầy là giáo sư Gerad Laumon thì anh cũng là người Việt nam được lớn lên từ Việt nam và bắt đầu sự nghiệp từ trường thực nghiệm Giảng võ trước khi vào khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà nội.


Giáo sư Ngô Bảo Châu với tấm huy chương Fields – giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới là một vinh dự lớn đối với đất nước Việt nam chúng ta.


Có lẽ những gì nhà nước ta và truyền thông đã làm để tôn vinh anh đã quá đủ để nâng cao lòng tự hào dân tộc cho mỗi người Việt nam và nêu tấm gương sáng cho thanh niên Việt nam về tính hiếu học.


Như vậy có lẽ không cần phải nói thêm gì nữa về sự kiện này mà nên nói tới mặt trái của tấm huy chương Fields nhưng không phải là đối với giáo sư Ngô Bảo Châu mà nói về chúng ta, những cách tiếp nhận đối với sự kiện trên.


Bộ Giáo dục Đào tạo đã không làm những gì đáng phải làm khi tài năng Ngô Bảo Châu đã tỏa sáng trước đó với Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time của Mỹ bình chọn là “một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009″.


Thái độ dửng dưng của chúng ta chỉ chấm dứt khi nghe được những tin tức tốt lành về tương lai giải Fields sẽ chắc chắn trao tặng cho một người Việt nam là Ngô Bảo Châu.


Như để bù lại những gì được cho là “không phải” đối với một “tượng đài” toán học này chúng ta mới đồng loạt làm một chiến dịch bùng nổ truyền thông với sự khởi đầu là đoàn quan chức chính phủ do phó Thủ tướng-nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam Nguyễn Thiện Nhân chính thức đến thăm Giáo sư Ngô Bảo Châu tại nhà riêng. Cùng với những “tương tác” lạ kì là những công điện chúc mừng cấp nhà nước thiếu tinh tế ngoại giao cần có ở cấp ứng xử vĩ mô.


Tại sao khi chúc mừng Ngô Bảo Châu chúng ta không có lấy được một lời cảm ơn cho dù là “hình thức” với trường Đại học Université Paris Sud, nơi đã góp phần lớn công lao đào tạo ra một Ngô Bảo Châu tài năng cho ngành Giáo dục Việt nam?


Việc chúc mừng “ngoại giao” đó (nếu có làm) chỉ tăng thêm uy tín cho chúng ta chứ không làm giảm đi sự vinh quang và tự hào của chúng ta.


Những “ứng xử” cấp cao như đã biết làm mọi người có cảm giác khá rõ ràng về mục đích thỏa mãn nhu cầu thành tích và có lẽ tấm huy chương giờ đây trở nên quan trọng nhất ở chỗ: “chứng minh” cho toàn thế giới và đồng bào trong nước cũng như hải ngoại thấy được hướng đi đúng đắn và đẳng cấp đỉnh cao của Giáo dục Việt nam chứ không phải ở giá trị học thuật.


Nhưng tầm vóc của tấm huy chương Fields có đủ lớn để che lấp các bất cập nghiêm trọng của chúng ta trong Giáo dục không?


Tấm huy chương danh giá có khỏa lấp được các tiêu cực đáng xấu hổ về tham nhũng, vấn nạn mua bán bằng cấp tràn lan, quan chức tìm kiếm học vị giả bằng tiền ngân sách nhằm đạt được tham vọng về chức tước, bổng lộc trong ngành Giáo dục và xã hội không?


Tấm huy chương có thể thức tỉnh chúng ta trước đạo đức học đường đã trở nên suy thoái trầm trọng, bào mòn uy tín không riêng gì ngành Giáo dục mà còn làm tổn hại đến thanh danh đất nước không?


Tấm huy chương liệu có thể bào chữa cho một ngành Giáo dục lấy thành tích làm mục tiêu và những người đi học chỉ nhằm kiếm tiền cho cá nhân đã làm mất đi tính cao quý của giáo dục là đào tạo ra những người trí thức có năng lực sáng tạo và nhiệt tâm phụng sự nhân dân không?


Chúng ta hy vọng là có. Nhưng chỉ với Ngô Bảo Châu cùng tấm huy chương Fields và sự tung hô suông như trước đây chúng ta vẫn quen làm sẽ không bao giờ là đủ khi những người lãnh đạo nhà nước, Bộ Giáo dục vẫn không có đủ dũng cảm để nhìn nhận sự thật và quyết tâm xóa bỏ tiêu cực.


Đất nước chúng ta từng được bạn bè trên thế giới yêu mến và thừa nhận là đất nước của những con người Hiền lành Chất phác, Cần cù Thông minh. Nhưng ngày nay, đất nước của chúng ta lại được họ nhắc đến với những vụ tham nhũng khổng lồ, tệ nạn mua quan bán tước tràn lan của giới quan chức cấp cao và trở thành nước “xuất khẩu” ra nước ngoài tệ nạn hối lộ, buôn lậu và hành xử thiếu văn hóa.


Người Việt nam chúng ta đã từng được thế giới biết tới với những người thầy, những nhà khoa học nổi tiếng như GS Tạ Quang Bửu, GS Hoàng Tụy, GS Lê Văn Thiêm vv như là biểu tượng của trí thông minh và đạo đức Việt nam. Còn giờ đây khi xã hội đã bị nhiễm độc bởi căn bệnh hình thức, chúng ta phải đổi mới triệt để mới mong nhanh chóng giải độc và cùng nhau tiến lên phía trước.


Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn là một điểm tựa cho mọi cuộc cách mạng thành công. Ngô Bảo Châu cùng với tấm huy chương Fields đang là một nhân tố quan trọng, kích thích chúng ta. Nhưng chính lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo nhà nước cần có những nhân vật xứng tầm, đủ dũng lực và nhân cách để đặt đòn bẩy vào điểm tựa đó, nâng bổng Đất nước chúng ta lên ngang tầm các quốc gia văn minh, giầu mạnh trong khu vực và thế giới.

MXD

NGÀY THỨ BA

    Mai xuân dũng 27/8/2010.
   


Ngày thứ nhất


Từ lâu Cầy và Cáo là đôi bạn rất thân thiết vì Cáo, Cầy tuy rằng khác giống nhưng chung một loài.


Cáo sống trong hang dưới đất, Cầy chuyên sống trên cây. Cáo bắt được con gà ăn xong phần thịt gọi cầy xuống gặm phần xương xẩu khi nó đã no nê. Với Cầy, việc được làm bạn với Cáo đã là đã hạnh phúc lắm rồi. Vậy nên, lúc thời tiết không thuận Cáo chẳng săn bắt được con mồi nào, Cầy lại đem hạt dẻ hoặc hạt gắm thơm bùi, béo ngậy hái được từ các ngọn cây cao đem biếu Cáo để trả nghĩa. Vì vậy Cầy và Cáo luôn xưng tụng là bạn quý, no đói có nhau. Tình cảm đôi bên ngày càng trở nên thắm thiết mặn nồng.


Ngày thứ hai


Ngày tháng trôi qua Cáo lấy vợ, sinh con. Lắm miệng ăn, gà còn trở nên khôn lấy đâu mà bắt được mãi.


Một hôm Cáo bèn mời Cầy trên cây xuống ăn mừng đầy tháng “cháu”. Được lời Cầy vui vẻ nhận lời. Suốt mấy ngày, nó lo kiếm nhiều hạt dẻ thơm bùi làm quà cho Cáo.


Nhưng sự đời vốn lắm chuyện không ngờ, khi vào trong hang, Cáo bèn nhốt luôn Cầy lại mà rằng: “Dạo này vợ anh chán hạt dẻ chỉ thèm thịt Cầy, thôi thì chú vui lòng giúp anh, không bao giờ anh dám quên ân nghĩa này”.


Ngày thứ ba


Biết ngày mai bị nhà Cáo ăn thịt, Cầy lo buồn lắm ngồi khóc ròng. Thấy vậy bọn nhà Muỗi thương tình bảo Cầy có muốn nhờ bác Gấu hay bác Cọp can thiệp thì Muỗi sẽ cấp báo giúp cho. Cầy tủi thân than thở: “Trước đây tôi chỉ chơi với nhà Cáo mà thôi. Xưa nay cậy ở trên cây tôi thường ỉa lên đầu các bác ấy, bây giờ mặt mũi nào cậy nhờ được nữa, nhục nhã lắm”. Muỗi bèn khuyên rằng: “Thôi, nếu không muốn nhờ Hổ, Gấu thì tôi xin giúp bác phen này vậy”.


Xưa nay Cầy vốn có tiếng là ngu nên không tin nhà Muỗi giúp gì được mình nhưng ở vào cái thế sắp bị Cáo ăn thịt đến nơi nên đành chấp nhận nhờ nhà Muỗi cứu giúp.


Tuy nhỏ bé nhưng nhà Muỗi rất can trường lại biết bảo ban nhau, đoàn kết một lòng nên nói dứt lời, Muỗi kéo cả nhà vào hang Cáo vừa đốt vào tai vào mũi vừa vo ve suốt đêm khiến vợ chồng Cáo phát điên phát cuồng không sao chịu nổi. Đến gần sáng thì nhà Cáo gần kiệt sức. Nhờ đó, Cầy thừa cơ trốn lên cây thoát chết.


Từ đó đến giờ Cầy và Cáo không bao giờ nhìn mặt nhau nữa.

mxd

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

RƯỢU SÂM CẦM

Mai xuân dũng 25/8/2010.                                                   


Khi miên man thăm thú bạn bè trên blog chợt nhớ mùa sâm cầm hồ Tây. Mình tâm sự với bạn rằng bạn ơi, nhớ quá hồ Tây của thời ấu thơ. Con đường đi học có lúc men hồ ì oạp sóng vỗ bờ cỏ. Sớm tinh mơ nghe đám sâm cầm vỗ cánh ào ào một góc hồ bao la phủ đầy sen tu khô xác. Mình lại thở than: sâm cầm ơi, sao nỡ bỏ Hà nội để hồ Tây bây giờ xa vắng bóng chim.


Thủa nhỏ mình thích ngồi một mình bên dệ cỏ ngắm hồ Tây lúc sớm tinh mơ sương còn lãng đãng hoặc hoàng hôn phủ xuống mặt hồ. Hồi đó Hà nội vào cuối thu, tiết heo may làm không khí se lạnh. Hồ sen tàn lá, rục xuống nhũn mềm trong nước thành mùn trở thành thức ăn cho ốc bươu, ốc vặn và lũ trắm cỏ. Phơ phất đung đưa trên mặt nước là vô số cọng sen tu khô đen nhưng trong bầu đài vẫn còn nhiều hạt mẩy. Đó là món ăn cho lũ sâm cầm di thực hồ Tây.


Danh tài xứ Huế, nhạc sỹ họ Trịnh quả đã nhập hồn đất đế đô với ca khúc Nhớ mùa thu Hà nội:


….Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.


Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…


Người Hà nội ai mà chả biết câu Cá rô đần Sét, sâm cầm hồ Tây. Sâm cầm đã ăn ngủ nhiều đời trong ca dao như thể loài chim này vốn “hộ khẩu” hồ Tây! Sâm cầm gốc gác xứ Hàn đi tránh rét bay về phương nam lấy vùng hồ Lãng Bạc làm quê hương thứ hai. Vậy nên giống cầm điểu này mới trở nên thân quen đến thế.


Nhiều người lầm tưởng Sâm cầm là họ vịt trời vì chân của chúng có màng như vịt, lại hay lặn ngụp nơi sông hồ. Thật ra chúng thuộc loài gà.


Có thể Cố nhạc sỹ họ Trịnh không để ý đấy thôi, chẳng ai thấy sâm cầm vỗ cánh bay vào buổi chiều vì giống này mải mê kiếm ăn rất muộn, đêm mới bay về nơi ngủ đêm trên các rặng ổi, rặng trúc bạt ngàn của Nghi tàm và một dải dài những cây bàng Yên Thái. Sáng sớm mới nghe được chúng bay ào ào từ các cành cây xum xuê xuống hồ kiếm ăn.


Cảnh vật hồ Tây dễ làm nao lòng người và dẫn dắt đến những suy tưởng mộng mơ. Chẳng biết văn thơ là gì nhưng mình đã ghép vần cho bài: Hà nội thời mắt biếc, trích lại mấy câu:


….Đêm Yên Thái nghe trời trở rét


Trở mình nghe võng mẹ đưa kẽo kẹt


À ơi…


Thụy Chương, Nghi Tàm, Thạch Khối, Hàng Vôi


Heo may lạnh vẳng khuya chầy giã dó


Mái nâu, ngói cổ


Tiếng rao đêm mấy thuở vọng về


Đi qua cơn mê


Lang thang một mình trong phố


Nghiêng nghiêng nhà đổ


Cơn say


Dốc Tam đa, chợ Bưởi, hồ Tây


Chồn chân, lặng ngâm hồn trong gió


Khuya tĩnh lặng bao la một mình. Cô đơn quá


Tiếng cuốc kêu thắt lặng ven hồ.


Nhớ nửa hồn phố cổ


Hàng Thiếc Hàng Đồng


Hàng Vải Cửa Đông


Dấu chân trần mẹ dắt con đi học


Cầm trên tay nắm xôi ngô gói lá sen thô mộc


Khắc buốt vào tim.


Và những đêm


Rét ngọt, xếp xô thùng hứng nước cùng em


Ngoài phố vắng


Chỉ có cột đèn đường âm thầm đứng lặng


Đếm bước chân qua.


Lớn rồi em, hết tuổi ngắt cỏ, chọi gà


Ven sông Hồng bẻ trộm ngô, câu cá


Qua cầu Long Biên, vệ đê chơi trận giả


Thả diều vi vu, ngây ngất đến bây giờ.


Mắt tím buồn, nhành vi ô lét em đưa


Ngày giáp tết, bên đường vào Trấn Quốc


Thoảng hương trầm , hương mộc lan thân thuộc


Gói tiếng chuông vào lòng, xếp bút ra đi


Ngày trở về mới biết phút chia ly


Nhành hoa tím là nhành hoa vĩnh biệt


Vi ô lét


Một thời mắt biếc


Rụng rơi trong chiến tranh…


Mình có thằng bạn tên Thành, nhà ở Nghi Tàm. Một lần đến chơi, hắn bầy mâm rượu ngoài vườn ổi có khoảnh sân rải đá trông ra mặt hồ. Trước, hắn chuyên nghề khoanh đào, quất bên Tứ Liên nay xoay ra kinh doanh Bonsai, cây cảnh. Có tiền, hắn thích rủ anh em uống rượu với cá trắm hồ om ngó sen lá lốt. “Thưởng rượu” là chữ hắn ưa dùng. “Uống rượu” nghe nó tầm thường, chỉ có kẻ sỹ mới biết “thưởng” rượu mà thôi. Mình bảo nó là cao đạo rởm. Uống rượu trận nào, say trận ấy đến độ “thả cá” về hồ thì phí cái chữ “thưởng” đi.


Thằng này cá tính, rượu không chứa vào chai, uống không dùng chén. Cô bạn đi cùng mình rất ngán khi thấy “Khí cụ” trên chiếu rượu là 2 be sành rượu ngâm và 3 chiếc bát riêu gốm men nâu Bát Tràng. Uống rượu bằng bát là thói quen của dân cư ven Tây hồ xưa. Nghe nói vẫn có nhiều gia đình quanh chùa Báo Ân ở Quảng Bá vẫn giữ thói quen này.


Nhân nói về chùa Báo Ân cũng phải nói thêm kẻo nhiều người dễ nhầm. Chùa Báo Ân là chùa rất cổ. Tương truyền cao tăng Ngô Ân lúc đầu lập ra am thờ sau mở rộng thành chùa, nằm ở phía tây bắc hồ Dâm Đàm nay là đất Quảng Bá từ những năm 1030. Mãi đến khoảng năm 1835, vua Minh Mạng sắc chỉ đổi tên là chùa Hoằng Ân. Dân cư ở đây có lẽ vì những chuyện đất đổi sao dời như trên nên chẳng gọi chùa là Báo Ân tự, cũng chẳng gọi là Hoằng Ân tự mà gọi luôn là chùa Quảng Bá để khỏi lẫn với chùa Báo Ân ở ven hồ Gươm (nay không còn) hay chùa Báo Ân ở bên Dương Quang Gia Lâm.


Lại nói về thói uống rượu bằng bát, ở Hà nội có lẽ chỉ có dân vùng này. Trong “Tây hồ bát cảnh”, thi nhân Lê Vĩnh Hựu cũng nhắc đến “bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng cổ, Phật say làng Thụy chương sâm cầm rợp bóng”…


Dân 12 làng sành rượu. Ăn cá om Tây hồ phải uống với rượu kẻ Mơ. Rượu kẻ Mơ cất bằng nếp tốt, vị dịu, thơm có tiếng: “Rượu kẻ Mơ, cờ Mộ trạch” mà. Dân làng Thụy chương, Nghi Tàm, Yên Thái rót rượu ra bát cho mùi rượu chan hòa cùng gió, không gian ngát sen và nồng thơm hương nếp.


Trong hai cái be kia, một be là rượu nếp cái hoa vàng, một be là rượu ngâm sâm cầm. Ngày trước giống nếp cái Hà nội nổi tiếng khắp nơi. Giống này ở đất Thái bình, xứ Thanh hay kể cả Hải Dương cũng không bì được. Nhưng nay người đông, đất chật Hà nội gần như mất giống nếp hạt tròn ngon tuyệt này. Duy có Kinh Môn Hải Dương còn lưu được giống quý. Rượu cất bằng nếp cái hoa vàng cho mùi hương nồng nàn, êm dịu và ngọt hậu vô cùng. Càng uống càng thấy ngon và sảng khoái. Rồi đến độ nào đó sẽ thấy cảm giác phiêu bồng và say lúc nào không hay. Nhà Thành có gần chục chum nếp cái cỡ 50 lít xếp trong hầm nửa chìm nửa nổi đổ đầy trấu được tưới ướt hàng ngày. Rượu đãi bạn quý là loại rượu hạ thổ vài năm. Tôi từng có chục năm làm chủ nhà hàng, rượu tây vài chục loại đã từng dùng thường ngày nhưng thật sự thấy không thú bằng uống loại nếp cái hoa vàng 3 năm hạ thổ, ngồi ven hồ Tây mùa sen đang kì mở nhụy.


Còn một be nữa nhấc lên thấy nặng tay hơn là be ngâm sâm cầm. Đã từ lâu, sâm cầm khiếp sợ Hà nội không lấy hồ Tây làm chỗ trú. Hình bóng sâm cầm chỉ còn là hoài niệm. Nạn xây cất nhà cửa bừa bãi và kinh doanh nhà hàng khách sạn làm sâm cầm tránh hẳn đất đế đô. Giờ các loài chim di trú chỉ bay đến sinh sống ở vùng ngã ba sông Phú Thọ. Những người thích sưu tầm rượu ngâm thường lên trung du tìm mua sâm cầm cắt lấy chân đem sấy khô, ngâm rượu chứ không có chuyện rượu ngâm sâm cầm là giống sâm cầm của hồ Tây đâu. Giống chim quý này khi xưa là sản vật cung tiến vua. Chắc nó quý, bổ như thế và có gốc gác ở xứ nhân sâm Hàn Quốc nên có tên là sâm cầm chăng?

MXD