Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

LUẬT PHÁP THỤT LÙI


En try 31/10

Vụ kết án nhạc sỹ Việt Khang cùng đồng nghiệp Trần Vũ An Bình với tổng mức án 10 năm tù, 4 năm quản chế liên quan tới việc các anh tham gia trang Web Tuổi trẻ yêu nước và sáng tác hai ca khúc “Việt nam tôi đâu” , “Anh là ai” để lại cho mọi người yêu nước tình cảm vừa chua xót vừa bất bình.
Trước đây, nhà nước đã kết án nặng nề một số người yêu nước, phản biện như các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ…và nhiều người khác nữa với tội danh được gắn cho là vi phạm điều 79, 88 bộ luật hình sự. Nhưng gần đây với việc kết án các blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu cày), Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải và đến nay là hai nhạc sỹ Việt Khang, Trần Vũ An Bình cho thấy nhà nước bắt đầu “sờ đến” giới văn nghệ sỹ như một thông điệp răn đe cứng rắn.
Nhưng vấn đề là  “Xin hỏi anh, sao anh bắt tôi, tôi làm điều gì sai? Anh là ai sao không cho tôi xuống đường để tỏ bày?”
Nếu bắt và buộc tội các anh vì tham gia, lập hội Tuổi trẻ yêu nước thì chính những người quyết đinh bắt các anh phải bị  đưa ra tòa xét xử vì Theo qui định của điều 129 bộ luật Hình sự: “người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp thì có thể bị phạt tù tới 1 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 tới 5 năm”.
Luật pháp của chúng ta không thể  đi giật lùi khi ngay từ năm tháng 5 năm 1957, Hồ Chủ Tịch đã ký luật số 101/SL-L-003 qui định về quyền tự do hội họp. Luật này được cụ thể hóa bằng Nghị định số 45/2010/N Đ-CP, ngày 21 tháng 4 năm 2010 của chính phủ.
Như vậy theo qui định của Hiến pháp và luật số 101/SL-L-003 thì công dân Việt Nam có quyền tư do hội họp. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp của công dân.
Nếu bắt và kết án các anh về tội sáng tác 2 ca khúc đã nêu thì chính cơ quan công an và Tư pháp đã vi phạm điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Việt nam đã tham gia các công ước quốc tế trong đó có công ước nhân quyền mà sắp tới đây Việt nam đang vận động tham gia Hội đồng Nhân quyền thế giới.
Điều 19 của UNDP cũng bảo đảm rằng " Mọi người đều có quyền tự do biểu thị ý kiến và tự do ngôn luận của mình; quyền này bao gồm tự do giữ quan điểm của minh mà không bị quấy rầy..."
Sau hội nghị TW6, để lấy lại lòng tin của nhân dân đang bị mất quá nhiều, nhà nước không thể nói một đường mà làm một nẻo được. Vậy mà với bản án này, nhà nước đã làm trái với Hiến pháp, luật pháp mà nhà nước xây dựng nên.
Điều trớ trêu là hình như nhà nước bắt hai anh, trong đó Việt Khang sáng tác ca khúc có yếu tố phản đối Trung quốc xâm lược và hô hào: “Già trẻ, gái trai, giơ cao tay chống xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”.
Những ngôn từ đó thể hiện tâm tình yêu nước và phản ứng (bằng lời nói, chưa có hành vi) chống “kẻ nhu nhược bán nước”. Không những không thể kết tội người viết được mà lẽ ra là phải ủng hộ những câu từ như vậy, trừ khi, chính “kẻ nhu nhược bán nước” bị chạm nọc mà quay ra trả thù thì không nói làm gì.
Ta cũng không thể nói nhà nước nói chung, ngành tư pháp nói riêng không có sai lầm nhưng khi có sai lầm ta nên sửa như trước đây, nhà nước đã từng sai trong vụ Văn nhân-Giai phẩm. Tuy chưa công khai lên tiếng xin lỗi về những sai lầm trong vụ án Nhân văn-Giai phẩm của mấy chục năm về trước nhưng nhà nước đã sửa sai. Cái sai lớn như cải cách ruộng đất nhà nước còn dám xin lỗi và tiến hành sửa sai đó thôi.
Trong quá khứ thời thập nên sáu, bảy mươi ở hà nội có những người chỉ vì nghe nhạc vàng còn bị bắt bỏ tù, bây giờ khắp cả nước hát nhạc vàng và điều đó là đúng không có gì sai cả. Nhưng hồi đó là cái thời chúng ta còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng chống “nhạc màu vàng” của trung quốc những năm 1958. Chả lẽ đến bây giờ nhà nước vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng sai lầm lạc hậu của Trung quốc đến vậy hay sao?
Ở thế kỷ này thế giới đã thay đổi quá nhiều. Nhà nước cần thấy như Mianma còn biết phải cởi trói cho tự do ngôn luận để đất nước tiến lên, phát triển. 
Ở nước ta ngày trước Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có nói hai việc rất chân thành góp ý với nhà nước để củng cố khối đoàn kết dân tộc:
1. Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.
2. Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân trên đất nước, do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng.
Đến bây giờ hai ý đó cũng còn nguyên tính thời sự.

Mai Xuân Dũng

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

MỘT NGÀY HÀ NỘI

Entry 25/10/2012
Những bài viết về Hà nội từ cổ chí kim chưa có thống kê để biết rõ số lượng nhưng có thể nói là không ít. Khen lắm, chê cũng nhiều. 
Những người bị đám lưu manh đất thủ đô "ngược đãi" thì càng hận Hà nội. Kẻ chợ, Chợ Đồng Xuân, Chợ Giời là những địa danh được người ta quen dùng thay cho khái niệm "trộm cắp, móc túi" lừng danh ở đất kinh kỳ.
Nhưng chính những con người sống trên mảnh đất này đã góp phần không nhỏ làm cho một Hà nội từ chỗ thanh lịch một thuở đến nay là một Hà nội lộn xộn,bát nháo. Một thủ đô khổng lồ về vóc dáng qua các con số hợm hĩnh nhưng còi cọc thê thảm về văn hóa. 
Tuy vậy Hà nội không thể lẫn, không thể phai trong tâm trí những người con Hà nội. Ký ức Hà nội sẽ còn sống mãi, còn vang vọng mãi như tiếng pháo tết, thứ pháo Trúc bạch gói trong giấy bóng kính in hình con rồng, các ông bố  trân trọng lấy trên bàn thờ tổ tiên thơm lừng hương trầm xuống đem treo trên cây nêu đêm trừ tịch trước mâm cơm cúng trời đất.
Sẽ lại là sự khơi mào cho một cuộc bút chiến mới nếu cứ viết khen, chê về Hà nội. Trong entry này, người chụp ảnh nghiệp dư xin mời bạn vòng quanh Hà nội được ghi lại trong một đôi ngày cuối thu như kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Sự cảm nhận của bạn dù thế nào cũng sẽ được tôn trọng.       
Nói đến Hà nội phải nói về cầu Long biên (như khi nói về nước Pháp phải nhắc đến tháp Eiffel) được người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 mới hoàn thành mang tên Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương. Nay cây cầu vẫn được sử dụng và là điểm đến cho những người Hà nội hoài cổ.
Từ bên này lối đi sang Gia Lâm, bạn có thể quan sát qua thành cầu dòng người di chuyển bằng xe máy, xe đạp, đi bộ từ phía bên kia sông sang nội thành Hà nội. Bạn cũng nhìn thấy phía xa là cầu Chương dương. Cầu Chương dương hiện nay đang là chiếc cầu có lưu lượng ô tô xe máy qua lại rất lớn. 
Còn những người qua cầu Long biên như chị công nhân đang đạp xe kia không khác gì phiên bản của giai cấp công nhân tiền phong lãnh đạo đảng ta những năm chiến tranh phá hoại năm 1967 ở thủ đô. Nếu bạn muốn cảm nhận về sống chậm hãy thả bộ trên cầu Long biên và lắng nghe âm thanh Hà nội vang vọng từ trong nhịp vỗ của các bước chân trên cầu.


Qua sông sang bên này thành phố là bạn đã có mặt trong khu nội thành. Qua phủ toàn quyền cũ, vườn hoa Tao đàn rồi khách sạn Metropol nổi tiếng, đây là nơi thanh niên tứ xứ ưa thích chọn làm nơi ghi lại hình ảnh một thời yêu đương nồng thắm.  
 




Các sinh viên Mỹ thuật hay lui tới nơi này để thực hành những bức vẽ của mình.
Người Hà nội yêu hoa. Chính vì thế ngoài những shop hoa tươi nhan nhản khắp nơi còn có khá nhiều người nghèo bán hoa rong chở hoa bằng xe máy, xe đạp, gánh gồng trên khắp các nẻo đường Hà nội. Cuộc sống của họ là cuộc vật lộn với áo cơm nhờ hoa tươi và những tấm lòng yêu hoa Hà nội.
Cô sinh viên trường Mỹ thuật này ở một miền quê nào đó nhưng có lẽ với con mắt người chụp ảnh, cô xứng đáng là một bông hoa tô điểm cho thủ đô thêm màu sắc.
 
Cầu Thê húc nhìn từ phía tòa thị chính thành phố dầm chân trong làn nước in bóng mặt hồ như một nét son môi cho khuân mặt Hà nội thêm thanh tú.


Những cao tăng thoát tục cũng bị cảnh sắc hồ Gươm thu hút.
Anh chàng bán sáo trúc khiếm thị đang thử sáo cho khách bằng một điệu thức phương nam: Dạ cổ hoài lang. 
Các bậc cao niên duy trì sức khỏe và tìm cho tuổi già đơn bóng của mình các sinh hoạt như thế này. Có lẽ các biên đạo múa sẽ phải suy nghĩ nhiều về nhạc nền và vũ đạo như trong ảnh. Người nước ngoài dừng chân ngắm nghía mỉm cười: Wow, so funny.
Cô sinh viên mỹ thuật có lẽ hài lòng với bức phác thảo của mình  và đang khoe tác phẩm với đồng nghiệp. Nụ cười của cô như phút lóe sáng hiếm hoi về Hà nội.
Bên kia bờ hồ, chỉ chưa đầy vài trăm mét là bạn đã đứng trước nhà thờ Lớn hà nội, nơi đây đã in dấu một thế kỷ những thăng trầm của đạo Công giáo Việt nam thu nhỏ.
Một buổi sáng thường nhật, các cô học sinh của các trường quanh đó đến đây dạo chơi và chụp ảnh bằng chiếc điện thoại đa chức năng.
Ngôi đền cổ trên đường Đinh Tiên Hoàng nhìn ra hồ gươm. Nơi Phật Pháp ở ngay lề đường có vẻ nhập thế một cách miễn cưỡng khác với tiêu chí xuất thế của nhà Phật.
Nhắc đến Hà nội cũng không thể quên không có vài dòng về các cuộc biểu tình chống Trung quốc nổ ra cả tháng trời những ngày hè nóng cháy năm 2011.
Và những ngày hè 2012, các cuộc biểu tình lại tiếp diễn phản đối các hành động xâm lược của Bắc kinh. Chính quyền Hà nội ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng cách thức đàn áp thù hằn với nhân dân chứ không đúng với chức năng duy trì trật tự.
Các cháu học sinh "tình nguyện làm hàng rào sống" bảo vệ sứ quán Trung quốc trên đường Điện biên phủ. Chắc trong tương lai các sinh viên này sẽ không thể quên những kỷ niệm buồn ê chề trong cuộc đời sinh viên của mình khi chọn chỗ đứng đối mặt với nhân dân và chứng kiến những gì đã diễn ra.



Chàng nhân viên quay phim của đài truyền hình Hà nội đang ghi hình cố điếc trước thái độ bất bình của người biểu tình. Họ bất bình không phải vô cớ khi truyền hình Hà nội đã nhiều lần tỏ ra không khác gì là một "bộ phận không thể tách rời" của nhà đương cục Trung quốc.


Các phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp trong cuộc biểu tình ngày 1/7/2012. 
Trong mắt của nhà cầm quyền các phóng viên này hình như là "các thế lực thù địch nước ngoài" thì phải.
Hà nội có vài khu vực như đường Phạm Hùng trong ảnh rất có nét của những thành phố ăn nên làm ra.
Khu đô thị Nam Thăng long Ciputra, nơi dưỡng thân của những người lắm tiền và quyền.
Các khu nhà cao tầng mọc lên chạy đua với thời gian từ những năm bùng nổ chứng khoán, bùng nổ giá nhà đất 2007.


Tháp Kengnam 65 tầng, một trong những building cao nhất Việt nam như một chiếc cọc bê tông bọc kính ngạo nghễ đang hoàn thiện nốt những phần còn lại và đang được đưa vào sử dụng
Những biệt thự của các quan chức đại gia tìm được nơi đẹp nhất cả về cảnh quan lẫn phong thủy mọc lên như nấm sau mưa.
Đu quay mô phỏng vòng xuyến London trong khu công viên nước Hồ Tây.
Và con đường Hàn Quốc ven hồ, nơi đủ thơ mộng và tĩnh lặng cho những cặp tình nhân tìm đến thả hồn say đắm.


Con đường Ven hồ là con đường thơ mộng để thả bộ và ngồi hóng gió trong những ngày không có mùi cá chết quấy rầy khứu giác của bạn.
Hà nội-Hồ Tây gợn sóng mùa thu còn là nơi cho thấy những mảnh đời vụn, tăm tối, bế tắc.


Nạn nghiện hút tiêm chích làm băng hoại đạo đức vẫn là nỗi nhức nhối không thể loại trừ. Tại sao không thể loại trừ tệ nạn này là câu hỏi vừa dễ vừa quá khó cho những ai muốn tìm hiểu.


Nghề xe ôm, nghề mộc rong và nhiều nghề lạ khác ở đây là nghề kiếm cơm ngày càng gia tăng về số lượng ở hà nội. Họ là thương binh, bộ đội giải ngũ, công nhân xây dựng mất việc...


Những phụ nữ không biết làm nghề gì và có thể làm bất cứ nghề gì quanh hồ Thiền quang là một con số không nhỏ. Chị ấy đang phục hồi sức khỏe sau một đêm trắng lấy hè phố làm nhà, ghế đá làm giường.
Các cháu học sinh trốn trường ra đây ôm ấp tâm tình nhan nhản khắp nơi ven hồ bất chấp người qua kẻ lại.
Nụ cười của ai, khuân mặt của ai mà sao ngạo đời làm vậy, ngô nghê làm vậy khi câu cá và lặn ngụp trong công viên?
Các cháu học sinh sinh viên, thế hệ của tương lai Việt nam, thế hệ xây dựng thủ đô hà nội hầu như không còn các dấu chỉ cho một nền giáo dục trọng tình máu mủ ruột già, gia đình và các giá trị truyền thống. Họ được dạy nhiều về chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng và ngày đêm gạo chữ cho một chiếc ghế ngồi ra tiền trong tương lai đất nước.
Hà nội chẳng là gì nếu bạn quên không nhắc đến các anh, những anh hùng Núp thời đại, CSGT nhưng luôn đi kèm An ninh, thanh niên cờ đỏ tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng 141 đè bẹp bất cứ sự phản kháng nào của bọn nhân dân tham gia giao thông. Chớ chụp ảnh các anh. Các anh không thích ảnh.
Các dòng sông không hề chảy là hình ảnh cuối cùng của Hà nội.
Hà nội đã huy động sức mạnh của cả bộ máy chính trị để làm nên một Hà nội như thế đó.
Một ngày bằng hình của Hà nội là như vậy, nó không rực rỡ cũng không quá ảm đạm. Nó chỉ đen tối như hết ngày phải có đêm và qua đêm trời sẽ sáng.
Nhưng bạn đừng mất hết hy vọng, hoa tường vi đã không còn nở như thế này nhưng vũ trụ sẽ đè nát những gì cản trở vòng quay của nó. không có cái gì tồn tại mãi. Lịch sử đã chứng minh như vậy.

Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Một Viễn Tượng Chuyển tiếp Dân Chủ Ở Việt Nam

Khải Minh
Qua quan sát các diễn tiến chính trị trên thế giới trong khoảng nửa thế kỷ qua, các mô thức chuyển tiếp dân chủ đã xảy ra thường là: Cách mạng, đảo chính, thương thảo đàm phán giữa các lực lượng chính trị cũ mới, hay những thay đổi tiệm tiến thông qua cải cách của chế độ độc tài (quân sự hay toàn trị…) hợp tác với các lực lượng chính trị khác trong nước, cùng tất cả các hệ quả phát sinh của từng mô thức có thể cực kỳ khác nhau tại các khu vực hay quốc gia khác nhau.

Diễn biến dân chủ tại Việt Nam sẽ theo mô thức nào? Sẽ thuộc một trong các mô thức cổ điển (đã diễn ra) hay sẽ theo một mô thức hoàn toàn mới? Hay sẽ không bao giờ xảy ra vì sẽ bị xóa tên và sát nhập vào Trung Quốc? Đến nay, tất cả mọi khả năng đó vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ cho Việt Nam. Nhưng đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập tới một số vấn đề cơ bản trên giả định lạc quan rằng Diễn biến dân chủ ở Việt Nam sẽ tiến tới thời điểm chuyển tiếp (transition) giữa chế độ cũ và chế độ dân chủ mới đang hình thành.

Rất ít các trường hợp diễn biến dân chủ thành công mà không tạo ra sóng gió, chao động xã hội trong mọi chiều trong một thời gian. 

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là các rối ren xã hội trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển tiếp dân chủ là nguyên nhân chính của các thất bại sau đó. Cũng vậy, các khó khăn trong việc quản trị các yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng quá mức của xã hội trong thời gian đầu cũng không phải là nguyên nhân chính của các sự thất bại dân chủ hóa. Nguyên nhân chính của các cuộc Diễn biến dân chủ (đã tới giai đoạn chuyển tiếp) bị thất bại hay bị trì trệ thường là do thiếu khả năng cải cách và xây dựng nhanh chóng các cơ cấu dân chủ trong cấu trúc công quyền tân lập, hoặc sự thiếu quyết tâm của giới lãnh đạo để tiến hành dân chủ hóa, hoặc các mâu thuẫn chính trị nội tại trong chế độ tân lập.

Quản trị các hệ quả của việc thay đổi cấu trúc chế độ.

Vấn đề gai góc cơ bản trong sự chuyển tiếp từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ là việc quản lý sự thay đổi cấu trúc mà trước đó, toàn thể xã hội chỉ dựa lên một cột chống duy nhất, hoặc là giới quân đội trong các chế độ độc tài như Philippines hay Indonesia, hoặc là Đảng Cộng sản như trong trường hợp Việt Nam. 

Nhưng trong trường hợp Việt Nam, vốn bị cai trị dưới chế độ cộng Sản lâu dài dưới một chính quyền có cơ chế phản tự do, phi dân chủ và hoàn toàn bị kiểm soát trong các thiết chế do Đảng Cộng sản lập ra thì không thể thực hiện dân chủ trong xã hội nếu không có các thay đổi căn bản và có hệ thống.

Dĩ nhiên các cơ chế dân chủ sẽ được xây dựng trên nguyên tắc tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) với hệ thống kiểm tra và quân bình quyền lực sẽ được lắp đặt thông qua luật lệ hay cấu trúc quản trị như hệ thống hành chính hay các cơ quan công quyền phụ trách quản trị xã hội.

Như vậy những cá nhân lãnh đạo và làm việc trong hệ thống quản trị xã hội tân lập cần phải ý thức sâu sắc về sự vận hành của cơ chế tân lập, qua đó, quyền hạn hành xử công vụ và tiến trình làm quyết định sẽ thông qua ba cơ chế hành pháp tư pháp độc lập và công khai, với sự giám định, kềm chế lẫn nhau chứ không còn lệ thuộc vào một trụ cột lãnh đạo như đảng cộng sản theo kiểu chỉ đạo từ Bộ chính trị hay họp kín lấy quyết định trong chi bộ như trước nữa. Thêm vào đó, cơ chế tân lập nhằm đảm bảo an ninh và công bằng xã hội cho mỗi người dân chứ không phải là lý cớ để tạo ra một bộ máy hành chính thư lại cồng kềnh và kém hiệu năng.

Nhưng cũng thông qua quá trình chuyển biến sẽ trỗi lên nhiều lực lượng chính trị.  Các lực lượng phe nhóm đã tham gia vào công cuộc đấu tranh cần phải có khả năng thống nhất về quan điểm phân quyền, để góp phần xây dựng xã hội mới theo mô thức dân chủ thay vì chống đối nhau trên căn bản chia chác quyền lực quyền lợi, rồi từ đó nêu ra đòi hỏi phải lắp đặt thêm nhiều cấu trúc công quyền hữu danh vô thực chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu "trả nợ công thần cách mạng". Vấn đề này nói qua nghe chừng rất ngắn gọn và đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều vì nhiều cuộc cách mạng dân chủ đã đổ bể hay trì trệ ở ngay giai đoạn chuyển tiếp chỉ vì nhiều cá nhân thấy “công lao, đóng góp” của mình quá lớn so với những “quyền lực, danh vọng” của mình đạt được. Vì vậy viễn tượng dân chủ sẽ càng xán lạn nếu có nhiều người đấu tranh hôm nay coi việc đóng góp, hy sinh đã là một vinh hạnh chứ không phải là một bước đặt chân vào quyền lực tương lai.

Ngoài ra, có một điểm chính yếu nữa là các thành phần chính trị cầm quyền cần giữ vững lập trường xem trọng những khác biệt quan điểm trên toàn xã hội như một cơ hội thăng hoa sáng kiến, cung ứng cho xã hội một sự lựa chọn với nhiều giải pháp, thông qua tuyển cử các nhân vật lãnh đạo, đầu phiếu tại nghị trường cho các bộ luật, thay vì xem hình thái khác biệt quan điểm là dấu hiệu của rối loạn, rồi thực thi các biện pháp khống chế, giới hạn, vô tình hay cố ý đưa đến các hậu quả áp đặt phi dân chủ nhằm loại bỏ hay làm suy yếu các đối thủ - nguy cơ đưa xã hội vòng trở lại độc tài.

Một vấn đề cấu trúc hậu kỳ nữa là việc hội nhập cấu trúc công quyền cũ vào cấu trúc tân lập. Đây cũng là vấn đề lớn nhằm tiết kiệm chi phí, gánh nặng đóng góp của người dân, nhưng cũng cần có những quan tâm đúng mức để sự hội nhập không dẫn đến các mâu thuẫn, va chạm xã hội không cần thiết trong các vấn đề nhân dụng.

Kết quả Diễn biến dân chủ cũng bị ảnh hưởng tuỳ thuộc vào việc ứng phó với các cơ chế toàn trị của xã hội cũ. Nhanh chóng ly khai với bộ máy toàn trị cũ rất cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa. Trong trường hợp Việt Nam, cần phải được tháo gỡ tức khắc những gì thuộc về:

1/ Xây dựng chính danh cho chế độ toàn trị đã được cài đặt trong pháp chế cũ, bắt đầu từ Hiến Pháp cho đến tất cả các luật lệ, qui định. 
2/ Toàn bộ hệ thống quản trị của Đảng Cộng Sản đan chéo vào các cơ quan công quyền và quân đội, cùng với 
3/ Toàn bộ các bộ phận trực thuộc bộ máy an ninh, công an dùng để thực hiện việc khống chế, trấn áp xã hội.

Tuy nhiên thực hiện điều trên đây không có nghĩa là trấn áp, tù đày hay tiêu diệt nhân sự của đảng CSVN hay của các cơ quan an ninh, công an của chế độ CSVN.  Ngược lại toàn bộ số nhân sự này cũng nhất thiết phải được đối xử như một pháp nhân bình đẳng trước pháp luật trong nền pháp chế tân lập.

Tuy thế, hẳn nhiên là sẽ có sự đề kháng từ các thành phần này, sẽ liên kết với các thành phần trung thành cũ, vì lo sợ bị ảnh hưởng, xâm phạm đến an sinh cá nhân như cựu chiến binh, công chức, đảng viên hưu trí,v.v. Nhưng điều này cũng không phải là lý do gây ra thất bại nếu trong xã hội có đủ lực lượng công chúng cương quyết thực thi dân chủ để làm đối trọng, để kềm chế, làm an tâm các bất an, nghi kỵ và hóa giải các nỗ lực phá hoại.

Vượt qua các khó khăn của việc thiếu kinh nghiệm thực thi dân chủ

Có thể nói Việt Nam có rất ít kinh nghiệm về thực hiện dân chủ mặc dù trong nhiều năm qua các trao đổi về vấn đề dân chủ trong khối quốc dân toàn quốc cùng những người Việt ở hải ngoại đã tạo nên một số căn bản, ít nhất là trong một số khái niệm căn bản về cơ cấu, thực thi, và ích dụng của một cơ chế chính quyền dân chủ.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay thì chỉ có người dân ở miền Nam mới được biết bằng thực tế và được hưởng thực sự dân chủ. Tuy vậy, thể chế dân chủ tại Miền Nam trước 1975, trong khoảng thời gian hai mươi năm dưới một chính thể dân chủ còn rất non trẻ, nhiều khiếm khuyết, và vừa bị phá hoại liên tục, lại luôn bị gián đoạn từ sau cuộc chính biến 1963 lật đổ nền đệ nhất cộng hoà dưới quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm để sau đó thay thế và kế tục bằng nền dân chủ đệ nhị cộng hoà với các chính phủ nặng ảnh hưởng của giới quân nhân. Ngoài ra trong chiến tranh Việt Nam đã có các nỗ lực quyết liệt phá hoại chính quyền dân chủ tại Miền Nam Việt Nam do chế độ cộng sản Miền Bắc phát động, và sự khuynh đảo của các thành phần cộng sản và thân cộng sản. Do đó, cùng với thời gian 37 năm qua phải sống dưới chế độ cộng sản và một số lớn trí thức miền Nam đã di cư ra nước ngoài, những gì còn ghi nhận được trong tâm trí người dân Miền Nam về dân chủ còn rất ít và cũng chỉ có rất ít ích dụng thực tiễn trong việc xây dựng một thể chế dân chủ tân lập hậu cộng sản, ngoại trừ sức đề kháng chính quyền độc tài vẫn còn và cùng đang tăng lên với nhân dân Miền Bắc hiện thời.

Các thử thách bao gồm việc cởi bỏ tâm lý người dân vốn đời sống thường đã bị Cộng sản lâu đời khống chế và chi phối toàn diện, với hệ quả là xã hội quen với kiểu làm ăn và sinh hoạt tránh né các quan hệ với chính quyền hoặc thậm chí tìm cách móc ngoặc hối lộ để tìm các lợi thế. Ngoài ra, phần đông dân số còn nuôi nhiều tâm lý sợ hãi. Sợ hãi phải tự bươn chải kiếm sống trong thị trường lao động và kinh doanh tự do, sợ hãi khi thực thi quyền tự do ngôn luận, phát biểu, bày tỏ quan điểm hay phê bình chỉ trích công khai các nhân sự, cơ quan chính phủ thì sẽ bị trù dập, trả thù, sợ hãi bộ máy an ninh cảnh sát và tư pháp khi giải quyết các tranh chấp và khiếu tố các bất công dân sự và xã hội,...

Mặt khác, có một thử thách khác là sau 70 năm dưới chế độ độc đảng và toàn trị, xã hội sẽ không có kinh nghiệm sinh hoạt lành mạnh trong một môi trường cạnh tranh chính trị đa nguyên. Cho nên sẽ dễ phát sinh ra các xu hướng nhân danh sinh hoạt dân chủ mà thực tế là gây ra nạn kéo bè kết cánh để loại trừ nhau giữa các thế lực nội bộ một nhóm, một đảng phái chính trị hay giữa các nhóm, các đảng phái chính trị với nhau tạo nên một hình thái manh mún ba người năm đảng hay chia rẽ phân liệt.  Hậu quả là công chúng sẽ chán ghét và xa lánh các sinh hoạt chính trị. 

Điều này từng xẩy ra trong một thời gian dài trong các cộng đồng người Việt nam tại hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ mặc dù chính họ là các nhân tố đã có ít nhiều kinh nghiệm bản thân về chế độ dân chủ tại Miền Nam Việt Nam, họ vẫn không tránh khỏi các khiếm khuyết về kinh nghiệm khi bỗng chốc được sống ngay trong một môi trường lạ lẫm nhưng hết sức tự do tại hải ngoại trong khi đi tị nạn cộng sản, khiến nhiều tác nhân đã có các lầm lẫn tai hại giữa quyền hạn và nghĩa vụ dưới một chính thể dân chủ mở rộng tại Hoa Kỳ, khiến gây ra nhiều mâu thuẫn nội tại hơn là cùng nhau tìm được cách hóa giải các vấn đề mà họ muốn giải quyết. Ở đây tạm không nói đến các tác nhân phá hoại chủ động do Đảng Cộng sản từ trong nước điều khiển. Kết quả là sự phân hóa xẩy ra trầm trọng đến độ nhiều người dân trong các cộng đồng này cho đến nay vẫn còn né tránh các sinh hoạt chính trị, bao gồm cả các sinh hoạt dòng chính trong xã hội Hoa Kỳ.

Do vậy, trong trường hợp Việt Nam, thiếu kinh nghiệm quá khứ trong việc xây dựng các cơ cấu dân chủ cũng chưa hẳn là vấn đề nan giải nhất vì các kinh nghiệm (ít ỏi) này, nếu có, cũng sẽ chẳng mang lại nhiều ích lợi cụ thể ngoài các tác động tích cực lên yếu tố tinh thần và nhận thức của công chúng.

Những điều nêu trên đây cũng sẽ khiến cho Việt Nam phải đối phó với các khó khăn tương đối trong việc xây dựng các cơ cấu dân chủ và khuyến khích người dân tham gia vào các cơ chế này một cách năng động. Tuy nhiên Việt Nam cũng có ít nhất hai lợi thế (công cụ) để hóa giải các khó khăn đó. Thứ nhất, nguồn trí tuệ của các chuyên gia có gốc gác Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn cá nhân về các cơ chế dân chủ tại hải ngoại và các học giả, nhà nghiên cứu (cả trong và ngoài nước) thiết tha với dân chủ trong mấy chục năm qua sẽ giúp ích không ít trong vệc đề nghị các giải pháp xây dựng các cơ cấu của cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với một cơ cấu kinh tế tự do thích hợp. Thứ hai, lịch sử Việt Nam có thể cung cấp một số tấm gương, bài học có những tương đồng với tinh thần tôn trọng dân chủ tự do (theo ý niệm hiện đại) để quảng bá và khuyến khích người dân tham gia vào các tiến trình thực thi dân chủ như bầu cử và hành xử các quyền tự do căn bản sẽ giúp cho người dân dễ dàng thiện cảm và tự tin hơn trong các sinh hoạt thực hành dân chủ từ đó việc tiếp cận của toàn xã hội với cơ chế dân chủ dưới các hình thái cập nhật đương đại sẽ thuận lợi hơn.

Thành lập cơ cấu kiểm tra dân chủ đối với cơ chế công quyền đặc biệt là quân đội và ngành an ninh và trị an.

Những thành phần, bộ phận thuộc quân đội và thuộc bộ máy an ninh trị an của chế độ cộng sản vẫn có thể tham gia và có những đóng góp tích cực trong suốt quá trình chuyển biến dân chủ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cơ chế hoạt động tùy tiện, bạo lực của các bộ máy, thành phần này sẽ được lưu dụng hay được đối xử ưu đãi hơn trong hậu kỳ xây dựng cơ chế dân chủ tân lập.

Nhân sự thuộc các thành phần này dĩ nhiên sẽ có ưu tiên hội nhập hay lưu dụng vào cơ chế mới, nhưng cũng phải thông qua quá trình tái huấn luyện chung cho toàn bộ nhân sự còn được lưu dụng để tạo ra một môi trường làm việc và sinh hoạt trật tự và có kỷ luật với nguyên tắc và trong tinh thần dân chủ. Thêm vào đó, việc tái huấn luyện này cũng giúp giảm thiểu các trì trệ cố ý, và những đề kháng thuộc xu hướng "ngựa quen đường cũ". 

Như trên đây đã có đề cập qua, tất cả các cơ chế độc đoán, bí mật, trấn áp đã được lắp đặt trong hệ thống quân đội hay an ninh cũ nhằm vào mục đích bảo vệ, củng cố chế độ toàn trị cần phải được nhanh chóng tháo bỏ. Và để bảo đảm các bộ phận còn lại của quân đội và an ninh vận hành đúng đắn, nghiêm minh trong cơ chế dân chủ tân lập, nhất thiết phải có bộ máy thanh tra mà cấu trúc tổ chức phải có tính thượng tôn tinh thần dân chủ pháp trị để ngăn ngừa mọi trường hợp lạm quyền, ngược đãi hay trả thù.

Và như mọi cơ chế dân chủ phổ thông khác trên thế giới, nhân sự thuộc quân đội, an ninh và trị an sẽ hành xử nhiệm vụ của mình luôn luôn một cách thống nhất, đặt dưới quyền hạn trực thuộc của các viên chức dân tuyển (Tổng thống, tỉnh trưởng, quận trưởng là các viên chức chính quyền được bổ nhiệm thông qua dân tuyển ...)  Ngoài ra, bộ máy thanh tra kể trên còn có trách nhiệm về mặt qui định và chế tài để bảo đảm tính vô tư trong khối nhân sự của chính quyền là không có sự lạm dụng chính trị thuộc quân đội hay trong bộ máy an ninh, trị an. Các quan chức lãnh đạo quân đội, an ninh trị an cũng như tất cả các nhân viên công quyền khác, tuyệt đối không được phép dùng phương tiện công quyền hay tư nhân để quảng bá sự ủng hộ cá nhân hay tập thể đối với một phe phái chính trị nào, kể cả phe đương quyền. Ngắn gọn lại thì bộ máy cảnh sát, an ninh và quân đội phải được phi chính trị hóa tuyệt đối, tất cả chỉ phục vụ tổ quốc và nhân dân.

Việc thành lập bộ máy kiểm tra và thanh tra trực thuộc cơ chế tư pháp và toà án, đặc phái công vụ dưới các ngành công quyền liên hệ, với đầy đủ thẩm quyền hành xử nhiệm vụ độc lập không lệ thuộc vào hệ thống chỉ huy hàng dọc của ngành công tác thì sẽ có tinh minh bạch trong một cơ chế công quyền dân chủ. 

Và trong khi chuyển hóa từ một chế độ toàn trị cộng sản lâu đời với nhiều hệ lụy di căn trầm trọng về nhũng lạm, tham ô, lộng quyền ...thì công việc này cần phải nhanh chóng thực hiện với ưu tiên cao nhất.

Thực hiện các cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên

Khi xã hội đã bắt đầu vãn hồi trật tự tối thiểu, hệ thống quân đội, an ninh trị an đã tạm thời ổn định thì cũng là lúc cuộc Diễn biến dân chủ nên tiến hành các cuộc tuyển cử thực sự tự do đầu tiên. 

Thử thách về thời điểm tổ chức là nếu những cuộc tuyển cử xẩy ra sớm quá, thì dân tình chưa được ổn định, đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, và những thành phần xã hội khác cũng chưa đủ thời giờ chuẩn bị để cùng toàn dân tham gia.  Mặt khác, các việc tổ chức tuyển cử quá sớm cũng giống như tạo ra một sân chơi không bình đẳng theo đó các phe nhóm chính trị có thực lực mạnh hơn có thể áp lực khuynh đảo những kết quả bầu cử, khiến xã hội sau đó sẽ phải sinh hoạt trong một môi trường chính trị khá phiến diện, đơn điệu.

Tuy không có một ghi nhận nào trước đây về ảnh hưởng tốt xấu của việc tổ chức tuyển cử sớm hay muộn trong một cuộc Diễn biến dân chủ, nhưng những lợi ích thực tiễn của việc tổ chức các cuộc tuyển cử hay trưng cầu dân ý (để kiện toàn hay ban hành một hiến pháp mới tiếp theo sau bằng các cuộc tuyển cử) qui định bởi bản hiến pháp dân chủ một cách đúng lúc là một trong những việc thiết yếu nhằm kiện toàn nền móng dân chủ. Các sự kiện này sẽ giúp thống nhất ý chí quốc gia trong toàn dân và ngăn ngừa được những ý đồ phá hoại.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi toàn bộ cơ cấu chính quyền của Việt Nam đã được đặt dưới cấu trúc quản trị kiểu cộng sản rất lâu, theo đó, bộ máy công quyền gồm tất cả cơ chế lập pháp, hành pháp tư pháp đều đã bị cài đặt theo hệ thống tập quyền cực độ. Bên cạnh đó, gần như song lập và song hành trên mọi cấp độ, lại là một hệ thống quản trị cực quyền khác là cơ chế Đảng, lại có nhiều quyền lực hơn để khống chế hệ thống công quyền. Các thay đổi vá víu và chắp nối trong cơ chế công quyền trong thời kỳ “đổi mới” từ năm 1986 đến nay để gọi là bổ sung cho việc quản trị cơ chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã chứng tỏ không giúp ích gì khác hơn là phát sinh thêm vô số những tròng tréo rối ren cho cấu trúc chính trị và tạo thêm cơ hội cho những kẻ đục khoét, phá hoại quốc gia nặng nề hơn.

Cho nên những cuộc tuyển cử, bắt đầu bằng việc tổ chức một cơ chế quốc dân đại biểu lâm thời, để thông qua một bản hiến pháp mới là một nhu cầu bức thiết. Tuy vấn đề mở rộng để bao gồm tất cả các thành phần chính trị quốc dân trong cơ chế đại biểu quốc dân lâm thời trên đây là rất cần thiết, điều cần lưu tâm là các thành phần lãnh đạo phong trào dân chủ cần phải giữ quân bình trong khi thương lượng các điều kiện tham gia với tất cả mọi thành phần chính trị, để bảo đảm bản hiến pháp tân lập là một bản hiến pháp trung thực phản ảnh ý chí độc lập, dân chủ của quốc dân với các cơ chế hành pháp, lập pháp và tư pháp phân lập, có kiểm tra, có quân bình quyền lực thực tiễn.

Thanh lý các bất công trong quá khứ

Cơ chế toàn trị độc đảng của Việt nam hẳn nhiên khi trải qua một Diễn biến Dân chủ sẽ phô bày toàn bộ những bất công dồn lại từ gần hoặc trên 70 năm. Trách nhiệm thanh lý các bất công này không phải là nhỏ. Các quyết định hành chính, tư pháp liên quan đến việc thanh lý bất công trong quá khứ sẽ là một thử thách chính trị cho quyền lực của chế độ dân chủ và cho cơ chế công quyền tân lập trong việc thực thi công lý dân chủ. 

Xử lý bất công bao gồm việc xác định, kê khai, tổng hợp và xử lý tư pháp đối với các cá nhân, đoàn thể, tổ chức phe nhóm đã vi bội quyền lợi quốc gia, đã bức hại công dân trong quá khứ, và việc đánh giá, giải quyết các thiệt hại về quyền lợi quốc gia, công dân. 

Nhiều cuộc Diễn biến Dân chủ gần đây trên thế giới đã nhanh chóng đưa các cá nhân lãnh đạo chế độ cũ ra toà xét xử. Việc này thường được công chúng nhất thời hoan nghênh cao vì tạo được tâm lý là công lý được nhanh chóng thực thi. Nhưng thủ tục tố tụng gấp gáp, bên cạnh việc bất khả thi đối với những trường hợp các cá nhân có trách nhiệm trong chế độ cũ đã đào thoát và việc dẫn độ có thể gặp khó khăn, trì trệ, có khi nhiều năm, có thể dẫn đến kết luận không chính xác thì lại sinh ra phản tác dụng đối với niềm tin của công chúng về năng lực của ngành tư pháp mới và chế độ dân chủ tân lập.

Ngoài ra, việc loại bỏ một số lớn các nhân viên thừa hành trong hệ thống quốc doanh cũ cũng có thể tạo nên thử thách cho chính quyền mới vì thiếu nhân viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm chuyên môn hay kỹ năng trong công việc thường nhật.

Trên hết, là xử lý các thiệt hại đã gây ra cho quốc gia và công dân trong quá khứ.  Trong nhiều trường hợp, các khó khăn về thủ tục tố tụng trong chế độ dân chủ lại nằm ở chính tính chất chi li hơn, thận trọng hơn của dân chủ nhằm bảo đảm công lý được áp dụng bình đẳng với mọi pháp nhân, kể cả đối với các nghi can. Điều đó chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn cho chế độ dân chủ tân lập về thời gian, nghiệp vụ và công quỹ. Các khó khăn mặt khác sẽ còn nhiều và phức tạp hơn khi muốn truy tìm và thu hồi tài sản bất chính tại ngoại quốc.

Nhưng cũng không thể tuyên bố bỏ qua quá khứ để hướng đến tương lai theo kiểu tuyên truyền phiến diện. Những tồn đọng về lịch sử, tâm lý và những mất mát thiệt hại hữu hình về con người và vật chất trong quá khứ đối với toàn bộ các thành phần người dân gộp lại thường quá lớn, chưa kể một tâm lý trông ngóng công lý quá nóng bỏng của dân chúng, để chính quyền mới có thể bỏ mặc, hoặc thanh lý theo kiểu đáp ứng từng phần, nhỏ rọt.

Phần lớn các khó khăn trên sẽ phải được giải quyết bằng những quyết định trên mặt chính sách và hành chính được hỗ trợ bằng các phương tiện tố tụng tư pháp cùng với việc áp dụng các luật lệ ban hành thông qua ngành lập pháp đặt định riêng biệt cho một trương mục: thanh lý bất công.

Nói đơn giản hơn, là quốc gia thông qua các cơ quan lập pháp và hành chính sẽ đưa ra các chính sách, luật lệ về thanh lý bất công, và bộ máy tư pháp sẽ xây dựng một cơ chế đặc biệt phụ trách và công bố kết quả tác dụng của chính sách này nhằm tạo được sự an tâm trong công chúng rằng công lý sẽ được thực hiện đến kỳ cùng, trên mọi mặt nhưng cũng cần phải khẳng định việc thực hiện công lý là nhằm để ổn định xã hội, xây dựng một tinh thần công bằng chứ không phải hướng tới sự trả thù, làm thỏa mãn tâm lý cay nghiệt. Nhưng các công việc này do được tổ chức độc lập với cơ chế đặc nhiệm, sẽ không ảnh hưởng đến bộ máy công quyền và sinh hoạt quốc dân trong đời sống hàng ngày phải đương đầu với các khó khăn với những điều tiết, thay đổi trong cơ chế dân chủ mới. Đồng thời với một hệ thống báo chí tự do và quyền ngôn luận tự do được tôn trọng, mọi ý kiến, quan điểm, triệt để cũng như trung dung, cực đoan cũng như nhân từ, sẽ đều được bày tỏ trên công luận sẽ mang lại một sự tham chiếu đầy đủ các mặt cho những người làm chính sách hòng tránh được các quyết định phiến diện, thiên vị, nương tay hay quá tay đối với những tội ác cần bị trừng phạt và sẽ giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tâm lý hận thù, ân oán hay sợ hãi, lẩn tránh để tiến tới một xã hội hòa giải, bình ổn, cùng sống hòa bình trong sự khác biệt – cái đích của dân chủ.

Vấn đề thanh lý bất công và tạo dựng sự bình ổn xã hội trong giai đoạn hậu toàn trị cũng có thể tham khảo, áp dụng nhiều kinh nghiệm, bài học từ những diễn biến thành công đi trước trên thế giới như tại Nam Phi hay sau nội chiến Hoa Kỳ.

Đối phó với các vấn đề kinh tế

Sự chính danh của chế độ cộng sản hiện nay trong thực tế chỉ còn vịn được vào những thành tựu kinh tế. Nhưng các thành tựu kinh tế được thổi phồng lên qua hệ thống báo cáo và thống kê theo kiểu tăng thành tích, giấu thất bại qua bộ máy tuyên truyền một chiều trên các phương tiện truyền thông cho đến nay đã thất bại để trơ ra trước mặt quốc dân các khung sườn kinh tế bại hoại, mục rữa, mà công khố thì rỗng, nợ nần ngoại bang tăng vọt, còn sinh hoạt người dân trong xã hội thì ngày càng sa vào cảnh khó khăn, hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội mỗi ngày thêm sâu thẳm.

Những khó khăn, tàn phá kinh tế lên đời sống kinh tế quốc dân dưới thời kỳ toàn trị độc đảng, đặc biệt là tệ nạn, bất công xã hội là một trong những tác nhân quan trọng nhất đã thúc đẩy nhu cầu thay đổi và yêu cầu Diễn biến dân chủ. Do đó cải cách kinh tế là một vấn đề hết sức thiết yếu và luôn được chú tâm đối với quốc dân trong một chế độ tân lập sau toàn trị cộng sản.

Trong một cơ chế kinh tế thị trường tự do dưới chế độ dân chủ tân lập các thử thách trong việc tháo bỏ các thành phần thuộc bộ máy kinh tế quốc doanh cũng sẽ phát sinh. Thêm vào đó, tiến trình chuyển đổi cơ chế kinh tế cũng sẽ phát sinh ra các thử thách mới về quản lý nhân dụng, tổ chức khai thác phân phối tài nguyên và các nỗ lực để san định, tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bình cho mọi giới đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ sinh ra nhiều thử thách mới mẻ. Tất cả các khó khăn mới này, có thể trong thời gian đầu, chưa cho phép cải thiện thu nhập, đời sống kinh tế của người dân.

Nhưng vạch ra và công bố một cách chi tiết tất cả các khó khăn này sẽ làm gia tăng sự hiểu biết minh bạch của toàn dân để vận động tham gia, đóng góp sáng kiến giải quyết thì sẽ tránh được các thất vọng, hiểu lầm cho rằng đây là thất bại của chế độ dân chủ tân lập. 

Tuy nhiên chưa nhất thời cải thiện được tiêu chuẩn đời sống kinh tế bình quân cho toàn dân thì không có nghĩa là sẽ có nhiều người đói nghèo hơn dưới thời cộng sản toàn trị. Việc duy trì lương hưu và các chế độ đãi ngộ đối với các công chức tại vị hoặc đã hưu trí cũng không phải là một vấn đề quá khó khăn nếu hình dung rằng các nguồn lực đã từng bị nhũng lạm hàng chục ngàn tỷ đồng như hiện nay được đưa vào các quĩ hưu trí hay phúc lợi xã hội.

Kinh nghiệm tại các nước Đông Âu đã chứng minh điều này. Mặc dù, do các thiệt hại kinh tế đã gây ra, phải mất một thời gian khá lâu cho các nước này khởi sự có các chỉ dấu cải thiện đời sống kinh tế toàn dân và mức thu nhập bình quân, nhưng nhất thời các thành phần nghèo khó nhất đã ngay lập tức được cung ứng các trợ cấp nhà cửa, lương thực, dịch vụ y tế, học vấn cho con em, và giúp kiếm việc làm... 

Và cũng theo kinh nghiệm, thì chính những chính sách này đã ngay lập tức giúp giảm áp lực xã hội lên đời sống thường nhật và thay đổi tư duy của một số đông các thành phần có quan điểm bảo thủ hơn trong xã hội. Để giúp phần lớn cho việc tài trợ các chính sách công ích xã hội này thành công, các giới đồng bào hải ngoại cũng sẽ là một lực lượng đáng kể nếu không muốn nói là lực lượng quyết định, bên cạnh các chương trình ngoại viện trợ giúp xã hội thông thường.

Trên một ý nghĩa nào đó, các chính sách xã hội, cứu tế trong trường hợp các nước toàn trị cộng sản Diễn biến dân chủ, lại mang tác động tích cực về kinh tế, và gia tăng kết nối trong xã hội, nhất là trong trường hợp Việt Nam, vốn có truyền thống “lá lành đùm lá rách” và được thoát khỏi những lo ngại bị chính quyền chụp mũ là “trợ giúp cho phản động”. Sau nữa, những chính sách khuyến khích và giúp tổ chức các hoạt động dân vụ như vậy, trong một chính thể dân chủ tân lập, cũng sẽ giúp củng cố ý chí dân chủ cho toàn dân.

Ứng phó với môi trường đối ngoại

Trong trường hợp Việt Nam, các hứng khởi tạo ra trước các Diễn biến dân chủ tại các nước Ả rập sẽ giúp ích thực tiễn về các kinh nghiệm chiến thuật trong việc tổ chức, vận hành chuyển biến. Cũng vậy, các chuyển biến tại các lân bang trong vùng Đông Nam Á như Philippines, Indonesia cũng giúp ích cho việc có một viễn kiến trung thực hơn về các giai đoạn của một cuộc Diễn biến dân chủ. Nhưng tựu trung, các cuộc chuyển biến chính trị tại Trung Đông mang nặng màu sắc độc tài quân phiệt và tôn giáo và các hiện tượng chuyển đổi đã xảy ra ở Đông Nam Á đều ở các quốc gia độc tài không cộng sản. Trong khi đó cuộc Diễn biến dân chủ tại Việt Nam lại mang mầu sắc đối phó với chế độ độc tài toàn trị kiểu cộng sản, nên ở những nơi đã đề cạp sẽ có rất ít ứng dụng chiến lược thực tiễn vì khác đối tượng đấu tranh. 

Trường hợp Trung Quốc, tuy có điểm tương đồng về đối tượng đấu tranh như tại Việt Nam là chế độ cộng sản tập quyền độc trị, nhưng Trung Quốc với tầm vóc và khả năng khác hẳn với Việt Nam trên quá nhiều phương diện, chưa kể Trung Quốc lại là một đối thủ chính của Việt Nam nên sự phân tích có nhiều khúc mắc, đòi hỏi một công trình nghiên cứu tìm hiểu riêng biệt. Nhưng có thể chắc chắn rằng Trung Quốc, một khi vẫn còn giữ chế độ độc tài, sẽ làm hết sức để cản trở, phá hoại Diễn biến dân chủ ở Việt Nam. Nhưng ngược lại nếu một khi Việt Nam chứng tỏ được sự dứt khoát hoặc khi đã dứt được khỏi chế độ toàn trị độc đảng thì lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam, kể cả trong vùng lẫn trên toàn cầu, sẽ được tiếp cận với những cơ hội vô cùng lớn để triển khai các mối quan hệ hết sức cởi mở, trung thực và hữu ích cho quốc gia và dân chúng, hoàn toàn không bị ràng buộc hay bị nghi kỵ bởi vấn đề ý thức hệ cộng sản khi quan hệ với các quốc gia khác hoặc phải quá trông chừng thái độ của Trung Quốc. Ngay kể cả các cá nhân cầm quyền nếu chứng tỏ được sự thành thật và quyết tâm đi theo lý tưởng tự do dân chủ sẽ tức khắc có được ủng hộ và yểm trợ mạnh mẽ, hiệu quả từ thế giới dân chủ và Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên, dân chủ hóa Việt Nam không đồng nghĩa với việc trở thành thù địch hay chống lại Trung Quốc, kể cả Trung Quốc độc tài như hiện nay. Một chính sách khôn ngoan, hòa hảo và độc lập như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí như Đài Loan với Trung Quốc là một chính sách đáng tham khảo. Khi đó dù Trung Quốc có không hài lòng thì cũng không thể thực hiện được mưu đồ phá hoại hay cản trở dân chủ tại Việt Nam. Tất nhiên cái giá của dân chủ hóa Việt Nam phải trả cho quan hệ bang giao với Trung Quốc sẽ là những tài trợ, hỗ trợ ngầm từ Trung Quốc cho các cá nhân cầm quyền và những thân hữu của họ như hiện nay sẽ không còn nữa. Nhưng đổi lại cả quốc gia và những người cầm quyền mới sẽ không bị phụ thuộc, ràng buộc vào một chính thể hoang dã và luôn là kẻ thù của dân tộc hàng ngàn năm qua nữa.

Một khi đã bước chân được vào con đường dân chủ thì vấn đề đồng minh chiến lược toàn diện với những siêu cường như Mỹ hay Anh, Pháp sẽ không còn bất kỳ một cản trở nào ngoài sự chuẩn thuận của quốc hội hay trưng cầu ý dân. Sức mạnh ngoại giao của Việt Nam sẽ ở một tầm cao theo đúng năng lực và yêu cầu của dân tộc mà không còn phụ thuộc vào ý chí hẹp hòi, tư lợi của một cá nhân hay một đảng chính trị như đã và đang thấy nữa.

Một trong những điều cần quan tâm nữa là trong suốt quá trình diễn biến, khởi đầu từ trong giai đoạn chuẩn bị đấu tranh, các giới lãnh đạo phong trào dân chủ cần nhất thiết giữ mối liên hệ và các kênh thông tin với tất cả các quốc gia có quan hệ chiến lược trong vùng với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Quảng bá các bước đi chiến lược, các lộ đồ, và các dự án kiến tạo dân chủ với họ sẽ giúp tạo ra một khối đồng minh, sẽ thu nhận được những hỗ trợ, khuông viện trên mọi mặt. 

Ngoài ra, về phương kinh tế sẽ giúp cho giới đầu tư ngoại quốc yên tâm về một viễn cảnh là một khi Diễn biến dân chủ thành công, quyền lợi sẵn có của họ tại Việt Nam sẽ được bảo đảm, tương lai kinh doanh của họ sẽ đạt được nhiều cơ hội phát triển trong sự ổn định của một cơ chế thị trường tự do, trên một sân chơi có tính bình đẳng, công bằng vượt trội so với thời toàn trị cộng sản.

Tạm kết

Đối với người dân thường thì việc trình bày tất cả dự kế đấu tranh sẽ giúp người dân hiểu rõ mục tiêu của phong trào dân chủ là một công cuộc đóng góp của mọi người dân trong xã hội chứ không phải của riêng ai, và công cuộc đấu tranh tiếp theo đó để cứu nước và kiến thiết, canh tân xứ sở, xây dựng đời sống thực sự tự do, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam cũng đều là trách nhiệm và vinh dự của tất cả mọi người.

Đối với các cá nhân hay đoàn thể, tổ chức tự nhiệm vai trò lãnh đạo phong trào, đề nghi, một kế sách minh bạch như trên là kế sách khiêm tốn để tất cả các cá nhân, tổ chức lãnh đạo phong trào có cơ hội thấy rõ tầm vóc qui mô sừng sững thách thức của cuộc Diễn biến dân chủ so với vai trò, năng lực khiêm tốn của mình trước đại sự quốc gia để cùng nhau gắng góp sức trong giới hạn khả năng của bản thân. Không một cá nhân hay đoàn thể cá biệt nào có thể đủ khả năng tự nhiệm toàn bộ công việc và trọng trách quốc gia. Và vì có kế sách công khai nên cách lèo lái vì những mục đích tư ích khác đều sẽ sớm bị phát hiện và ngăn chặn bởi toàn dân, cho nên cách tốt nhất là tất cả cần phải hướng tới sự hợp tác chân thành vì công ích.

Đối với quốc tế, sự minh bạch của phong trào dân chủ sẽ giúp các quốc gia khác có những đáp ứng thích ứng. Mặc dù Diễn biến dân chủ là một chuyển biến ý chí tự quyết, độc lập của người dân trong nước, các quốc gia khác trên thế giới, về mặt đối ngoại có thể dự kiến các phương thức hợp tác hữu hiệu, và các chiến thuật yểm trợ đối ngoại nếu cần.

Sau cùng, đối với những cá nhân thuộc bộ máy cai trị của Đảng và Nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì các phân tích, đề nghị đưa ra ở đây sẽ chí ít giúp họ khẳng định thêm một nhận thức quan trọng:  Công cuộc Diễn biến dân chủ để cứu đất nước ra khỏi hoàn cảnh sinh hoạt xã hội tụt hậu mọi mặt cực kỳ ngặt nghèo và các nguy cơ bị diệt vong rất cận kề nhất thiết phải tiến hành, dù bằng mô thức nào, dù nhanh hay chậm, nhất thiết phải thành công. Do vậy, mọi sự hợp tác hay chống đối, vi bội công trình kiến thiết chính thể dân chủ đa nguyên cho nước nhà sẽ không có giá trị ngăn chặn hay dẹp bỏ được trào lưu thời đại và ý chí người dân, mà chỉ có giá trị duy nhất là hoặc mỗi cá nhân họ hoặc tự ban cho bản thân một cơ hội để đóng góp, hội nhập vào xã hội theo chính thể dân chủ hoặc là tự thân bước vào chỗ tiêu vong.

Như đã thưa, bài viết này hẳn nhiên không có tham vọng đề ra một kế hoạch, một dự kế cho phong trào dân chủ tại Việt Nam, bài viết này chỉ là những gợi ý, góp nhặt qua kinh nghiệm quan sát các phong trào và các Diễn biến dân chủ trong thời gian gần đây trên thế giới.

Mục tiêu chính của bài viết này chỉ là một gợi ý để tham khảo và thảo luận.  Những thảo luận và những gì nối tiếp sau những cuộc thảo luận như thế để đưa đến những kết luận to lớn và đích xác hơn trong tương lai mới đích thực là quan trọng.

Nguồn:http://nhucaytrevn.blogspot.com/2012/10/mot-vien-tuong-chuyen-tiep-dan-chu-o.html
Đăng bởi: Mai Xuân Dũng

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

NHÂN DÂN TỪ CHỨC ĐI


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai khóa 2012 ĐH Quốc gia TPHCM sáng 21/10. 

Vừa qua trung ương đảng kết thúc hội nghị toàn thể lần thứ 6 mà không đi đến quyết định kỷ luật “một ủy viên Bộ chính trị” mặc dù có những sai phạm nghiêm trọng mà sai phạm đó chủ yếu là vấn đề Tham nhũng. Sự việc lớn đến nỗi Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng suýt bật khóc tại hội nghị khi đọc diễn văn bế mạc. 
Chuyện một vị lãnh đạo lớn nhất trong đảng khóc trước hội nghị mới xảy ra có 1 lần duy nhất cách đây gần 60 năm. Hồi đó đảng, chính phủ đã phạm sai lầm lớn trong cải cách ruộng đất gây ra mấy chục nghìn cái chết oan uổng cho nhân dân ta. 
Nay có vụ thứ hai, ông tổng bí thư suýt bật khóc tuy chứ chưa đến mức rơi lệ nhưng đó cũng là bằng chứng thừa nhận trong đảng có sai phạm rất lớn mà tầm mức có thể không thua kém gì vụ cải cải cách ruộng đất trước đây.
Chuyện tham nhũng trong đảng không còn là chuyện đồn thổi trong dân hoặc do các “thế lực thù địch” nó phịa ra, tuyên truyền chống phá đảng nhà nước mà là sự thật rành rành bởi vì chính chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang đã phát biểu với công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh rằng hầu hết các ủy viên Trung ương Đảng đều đồng ý vị “ủy viên Bộ chính trị” mà ông gọi là “đồng chí X” đã có những sai phạm nghiêm trọng.
Ông Sang giải thích rằng việc trung ương đảng không xử lý kỷ luật “một ủy viên Bộ chính trị” không có nghĩa là vị này không có lỗi mà là do hoàn cảnh. Hoàn cảnh như thế nào thì chủ tịch không giải thích nên dân lại phải đoán già đoán non hoặc tìm kiếm thông tin trên các trang mạng để giải quyết các thắc mắc “tư tưởng”.
Tuy ông chủ tịch không nêu đích danh kẻ sai phạm (vì nể, vì sợ, vì muốn đoàn kết với “đồng chí X” hay có lý do nào đó không rõ) nhưng trong dân người ta hiểu chủ tịch muốn ám chỉ vị ủy viên bộ chính trị X ấy là ai.
Khi người dân biết tỏng đâu là “rau” đâu là “sâu” rồi thì hôm Chủ nhật ngày 21/10, tại buổi nói chuyện tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trước vấn đề chống tham nhũng do một thành viên cử tọa nêu lên, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn phát biểu rằng “phòng chống tham nhũng không chỉ bằng pháp luật mà còn ‘ở vấn đề con người”.  “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, công chức có lòng tự trọng, có trách nhiệm cao với đất nước cũng có vai trò rất quan trọng.”
Chung quy lại, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công chức nhà nước phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng.
Vậy là với một lối nói gián tiếp, thủ tướng cho rằng “đồng chí X” trong bộ chính trị kia là không có lòng tự trọng và công tác giáo dục từ nay có trách nhiệm phải đưa được lòng tự trọng của cán bộ công chức nhà nước nói chung và cái tự trọng của “đồng chí X” kia lên thì mới dẹp được tham nhũng.
Có cái hay là không thấy cử tọa nào nhắc nhở về cái chuyện thủ tướng hứa sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng vì hứa để đó, hứa mà làm ngược lại cũng là vấn đề lớn trong khái niệm “lòng tự trọng” của con người.
Như chúng ta ai cũng biết rằng đảng, chính phủ vẫn nhận là “công bộc” của dân mà “dân là chủ” cho nên cái lỗi để xảy ra tham nhũng tràn lan của cán bộ đảng viên từ nhỏ đến trung ương, bộ chính trị như hiện nay là do nhân dân ta không nghiêm, không hoàn thành nhiệm vụ của “ông chủ” cho nên thiết nghĩ nhân dân cần làm gương về “lòng tự trọng” và hãy từ chức đi.

Mai Xuân Dũng