Entry 30/9/2011
Đọc xong bản tin BBC Việt ngữ đăng bài: Mỹ ngừng khoản tiền tìm hài cốt tử sĩ, tiếp tục đối chiếu với các hãng thông tấn nước ngoài khác thì thấy rõ đấy là tin rất “xịn”.
Thật thất vọng về cách hành xử của chính phủ Mỹ trong việc tạm ngưng khoản chi 1 triệu đô la cho chương trình tìm lính Việt nam mất tích trong chiến tranh sau khi chính phủ ở Hà nội từ chối tìm hài cốt lính Việt nam Cộng Hòa.
Không biết chính phủ hai nước thông qua Bộ Ngoại giao đã tiến hành thỏa thuận như thế nào, cũng không biết hai bên có hay không việc ký kết các văn bản ghi nhớ giữa hai bộ trong việc này, tuy nhiên theo logic thông thường các giao thiệp Quốc tế có liên quan đến tiền giữa các quốc gia văn minh (hoặc tương đối văn minh), hoặc một trong hai bên như thế thì việc ký kết một văn bản ghi nhớ là điều thường làm. Vậy Chương trình Tìm lính Việt nam mất tích trong chiến tranh là một chương trình rất quan trọng vì mang tính nhân đạo và hơn nữa nếu được thực hiện nghiêm chỉnh nó sẽ như một toa thuốc “giải độc” quốc gia. Hòa giải dân tộc không chỉ là hòa giải giữa Việt nam với Mỹ mà còn là hòa giải giữa những người Việt nam đã từng ở hai bên chiến tuyến, nhằm tẩy rửa chất hoại tử tư tưởng sự hằn thù ý thức hệ để chung sống và dựng xây Tổ quốc.
Vậy vấn đề đặt ra là: ở đây có sự “hiểu lầm” nào không của chính phủ hai nước trong “thuật ngữ”: Lính Việt nam?
Có thể chính phủ ở Hà nội quan niệm “Lính Việt nam” chỉ là bộ đội thuộc “Việt cộng” nên từ chối tìm lính mất tích của bên phía Việt nam Cộng Hòa vì lính Việt nam Cộng Hòa chiến đấu cho người Mỹ thì người Mỹ đương nhiên phải có trách nhiệm và trực tiếp làm chương trình riêng của họ ?
Có thể số tiền quá nhỏ, có 1 triệu đô nhưng không tiện mặc cả nên phía Việt nam quyết định từ chối tìm lính Việt nam Cộng Hòa vì một chương chình lớn như vậy thì số tiền 1 triệu đô là quá ít ỏi không bõ nếu không nói là muối bỏ biển?
Chính phủ Mỹ ngưng giải ngân khoản tiền này là quyết định đáng tiếc về mặt uy tín quốc gia. Bởi một lẽ Mỹ có trách nhiệm về số phận những người lính ở cả hai bên Việt nam đã chết hoặc mất tích mà chi một khoản tiền bằng 1/7 số tiền ông Đoàn Nguyên Đức Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã bỏ ra để mua một máy bay riêng nho nhỏ cho cá nhân ông ta thì thật là đáng xấu hổ cho một nước như Mỹ giầu có nhất thế giới.
Cho dù phía Hà nội có từ chối không chịu tìm lính Việt nam Cộng Hòa đi chăng nữa thì Washington cũng chẳng đáng phải có hành động không khá hơn một tay như tay buôn chuyến trên thương trường như vậy vì làm ăn với Hà nội, chính phủ Mỹ cũng có nhiều cái để thu về chứ đâu có mất, mặt khác về lâu dài trong quan hệ chính trị giữa hai quốc gia Washington chẳng nên dùng cái roi như vậy cho dù Hà nội đối với Mỹ nhiều khi tỏ ra không lấy gì làm lịch thiệp cho lắm nếu xét về yếu tố chiến lược. Mặt khác cũng nên cảm thông vì Việt nam còn có anh bạn Trung quốc trên đầu đâu phải muốn cái gì cũng tự quyết roành roạch mà được.
Rõ ràng trong ván cờ Quốc tế này Washington đi nước tốt phí quá.
Về phía Việt nam, số tiền 1 triệu đô quả thật là “bèo”. Nước Mỹ giầu có nhất thế giới thật nhưng cách tiêu tiền so với người Việt nam giầu có thì chỉ có mà xách dép theo không kịp. Đối với 1 doanh nghiệp tư nhân Việt ngày nay 1 triệu đô chẳng là cái đinh gì chứ đừng so với chính phủ. Thử hỏi ông Bùi Tiến Dũng PMU xem Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước chơi bạc triệu đô nào có phải chỉ mình ông ta? Vậy trích từ 1 triệu đô ấy ra để “làm việc” khác nữa thử xem có được bao nhiêu % ?
Vậy chỉ có thể giải thích sự kiện này chỉ là đòn phép của chính phủ hai nước.
Cũng có thể Hà nội muốn làm một phép thử xem Washington liệu sẽ chơi con bài gì sau việc từ chối tìm hài cốt lính Việt nam Cộng Hòa và cũng có thể ngược lại, Mỹ muốn thông qua 1 việc nhỏ xem Hà nội sẽ ứng xử ra sao khi Mỹ sẽ có những nước cờ ngoại giao táo bạo hơn trong tương lai. Đó cũng là một cái test hay để các nhà ngoại giao Mỹ đo mức độ gắn kết vững chắc đến đâu giữa các phe phái trong giới cầm quyền chóp bu của Hà nội và cả mức độ tuân phục của Hà nội đối với Bắc kinh. Người Mỹ biết chứ, một vài nước Đông nam Á đã từng từ chối vài triệu đô với Mỹ trong một dự án để nhận được từ Trung quốc số tiền lớn gấp nhiều lần (chưa kể còn có cả tiền hoa hồng cá nhân nữa kìa).
Tuy nhiên với bất cứ lý do gì, cả chính phủ Mỹ và chính phủ Việt nam đều đã tỏ ra đáng phê phán khi có thái độ xem nhẹ đến nhường ấy trong một vấn đề rất cần có cái nhìn tinh tế là vấn đề nhân đạo và hòa giải dân tộc ở Việt nam. Người Mỹ thì tỏ ra một Arpagông thời nay (có lẽ do vỡ nợ đến nơi) còn chính phủ Hà nội lại thể hiện mình như một kẻ quá cố chấp, hằn thù nhỏ nhen trong việc hàn gắn sự thống nhất tư tưởng tình cảm dân tộc vốn đã vỡ hoác ra từ bao lâu nay chưa được băng bó sau khi thực ra mới chỉ thống nhất đất nước được thuần túy về mặt địa lý. Mặt khác, Hà nội chấp nhận tìm hài cốt của lính Mỹ thì hà cớ gì từ chối tìm hài cốt lính Việt nam Cộng Hòa-những người lính dù từng đứng ở phía bên kia nhưng vẫn là người Việt nam, lẽ nào người trong nhà không bằng người ngoài sao? chẳng lẽ chính phủ Hà nội coi hài cốt của nhà giàu đáng trọng hơn hài cốt người nghèo sao?
Rất đáng thất vọng !
Mai Xuân Dũng.
Xin xem thêm BBC dưới đây.
Mỹ ngừng khoản tiền tìm hài cốt tử sĩ
Cập nhật: 09:39 GMT - thứ sáu, 30 tháng 9, 2011
Ông Webb phản đối việc phân biệt đối xử giữa lính 'Việt Cộng' và Việt Nam Cộng hòa
Bộ Ngoại giao Mỹ tạm ngừng khoản chi 1 triệu đôla cho chương trình giúp tìm lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh sau khi chính phủ ở Hà Nội từ chối tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa.
Tin này được Thượng Nghị sỹ Jim Webb loan báo hôm 29/09 - ông từng là Thủy quân Lục chiến ở Việt Nam và thường xuyên thăm Việt Nam từ 1991.
Các bài liên quan
- 'VN cần công bằng trong hòa giải'
- Mỹ giúp VN tìm quân nhân mất tích
- Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích ngoài khơi VN
Chủ đề liên quan
Ông nói chương trình bị ngừng "cho đến khi chúng tôi có sự bảo đảm vững chắc rằng chương trình sẽ áp dụng bình đẳng cho những người từng chiến đấu cho mọi bên".
Hồi tuần trước, Thượng Nghị sỹ Jim Webb đã kêu gọi cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID - ngừng chương trình.
'Mục tiêu hòa giải'
Vị chủ tịch Ủy ban Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ nói trong một thông báo hôm 22/9:
"Việc thực hiện chương trình phải thể hiện sự tôn trọng như nhau đối với tất cả những người đã phục vụ trong quân ngũ và chết trong chiến tranh cũng như mang lại sự an ủi cho những người đã mất người thân yêu trong cuộc chiến lịch sử và thảm khốc."
"Chương trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm kiếm hài cốt của những người lính Việt Nam có thể là cơ hội quý báu để thúc đẩy mục tiêu hòa giải - nhưng chỉ khi nó được thực hiện với sự tôn trọng đúng mực cho tất cả những người đã chiến đấu chứ không phải chỉ đối với một bên này, hay bên kia."
Thông báo của vị Thượng Nghị sỹ cũng nói một con số không xác định các tử sỹ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa được xác định danh tính trong khi Nghĩa trang Bình An (trước đây là Biên Hòa) đang "trong tình trạng cực kỳ bỏ hoang và đổ nát".
Ông Webb nói Nghĩa trang Biên Hòa, nay là Bình An, đang ở trong tình trạng "cực kỳ hoang tàn và đổ nát"
Ông Webb cũng nhắc lại chuyện ông sẽ cố gắng để "khôi phục khu đất thiêng liêng" của nghĩa trang Biên Hòa "để bày tỏ sự tôn trọng những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh.
Ông Jim Webb, người có vợ là bà Hong Le Webb, người miền Nam Việt Nam, nói: "Đây là điều quan trọng trong tinh thần hòa giải và đối với quan niệm trung thành và tôn trọng của người Mỹ rằng chúng ta không bao giờ quên những người đã ở bên chúng ta, ngay cả khi chúng ta bước vào tương lai và hợp tác với những người từng chiến đấu chống lại chúng ta."
Các chuyên gia nói Bấm Nghĩa trang Biên Hòa là "sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu" và hoàn thành năm 1966.
Hồi năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Bấm quyết định chuyển 58 ha khu đất nghĩa địa Bình An thuộc tỉnh Bình Dương, khi đó do Bộ Quốc phòng quản lý, sang sử dụng vào mục đích dân sự.
Đông đảo độc giả BBC khi đó đã có Bấm bình luận về quyết định này.
Những người tới thăm nghĩa trang gần đây nói các công trình xây dựng và nhà máy hiện bao quanh khu vực nghĩa trang.