Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

TỔ CÔNG TÁC LIÊN BỘ CÒN NỢ DÂN


   TỔ CÔNG TÁC LIÊN BỘ CÒN NỢ DÂN 
        VĂN BẢN TRẢ LỜI 30-10-2007

       Nguyễn Văn Khải-Ông già Ôzôn
(Tác giả trực tiếp gửi cho Blog Mai Xuân Dũng)

Vào lúc 8h32 phút ngày 30-10-2007,Ông Hoàng Văn Vi tổ trưởng tổ công tác liên bộ bị điện giật trong nhà nông dân Nguyễn Văn Bình thuộc đội 14 xã Hùng Sơn,Huyện Đại Từ,Thái Nguyên vì đã dùng bút thử điện dí vào dây thép trong nhà để khảo sát sự không an toàn điện trong ngôi nhà này cũng như hàng ngàn ngôi nhà khác dưới đường dây 220kV hoặc 110kV.Sau khi bị điện giật,ông Vi chạy ra ngoài sân và chạy ra khỏi cổng không dám quay lại ngôi nhà này.Rất nhiều bà con nông dân,đại diện UBND xã Hùng Sơn ông Đồng Quang Nghị,đại diện UBND huyện Đại Từ là ông Nguyễn Việt Đức,đại diện UBND Tỉnh Thái Nguyên là ông Nguyễn Thế Sơn,đại diện Văn phòng chính phủ ông Lê Thủy Anh,đại diện Bộ Công Thương ông Trần Phùng Trạch, đại diện Bộ Y tế là Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiên ,đại diện bộ KHCN ông Đặng Quang Minh chứng kiến hiện tượng này.Trong đoàn còn có bà tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan đã bỏ về từ trước 8h sáng vì sau khi vào tới sân nhà ông Bình,đi rẽ sang chuồng trâu nhìn thấy đường dây truyền tải 220kV trên đầu,quá gần mình,bà nói:”Ở đây nguy hiểm lắm,không thể ở lâu được và bỏ về luôn”
  Từ năm 2006 đến hôm ấy đã có hàng trăm lá đơn kêu cứu của bà con huyện Đại Từ và các địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên bị tập đoàn Điện lực giăng đường dây tải điện 220kV hoặc 110kV đi qua mái nhà mình.Đây là những ngôi nhà đã được xây dựng từ nhiều năm.Do đời sống kinh tế được nâng cao,họ đã xây thành những ngôi nhà có tường gạch,mái xi măng,hoặc ngói.Thậm chí có những nhà đã xây hai tầng,hoặc ba tầng.Chẳng hạn như nhà anh Bình,có nóc nhà cao 6m,nhà chị Nhâm hàng xóm cao ba tầng hơn 10m,.Từ ngày có đường dây điện cao thế đi trên mái,cuộc sống ở đây bắt đầu bị bất ổn.Nhiều thiết bị điện đang sử dụng bị bốc cháy như máy sao chè trong nhà bà Phạm Thị Sen (Chồng là Cáp Quý Long)xóm Rừng Chùa,xã Phúc Chìu;tivi,quạt máy ở nhà mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Mở xã Thịnh Đức và con gái  là Tống Thị Tâm ở xã Phúc Chìu,TP Thái Nguyên.Đặc biệt cháu Dương Hồng Sơn sinh 1999,cháu nội của bà Nguyễn Thị An ở xóm Mới,xã Yên Lãng,huyện Đại Từ bị bỏng điện phải đi cấp cứu ở bệnh viện,…
  Sau khi hoàn thành đường truyền tải điện,ngành điện nói rằng:các gia đình đang sống trong những ngôi nhà ở dưới đường dây được đảm bảo an toàn điện vì họ đã mắc xong các dây nối đât.Trong các báo cáo đều có những số đo rất “đẹp” của cường độ điện trường ở trong và ngoài nhà cũng như cường độ dòng điện cảm ứng.Giữa năm 2007 tôi được ông Đồng Quang Nghị,chủ tịch UBMTTQ xã Hùng Sơn mời lên hướng dẫn bà con trồng chè sạch,bảo quản chè.Vì khi đó nhiều thương lái Trung Quốc đang yêu cầu bà con làm chè bùn,chè vàng để họ thu mua.Đây là một kế hoạch vô cùng thâm độc nhằm hủy diệt thương hiệu chè Thái Nguyên.Trong năm ngày hướng dẫn bà con,tôi đã phát hiện được sự mất an toàn về điện ở khu vực này.Thực hiện phép đo hiệu điện thế cảm ứng tại nhiều nhà cho thấy kết quả không như của nghành điện.Riêng nhà anh Bình,trong năm ngày đó đều đo được hiệu điện thế cảm ứng vào khoàng 600V.Từ kết quả đo của tôi,bà con yêu cầu ngành điện đo lại hiệu điện thế cảm ứng.Trước khi đo phải dùng máy để đo hiệu điện thế của ổ cắm điện của mạng điện lưới-nếu kết quả xấp xí 220V thì có thể coi rằng máy hoạt động tốt và có thể tin tưởng vào kết quả đo của máy đo.Ngày 1-8-2007 tại nhà anh Đinh Sỹ Vinh hiệu điện thế cảm ứng nghành điện đo được là 263V,nhà bà Nguyễn Thị Hải là 96V,nhà anh Nguyễn Văn Bình là 256V.Chỉ cần học hết lớp bảy hoặc đã đi làm ở các công xưởng,nhất là khu gang thép Thái Nguyên,mỏ than Núi Hồng,…ai cũng biết rằng mình đang sống trong một môi trường mất an toàn điện.Dân Thái Nguyên nói chung và dân Đại Từ đã gửi đơn đi khắp các ban nghành,các cấp chính quyền, từ huyện tới tỉnh,chính phủ,quốc hội,.. cho nên mới có tổ công tác liên bộ lên Thái Nguyên và vào nhà anh Bình.
  Sau khi ông Vi bỏ đi,các nhân viên nghành điện tiếp tục đo đạc các thông số điện ở nhà anh Bình và nhiều nhà khác.Kết quả đo còn được các gia đình lưu giữ:
Tại nhà ông Nguyễn Văn Bình,hiệu điện thế cảm ứng là 862V cho nên đã làm ông Hoàng Văn Vi bị điện giật.Nhà bà Trần Thị Vân hiệu điện thế cảm ứng 348V,nhà ông Nguyễn Văn Tĩnh có hiệu điện thế cảm ứng 607V….
   Kết quả đo hiệu điện thế cảm ứng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường như thời tiết,vật liệu làm nhà,khoáng sản dưới đất,đồ dùng trong và ngoài nhà.Nhưng tất cả các kết quả đo ở các thời điểm khác nhau đều cho hiệu điện thế cảm ứng rất lớn gây nguy hiểm cho người sống ở đó.
  Với điều kiện bình thường,trong các ngôi nhà dùng mạng điện lưới 220V,hiệu điện thế cảm ứng không quá 10V.Đèn rọi sáng cục bộ trong các máy móc của các xưởng cơ khí có bóng đèn với hiệu điện thế hiệu dụng là 36V.Dòng điện đi qua người không được quá 70mA.Vậy những người dân đang sống trong những ngôi nhà ở dưới đường dây truyền tải điện 220kV,thậm chí là còn cả đường dây 110kV đi song song hoặc bắt chéo thì làm sao có thể gọi là an toàn.Việc ông Hoàng Văn Vi bị điện giật chính là câu trả lời phải có trong văn bản của Tổ công tác Liên bộ từ 30-10-2007 cho dân.Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có?
   
Đăng bời: Mai Xuân Dũng

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

TẠI SAO CÔNG AN PHỦ LÝ HÈN HẠ NHƯ VẬY?



30/6/2012


Dưới đây là những dòng tâm sự uất ức của một Biểu tình viên yêu nước trong những ngày tháng 6,7,8/2011 vừa kể lại những gì vừa xảy ra với hai mẹ con chị khi chị muốn lên Hà nội tham gia biểu tình chống Trung quốc ngày mai 1/7/2012.




  • Từ hôm qua đến nay mẹ con tôi luôn bị Công an rình rập theo rõi. 
    Khoảng 10h sáng hôm qua ngày 29/06 CA khu vực Đinh Xuân Thọ mang giấy mời 8h30 ngày 01/07/2012 đến CA phường làm việc về đơn kiến nghị của tôi. Tôi đã từ chối vì ngày 01/07 là chủ nhật ngày nghỉ của các cơ quan, hẹn lại CA đến 8h30 ngày 04/07 tôi sẽ có mặt tại CA phường để làm việc.
    Sáng nay khi ngủ dậy đưa con đi ăn sáng rồi hai mẹ con ra đường bắt xe đi Hà Nội chơi cuối tuần. Mẹ con tôi đã bị một lực lượng hơn 10 người mặc thường phục bám theo với thái độ hung hãn như muốn ăn tươi nuốt sống mẹ con tôi, trong số đó tôi nhận ra tên Nguyễn Đức Thống. Đại uý phòng PC35 CA Hà Nam và một người CA phòng kinh tế TP Phủ Lý mà tôi đã quên tên. Chúng được tiếp sức bởi 4 người CSGT mặc sắc phục một người tên Nguyễn Văn Tiến. Mã số: 345 -381, một người đi xe máy biển số 90h7. 8656. Chúng luôn áp sát tôi với khoảng cách 50cm đến 1m. 
    Bất kể tôi đón xe taxi, xe ôm, xe ôtô khác hay xe bus chúng đều chặn lái xe không cho tôi lên xe mà không có lời giải thích. Chúng luôn luôn cầm dùi cui áp xát tôi với vẻ mặt hung hãn, bé Phú con tôi sợ hãi khi nhình thấy hành động của những tên CSGT cháu đã khóc ré lên làm tôi hoảng sợ. Thấy tình hình bất ổn tôi bế con vào Ga Phủ Lý cho cháu bình tâm thì xuất hiện thêm 6 người CSGT vào bao vây cổng Ga cùng những kẻ mặc thường phục. 
    Đánh liều tôi bế con quay về nhà tới đoạn đường vắng 2 CSGT một thằng thường phục lao vào, tôi liền bế con quay lại Ga. Một lúc sau có mấy người đi bộ theo đường vào nhà Thờ Đổ của TP Phủ Lý nơi tôi vẫn thường bế con đi Lễ, tôi liền đi cùng với họ khi tới cổng nhà thờ tôi rẽ vào nói với Thầy và mấy người bảo vệ ở đấy là tôi đang gặp nạn vì những kẻ mặc thường phục và CSGT đang đeo bám với thái độ không bình thường, xin Thầy và các chú bảo vệ cho tôi vào Nhà thờ cầu nguyện và ngồi chờ những người bạn của tôi đến đón, họ đồng ý. Rồi những người CA GT và những kẻ mặc thường phục kia vào nói với những người bảo vệ như thế nào đấy mà mấy người bảo vệ vào Thánh Đường khi mẹ con tôi đang cầu nguyện họ kéo đẩy mẹ con tôi ra ngoài với lý do “mời chị đi ra khỏi nhà Thờ có Công An họ vào làm lôi thôi liên luỵ đến chúng tôi”. Lúc đó tôi đã bật khóc và bảo “cháu là 1 Giáo dân, cháu gặp hoạn nạn cháu có quyền đến nhà Thờ cầu nguyện xin Chúa che chở cho mẹ con cháu” các chú không nghe mà kéo tay đẩy mẹ con tôi ra khỏi Thánh đường. Nói qua nói lại họ đồng ý cho mẹ con tôi ngồi chờ ở phòng bảo vệ chờ người đến đón. Được một lúc những người CA lại vào nói gì đó họ lập tức kéo tay kéo chân đẩy mẹ con tôi ra khỏi cổng Nhà Thờ.
    Không còn đường nào khác tôi đành bế con đi bộ về nhà với khoảng cách gần 3km bởi sự kèm cặp của những tên CAGT và những kẻ mặc thường phục áp sát. Tôi luôn luôn phải đi vào cạnh cửa những nhà ven đường. Thấy cảnh một phụ nữ bụng mang dạ chửa bế đứa con nhỏ với vẻ mặt sợ hãi bị kèm cặp bởi những người CAGT và nhiều kẻ thường phục đội mũ lưỡi chai đeo kính đen vây quanh, mấy thanh niên hiếu kỳ hỏi tôi là tại sao Công An và nhiều người bám theo chị như thế? Chị phạm tội gì à?. Tôi bảo “mẹ con tôi đến nay chưa hề vi phạm một điều gì kể cả vi phạm hành chính, tôi không hiểu tại sao CA họ lại vi phạm nhân quyền như thế khi kèm cặp mẹ con tôi với thái độ hung hãn như vậy?”. Những người thanh niên đó hỏi nhà tôi còn ở xa không? Rồi họ đã đi theo đưa mẹ con tôi về nhà với sự tò mò.
    Những người CA GT và những kẻ thường phục vẫn bám theo. Khi tôi vào nhà thì họ vào mấy nhà hàng xóm quanh nhà tôi để ngồi canh gác.
    Thực sự tôi không hiểu nổi ngành Công An. Tại sao họ lại ác ôn và làm những việc bỉ ổi như thế để đàn áp một người phụ nữ bụng mang dạ chửa với đứa con nhỏ như mẹ con tôi trong khi mẹ con tôi không hề vi phạm pháp luật. Phải chăng khi bước chân vào ngành Công An họ đã vứt bỏ toàn bộ cái gọi là đạo đức và nhân tính của một con người?

    Đăng bởi Mai Xuân Dũng

Ai phải chịu trách nhiệm nếu Trung Quốc mời thầu thành công 9 lô dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam?

 30/6/2012
 Đào Tiến Thi
(Tác giả gửi trực tiếp cho Blog Mai Xuân Dũng)

Ngày 5-6-1862, Phan Thanh Giản đại diện cho triều đình ký điều ước Nhâm Tuất cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Mặc dù là đại diện cho triều đình, nhưng sau đó Phan Thanh Giản đã bị vua Tự Đức quở trách và Tự Đức giao cho Phan Thanh Giản phải đi chuộc lại 3 tỉnh, coi đó là hành động lập công chuộc tội. Phan Thanh Giản dẫn đầu phái bộ Việt Nam sang Pháp nhưng kết cục việc chuộc đất không thành. Năm 1867, Pháp đánh tiếp 3 tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản thấy sức mình chống không nổi đã giao nốt 3 tỉnh miền Tây cho giặc và sau đó uống thuốc độc tự tử.
Phan Thanh Giản đã tự nhận trách nhiệm để mất Nam Kỳ.
Ngày 20-11-1873, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương không giữ được thành đã rút gươm tự vẫn. Nguyễn Tri Phương đã tự nhận trách nhiệm để mất Hà Nội.
Ngày 25-4-1882, quân Pháp tấn công Hà Nội lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu không giữ được thành đã thắt cổ tự tử. Di biểu viết trước khi chết có câu: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ đất Bắc lúc sinh thời”. Hoàng Diệu đã tự nhận trách nhiệm để mất Hà Nội.
Trên đây chỉ là một vài tấm gương trong hàng loạt tấm gương tuẫn tiết trong công cuộc chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Tất nhiên việc đó ngày nay chúng ta đều hiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu,... là bộ phận tiến bộ của triều đình Tự Đức. Trách nhiệm mất nước thuộc về triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là Tự Đức. Các nhân vật nói trên thực sự họ cũng đã làm tất cả những gì có thể để cứu nước và khi thất bại họ đã tự nhận lấy trách nhiệm bằng việc quyên sinh.
Giở lại lịch sử gần đây, để mất Hoàng Sa năm 1974, mất Gạc Ma năm 1988 chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong các tháng 6, 7, 8 năm 2011 diễn ra một số cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng bị chính quyền ra sức ngăn cản. Cách ôn hòa nhất là họ vận động không đi biểu tình. Họ bảo rằng việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước “đã có Đảng và Nhà nước lo”. Và cuối cùng chính quyền ra hẳn lệnh cấm biểu tình và đàn áp khốc liệt những ai còn cố đi.
Theo chúng tôi các cuộc biểu tình lớn nhỏ ấy ngoài việc làm thức tỉnh tinh thần dân tộc, thì trước hết, nó đã làm chùn tay những kẻ hiếu chiến cầm quyền ở Bắc Kinh, Nhưng chẳng bao lâu sau, khi chính phủ ta đã dẹp xong các cuộc biểu tình thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại tiếp tục gây hấn. Ngoài các hành động quen thuộc như bắt tàu ngư dân, cho tàu của họ vào đánh cá trong vùng biển của ta, thì họ còn tiến hành một loạt hoạt động mới như nâng cấp hành chính và tiến hành khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, sự kiện mới đây nhất, ngày 23-6-2012, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quuyền kinh tế, thậm chí cả thềm lục địa của Việt Nam (tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2).
Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ thì:
"Việc CNOOC thông báo mời thầu là một hành động tiếp theo trong chuỗi chiến lược của Trung Quốc đối với tham vọng “đường lưỡi bò” nhằm biến 80% diện tích biển Đông thành ao nhà của họ. Có thể khẳng định đây là bước đi mới hết sức thâm hiểm của Trung Quốc.
Việc làm này của Trung Quốc không đơn giản là hành động “răn đe” khi Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển Việt Nam mà là một sự tính toán, mưu đồ sâu xa, có kế hoạch từ trước. Vì thế, Việt Nam phải chuẩn bị một kế hoạch đối phó kịp thời và hiệu quả. Ngoài việc có những phản ứng ngoại giao có tính nguyên tắc thì Việt Nam phải có hành động cụ thể". (Báo Người Lao động 29-6-2012)
Nếu theo tường thuật của Tuổi trẻ online ngày 28-6-2012 thì ông Trần Công Trực còn nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng hơn thế: “Đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm, đáng quan tâm, không thể chỉ cho đây là “đòn gió” mà thực chất là bước đi cụ thể, nguy hiểm của Trung Quốc”. (Ông Trực một lần dùng chữ “nguy hiểm”, một lần dùng chữ “cực kỳ nguy hiểm”)
Tuyên bố của Hội Luật gia VN ngày 26-6 cũng nêu rõ: “Việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” (Báo Lao động 29-6-2012).
Theo tôi, đây là hành động leo thang trắng trợn nhất kể từ khi họ đệ trình đường lưỡi bò lên Liên hợp quốc (7-5-2009). Nếu như năm ngoái với hành động 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta chỉ là hành động “thử gân”, khiêu khích, thì hành động năm nay là hành động thực thi, nếu có điều kiện.
Giáo sư C.Thayer, Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a có cảnh báo rằng “bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ" trước khi quyết định. (Nhândân điện tử 29-6-2-2011). Mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ” nghĩa là khả năng này khó xẩy ra nhưng không phải là không thể xẩy ra. Theo một nguồn tin khác thì khả năng này hoàn toàn có thể xẩy ra. Website CRI online 28-6 viết:
“Ngày 24, trang web "Nhật báo nhà tư vấn Phi-li-pin" đưa tin, Công ty Dầu mỏ Philex Phi-li-pin đang chuẩn bị cùng Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc khai thác dầu mỏ ở bãi Lễ Lạc trên Nam Hải.
Ông Vin-xơn Ni-a-bông, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng, phòng hợp tác đối ngoại của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Ma-lai-xi-a cho phóng viên biết, công ty "không nhấn mạnh tranh chấp chính trị, chủ yếu xem xét lợi ích kinh tế, thông thường triển khai hợp tác khai thác trên danh nghĩa nhà thầu, thông qua khai thác, phân chia lợi nhuận, mang lại lợi ích kinh tế cho Ma-lai-xi-a".
Giám đốc chuyên trách tài vụ của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan cho biết, lần này Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương thông báo mở thầu 9 lô dầu khí trên Nam Hải, để hợp tác thăm dò, khai thác với công ty nước ngoài, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan có hứng thú, sẽ thảo luận tính khả thi về khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải.
http://vietnamese.cri.cn/421/2012/06/28/1s174758.htm
Sự đời nhiều khi như thế: các ông lớn không dám làm (vì phải giữ thế chiến lược lâu dài và phải giữ cả thể diện quốc gia) nhưng ông nhỏ lại dám! Vì nhỏ thì chỉ cần lợi nhỏ và không cần thể diện.
Vậy là, trong việc này, Trung Quốc thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Việt Nam chứ không nên tin rằng không có anh nào dám vào.
Vậy ta phải làm gì? Theo ông Trần Công Trực thì “Ngoài việc có những phản ứng ngoại giao có tính nguyên tắc thì Việt Nam phải có hành động cụ thể”.
“Hành động cụ thể” là hành động gì? Lời “cực lực phản đối” của ông Lương Thanh Nghị là cần thiết nhưng không phải là hành động cụ thể. Như hàng trăm vụ “cực lực” khác, Trung Quốc đều bỏ ngoài tai. Nếu có tập đoàn nào đó trúng thầu và khai thác thì liệu Việt Nam có dám đem quân đội ra đánh đuổi họ không? Chắc là không, vì “đánh chó phải ngó chủ”! Trong khi đó có một cách thật dễ và thật hiệu quả là toàn dân xuống đường biểu thị khí thế quật cường của dân tộc, cho thấy nhân dân ta sẵn sàng đương đầu ngay cả khi Trung Quốc phát động chiến tranh, thì nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn phải run sợ. Vì họ quá biết trong lịch sử, một khi dân tộc Việt Nam đã đoàn kết lại và quyết tâm chiến đấu thì những đội quân xâm lược hùng mạnh của họ đều tan tác, tan tác đến kinh hồn bạt vía có khi phải “chừa” hàng trăm năm mới lại dám tiến đánh. Và cũng chỉ khi toàn dân Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thì bạn bè quốc tế mới giúp đỡ, chứ không ai giúp đỡ kẻ ngồi không. Thế nhưng việc nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc bằng hành động trên đã bị nhà cầm quyền quyết tâm ngăn chặn và tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng sang hứa với Trung Quốc “không để tiếp diễn”. Những người từng đi biểu tình thì ít nhiều đều đã “nếm mùi yêu nước”: người bị bắt, người bị đánh, người bị tù, người mất việc, người mất chỗ ở, người bị cơ quan kiểm điểm. Và tất cả đều bị bôi nhọ danh dự như những kẻ phá quấy, tiếp tay cho phản động.
Cho nên cuộc tuần hành ngày 1-7 này, chưa biết nhà cầm quyền sẽ đàn áp thế nào, nhưng giả sử không đàn áp thì có lẽ cũng kém khí thế, vì nhân dân đã chán nản, thất vọng rồi. Cuộc thăm dò trên Ba Sàm cho đến giờ này (8g30, 30-6) chỉ có 1975 người bỏ phiếu.
Và như vậy thì khả năng 9 lô dầu khí trên tổng diện tích 160.129,38 km2 của Biển Đông của ta bị mất là điều có thể diễn ra. Sau đó, cái gì sẽ mất tiếp theo thì khỏi bàn. Thực ra chỉ cần được 1/9 lô dầu kia thì Trung Quốc cũng đã thắng. Thảm họa mất nước của ta trong tình hình hiện nay theo nhiều người tiên đoán là sẽ mất từng phần theo chiến lược “tàm thực” (tằm ăn) của Trung Quốc.
“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Sự hưng vong của quốc gia có trách nhiệm của cả những người dân hèn mọn). Thế nhưng Đảng và Nhà nước nhất nhất chỉ cho riêng mình quyền “hữu trách”.
Trước khi đi Pháp đàm phán (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải hứa với đồng bào:
“Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”. (HCM toàn tập, tập 4).
 Riêng với đồng bào Nam Bộ, mảnh đất đã từng bị triều Nguyễn bán cho Pháp, người đứng đầu chính phủ lúc ấy thấy cần phải hứa chắc chắn hơn:
“Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ ra thế nào. (...) Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. (HCM toàn tập, tập 4).
Hồi khoảng 1976, tôi nghe một vở kịch nói trên Đài TNVN, nói về những ngày tính mạng dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” năm 1946. Tôi không nhớ là sau khi ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3 hay là Tạm ước 14-9, nhân vật Hồ Chí Minh của vở kịch đã có lời tuyên bố: “Tôi ký và tôi sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử”.
Vì vậy, bước vào cuộc kháng Pháp, chúng ta gần như chỉ có tay không nhưng lòng dân đầy tin tưởng, và đó là yếu tố quyết định của chiến thắng.
Việc trước mắt của đất nước tại thời điểm này: Nếu để mất 9 lô dầu khí (trên tổng diện tích 160.129,38 km2), thì ai phải chịu trách nhiệm? Liệu có nhà lãnh đạo nào đứng ra cam kết với nhân dân rằng cá nhân ông ta, với tư cách là người đứng đầu đất nước, sẽ đảm bảo hoàn toàn việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, trước mắt là 9 lô dầu khí trên Biển Đông?
ĐTT
Đăng bởi Mai Xuân Dũng

KHI SƠN HÀ NGUY BIẾN, ĐẢNG, NHÀ NƯỚC CÓ CHỊU NẮM TAY NHÂN DÂN?

29/6/2012

 


Biển Đông và đường Lưỡi bò luôn là  chủ  đề  nóng lâu nay. Vấn đề Quốc gia đại sự rất cần bàn thảo công khai như một hội nghị Diên hồng nhưng đã bị đảng, nhà nước cố tình giấu giếm. Thêm vào đó, việc chính quyền đàn áp người biểu tình tuần hành chống Trung quốc một cách hèn hạ đã gây ra mâu thuãn sâu sắc giữa đảng, nhà nước và nhân dân kể từ tháng 6 năm 2011.

Cần nói rõ, đảng, nhà nước Việt nam có đủ thông tin về cuộc chiến pháp lý xoay quanh chủ quyền trên biển Đông.Trung Quốc đã chuẩn bị dư luận trong nước từ năm 1950 về đường lưỡi bò“ và thực tế, đã lấn dần từng bước, đặt trước việc đã rồi chờ  thời cơ thích hợp đưa “đường lưỡi bò” thành vấn đề tranh chấp có lợi cho Trung quốc. Trung Quốc đã thúc dục, gây sức ép với Việt Nam đồng thuận theo cách “gác bỏ tranh chấp, cùng nhau khai thác, lấy tiền đổi đất, đất đổi hòa bình”. Việc không nên làm là đảng, nhà nước đã không muốn chia sẻ thông tin và bàn thảo với nhân dân. Và, vì những lý do gì, tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu.

Nhưng thái độ trịch thượng của Trung quốc và sự nhẫn nhục của nhà cầm quyền cộng sản đã làm dấy lên một không khí bất bình sâu sắc trong nhân dân nhất là giới trí thức yêu nước.  Đánh dấu việc này là sự ra đời của Bản tuyên cáo đặc biệt do một số nhân sỹ khởi xướng.

Phía đảng, nhà nướcViệt Nam tuy lo lắng trước mưu đồ của Trung quốc nhưng lại rất e ngại làn sóng chống đối của nhân dân mà họ gán cho là “lực lượng thù địch”. Sự suy thoái đạo đức, lối sống trong nhiều cán bộ đảng viên cao cấp của đảng đã làm mất hết niềm tin trong nhân dân. Đó là một nguy cơ đe dọa sự lãnh đạo độc tôn của đảng. Điều đó đã buộc họ phải tìm một giải pháp hòa hoãn, ve vãn Trung quốc, đổi lại được Trung quốc bảo vệ, đồng tình ủng hộ nhằm níu giữ quyền lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, Đảng chủ trương hướng dư luận vào sự ứng xử “phù hợp, kiềm chế, không có những hành động tự phát”, không để nhân dân tự do tham gia vào những hoạt động không chính thống, đảm bảo nguyên tắc không làm phức tạp thêm tình hình giải quyết tranh chấp giữa hai đảng Việt nam, Trung quốc.

Quan điểm của nhân dân và giới trí thức yêu nước coi việc giải quyết vấn đề biển Đông trong hòa bình thuộc trách nhiệm của Chính phủ nhưng điều đó không có nghĩa người dân không được lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa,  Trường Sa vì đó là sự thật lịch sử hiển nhiên và hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý.

Có thể nói đảng, chính phủ đã quá yếu đuối nhu nhược trước Trung quốc. Nhưng sai lầm lớn nhất của đảng là dùng sức mạnh để đè bẹp lòng yêu nước của nhân dân. Điều đó trên thực tế đã không làm được mà còn đẩy nhân dân vào thế đối đầu với đảng, chính phủ. Có người cho rằng, hạ mình trước Trung quốc và đàn áp biểu tình yêu nước là hành động còn tệ hơn cả Lê Chiêu Thống trước đây trong lịch sử vì bè lũ Lê Chiêu thống chỉ mới bán rẻ Tổ quốc chứ chưa từng dám ra tay đàn áp đồng bào mình.

Kinh nghiệm cho thấy khi phát sinh mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị thì chưa bao giờ sức mạnh bạo lực đem lại một kết quả tốt cho cả hai bên mà chỉ đẩy nhanh quá trình sụp đổ của một thể chế đi ngược lòng dân.

Có thể một vài nhà lãnh đạo đã tự an ủi về sự kiện Thiên An Môn 1989 và hy vọng dùng kinh nghiệm của đảng cộng sản Trung quốc dùng sức mạnh có thể đè bẹp được phong trào chống đối của nhân dân. Những gì diễn ra tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy vẻ bề ngoài, chủ trương này đã chấm dứt được các cuộc biểu tình tuần hành tại hai thành phố. Nhưng nếu theo dõi các diễn biến xã hội một cách sâu sắc, người quan sát am tường chắc chắn sẽ có những cảm nhận về những con sóng ngầm sôi sục, tiềm ẩn sức mạnh ghê gớm đang lan tỏa rộng lớn hơn bao giờ hết trong tất cả các tầng lớp nhân dân. Nguy cơ đó là có thật và từng được nhiều trang mạng, nhiều báo chí quốc tế đăng tải

Có thể đứng trước sự thật đó, đảng, nhà nước phải tính đến những điều chỉnh phù hợp. Ngày 21/6/2012 Quốc hội đã thống nhất cao khi thông qua Luật biển và hải đảo, khẳng định hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa là thuộc chủ quyền Việt nam, điều mà mới năm ngoái, đảng, chính phủ ngăn chặn không cho những người biểu tình thể hiện vì lo sợ mất lòng Trung quốc.
Điều đó đem lại luồng gió mới tươi mát, làm dịu không khí oi nồng những ngày hè tháng 6 và làm dịu mắt những ánh nhìn của dân với đảng.
Nhưng sự cứng cỏi của Việt nam khiến Trung quốc cho rằng lâu nay, nhân dân Việt nam đã quá chán ghét nhà cầm quyền Hà nội và đây là lúc thuận lợi để kiếm cớ thực hiện ngay các hành động leo thang xâm lược nước ta.

Những ngày qua, Trung Quốc có một loạt hành động ngang ngược, tráo trở xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xé bỏ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 trong vấn đề biển Đông

Những bước đi đầy toan tính: thành lập “thành phố Tam Sa”, ồ ạt  điều động lực lượng bán quân sự xuống biển Đông. Đồng thời hỗn láo nhất là việc nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc cho phép mời thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Việc đó không khác gì đem nhà của chúng ta ra rao bán quốc tế. 

Cách đây chưa lâu các nhà lãnh đạo Việt nam còn nói dối về một “Biển Đông không có gì mới” và tiếp tục ca ngợi Trung quốc trên đất Cuba, trên truyền thông chính thống thì nay, hành động ăn cướp trơ tráo của Trung quốc là cách thức rất có tính toán của họ nhằm hạ nhục nhà cầm quyền cộng sản Việt nam trước dư luận Quốc tế và trong con mắt nhân dân cả nước.

Nhưng Trung quốc vẫn nhầm lẫn sau rất nhiều sai lầm trong quá khứ khi chuẩn bị tiến hành xâm lược Việt nam. Người Việt nam luôn biết đoàn kết lại trước các cuộc xâm lăng từ bên ngoài và sẽ chiến thắng bằng mọi giá.

Nhân dân trông đợi đảng, chính phủ nắm bàn tay của nhân dân, ủng hộ nhân dân trong các hoạt động biểu tình tuần hành ôn hòa trong khuân khổ Hiến pháp, thể hiện sự đoàn kết toàn dân biểu thị tình cảm yêu nước thiêng liêng trước sự xâm lăng ngang ngược của Trung quốc.

Nhưng cho đến nay, nhân dân chưa thấy một nhà lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nào về tình hình biển Đông. Điều đó làm cho nhân dân không thể không hoài nghi về thái độ thỏa hiệp ngầm nào đó giữa Hà nội và Bắc Kinh. 

Nếu lần này đảng, nhà nước một lần nữa vẫn tỏ ra cứng rắn, coi nhân dân là “các thế lực thù địch”, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ luật Biển của Quốc hội thì câu trả lời sẽ trở nên quá rõ ràng: Nhà cầm quyền đã bán mình cho Trung quốc.

Nhân dân sẵn sàng cho mọi hy sinh để bảo vệ quyền biểu tình, quyền thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lần này Nhân dân vẫn còn hy vọng đảng, nhà nước có cách ứng xử hợp lòng dân, đặt chủ quyền Biển đảo Tổ quốc lên trên hết.

Mai Xuân Dũng

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Để tang cho cô gái Điên trong em

29/6/2012. 

Một nỗi day dứt hình như  tự tạo, rồi tự tìm cách hóa giải trong phiêu du, phiêu lãng. Nhưng đúng là thứ thơ Thật gói bên trong là tình cảm bật ra từ các vòng giao thoa tâm tưởng sâu thẳm của câu chữ. Đọc xong thấy sự thôi thúc vượt qua khuân khổ chật hẹp về nội dung của blog  để đưa  vào bài thơ độc đáo này. Để đôi lúc giải phiền. 
(Mà rồi có khi còn phiền thêm không biết chừng)

Phạm Ý
 

 

Một ngày
Khi em không còn khóc được nữa
Bên ô cửa nhà vắng chùm hoa sữa
Và anh thôi nhìn phía nồng nàn

Một ngày 
Dư âm ngày cũ dần tan
Em bước đi trong miền viễn tưởng
Nhấc cánh tay ngoan gạt mùa tóc vướng
Nhạt nhòa chia phôi
 

Một ngày 
Ngọt nhạt đôi môi
Em biếng cài nụ bằng lăng lên tóc
Chiếc ghế đá ru kiến con cô độc
Mất nhau chắc cũng thế mà anh
 

Một ngày
Hai lăm tuổi biết khoảng trời không xanh
Cuối tít tắp nhuộm vàng ngàn bông mây úa
Chán hồn nhiên nên không thích rải cải ngồng lên dòng Lam nữa
Mua vui em tự quát mình
 

Một ngày
Vò chiếc khăn tang nhốt nấm mồ câm thinh
Tự chôn mình trong vô vàn điều dang dở
Đời của em- một cô gái hay mơ, hay hờn ghen, hay giả đò điên nào ngỡ
Đau đến vầy ư anh?
 

Một ngày 
Người ta sẽ thấy nấm mồ tím hóa xanh
 Là lúc em tự cởi trói cho những muộn phiền hôm nay tan biến
Lấp liếm
Em tự giết chết nồng nàn


Vậy là sắp bước qua tuổi 25. Mình vẫn như vầy, vẫn ko thoát ra được những hũ buồn tự tạo. Hôm nay, quyết định chôn đi những thứ cần chôn, đắp mồ những thứ cần đắp mồ. Chúc cho mình bình yên!!!

Đăng bởi Mai Xuân Dũng

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

ĐỪNG VỘI TIN VÀ LÀM THEO LỜI THƯƠNG LÁI TRUNG QUỐC


    
28/6/2012

      Nguyễn Văn Khải-Ông già Ôzôn
(Tác giả gửi trực tiếp cho Blog mai xuân dũng)

 

  Mấy phóng viên gọi điện thoại hỏi tôi rằng:có đúng là người Trung Quốc mua cây gai ở Việt Nam về nước để làm dược liệu hay không? Tôi trả lời dứt khoát với họ rằng:Điều này không đúng.Trong lần sang Trung Quốc gần nhất,tôi đã tới nhiều hiệu thuốc bắc hỏi,tất cả những người bán hàng đều trả lời rằng họ chưa bao giờ bán loại thuốc nào được chế từ những dây leo trong rừng to tới gần bằng cổ tay.Tương tự như năm ngoái,ở các thành phố từ Nam Ninh đến Hàng Châu,hễ có dịp là tôi lại ghé vào các hiệu thuốc bắc hỏi xem có loại thuốc nào được làm từ lá vải khô,cành vải hay không? Ở đâu cũng trả lời:Chưa có tên thuốc nào bán ở Trung Quốc được làm từ loại cây này.
  Trong nửa cuối năm 2011,dân nhiều vùng trồng vải ở Việt Nam đã thu gom lá vải khô bán cho thương lái Trung Quốc,mà người mua nói rằng để làm thuốc nam.Hơn nữa,cuối tháng 10 khi tôi lên Bắc Giang hướng dẫn bà con sử dụng năng lượng hợp lí hiệu quả ,tiết kiệm và an toàn theo lời mời của Sở Khoa Học và Công Nghệ,được các cán bộ địa phương cho hay: Nhiều người đang chặt vải để bán cả cành sang Trung Quốc với giá 150.000đ/ tạ.Trong bài giảng của tôi đã phải lồng vào việc tận mắt tôi thấy ở Thâm Quyến là :Ở địa phương,vùng đó họ trồng rất nhiều vải,quả tròn,đỏ tươi,không có sâu ở cuống quả;giá bán hè năm 2009 là 10 tệ/cân tức 20 tệ/kg.Đổi ra tiền Việt lúc bấy giờ là 54.000đ/kg.Họ cũng bày bán dọc đường cái lớn.Chỉ có điều khác là lều căng rất đẹp,có khẩu hiệu và hộp đựng cho 500g và 1kg với hình ảnh đẹp,lời hay; chứ không bó thành từng bó bày trên bàn gỗ,tre như ở Việt Nam.Nhiều mùa đông và mùa thu tôi đi xe qua đó thấy lá vải rơi đầy mà chẳng ai thu gom.Hẳn việc thu gom này có ẩn ý gì chăng?
   Từ giữa tháng 6 đến nay,ngay cả sáng nay tôi nhận được điện thoại của nhiều người dân Bắc Giang mời lên thăm mùa vải được giá.Kĩ sư Thân Ngọc Hoàng GĐ Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Sở KHCN Bắc Giang vui vẻ báo cho tôi biết rằng:do thời tiết nên số lượng vải thu hoạch năm nay ít hơn nhiều so với năm ngoái,nhưng hiện  nay là giữ mùa bà con vẫn bán tại vườn với giá khoảng 20.000đ/kg.Còn những người khác mời lên vì tôi đã giúp họ chữa chân tay miệng cho con cháu họ,hoặc cách đây nhiều năm đã giúp họ bảo quản vải,xuất khẩu vải.Đặc biệt có người cảm ơn vì nghe lời tôi,không bán cành vải-nhà bên cạnh bán cả lá lẫn cành nên năm nay chẳng thu hoạch được mấy.
   Tháng 5-2007,tôi được ông Đồng Quang Nghị ,Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Hùng Sơn-Đại từ-Thái Nguyên mời lên giúp dân làm chè sạch.Lặp lại cách làm đã thực hiện ở Mộc châu ngày 13 đến 15-5-2002.Với sự giúp đỡ của anh hùng lao động Lê Xuân-bí thư huyện Mộc châu,giống như ở Bảo lộc trong hai ngày 3 và 4-10-2006.Tôi hướng dẫn một số hộ dùng Anolyt đuổi bọ,diệt khuẩn,nấm mốc,bào tử và bảo quản chè vừa hái về sao cho được khối lượng lớn mới đem sao chè.Nhằm tiết kiệm nhiên liệu đốt và có được chè sạch.Lúc ấy theo lời thương lái Trung Quốc,rất nhiều người làm chè vàng và chè bùn để bán cho họ.Tôi khuyên bà con rằng,sau khi bán cho họ được hai đợt,chè về tới Trung Quốc,người ta mới cho đăng báo rằng chè Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung chất lượng thấp và mất vệ sinh,đố bà con bán được lượt thứ năm thứ sáu! Hơn nữa đến vụ sang năm sản lượng chè sẽ rất thấp vì bà con đã dùng máy cắt hết các ngọn,cắt cả tới là thứ 5 thứ 6 chứ không chỉ hái hai tôm một lá hoặc một tôm hai lá theo cách truyền thống.Bây giờ ở Đại Từ và Thái Nguyên chẳng có ai làm chè vàng,chè bùn.Còn tôi được uống nước chè xanh hãm cắm tăm,ăn cơm gạo mới mấy bữa,thịt gà thả đồi,lại còn cả thanh long vừa hái từ đồi cao.Anh Bùi Văn Mão ở đội bảy dặn đi dặn lại với tôi rằng: nếu anh mua thêm được đất trồng chè,nhất định tôi phải giới thiệu để anh có được một máy Anolyt loại mới nhất vì anh đã dùng loại nước muối điện này kết quả rất tốt.
   Mua bán thì phải tiền trao cháo múc.Nếu người Việt Nam sang mua hàng ở bên Trung Quốc thì phải đặt cọc 30% người ta mới sản xuất,phải trả hết tiền,người ta mới trao hết hàng.Không lẽ gì người Việt vừa nghe người ta đặt hàng đã vội sản xuất,tệ hơn nữa là trao hết hàng cho họ,rồi đợi người ta mang tiền trả.Việc bị lừa tôm cá hoặc không được mua khoai sắn thể hiện nông dân không hiểu biết về thương mại.Còn việc mua gốc tre,lưỡi bò,sừng trâu trước đây cũng như chè bùn,chè vàng, lá vải,cành vải nhằm mục đích gì? Chỉ cần tĩnh tâm ngẫm nghĩ vài phút là biết.Cuối cùng là đừng để người ta bắt mình bò nhặt vài đồng tiền rơi của họ.Người cả tin trước sau thế nào cũng bị đòn.

Đăng bởi Mai Xuân Dũng

XUÂN DIỆU-CHỦ SOÁI TRƯỜNG THƠ TÂN CON CÓC

              Trần Mạnh Hảo
(Tác giả gửi trực tiếp cho Blog mai xuân dũng)
Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tập tọe làm thơ, chúng tôi thành khẩn thú nhận từng là đệ tử của trường thơ “tân con cóc” do thi sĩ Xuân Diệu làm chủ soái. Vì sao một thi hào từng có hai tập thơ lớn : “Thơ, thơ” và “Gửi hương cho gió”trước 1945 nay lại lập ra trường phái thi ca không giống ai thế ?
Từ bỏ dòng thơ lãng mạn, Xuân Diệu đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến, được đảng cộng sản cải tạo thành con người mới, nên ông đã phải từ bỏ hai tập thơ lớn trên để được công nông hóa, giai cấp hóa, để được vào đảng. Hồi đầu kháng chiến, nhà văn Nguyễn Tuân, sám hối đến mức treo các tập tùy bút tuyệt vời của mình viết trước năm 1945 lên cây như treo một con dê cỏn ( chữ của Hồ Xuân Hương) lên cành cây rồi dùng roi quất nát bét tác phẩm của mình để đẹp lòng đảng mà hóa thành người vô học, là con người lý tưởng của thời bần cố nông cai trị treo khẩu hiệu diệt trí thức.
Năm 1961 là năm “ đỉnh cao muôn trượng” ( Tố Hữu), trên ghế nhà trường, chúng tôi được học lý luận văn học rằng : nền văn học của chúng ta là nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, một nền văn học TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ BI KỊCH. Học trò không hiểu hỏi thầy : thưa, không bi kịch là sao ạ ? Là không có nỗi buồn, không có nỗi đau, không có nhớ nhung sướt mướt như bọn tư bản hèn hạ...Thế văn học cổ của ta như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du toàn nỗi buồn thì có phải là văn học không ? Không, cần phải xóa bỏ thứ văn học buồn thảm của giai cấp phong kiến tư sản. Rồi thầy kể, rằng thầy được nghe chính ông Hà Huy Giáp thứ trưởng bộ văn hóa, người đưa ra lý thuyết văn học xã hội chủ nghĩa không có bi kịch giảng tại Ty Giáo dục; rằng bên Liên Xô, đàn bà vừa đẻ vừa cười tươi như hoa, có bà vừa đẻ vừa cầm ảnh Lê Nin, vừa đẻ vừa hát bài “ Chiều Matxcova” sướng muốn chết. Rằng các nhà khai sáng chủ nghĩa cộng sản muốn xóa bỏ bi kịch trên trái đất, con người chỉ còn biết cười hềnh hệch từ sáng đến tối...
Sau  vụ đánh bọn phản động nhân văn giai phẩm, rồi đến vụ dẹp bỏ tàn dư của bọn nhân văn như “Mùa hoa dẻ” ( Văn Linh), “Cái gốc”(Nguyễn Thành Long), “Sắp cưới” ( Vũ Bão”, “Vào đời”( Hà Minh Tuân)...không khí văn học miền Bắc lúc đó tiêu điều, xơ xác. Các nhà văn dúm dó lại, cúi mặt xuống ( trừ cánh văn vẻ lề phải vác mặt lên hãnh tiến như vừa được chén mỗi người nguyên xi một bộ lòng lợn vậy), không khí văn đàn và văn nhân xao xác như gà gặp cáo.
Giữa lúc ấy Xuân Diệu xuất hiện với lý thuyết thơ : “  Chân, chân, chân, thật, thật, thật”. Ông giải thích, đây là cách ông rút ngắn lý thuyết văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; rằng cứ làm thơ như sao chụp con người mới đã là hay rồi, không cần tưởng tượng hư cấu bép xép...Nghĩa là thấy sao viết vậy, viết bằng ngôn ngữ thường ngày của nhân dân, không được bôi đen, có tô hồng chút đỉnh càng tốt. Tính lãng mạn cách mạng trong xu hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là ở chỗ ta cần phản ánh hiện thực theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, tức là có nói quá lên một tí về sự hạnh phúc ngất ngây của chủ nghĩa cộng sản hệt thiên đường ngay trong hiện thức còn mồ hôi nước mắt vẫn cứ là tốt nhất. Sẽ đến lúc đảng đưa ta đến thiên đường tuyệt đối không còn mồ hôi, không còn nước mắt. Đả đảo bọn mồ hôi, đả đảo bọn nước mắt. Nụ cười và tiếng hát muôn năm...
Đoạn, Xuân Diệu mang câu thơ ông mới viết : “ Con đỉa bò qua mô đất chết” mà ông cho là câu thơ hay nhất của đời mình ra làm tiêu chí lập nên trường phái thơ “ tân con cóc” của mình. Ông giải thích, một lần ông đi chống hạn với nông dân, đi qua đường, ông thấy một con đỉa trâu nằm vắt ngang một mô đất vừa chết. Ông bèn nghĩ, ta phải làm bài thơ về bọn Mỹ Diệm trong miền Nam, nhất định chúng bay sẽ có số phận như con đỉa này : chúng bay sẽ phải nằm vắt qua mô đất lịch sử mà chết héo cho xem. Nhưng ông lại thôi, ông làm bài thơ chống hạn, chống trời, rằng trời già kia, mi không mưa thì bảo, ta sẽ kéo giai cấp nông dân đang theo đảng lên tìm thằng giời đấu tố. Nhưng vì phải làm thơ gấp, ông chỉ cho thơ ông nói lên cái nắng hạn này rất ác, con đỉa sống dai như ma thế mà mới bò qua mô đất đã chết mất ngáp rồi.Đấy chính là linh hồn của trường phái văn học tiên tiến nhất mọi thời đại.
Theo lý thuyết thơ phải “chân chân chân thật thật thật”, phải theo thi pháp con đỉa của Xuân Diệu, bao nhiêu bài thơ tân con cóc đã ra đời, đã in trên các báo, đã ngâm trên đài tiếng nói Việt Nam.Chúng tôi ngày đó cũng góp phần làm phong phú nền thơ “ tân con cóc” bằng bài thơ được cho là khá hay của một mầm non văn nghệ còn đi học. Bài thơ đó như sau :
Bài thơ GIÓ THƯƠNG YÊU TRÊN ĐỒNG HỢP TÁC XÃ
Trên đồng hợp tác nắng như thiêu
Mồ hôi nông dân đổ thật nhiều
Đảng ta chợt gửi vài cơn gió
Lau mồ hôi gió quá thương yêu
Ôi gió của tình thương giai cấp
Đường cày xốc tới các vì sao
Nắng hạn đỉa chết dân không chết
Nhờ gió cần lao mang đến mưa rào
Vì sao có gió em biết không
Vì hướng ta đi theo ngọn cờ hồng
Giai cấp nông dân nuôi toàn xã hội
Nhờ gió đảng ta lúa hát đâm bông
Nam Định mùa hạn 1963
TMH
Khi bài thơ tân con cóc này được in trên báo Nam Định và được Đài truyền thanh Nam Định ngâm ra rả trên làn sóng Galen, chúng tôi khi đó còn oắt con, đã sướng đến nỗi suốt một tuần không thể ngủ. Mẹ tôi cầm roi, gọi tôi lên giường, quất cho ba roi, quắn đít, đoạn quát : mẹ cấm con làm thơ, mày mà được in một bài thơ nữa trên  báo tỉnh chắc sướng quá mà chết mất. Bố tôi phải lên tận tòa báo tỉnh, khép nép xin xỏ : lạy các bác, các bác thương tình tha cho đừng in thơ thằng Hảo nhà chúng em nữa, mới được in một bài mà nó đã suýt chết vì mất ngủ cả tuần. Nhà em chỉ có nó là con trai...thôi xin các bác tha cho.
Ít năm sau, thấy thơ tôi được cô Trần Thị Tuyết ngâm trên Đài tiếng nói Việt Nam, bố mẹ tôi đến nhà thờ xin cha làm cho một cái lễ cầu cho thằng Thomas Trần Mạnh Hảo thoát khỏi đường thơ văn là đường ma qủy cám dỗ. Đoạn, bố bảo : anh thương tôi và mẹ anh thì quay về sống lương thiện, đừng thơ văn nữa, nếu anh không nghe, sau này có thể chết vì thơ đấy...
Xem ra bả hư danh thi phú nó ám người ta đến mê muội là thế, khiến cả đời tôi thành đứa con bất hiếu không biết nghe lời cha mẹ.
Nhớ lại chuyện này, tôi càng thông cảm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa được tôi phê bình thơ anh hơi bị nhiều trên Internet. Anh Thiều đang trên đà trở thành nhà thơ lớn nhất nước, thậm chí như anh nói  sẽ có ngày Việt Nam giật giải Nô Ben thơ ( còn ai vào đấy nữa).  Anh Thiều trong một bài viết về thơ in trên website Tiền Vệ từng tuyên bố : trước những năm tám mươi của thế kỷ XX ( những năm anh Thiều xuất hiện) thế giới hầu như không biết rằng Việt Nam có một nền thơ. Sau khi thơ anh và các chiến hữu trong trường thơ tân con cóc của anh được dịch ồ ạt ra tiếng Anh, thế giới mơi trắng mắt ra mà thán phục thơ các ông kinh thật đấy nhỉ. Anh Thiều được đà, còn vênh vang tuyên  bố : Việt Nam là một cường quốc thơ...
Vả, cũng trong giai đoạn người thầy, người anh, người thủ trưởng cơ quan anh là ông Hữu Thỉnh đang dọn đường cho anh Thiều thay ông làm chủ tịch Hội Nhà Văn VN khóa tới bằng cách giúp anh vào đảng lại, bằng cách tìm mọi phương tiện truyền thông khuyếch trương anh và thơ anh lên trên cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...
Một người đang ở trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực, lại đang trên hành trình trở thành thiên tài thơ thế giới như anh Thiều, lại bị một người ít nổi tiếng, tài hèn trí mọn như Trần Mạnh Hảo phê bình thơ anh dở, thơ anh dễ dãi, ào ào như nước máy bị hư trên phố, thì bất kỳ ai, chưa nói đến anh Thiều từng nhiễm chất Cu Ba, từng nhiễm máu văn hóa Tây Ban nha nóng như bò tót thấy cờ đỏ, cũng phải chửi cha tên Trần Mạnh Hảo mất dạy, mày dám phê bình thơ một người sắp thành Neruda, thành thiên tài thơ thế giới vậy à ?
May mà anh Thiều là người học trò thân thương của chủ tịch Fidel Caxtro vĩ đại, mang dòng máu cách mạng chân chính, biết kìm hãm sự nổi giận của trí tuệ, mới chỉ dùng một phần trăm tài rủa sả của giai cấp vô sản, nên anh chỉ ban cho TMH chúng tôi mấy lời chửi rủa dễ thương vì dám phê bình thơ anh Thiều : mày là một thằng vô phúc, một thằng đê tiện và bỉ ổi...
Nay, nhân bàn đến chuyện trường phái thơ tân con cóc do Xuân Diệu sáng lập, chúng tôi từng viết chưa chính xác trong bài : “ Về trường phái thơ tân con cóc của Nguyễn Quang Thiều” rằng anh Thiều đã thó thi pháp này của Xuân Diệu. Nay sợ anh Thiều giận, chúng tôi xin anh thứ lỗi, rằng anh không thó thi pháp con cóc mới của Xuân Diệu, mà anh chỉ tiếp thu và nâng cao thành trường phái thơ riêng là TRƯỜNG PHÁI HẬU TÂN CON CÓC...
Từ nay, để anh Thiều khỏi giận, chúng tôi trong các bài viết sắp tới, danh xưng của trường phái thơ do anh làm chủ soái sẽ là TRƯỜNG PHÁI THƠ HẬU TÂN CON CÓC anh Thiều nhé.
Chúng tôi cũng cần phải giải thích cho quý độc giả vì sao Xuân Diệu và Nguyễn Quang Thiều không cùng một môn phái thơ Tân con cóc ?
Anh  Thiều mới hơn phái tân con cóc của Xuân Diệu ở chỗ đã có công dung tục hóa, chửi thề hóa, dâm ô hóa, chó cái hóa thơ Việt Nam bằng cách đưa thơ Việt từ thi pháp Apollo xuống thi pháp Dionysus theo quan điểm mỹ học Nietzsche. Anh Thiều lại copy những phần thô tục nhất, dơ dáy nhất, tục tĩu nhất của thi pháp Ác hoa Baudelaire, thi pháp siêu thực (surrealisme) của Andre Breton...đưa vào thơ mình để phá bỏ hoàn toàn thi pháp thơ truyền thống Việt Nam.
Anh Thiều học Tây ( ban nha) về, nên anh thường theo các thuyết cực đoan chính trị, cực đoan văn nghệ, dứt khoát không cho phép sự hài hòa giữa HƯ và THỰC,  TỤC và THANH , THỦY và HỎA, ÂM và DƯƠNG,  giữa mỹ học Apollo và mỹ học Dionysus...
Anh Thiều nhất định phải đập tan thi pháp thơ truyền thống để đưa những : âm hộ, dương vật, tử cung, giao hợp, làm tình trên giường, chó cái đái, bạo dâm, thủ dâm, vú đàn bà, mông đàn bà, cưỡng dâm, hiếp dâm, làm thế nào để làm tình được với những người đàn bà hôi mùi cá...Những món hậu hiện đại, hậu tân con cóc này tràn ngập trong thơ anh Thiều, khiến anh tí tửng rằng thơ anh đã ngang bằng thơ thế giới ?
Anh Thiều ạ, anh cứ việc làm những câu thơ tả cận cảnh sự giao hợp nhưng tôi xin cam đoan với anh tính sex trong thơ anh so với tính sex trong thơ của đại thi hào Hồ Xuân Hương cũng chỉ như con muỗi so với con voi mà thôi. Bà chúa thơ Nôm này là thi pháp truyền thống đấy; sao thơ sex của bà lại hiện đại gấp tỉ lần thơ sex Nguyễn Quang Thiều?
Bởi sự khác nhau giữa cái gọi là thơ Nguyễn Quang Thiều với thơ của những đỉnh cao truyền thống là ở chỗ thơ của các tiền bối kia là thơ đích thực, là thơ hay, thơ truyền cảm. Còn cái món tạp pí lù của thi pháp chó cái đái nơi anh toàn là những lời tầm phào, bậy bạ, dễ dãi và dơ bẩn như nước cống rãnh Hà Nội đang đổ vào đại trường giang của vi khuẩn và hôi hám có tên là Tô Lịch, thưa anh...
Xin hẹn anh Thiều một bài khác, tôi sẽ chỉ cho anh thấy thi ca của tiền nhân ta hiện đại gấp tỉ lần so với những món thi pháp chó cái bậy bạ của anh đang mê hoặc một số bạn trẻ chưa được giáo dục thẩm mỹ thi ca chân chính.,.
     Trần Mạnh Hảo
27/6/2012 Viết tại ĐẠI NGU QUỐC
Đăng bởi Mai Xuân Dũng

CÁC ÔNG VUA NGHĨ GÌ KHI GIẶC TÀU SẮP SANG ĂN CƯỚP?


27/6/2012
                 

Tổng công ty dầu khí hải dương Trung quốc đã ngang ngược gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế trên  thềm lục địa khắp khu vực Quảng ngãi, Phan thiết của Việt nam.
Bàn chân lông lá của “ông bạn 16 chữ vàng” đã thò vào cửa nhà chúng ta. Âm mưu ăn cướp ấp ủ từ lâu của Trung quốc đã lộ rõ. Bộ mặt tham lam đểu giả của họ đã phơi bầy. 

Đối với nhân dân Việt nam, sự việc này là không bất ngờ, có chăng chỉ bất ngờ với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam mà thôi.
Trước đây,các nhà trí thưc Việt ra trang thông tin điện tử Bauxite Việt nam, trang thông tin tổng hợp Anh Ba Sàm và thành lập viện Nghiên cứu phát triển IDS ( In stitutes of Studies – IDS) mà nội dung đề cập tới nguy cơ mất chủ quyền, mất nước từ Trung quốc  thì nhà cầm quyền đã cho công an khám nhà Giáo sư Huệ Chi-chủ trang Bauxite và ra quyết định 97/24-7 quy định: “ nếu có ý kiến phản biện về đường lối chủ trương, chính  sách của đảng, nhà nước cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.
Tháng 6 năm 2011, khi nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc liên tục có các hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt nam, những công dân ở Hà nội, Sài gòn đã xuống đường biểu tình thể hiện tinh thần yêu nước đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt nam ngăn cản, cấm đoán và ra lệnh cho công an bắt bớ, theo dõi, đe dọa.
Mặt khác, Ban Tuyên giáo chỉ đạo cho các cơ quan truyền thông bưng bít thông tin liên quan đến các hành động cướp bóc, bắt bớ phi pháp của nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc đối với ngư dân Quảng ngãi, đồng thời bưng bít thông tin liên quan đến hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa.
Đến nay,Trung quốc lợi dụng sự nhu nhược của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã có những bước đi cực kỳ nguy hiểm xâm phạm hải phận Việt nam để khởi đầu gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Nhân dân Việt nam ngày nay cũng như cha ông ngàn năm trước luôn sẵn sàng hiến dâng thân mình bảo vệ Tổ quốc.
Kìa sử sách còn lưu bao trận thư hùng tổ tiên ta chống giặc phương bắc, kìa trận Bạch đằng “đến nay nước sông tuy chảy hoài mà nhục quân thù khôn rửa”
Nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đừng dựng tường lửa bưng bít thông tin sự thật nữa vì điều đó không thể làm được và vô hình chung là có tội với nhân dân. Hãy cùng với nhân dân trong trận tuyến chống hiểm họa xâm lăng đang đến từ Trung quốc. Hãy tỉnh thức đừng mơ hồ hoặc trông chờ sự thương xót, che chở từ con sói hung ác.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt nam hãy vì quyền lợi dân tộc, đừng ngăn chặn nhân dân biểu thị tinh thần yêu nước mà hãy cùng nhân dân xuống đường biểu tình, biểu đạt quyết tâm ngăn chặn các việc làm xâm phạm chủ quyền Tổ quốc của nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc, ngăn chặn chiến tranh.
“Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch đằng giang phú. Trương Hán Siêu)

Mai Xuân Dũng

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

BIỂU TÌNH NGÀY 1/7: THAM GIA? KHÔNG THAM GIA?

.
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhiều người tiếp nhận lời kêu gọi TUẦN HÀNH ÔN HÒA CHỐNG TRUNG QUỐC, ỦNG HỘ LUẬT BIỂN CỦA VIỆT NAM với một ý thức đầy cảnh giác và tâm trạng hoài nghi. Người thì bảo vụ này là do anh Ba, anh Tư nào đó bật đèn xanh, có người lại cho rằng đây là cái bẫy của công an, đừng có ngây thơ mà tin, rằng cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Về lời văn kêu gọi, vẫn cơ bản như những cuộc biểu tình mùa hè năm ngoái như ôn hòa, trật tự, không gây rối, chỉ khác là dùng từ tuần hành thay cho biểu tình. Gọi là tuần hành hay tụ tập thì thực chất vẫn là biểu tình, có điều gọi thế để cho nó có vẻ nhẹ đi mà thôi. Mà biểu tình thì đã sao, có gì ghê gớm đâu nhỉ.
Ngoài ra, người ta còn cân nhắc đến lời khẳng định cuộc tuần hành “Hoàn toàn hợp với HIẾN PHÁP VIỆT NAM”, KHUYẾN KHÍCH mang theo cờ Việt Nam, áo in màu cờ Việt Nam, ảnh Hồ Chí Minh..v..v..
Hơi lạ vì lời căn dặn “KHÔNG ĐƯỢC đốt cờ …” Làm gì có chuyện người biểu tình lén lút mang cờ đi để đốt. Các cuộc biểu tình năm ngoái từng xảy ra chuyện xé bản đồ Tổ quốc có in đày đủ hai quần đảo HS, TS, giật và vò nát cờ Tổ quốc nhưng đấy là hành động của công an chứ không phải là của người biểu tình.
Việc họ cảnh giác kể ra cũng phải. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc mùa hè năm ngoái, để được thể hiện tấm lòng của mình với đất nước đã phải trả giá: bị bắt,  bị đưa vào Hỏa Lò, bị đánh đập, dùng nhục hình, thậm chí bị đưa vào trại cải tạo đến 5 tháng. Một số mất việc hoặc bị đuổi khỏi nơi trọ.
Nhưng cảnh giác, hoài nghi gì thì cũng nên ở mức hợp lý. Bảo đây là cái bẫy của công an ư? Vậy họ giăng bẫy để làm gì? Giăng để bắt kẻ nào chống TQ chăng? Mất công. Có ai chối đâu mà phải giăng bẫy. Hỏi nếu ai phản đối TQ âm mưu thôn tính Biển Đông, chắc chắn có hàng triệu, hàng triệu chữ ký. Mùa hè năm ngoái họ có giăng cái bẫy nào đâu mà cũng bắt được khối người và cuối cũng đã có được một danh sách khá dài (danh sách ấy là danh sách đen của công an nhưng lại là danh sách đỏ của những người yêu nước. Ai có tên trong danh sách ấy mà chẳng tự hào). Thế nhưng chính quyền có cần ai xuống đường đâu mà ngược lại còn ra thông báo cấm tiệt biểu tình.  Giăng bẫy để cuối cũng bắt được toàn những người yêu nước sao? Có ghét họ lắm thì cũng chỉ đến nước mang cái nghị định 38 ra gán bừa là tụ tập không được phép mà thôi.
Lại còn có ý kiến nếu cuộc biểu tình do chính quyền bật đèn xanh thì không tham gia. Mình đã từng có ý nghĩ như thế, nhưng xét lại thấy làm như vậy là trẻ con, cứ như là hai đứa giận nhau. Họ tức vì chống TQ mà bị đàn áp, họ tức vì ủng hộ Quốc hội mà cũng bị bắt. Nay cần ông đi biểu tình thì ông đéo đi nữa cho biết mặt. Nghĩ như thế là không suy xét mọi nhẽ.
Tức người ta quá, luôn tìm cách làm ngược lại ý của người ta là cực đoan. Nếu biểu tình phản đối kẻ trộm vào nhà ông lớn nào đó cuỗm đi vài tỉ thì thôi cũng được, cho mày chết, tham ô cho lắm vào, có bị trộm chẳng qua là phân phối lại mà thôi. Nhưng đây lại là vấn đề của đất nước. Tổ quốc đâu phải của riêng đảng CSVN hay riêng của Nhà nước mà là của tất cả người Việt nam. Anh tẩy chay lời kêu gọi của người ta (giả sử thế) cho hả nỗi tức nhưng vô hình trung lại bàng quan trước vận mệnh của Tổ quốc. Cần phải xác định tôi đi biểu tình không vì tôi nghe theo anh mà vì đất nước.
Nhận định thì cứ nhận định nhưng đừng có mơ vội đến điều tốt đẹp ấy. Những ai cho rằng chính quyền bật đèn xanh cho cuộc biểu tình này cần tính đến chuyện: đã có một vài cựu biểu tình được mới đi uống cà phê để thăm dò hay vận động không đi.
Lại có ý kiến nói rằng tại sao mình lại phải đi hưởng ứng lời kêu gọi của một thằng cha nào đó không rõ danh tính. Ngay cả người có chức vị, có tên tuổi kêu gọi chưa chắc đã nghe. Thực ra, đi biểu tình đâu phải là vì người đó. Trong giai đoạn hiện nay, việc người ra lời kêu gọi phải ẩn danh thì không có gì khó hiểu, nên có sự cảm thông. Ra lời kêu gọi như thế này thì bất cứ ai cũng ra được nhưng nếu không có người đứng ra thống nhất địa điểm, ngày giờ thì không thành biểu tình. Kể cả lời kêu gọi phát ra từ một chương trình tự động nào đó cũng không sao. Chẳng lẽ muốn phản đối hay ủng hộ điều gì đó, lại đi biểu tình một mình.
Cuộc biểu tình ngày 1/7 được ủng hộ hay bị đàn áp, không nói trước được. Nếu chính quyền ủng hộ thì sẽ diễn ra tốt đẹp. Còn nếu bị đàn áp thì như mọi người đã thấy và đã có khá nhiều kinh nghiệm.
Ngày 1/7 tới đây, đi hay không tùy bạn nhưng đừng phụ thuộc vào những đồn đoán nêu trên có đúng hay không. Việc mình mình làm,việc họ họ làm. Không nên đặt ra điều kiện, nếu biểu tình được ủng hộ thì tôi đi còn nếu bị đàn áp thì thôi. Không bao giờ có câu trả lời ấy đâu.
Dù sao, tham gia vào hoạt động gì thì cũng nên trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng cần để ý một điều vẫn pháp luật ấy nhưng ranh giới mỗi lúc có khác nhau. Ví dụ năm ngoái, có cuộc biểu tình được công an giữ trật tự, cũng có cuộc lại vi phạm vào nghị định 38. Thế mới là luật của nước ta.  Biết đâu, từ hành vi biểu tình, quan tòa có thể kết tội anh vào điều 79 như thường, theo lối suy diễn: Biểu tình chống Trung Quốc làm nó tức lên, đem quân đánh Việt Nam, như vậy hành vi biểu tình chẳng là hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân là gì.
Đi biểu tình không phải là chuyện đi chơi. Không có điều tốt đẹp nào không phải đánh đổi. Dù tham gia biểu tình có bị làm sao thì cũng chỉ là con muỗi so với các vị đã mang cả đời mình, chấp nhận tù tội để đổi lấy toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, tự do, công lý cho đồng bào mình.
26/6/2012
NTT

KHI ÔNG ĐỖ QUYÊN GỌI HỒN THƠ “TÂN CON CÓC”NGUYỄN QUANG THIỀU


26/6/2012
Tác giả
Trần Mạnh Hảo
Gửi trực tiếp cho Blog mai xuân dũng

Mùa hè là mùa con cuốc kêu thảm thiết.Truyện xưa kể rằng Thục đế mất nước đau buồn quá, hóa thành chim cuốc, đêm đêm gọi hồn nước bời bời : cuốc, cuốc. Có người kể khác : chim cuốc xưa vốn là hoàng tử yêu nàng công chúa thi ca, có lời thề rằng, chàng tuyệt đối chỉ được yêu thơ, nếu chàng ngoại tình văn xuôi, nàng sẽ hóa thành con cóc. Hoàng tử phạm lời nguyền đem lòng trăng hoa với văn xuôi, công chúa tức quá biến thành con cóc xấu xí. Hoàng tử ân hận, đau khổ quá bèn biến thành con cuốc đêm ngày kêu liên tục : cóc, cóc, cóc...
Mùa hè này, ông Đỗ Quyên sau khi hoàn tất một công trình nghiên cứu văn học với tầm thế giới mang tên “Thi pháp Nguyễn Quang Thiều” như một nhà “Thiều học” lờn nhất nước, từ Canada, chắc chắn ông sẽ bay qua Thái Bình dương để kịp có mặt trong ngày hội thảo “Nguyễn Quang Thiều trong hành trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam” do Viện văn học tổ chức khá rầm rộ tại Hà Nội vào ngày 28-6-2012 trong tiếng cuốc kêu cóc cóc xác cả mùa hè.
Chúng tôi (TMH) xin mạn phép thử giải mã bản tham luận rất tù lù mù này của ông Đỗ Quyên-một bản tham luận được coi như cái đinh của cuộc hội thảo. Trong một tiểu tiêu đề, Đỗ Quyên đưa ra một mệnh để chủ coi như một phát hiện khoa học với thơ Nguyễn Quang Thiều, rằng thơ ông Thiều không thể dùng sự hiểu ( nhận thức) mà tiếp cận được, mà cần phải có người đứng bên giải mã dùm cho : Nguyễn Quang Thiều như là một đối tượng thuộc dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị. Nguyễn Quang Thiều trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
Trong các tiền đề chính của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị mà hai bài trước đã nêu và minh họa ở hàng loạt tác giả, thơ Nguyễn Quang Thiều là sáng tác “có vấn đề”, gây ám ảnh và âm ỉ, sự hiểu và cảm cần con-mắt-thứ-ba.
. Như là một sáng tác, đấy cũng không phải là văn-học-khó tự thân, mà là loại sáng tác văn học khó phân trong văn giới, khó bình giá giữa dư luận”
Cứ theo những dòng trích lời ông Quyên trên, ta thấy :
Một là thơ ông Thiều viết ra cốt để không cho ai hiểu, trừ những nhà “Thiều học” cỡ ông Quyên, ông Nguyễn Chí Hoan, ông TS.Chu Văn Sơn ...Cho nên mỗi lần thơ ông Thiều in ra (ví dụ in 1000 cuốn đi) thì phải có một nghìn ông Đỗ Quyên kèm bên cho người mua cần  phải mua thêm một nhà “Thiều học” ví như ông Quyên để đem về nhà, đặng nhờ các ông đứng túc trực bên mỗi dòng thơ ông Thiều để ĐỂ GIẢI THÍCH GIÁ TRỊ cho người đọc hiểu được ông Thiều đang tả con cá hay con chim.
Thưa ông Đỗ Quyên, quan hệ giữa tác phẩm và tác giả kiểu phương pháp luận hai người mù tiếp cận phải nhờ ông sáng mắt là Đỗ Quyên giải mã dùm mọi thứ xem ra nhiêu khê quá, không thể khả thi. Thế này thì thơ ông Thiều thành mối họa của xã hội mất ?
Sau khi ông Quyên đưa ra một phán quyết có phần “nhãn khoa” rằng, phải bịt hai mắt đi, theo kiểu bịt mắt bắt dê, rồi dùng CON MẮT THỨ BA may ra mới có thể đọc nổi thơ ông Thiều. Ơ hay, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...các đại thi hào dân tộc đâu có cần CON MẮT THỨ BA mới đọc nổi họ, mà sao một người mù chữ vẫn thuộc Truyện Kiều như cháo chan là thế, thưa ông Quyên?
Hóa ra, ý ông Quyên khuyên toàn dân Việt Nam muốn đọc được thơ ông Thiều, cần phải bỏ chồng con, vợ con, bỏ ruộng vườn, nhà máy, bỏ Internet, bỏ đời thực vào chùa tu thành chính quả mới có nổi TÂM NHÃN-CON MẮT THỨ BA mà đọc nổi thơ ông Thiều. Hoặc muốn đọc nổi thơ ông Thiều, cần có gan chọc mù hai con mắt làm ông thầy bói mù, hay làm nhà thấu thị chuyên lừa người khác bằng món CON MẮT THỨ BA hi hi hi ?
Vì phổ biến cách đọc thơ ông Thiều mà ông Quyên xúi dại người đọc như thế, ông không sợ công an bắt ư ?
Sau khi chơi trò bịt mắt bắt thơ ông Thiều xong, ông Quyên phán, rằng thơ Thiều rất khó phân định hay dở giữa dư luận và văn giới.Ơ, viết như thế, cầm bằng có thâm ý bỉ (xỏ) ông Thiều; rằng thơ cha này là thứ vô giá trị.
Báo Văn Nghệ số tết năm Dần vừa qua có in bài của ông Nguyễn Chí Hoan ( trưởng ban lý luận phê bình báo Văn nghệ) có tên nghe rất hãi : “Tấm thảm Thổ nhĩ kỳ - thơ Nguyễn Quang Thiều không phải để hiểu mà để tưởng tượng”.Ông Hoan cá với toàn thế giới rằng dùng cái hiểu( nhận thức, đôi mắt) không thể đến được với thơ Thiều. Ông Hoan đưa ra  “ Tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” ý thách 90 triệu người Việt Nam, ai hiểu được bài thơ này chết liền. Rồi ông Hoan, nực cười thay, lại dùng CÁI HIỀU để giải thích bài thơ trên của ông Thiều, càng giải thích, người đọc càng biết chết liền.
Đến nay, ngồi viết bài này, nhằm tìm cách hiểu nổi những xác quyết ngoài trái đất của ông Đỗ Quyên với thi pháp MÙ MẮT khi tiếp cận thơ ông Thiều,chúng tôi đồ rằng, cả ông Quyên và ông Hoan hình như thâm ý muốn xỏ ông Thiều chăng ?
Càng đọc, ta càng thấy Đỗ Quyên ngầm tôn Nguyễn Quang Thiều lên trên tài thơ Chế Lan Viên cốt làm thiên hạ ghét ông Thiều : “Nguyễn Quang Thiều là nhất quán, dằng dai và thành tựu nhất? Có thể hơn cả Chế Lan Viên?
Đỗ Quyên trong lời khen thơ ông Thiều lên mây, vẫn rình rình đo ván ông Thiều bằng cách chỉ ra ông Thiều là vua lặp từ, một tối kị trong thơ : “trong toàn tập Châu thổ với tổng số 57.309 từ (kể cả văn bản phụ), các từ “người đàn ông” lặp 29 lần, còn với “người đàn bà“ thì tới tận 87 lần! Chắc rằng, từ cổ chí kim, không một thi sĩ Việt nào có nhiều “người đàn ông” và nhất là nhiều “người đàn bà“ bằng Nguyễn Quang Thiều!?.
Đỗ Quyên, một nhà tấu hài có hạng, lâu lâu chọc cười người đọc một phát : “Nguyễn Quang Thiều là cuộc tái hôn đầu tiên mà hạnh phúc của thơ và văn tiếng Việt.
Ơ hay, thơ Việt từng làm đám cưới với văn xuôi Việt rồi ly dị nhau hồi nào, để đến hôm nay Nguyễn Quang Thiều cho chúng rổ rá cạp lại hả ông Đỗ Quyên ?
Tại Việt Nam hôm nay, nếu nhà thơ nhà văn còn là đảng viên (CS),còn giữ chức vụ chính quyền như ông Nguyễn Quang Thiều, sao ông Đỗ Quyên lại mắt nhắm mắt mở mà vu cho ông Thiều là nhà thơ của tự do : “Trong ý nghĩa đó, với chúng tôi, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ - tự do. Đây có vẻ cũng là một thâm ý chơi xỏ vào ý đồ chính trị của Nguyễn Quang Thiều đang dọn mình trước đảng mà ăn cái phiều bé ngoan của ban tổ chức trung ương, nhằm làm thế tử cho “vua văn chương” Hữu Thỉnh ?
Ông Đỗ Quyên, hình như vẫn thích chọc cười thiên hạ bằng cách đưa ra những định nghĩa rất ngố của mình, như sau : “Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp đồng nghĩa với ngôn ngữ. Phần V. sẽ bàn chi tiết về nghệ thuật thơ này. Cũng như thi pháp thơ Thanh Tâm Tuyền, thật ra thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều rất…mạo hiểm... “Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp bằng ngôn ngữ; ngôn ngữ làm thi pháp

THI PHÁP theo ông Đỗ Quyên là món ĐỒNG NGHĨA VỚI NGÔN NGỮ. Viết như thế này, chúng tôi xin cá với cuộc hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều rằng, Đỗ Quyên là một anh chàng chưa hề đọc sách vỡ lòng lý luận văn học, nghĩa là một người dốt toàn phần, cóc biết THI PHÁP là gì, lại làm dáng viết cả một cuốn sách về THI PHÁP NGUYỄN QUANG THIỀU thì xin trời xanh chứng dám, rằng sự dốt nát tận cùng, nói bậy tận cùng của ông Việt kiều này chỉ có viện văn học của PGS.TS.Nguyễn Đăng Điệp vỗ tay ca ngợi mà thôi.
Bảo thi pháp chính là ngôn ngữ chưa bưa, ông Đỗ Quyên còn phán thi pháp Nguyễn Quang Thiều là thi pháp ...mạo hiểm, thì chúng tôi van ông, ông đừng phán bậy để lòe các ông viện văn học nữa. Chưa xong, ông Đỗ Quyên còn phán lăng nhăng rằng, lứa nhà thơ chúng tôi (TMH) theo THI PHÁP CÁCH MẠNG như sau:
Thời chiến tranh chống Mỹ, các nhà thơ xuất sắc trưởng thành trong và ngoài quân đội bằng những giọng điệu riêng tạo nên dàn đồng ca của thi pháp thơ cách mạng và hiện thực XHCN. Từng thi sĩ - Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt… - khó có thể có thi pháp riêng, bởi với mỗi người và với tất cả, chiến tranh là thi ca, cách mạng là thi pháp!
 Thế thì thưa ông Đỗ Quyên, nhân đây xin ông giảng dùm tôi, thế nào là thi pháp phản cách mạng, thế nào là thi pháp phong kiến, thế nào là thi pháp tư bản, thế nào là thi pháp ông trời, thưa ông ?



















Viết đến đây, chúng tôi không còn muốn tranh biện với ông Đỗ Quyên nữa, vì khi ông đã định nghĩa THI PHÁP LÀ NGÔN NGỮ tức nhiên ông không có một tí một ti kiến thức gì về văn học, lại cả gan viết hẳn một cuốn sách ( nhỏ) với tên gọi nghe ra rất kinh viện : THI PHÁP NGUYỄN QUANG THIỀU, cầm bằng chính ông là người xóa sổ thơ Nguyễn Quang Thiều, chứ còn ai ?
Trong cuối bài viết phần ba, ông từng khẳng định thơ Nguyễn Quang Thiều không hay, không có tứ...
Đến đây, chúng tôi xin hỏi ông Đỗ Quyên và Viện Văn học, có phải thơ không hay tức là thơ dở không ạ ?
Biết là thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ dở, sao các ông còn ngốn nhiều tiền của nhân dân để làm hội thảo tầm quốc gia nhằm nhằm tôn vinh thơ dở, thì việc làm này của các ông đang góp phần làm nghèo đất nước, hơn nữa còn gây đại họa cho thẩm mỹ văn chương lớp trẻ trong xu thế đánh tráo mọi khái niệm của xã hội hôm nay.
Đỗ Quyên, xin ông đừng làm con cuốc gọi hồn thơ “tân con cóc”- Nguyễn Quang Thiều nữa. Cóc xưa đã chết rồi, cóc tân thời nay cũng đang ngáp ngáp trong một đống chữ không hồn, đang toan tính nhảy bàn độc để xả một trời xác chữ vào thi đàn đang bị hội thơ CON CÓC MỚI chiếm giữ, phỏng có lương thiện hay không ?
Đại Ngu quốc ngày cuốc kêu chiều


TMH
Đăng bởi Mai Xuân Dũng