Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

QUÝ BÀ XEM BÓNG ĐÁ

 Mai xuân dũng 6/11/2010
 harem eyes Toneup your Eyes please

Giê ru salem. August 2006.
Masut giống như mọi thanh niên khác trong thành phố này, cậu rất yêu thích bóng đá. Cái đó làm cho tôi-một cô gái Việt và cậu dễ trở nên thân thiện vì ngoài trái bóng, tôi và cậu có quá ít cái chung để nói chuyện. Hơn nữa còn vì lý do ngôn ngữ, Ma sut biết rất ít tiếng Anh. Masut sùng mộ môn thể thao vua này có lẽ chỉ đứng hàng thứ hai sau tình yêu tôn giáo của cậu.
Ma sút theo Do thái giáo. Khi trò chuyện, tôi tránh đả động đến chuyện tôn giáo vì tôi là người đi đạo. Ở Việt nam khi người ta nói: Cô kia đi đạo, bạn phải hiểu rằng người ta muốn nói: cô ấy là người theo đạo Ki tô hoặc nói theo một cách khác là đạo Công giáo.
Giêrusalem, tiếng Do Thái gọi là Yerushalayim, người Ả rập gọi là Al Quds, có nghĩa là thành phố văn hoá đa dạng.
Nhưng điều có thể thấy rõ ở đây là sự đa dạng về tôn giáo. Giêrusalem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Thành phố cổ này có lịch sử từ 3.000 năm trước CN. 
Tôi đến đây cùng chú ruột của Ma sút và vợ ông ấy. Kim là vợ của ông chú Masut. Bà là người Đức nhưng mới theo chồng về sống ở Giêrusalem. Ở đây, tôi là khách mời của vợ chồng bà Kim. Hồi ở Berlin tôi là hàng xóm thân thiết nhất của hai ông bà.
Ngày chủ nhật, chúng tôi đến sân vận động xem trận đấu giữa Ham FC và Canaan. Đây là hai đội bóng kị giơ nhất và đều có những chân sút hảo thủ nên còn hơn một giờ nữa khai cuộc mà khán giả đã ngồi chật cứng trên các khán đài. Không khí rừng rực khích động giống như sân Vinh khi có trận Sông Lam và Xi măng Hải phòng vậy. Trên sân phụ nữ rất ít, nếu có họ đều trùm khăn kín mít.
Ngồi quanh chỗ chúng tôi toàn nam giới, hầu hết là người bản địa. Họ có nước da đặc trưng của người Trung Đông và đều để ria mép rất dày. Đàn ông để ria mép cũng ấn tượng đấy chứ. Tôi nghĩ vậy. Tôi và Kim là hai phụ nữ được đàn ông xung quanh để ý rất nhiều. Không phải là người ảo tưởng đâu, tôi biết chứ, tôi và Kim có dáng vẻ dễ coi (nói thế cũng là hơi khiêm tốn rồi đấy. hí hí ).
Sân bóng này cũng như thành phố này gây ra cho tôi rất nhiều cảm xúc. Đơn giản vì mảnh đất này vừa hiện thực lại vừa cổ xưa ghê gớm. Ở Hà nội, những dấu tích xưa cũ của các thời đại còn sót lại thì chỉ có thể nhìn thấy một cách tẻ nhạt dưới khu đất được các nhà khảo cổ đào bới lên, nằm phơi ra là các bình, lọ gốm vỡ sứt sẹo, vụn nát. Còn ở đây những đền đài, những hầm mộ, những tòa tháp, những cây cổ thụ nhiều trăm tuổi, thậm chí hàng nghìn năm qua vẫn còn khá nguyên vẹn và là những chứng nhân âm thầm cho lịch sử Giêrusalem.
Ba ngàn năm trước CN, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan từ phía Tây đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Họ ở trên vùng đất cao, dùng nguồn nước cạnh Gikhon, nằm giữa hai thung lũng Cedron và Tyropocon. Khoảng năm 2000TCN, dân Amôri chiếm được miền này. Khoảng năm 1800TCN, họ thành lập thành luỹ ở Giêrusalem, tường thành bao gồm cả đất của dân dixième và chiếm cứ Ôphel ở phía bắc, họ còn đào một đường hầm xuyên qua đá để lấy nước ở suối Gikhon. Vào thế kỷ 14, các bức thư của El Amarna cho biết Giêrusalem lọt vào tay một quân vương tên là AbbiHepa. Sự thống trị của người Canaan kéo dài tới thời Đavít. 
Nằm trên độ cao 800m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ, thành phố do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ vĩ đại nhất thời bấy giờ. Nhưng Đền thờ đã hai lần bị phá huỷ và bị người La mã san phẳng thành bình địa năm 70 sau CN. Giêrusalem trải qua một quãng thời gian dài là nơi linh thiêng của người Kitô giáo, nhưng năm 637 người Ả rập chiếm đóng và Giêrusalem lại thành thánh địa của đạo Hồi, họ tin rằng: chính trên mỏm núi Moriah, Mahomet đã bay về trời, thế là họ cho xây đền thờ Đá (Dome of the Rock). Năm 1099, Thập Tự quân đánh chiếm Giêrusalem và nơi đây trở thành một nước thuộc quyền người Kitô giáo. Nhưng không lâu, năm 1250 sau cuộc chiến dữ dội đầy dẫy chết chóc, người Hồi giáo của đế chế Ottoman Ả rập lại đặt sự thống trị của họ lên vùng đất này.
Có lẽ các xung đột tôn giáo từ hàng nghìn năm trước của các chiến binh cổ xưa đã tạo ra cho hậu duệ của họ tinh thần quả cảm và cũng đầy mâu thuẫn tôn giáo.
Ngay cả trận đấu bóng này thôi cũng có mùi khét lẹt của sự chia rẽ. Đội Ham FC là đội có nhiều cầu thủ theo đạo Công giáo còn đội Canaan 100% là những người theo đạo Do thái.
Phút 23 của trận đấu, khi một cầu thủ của Ham FC ghi bàn tuyệt đẹp từ một quả đá phạt trực tiếp ngoài vòng 16m50, cả tôi và Kim vỗ tay tán thưởng thì Masut vò đầu bứt tai và nhìn sang tỏ vẻ khó chịu. ông chú Ma sút chỉ mỉm cười vê vê bộ ria mép im lặng không nói. Cái không khí chết lặng đó làm tôi chột dạ liếc sang những người ngồi xung quanh. Họ lặng lẽ vặn tay, quai hàm bạnh ra như đang chịu đựng sự đau đớn của một cú đấm nhận được từ đối phương. Kim bấm tay tôi một cách kín đáo. Bà nói: Đừng hoan hô nữa, mấy người ngồi xung quanh chúng ta đang lầm bầm rằng “Hai con quỷ cái kia, chúng là bọn Vô thần đáng nguyền rủa, cầu cho tai vạ rơi xuống đầu chúng”.
Sau khoảnh khắc đó, tôi thầm mong cho Canaan ghi được bàn thắng để chấm dứt cái không khí ảm đạm xung quanh. Thật sự tôi đã cầu nguyện thế này: Lạy Chúa con, xin Chúa cho đội Canaan ghi được bàn thắng để đem lại niềm vui trọn vẹn cho chúng con. Con cám ơn Người.
Không biết có phải lời cầu nguyện của tôi đã đến được với Chúa không nhưng đến cuối trận đấu, hình như phút 80, trong một pha lên bóng, cầu thủ đeo áo số 13 của Canaan đánh đầu đúng vai một cầu thủ tiền vệ Ham FC. Trọng tài chỉ vào chấm phạt đền. Ham FC thủng lưới.
Cầu trường Giêrusalem gầm lên như sấm. Trên sân khói pháo sáng mù mịt, mũ tung bay khắp nơi. Người ta nhảy lên, chạy như hóa dại giữa các hàng ghế. Masut hét lạc giọng và trên mặt cậu nước mắt đầm đìa.
Tôi và Kim cũng đứng dậy hoan hô. Trên khóe mắt Kim, một người đàn bà Đức theo Thanh giáo, lăn xuống một giọt nước mắt hạnh phúc.
Nhưng người hạnh phúc nhất có lẽ là ông chồng Kim. Dù ông cố giấu diếm nhưng tôi vẫn đọc được vẻ hạnh phúc trên nét mặt của ông. Vả lại việc ông mời cả nhà đi ăn tối trong một nhà hàng sang trọng đã cho thấy rõ điều đó.
Trên đường, tôi lặng lẽ nhớ lại câu chuyện giả tưởng đã nghe đâu đó khá lâu có nhan đề: Chúa Giê su xem bóng đá. Câu chuyện đại ý khi Chúa hoan hô nhiệt thành cho cả hai đội, môn đệ của ngài trách móc: Lạy Chúa, sao Người lại tỏ ra ba phải như vậy, ngài ủng hộ đội bóng đạo Công giáo nhưng Người lại cũng hoan hô cổ vũ đội theo đạo Hồi là làm sao? Chúa Giê su quay sang môn đệ tỏ vẻ không hài lòng. Người nói: Ngươi trách móc ta vì điều đó sao? Chẳng lẽ ngươi không thấy cầu thủ cả hai đội đều là con người cả sao, họ có phải là ma quỷ đâu? Là môn đệ của ta, con lại không hiểu rằng Ta coi trọng con Người hơn Tôn giáo sao? Con Người đáng trọng hơn lễ Sabat. Các con nên biết, chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên cây Thập giá. Con hãy nhớ Ta cổ vũ con Người chứ không cổ vũ Tôn giáo”.
Khi cả nhà ăn tối trong một nhà hàng Nga ở Giêrusalem. Trong khi Masut và ông chú chén món sườn cừu một cách hoan hỉ thì tôi và Kim nhấm nháp chút Xmêtana và lắng nghe bài Đôi bờ bằng tiếng Nga. Không biết trước kia ở Việt nam, người ta dịch thế nào lại có câu kết “Đôi bờ đâu cách xa” như để tỏ ý đôi trai gái kia luôn bên nhau. Chúng tôi biết, đó là bài hát nói về cảm xúc của một cô gái Nga có người Yêu đã hy sinh trong chiến tranh. Bài hát cũng nói rằng mọi người, vâng, tất cả mọi người, kể cả “ Cây, cỏ, hoa muốn nói nên lời em hạnh phúc nhất đời” vì vinh dự và tự hào có một người yêu đã chết cho đất nước Nga. Nhưng trái tim cô nói rằng: Không, cô không cần vinh dự hay tự hào gì cả. Cô chỉ muốn có một người yêu bằng xương bằng thịt sống bên cô, cô chỉ mong muốn như thế mà thôi.
Mai xuân dũng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét