Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP-CÂY ĐẠI THỤ CUỐI CÙNG





Không trừ một người nào, ngoài những người bạn, trên đời ai cũng có kẻ thù.Tướng Giáp cũng vậy, trong quá khứ ông từng là kẻ thù của các tướng lĩnh Pháp (1954), Mĩ (1975), Trung hoa (1979). 
Muốn tìm thấy phẩm chất thật sự tin cậy về ai, cách hay nhất là hãy nghe kẻ thù nói về người đó.

Marcel Bigeard, vị tướng cựu thù của tướng Giáp từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ nhận xét: “Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội của ông thành công trong hơn 30 năm. Điều này tạo thành một sức mạnh chưa từng có...”. 
Về sau, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Đại tướng Marcel Bigeard khẳng định: “Tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
William Westmoreland từng là tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn "Giap an assessment" có viết: "Võ Nguyên Giáp đã có 30 năm làm tổng tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất. Tướng Giáp đã chứng tỏ những phẩm chất hiếm có trong tất cả những lĩnh vực chủ yếu của chiến tranh”.
Khi được tin tướng Giáp từ trần, Ngoại trưởng Pháp Fabius rất xúc động. Theo ông, Tướng Giáp là “một nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam, được cả dân tộc Việt Nam yêu mến và kính trọng”. 

Tuy nhiên các nhà phân tích lịch sử chưa dễ thống nhất về những gì người ta viết và nói về tướng Giáp.
Người ta có thể bàn cãi về việc ông được phong đại tướng khi chưa từng học qua một trường cao cấp võ bị, hoặc tranh cãi về tài năng quân sự của ông.
Người ta có thể tranh cãi về sự trung thành của ông với chủ thuyết cộng sản có lợi cho đất nước Việt nam hay không.
Người ta có thể không đồng tình với thái độ quá nhẫn nại của ông trước sự truy bức của chính những người “đồng đội” của ông.
Nhưng, không ai có thể nghi ngờ sự kính trọng, tiếc thương của dân chúng khi hay tin ông qua đời. Hàng ngàn, vạn người dân đổ đến Hà nội viếng ông tại tư gia không cần sự chỉ đạo, tổ chức của nhà nước. Có lẽ đó là tấm huân chương cao quý nhất mà đất nước này, dân tộc này dành cho ông chứ không phải là bất cứ một thứ huân chương nào khác.

Trước ông đã có những lãnh tụ đảng, nhà nước, tướng lĩnh cao cấp của quân đội qua đời nhưng rõ ràng chỉ có tướng Giáp mới giành được sự ngưỡng mộ lớn lao của quần chúng nhân dân.
Quá nhiều bài viết về phẩm chất đạo đức, tài năng , đức độ của ông nhưng có thể đọc một bài thơ của một họa sỹ, nhà văn nhân dân, một blogger quen thuộc với mọi người là Đông Ngàn Đỗ Đức để thấy tầm ảnh hưởng của đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với quần chúng nhân dân thế nào:

CẢM XÚC

Cây đại thụ cuối cùng đổ xuống
Cánh rừng hoang hở hoác một vùng trời
Chỉ còn bạt ngàn những cây chó đẻ
Qua một mùa là khô héo thành phân

Cao hơn cỏ nhưng không bền như cỏ
Đó loài cây chỉ sống một mùa.
6/10/2013


Ảnh: Phóng viên báo đảng đang tác nghiệp (tại 30 Hoàng Diệu)

Trong dòng người dường như vô tận đến tiễn biệt tướng Giáp là đủ mọi thành phần dân chúng. Điều tôi nhìn thấy là những bàn chân. Hàng ngàn bàn chân đi dép, hàng ngàn bàn chân đi giầy cũ mòn kiên nhẫn xếp hàng dài dằng dặc để một lần được đến đứng trước bàn thờ tướng Giáp tại tư gia ở 30 đường Hoàng Diệu. Chưa bao giờ có chuyện như vậy và điều đó mang hình hài một cuộc duyệt binh nhân dân, một cuộc binh biến không súng của niềm tin.

Lưu ý: tướng Giáp là một vị khai quốc công thần số một Việt nam đã công khai phản đối dự án Bô xít Tây nguyên, người đã công khai chỉ ra hiểm họa mất nước từ một số những kẻ cầm quyền phương Bắc và chưa từng có một vị lãnh đạo cao cấp của đảng, quân đội như ông từ chối nơi an nghỉ cuối cùng là nghĩa trang Mai Dịch-nơi dành cho các nguyên thủ quốc gia hàng đầu ở Việt nam. 

Mai Xuân Dũng.

2 nhận xét:

  1. Tôi có một thắc mắc, không hiểu tại sao dịp này người ta quảng cáo rấm rộ cho tác phẩm Đường thời đại của Đặng Đình Loan ghê gớm thế. Có lẽ, chưa một tác phẩm nào được PR như thế cả. Này nhé: buổi giới thiệu sách có cả các cựu tiền bối: Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh ... các báo lề phải thì hầu như báo nào cũng đưa tin, ngay cả tờ địa phương như Cao bằng điện tử cũng có đưa tin này. Không thể hiểu nổi?
    Nhờ MXD giải thích hộ cái!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐƯỜNG THỜI ĐẠI là bộ sách "tiểu thuyết lịch sử" như tác giả đã nói và đã là tiểu thuyết là có thể hư cấu theo quan điểm của người viết.
      Người ta quảng cáo rầm rộ vì sách đó có lợi cho họ có vậy thôi. Đây là câu trả lời cho BÊN THẮNG CUỘC của Huy Đức.
      Chỉ khác nhau là câu trả lời này khó có được tiếng vang.

      Xóa