Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

ĐỤNG ĐÂU HỎNG ĐÓ

mai xuân dũng posted. 24/9/2010
Theo Tuổi trẻ- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo giao Bộ Tài chính nghiên cứu dùng 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế cho Vinashin trả nợ. Điều đó làm tăng thêm mối lo ngại cho quyết định chữa lửa bằng xăng của Chính phủ mà cụ thể là chỉ đạo nói trên. Vinashin là sản phẩm của Chính phủ sinh ra, bơm tiền vô tội vạ từ ngân sách và tiền vay nợ nước ngoài nhưng không theo dõi chặt chẽ (hoặc không đủ năng lực kiểm soát) để ông Phạm Thanh Bình tự tung tự tác gây thiệt hại gần 5 tỷ Dollars Mĩ của nhà nước. Cuối cùng rồi cũng đè cổ nhân dân ra để trả nợ đậy. Ông Nguyến Sinh Hùng vẫn làm những việc chỉ đạo rất khó hiểu giống như trước đây ông lên diễn đàn Quốc hội chém gió, hô hào dân mua chứng khoán một cách đầy tự tin. Kết quả ra sao ai cũng đã biết. Chứng khoán Việt nam đang 600 điểm tụt xuống đến nay dưới 300 điểm. Nghe ông Phó Thủ tướng thì dân chắc mất nghiệp. May mà bây giờ người ta nghe ông nói chỉ để nghe và che mồm ngáp thôi!
TT - Về đề nghị của Vinashin được dùng một phần trái phiếu chính phủ quốc tế (300 triệu USD) để tập đoàn này trả nợ, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - khẳng định: nếu được vay, Vinashin phải trả Chính phủ vì đây là cho vay lại, không phải cho không.


Chiều 23-9, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (300 triệu USD) để tập đoàn này có nguồn trả nợ, ông Trịnh Huy Quách, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, nói:

Ông Trịnh Huy Quách - Ảnh: Tuấn Thành

- Hiện nay Ủy ban Tài chính và ngân sách đang tiến hành giám sát về nợ công để có báo cáo tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Trong quá trình làm việc với các bộ ngành về nội dung cuộc giám sát này, từ thông tin trên báo chí, đã có ý kiến đặt câu hỏi liên quan đến đề nghị nêu trên của Vinashin, tuy nhiên đại diện Bộ Tài chính chưa trả lời cụ thể câu hỏi này mà cho biết sẽ có báo cáo sau.

Luật quản lý nợ công có quy định về điều kiện được vay lại vốn vay của Chính phủ. Theo đó, trong số các điều kiện được vay lại đối với doanh nghiệp có nội dung: tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách; tại thời điểm đề nghị vay lại không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà nước...
(Nguồn: Luật quản lý nợ công)
Thật ra cuộc giám sát của chúng tôi không đi sâu vào chuyện nợ nần của từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể, mà chủ yếu hướng tới việc nêu ý kiến tổng thể về nợ công. Như tôi đã nói, vì Bộ Tài chính chưa trả lời nên chúng tôi chưa có thông tin chính thức, đơn cử như chưa biết khoản này (300 triệu USD) có nằm trong 600 triệu USD mà Vinashin tự vay và không có bảo lãnh của Chính phủ hay không, do vậy rất khó để bình luận điều gì.
Tuy nhiên, nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) hiện nay được cho là ở ngưỡng an toàn (số liệu được công bố mới đây là 52,6% GDP) và với ngưỡng đó thì trong tương quan cụ thể nền kinh tế vẫn chịu được. Nhưng đó là trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì đây là vấn đề cần hết sức quan tâm.
* Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế nhưng doanh nghiệp được vay lại làm ăn không hiệu quả, hoặc doanh nghiệp tự vay nhưng không có khả năng trả nợ buộc phải “cầu cứu” Chính phủ, thì các trường hợp đó đều ảnh hưởng đến nợ công?
- Vừa qua Ủy ban Tài chính và ngân sách có tổ chức hội thảo về nợ công, một trong những vấn đề đặt ra từ hội thảo này là tốc độ tăng nợ tương đối nhanh. Nhìn vào bảng ngân sách thì khoản trả nợ ngày mỗi tăng rồi. Về vấn đề này chắc Chính phủ phải có sự tính toán.
Vấn đề quan trọng hơn, được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm và cảnh báo là hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nói về hiệu quả sử dụng vốn thì một trong những biểu hiện rõ nhất là chỉ số ICOR, chỉ số ICOR của nước ta đang ở mức cao (theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số ICOR càng cao thì chất lượng đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế càng thấp - PV).
* Về quy trình thì đề nghị nêu trên của Vinashin sẽ được xử lý như thế nào và cơ quan nào giám sát việc này?
- Đây là đề nghị của một doanh nghiệp nhà nước với Chính phủ, như vậy Chính phủ mà cụ thể ở đây Bộ Tài chính - cơ quan giúp Chính phủ trong lĩnh vực này - sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan. Trong Luật quản lý nợ công có quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ. Quốc hội là cơ quan giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.
V.V.THÀNH

Phải tính lại vốn vay cho các dự án khác
Trụ sở của Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội - Ảnh: V.Dũng
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ Tài chính nghiên cứu dùng 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế cho Vinashin trả nợ, một quan chức của Bộ Tài chính cho biết đây là giải pháp tình thế vì dự kiến ban đầu của khoản vay này không tính đến chuyện cho Vinashin vay.
Khoản 1 tỉ USD này có được qua phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế đợt năm 2010, thực hiện thành công hồi tháng 1-2010 với lãi suất danh nghĩa 6,75%. Số tiền này ban đầu dự kiến cho một số dự án lớn - trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất - vay lại, nhưng nay phải điều chuyển. Như vậy, phần vốn cho các dự án khác sẽ phải tính lại. Tuy nhiên, việc này sẽ được cân đối, không làm ảnh hưởng đến các dự án quan trọng - vị quan chức Bộ Tài chính nói.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết trong các điều khoản khi phát hành trái phiếu chính phủ năm 2010, ngoài mục đích cho các dự án cụ thể, trong văn bản có nêu rõ nguồn vốn sẽ được sử dụng theo các quyết định của Chính phủ VN. Vì vậy, ý kiến lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phản ứng vì VN sử dụng sai mục đích vốn trái phiếu quốc tế là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Thành Đô cũng khẳng định khoản 300 triệu USD nếu được trao cho Vinashin thì đó cũng là cho Vinashin vay lại và tập đoàn này sẽ có trách nhiệm phải trả sau này. “Đây chỉ là cho vay lại, chứ không phải cho không Vinashin” - ông Đô nói.
C.V.KÌNH
Bổ sung ông Lê Dương Quang làm ủy viên Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ sung Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang làm ủy viên Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có hai tổ công tác và bộ phận điều phối giúp việc.
TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét