Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

MẶT TRÁI CỦA TẤM HUY CHƯƠNG FIELDS

Mai xuân dũng 27/8/2010


Huy chương Fields do Hiệp hội toán học Quốc tế (IMU) trao 4 năm một lần cho các nhà toán học có thành tích đặc biệt suất sắc của thế giới. Năm nay Hiệp hội đã trao huy chương danh giá này cho các nhà toán học từ Israel, Nga, và Pháp. Trong đó có hai nhà toán học Pháp là Cedric Villani và Ngô Bảo Châu. Chúng ta vinh dự và tự hào vì dù nhà toán học Ngô Bảo Châu mang quốc tịch Pháp được học và đào tạo tại trường Đại học Paris 6, Université Paris Sud với người thầy là giáo sư Gerad Laumon thì anh cũng là người Việt nam được lớn lên từ Việt nam và bắt đầu sự nghiệp từ trường thực nghiệm Giảng võ trước khi vào khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà nội.


Giáo sư Ngô Bảo Châu với tấm huy chương Fields – giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới là một vinh dự lớn đối với đất nước Việt nam chúng ta.


Có lẽ những gì nhà nước ta và truyền thông đã làm để tôn vinh anh đã quá đủ để nâng cao lòng tự hào dân tộc cho mỗi người Việt nam và nêu tấm gương sáng cho thanh niên Việt nam về tính hiếu học.


Như vậy có lẽ không cần phải nói thêm gì nữa về sự kiện này mà nên nói tới mặt trái của tấm huy chương Fields nhưng không phải là đối với giáo sư Ngô Bảo Châu mà nói về chúng ta, những cách tiếp nhận đối với sự kiện trên.


Bộ Giáo dục Đào tạo đã không làm những gì đáng phải làm khi tài năng Ngô Bảo Châu đã tỏa sáng trước đó với Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time của Mỹ bình chọn là “một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009″.


Thái độ dửng dưng của chúng ta chỉ chấm dứt khi nghe được những tin tức tốt lành về tương lai giải Fields sẽ chắc chắn trao tặng cho một người Việt nam là Ngô Bảo Châu.


Như để bù lại những gì được cho là “không phải” đối với một “tượng đài” toán học này chúng ta mới đồng loạt làm một chiến dịch bùng nổ truyền thông với sự khởi đầu là đoàn quan chức chính phủ do phó Thủ tướng-nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam Nguyễn Thiện Nhân chính thức đến thăm Giáo sư Ngô Bảo Châu tại nhà riêng. Cùng với những “tương tác” lạ kì là những công điện chúc mừng cấp nhà nước thiếu tinh tế ngoại giao cần có ở cấp ứng xử vĩ mô.


Tại sao khi chúc mừng Ngô Bảo Châu chúng ta không có lấy được một lời cảm ơn cho dù là “hình thức” với trường Đại học Université Paris Sud, nơi đã góp phần lớn công lao đào tạo ra một Ngô Bảo Châu tài năng cho ngành Giáo dục Việt nam?


Việc chúc mừng “ngoại giao” đó (nếu có làm) chỉ tăng thêm uy tín cho chúng ta chứ không làm giảm đi sự vinh quang và tự hào của chúng ta.


Những “ứng xử” cấp cao như đã biết làm mọi người có cảm giác khá rõ ràng về mục đích thỏa mãn nhu cầu thành tích và có lẽ tấm huy chương giờ đây trở nên quan trọng nhất ở chỗ: “chứng minh” cho toàn thế giới và đồng bào trong nước cũng như hải ngoại thấy được hướng đi đúng đắn và đẳng cấp đỉnh cao của Giáo dục Việt nam chứ không phải ở giá trị học thuật.


Nhưng tầm vóc của tấm huy chương Fields có đủ lớn để che lấp các bất cập nghiêm trọng của chúng ta trong Giáo dục không?


Tấm huy chương danh giá có khỏa lấp được các tiêu cực đáng xấu hổ về tham nhũng, vấn nạn mua bán bằng cấp tràn lan, quan chức tìm kiếm học vị giả bằng tiền ngân sách nhằm đạt được tham vọng về chức tước, bổng lộc trong ngành Giáo dục và xã hội không?


Tấm huy chương có thể thức tỉnh chúng ta trước đạo đức học đường đã trở nên suy thoái trầm trọng, bào mòn uy tín không riêng gì ngành Giáo dục mà còn làm tổn hại đến thanh danh đất nước không?


Tấm huy chương liệu có thể bào chữa cho một ngành Giáo dục lấy thành tích làm mục tiêu và những người đi học chỉ nhằm kiếm tiền cho cá nhân đã làm mất đi tính cao quý của giáo dục là đào tạo ra những người trí thức có năng lực sáng tạo và nhiệt tâm phụng sự nhân dân không?


Chúng ta hy vọng là có. Nhưng chỉ với Ngô Bảo Châu cùng tấm huy chương Fields và sự tung hô suông như trước đây chúng ta vẫn quen làm sẽ không bao giờ là đủ khi những người lãnh đạo nhà nước, Bộ Giáo dục vẫn không có đủ dũng cảm để nhìn nhận sự thật và quyết tâm xóa bỏ tiêu cực.


Đất nước chúng ta từng được bạn bè trên thế giới yêu mến và thừa nhận là đất nước của những con người Hiền lành Chất phác, Cần cù Thông minh. Nhưng ngày nay, đất nước của chúng ta lại được họ nhắc đến với những vụ tham nhũng khổng lồ, tệ nạn mua quan bán tước tràn lan của giới quan chức cấp cao và trở thành nước “xuất khẩu” ra nước ngoài tệ nạn hối lộ, buôn lậu và hành xử thiếu văn hóa.


Người Việt nam chúng ta đã từng được thế giới biết tới với những người thầy, những nhà khoa học nổi tiếng như GS Tạ Quang Bửu, GS Hoàng Tụy, GS Lê Văn Thiêm vv như là biểu tượng của trí thông minh và đạo đức Việt nam. Còn giờ đây khi xã hội đã bị nhiễm độc bởi căn bệnh hình thức, chúng ta phải đổi mới triệt để mới mong nhanh chóng giải độc và cùng nhau tiến lên phía trước.


Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn là một điểm tựa cho mọi cuộc cách mạng thành công. Ngô Bảo Châu cùng với tấm huy chương Fields đang là một nhân tố quan trọng, kích thích chúng ta. Nhưng chính lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo nhà nước cần có những nhân vật xứng tầm, đủ dũng lực và nhân cách để đặt đòn bẩy vào điểm tựa đó, nâng bổng Đất nước chúng ta lên ngang tầm các quốc gia văn minh, giầu mạnh trong khu vực và thế giới.

MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét