Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

VÕ TÂY-VÕ TẦU-MUAY THÁI




Ảnh Internet


Hổm rày, chủ tịch Trương có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và hội kiến với ông Tập trên cương vị người đứng đầu ban lãnh đạo mới của Tầu.

Mọi người quan tâm xâu xắc đến các văn kiện đã được hai bên ký kết. Dĩ nhiên. Vì họ là các chính trị gia hoặc những người có viễn kiến, lại quan tâm diễn tiến thời cuộc.
Tớ chả thiết các văn kiện. Đơn giản vì tớ nghĩ “lông lổi” là mọi trò khỉ được họ trưng ra chỉ là diễn, nhằm làm chóng mặt chín chục triệu mạng dân Nam mà thôi.
Vậy tớ quan tâm gì?

Tớ quan tâm chuyện chị Trương nhà ta không theo đoàn trong vai phu nhơn chủ tịch như mọi lần. Không đơn giản là chị Trương chưa kịp may áo dài mới hoặc không thích shopping trong các trung tâm mua sắm ở xứ chim sẻ rụng vì mỏi cánh này.

Mọi chuyến đi cấp “đỉnh” quốc gia bao giờ cũng phải được bàn thảo trong ban lãnh đạo tối cao. Các chuyên gia ngành ngoại giao chắc chắn được vời tới làm tham mưu cho lãnh đạo: nhân sự nào tham gia, hội kiến với ai, ký kết cái gì, nói năng đi đứng, cười nụ hay chuốm chím ra sao. Cái đó gọi là đem “con bò kỹ năng” ra cắt tiết lọc xương rốt ráo.

Cuối cùng họ quyết nghị: Chị Trương ở nhà.
Như vậy là tốt. Bài học Cali của ông Tập còn nóng giẫy ra đấy. Chuyến công du Huê kỳ của ông Tập cùng phu nhơn, hàng tỷ người người Hoa thích thú, tò mò chờ đợi hoạt cảnh Đệ nhấts Phu nhân Bành Lệ Viên gặp gỡ với Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama nhân chuyến viếng thăm của đoàn Trung Quốc tại bang Cali. Tuy nhiên, bà Michelle đã quyết định ở lại Washington chơi với con gái, chứ không gặp gỡ vợ chồng ông Tập. 

Người ta đàm tiếu rằng bà Michelle khoái chơi với con gái chứ không khoái việc gặp gỡ bà Bành cùng ông Tập.  
Với người phụ nữ Mỹ-dù là ở vị trí phu nhơn nguyên thủ quốc gia thì việc cố rặn cười với lãnh đạo của một quốc gia độc tài như Trung quốc hình như là điều rất khó chấp nhận với họ. Hơn thế nữa, nghe đâu Obama phu nhơn có biêt năm 1989, bà Bành có mặt trong quân đội Giải phóng nhân dân Trung hoa đã giải phóng cuộc biểu tình của sinh viên Bắc kinh, rửa quảng trường Thiên An Môn bằng máu.

Thật ra làm gì có chuyện "khoái" hay không "cực khoái" ở đây. Việc bà Michelle lánh mặt cũng là hành động của nghị quyết đó thôi. Đừng tưởng mỗi phe cộng sản là độc quyền "nghị quyết" nhé. 

(Ai bảo võ Tây không thâm bằng võ Tầu nào?)

Tuy nhiên nếu chuyến thăm Trung quốc tới đây của ông Obama cùng phu nhân diễn ra thì bà Michelle sẽ ở vào một hoàn cảnh rất gai góc.

Người Tầu chính trị là những người cực giỏi trong thiết kế các hoạt cảnh chính trường. Bớt sơ hở với họ cái gì đỡ bẽ mặt cái đó. Chị Trương ngồi nhà uống trà theo dõi anh nhà và chờ đợi chuyến đi cùng anh Trương qua Indo là thượng sách. 
Dẫu sao Indo cũng là xứ sở ít hang hùm nọc rắn.

Thôi thì chuyến sang Tầu của anh Trương cũng có vẻ ít dị nghị hơn chuyến sang Thái của bác Lủ. (Trước kia người ta kêu là bác "Lú").
Hôm nọ, bác Lủ với học vị giáo sư chuyên ngành xây dựng  (đảng) đã chính thức được trường đại học Thammasat trao bằng tiến sĩ danh dự ngành chính trị học nhân chuyến thăm Thái.

Cái bằng "Danh dự" ở cái xứ xở xung xướng có môn bài này chẳng biết có giá cỡ nào nhưng với bác Lủ là vinh dự tự hào lắm. (Thì trông bác tươi như hoa thế cơ mà).  
Vậy mà dân tình chúng nó đem việc đó ra đàm tiếu công khai rằng: "Việc nớ chả đem lại cho tương lai chính chị của bác tý tị tỳ ty hào quang chói lòa nào cả mà chỉ mua được trận cười".
Tức chết đi được. (Dĩ nhiên là thằng tớ tức chứ không phải bác Lủ).

Tớ rất bức xúc khi hay tin bọn lá cải bên đó còn chửi xéo bác. Nhưng điên nhất là tờ báo hàng đầu của Thái, Bangkok Post ngay trong ngày cũng đã có bài báo tựa đề rất đểu: “Activists Riled by PhD for CPV Leader”. Tức là “Các nhà hoạt động nổi giận với việc trao bằng TS cho lãnh đạo đảng CSVN”.

Bình tâm lại tớ nghĩ cái trường đại học nọ nó chả ngu đâu. (Chê người khác ngu vốn là đặc sản của người Việt nam mình). Dân Thái lan nó không nhiễm cái bả đó. Chắc là nó đểu.
Tớ đồ rằng bọn Thái nó chơi sỏ bác Lủ nhà mình. Nó bắt thóp bác thích bằng cấp (thích khác với hám danh nhé) thì nó trao cho bác cái bằng ranh rự ấy. Mất gì? 
Mấy anh báo mạng nhà mềnh cứ chỉ trích trường đại học Thammasat là sai tuốt.

Thì ra Muay Thai cũng chả kém gì  quyền Anh hay Hiệp khí đạo pháp nhỉ?
Cũng may mà bác Lủ cũng để phu nhơn ở nhà đan áo chờ đông tới chứ cùng tháp tùng phu quân sang đó thì thật là…tốn muối.


Lê Chông

BẢO KÊ

Mấy năm trước, lãnh đạo đơn vị cũ có giấy báo cho anh lên truy lĩnh tiền thương tật chiến trường. 

Vừa may đang muốn nâng cấp căn nhà cũ sập xệ chưa biết trông vào đâu, vay ai. Thật là hạn gặp mưa rào. Anh gia cố cột và nâng lên tầng 2 mái bằng, một tum lợp tôn lạnh. Trên tum khá rộng anh lập bàn thờ. 
Nhân tiện đi phố có cái tượng Bác bán thân thạch cao anh mua về để hương khói.

Mấy năm sau, gia cảnh vẫn nghèo.Bao năm cống hiến mà vẫn chạy ăn từng bữa. 
Người ta có số. Đúng lúc đó vận may nữa lại đến. Thằng em con chú làm nghề cầm đồ tự nhiên giúp vốn cho anh để lập một “chi nhánh” chuyên cho vay cầm cố. 
Chả mấy nhà anh mua được con xe KIA để đi đó đây cho...mát mặt.

Nghề này phức tạp. Công an, giang hồ lui tới thường xuyên. Nghĩ cũng nên có cái gì bày biện cho nó có “vị thế chính trị” nên anh rước Bác trên tum xuống đặt ở tầng 1 nơi giao dịch cho “tự tin”.

Một lần uống rượu nhà anh, thằng em con chú chợt nhìn thấy bức tượng bèn hỏi han, anh cũng tình thực trình bầy duyên do. Nó bảo: “Ở cái thành phố này có đứa đéo nào mà chả biết anh là anh tôi, cần gì thằng nào bảo kê nữa cơ chứ”.

MXD

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

THẰNG ĐÁNH GIẦY DÂN QUẢNG XƯƠNG



Ảnh: Internet. Minh họa


Bạn đá chân: “Này. Con bé trong quầy mê cậu quá trời luôn”. Hả?............Kín đáo theo dõi, quả nhiên thấy cô này liếc trộm mình mấy lần thật. Hình sự nhỉ.

Được lát, cô đến bên: “Xin lỗi, Chúa nhật trước nữa, anh…..à chú, cũng đến café ở đây?”….. Ừ, đã sao?.... “Dạ, không sao nhưng chú ngồi bàn nào?”. Ngồi bàn nào liên quan gì, ai mà nhớ. “Hỏi thật, hôm đó chú có gọi đánh giầy?”....

À………..Ra vậy. 2 tuần rồi kể từ hôm bị thằng đánh giầy “ẵm” mất đôi giầy mới. Nhắc lại, giờ vẫn tiếc và “a cay” dân Quảng xương....

Sau khi con bé “xác định” đúng “đối tượng” liền quay lại quầy, xách ra cái túi nilon: “Nó ngồi đây 2 hôm rồi. Chiều qua nó đem đôi giầy này nhờ cháu tìm trả lại cho chú, Nó tả chú: “Như thế, như thế” vậy mà đúng. Từ hôm bị công an “hốt” về quê, nó giải nghệ, không đi đánh giầy nữa.

MXD

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

CÙ HUY HÀ VŨ VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐÃ BIẾT.

Vụ tuyệt thực của Ts Cù Huy Hà Vũ trong lao tù làm tôi nhớ lại những gì đã biết về ông qua sách báo, tài liệu chính thức và không chính thống.

Ông bị bắt và bị khởi tố năm 2010 về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hiện đang thi hành án tù 7 năm ở Trại 5 Thanh Hóa, nơi tôi đã một lần đến thăm.

Cù Huy Hà Vũ là con trai của cố nhà thơ, bộ trưởng Cù Huy Cận trong chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa. Mẹ của ông là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế.Vợ ông là bà Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành tiếng Pháp năm 1979, Cù Huy Hà Vũ làm việc tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ Quốc tế. 
Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ từng bào chữa cho tướng công an Phạm Xuân Quắc trong vụ án Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải liên quan vụ tham nhũng PMU18.
Ông từng công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam trước khi bị cho thôi việc năm 2009 với lý do "bỏ cơ quan không đến làm việc".

Ông trở nên nổi tiếng sau khi đệ đơn kiện thủ tướng Việt Nam đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Cha của Cù Huy Hà Vũ là cố bộ trưởng của chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa Cù Huy Cận. Tháng 8 năm 1945, ông Cù Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời cùng Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Sau cách mạng tháng tám, khi mới 26 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII.

Cha của Cù Huy Hà Vũ còn là tác giả của hàng trăm bài thơ. Tôi thích bài: “Trò chuyện với kim tự tháp” của ông. Xin đăng lên đây. 

Trò chuyện với kim tự tháp 
Huy Cận.
 
Chỉ có trời xanh thay cỏ cây 
Mênh mông sa mạc. Cát làm ngày; 
Cát làm đêm nữa. Trăng phơi át 
Sao sáng đằng xa hay cát bay? 
Vua chúa không yên chịu cát vùi 
Trăm kim tự tháp đá chen trời. 
Năm nghìn năm đứng cười sa mạc, 
Nắm chắc trong tay vĩnh viễn rồi!... 
- Kim tự tháp! Ngươi thấy gì tự bấy? 
- Thấy gió thổi bốn mùa, cát dậy; 
Cát vung lên rát mặt thời gian, 
- Kim tự tháp! Người vẫn cười ngạo nghễ? 
Chấp năm tháng, xoa những đầu thế kỉ? 
- Buổi đầu tiên tôi tưởng vậy, say sưa 
Không cho ngày tàn, cắm mặt trời trưa 
Trên đỉnh nhọn như kim cương lấp loáng 
Trên mũ mão đầu Thiên Vương chói rạng. 

- Nhưng rồi sao, Kim tự tháp ngàn năm? 
- Trong lòng tôi một xác ép vua nằm; 
Dưới chân tôi vạn thần dân chết lụi. 
Vua muốn thắng thời gian vòi vọi 
Nằm yên trong giấc đá, kín bưng. 
Suốt đời vua lo chỗ ngủ cuối cùng, 
Ôm cái chết mong thắng dần cái chết. 
Thời gian thổi, hồn vua không sợ rét; 
Mặt trời quay, trục tháp chẳng mòn xoay. 
Vua ngủ yên nhưng tôi thức đêm ngày; 
Cát, cát, cát nổi từng cơn dữ dội, 
Cát thổi đập vào mình tôi nhức nhối. 
Tôi thức vua cho vua biết: giữa trăng sao 
Hạn nằm trong vĩnh viễn chẳng còn bao 
"Dậy vua ơi! Cái chết chẳng thể rào 
Được cái chết". Vua ngủ mê giấc đá 
Lở chân trời nhiều bạn tôi tàn tạ, 
Hất ra ngoài vĩnh viễn xác vua phơi... 
Tôi thấy thời gian rúng lạnh bốn chân tôi... 
- Ngươi còn thấy những gì, Kim tự tháp? 
- Từng thế kỉ những đoàn người cúi rạp 
Dưới chân tôi rồi biến mất mù tăm... 
Nhưng cũng đôi khi có những trán đăm đăm 
Soi vằng vặc vào mặt tôi mà hỏi: 
"Chất cái chết lên cao, trên mấy tầng mây nổi 
Đã tấc nào thành sự sống hay chưa, 
Hỡi nghìn năm Kim tự tháp chơ vơ!" 
Tôi chết điếng trong lòng tôi tự đó 
Tôi chết sững, chết thêm lần nữa 
Trong từng vân, từng thớ đá thân tôi.... 

- Ngươi thấy gì, Kim tự tháp, nữa thôi? 
- May tôi còn thấy giữa muôn trùng gió lộng 
Thấy cái chết muốn trở thành sự sống 
Cát kêu lên nỗi hoài vọng lớn lao: 
Là cái chết khô, cát muốn hoá tế bào 
Của tươi mát, thịt da, hoa lá... 
Thấy cái sống muốn mọc từ cát đá". 

Trong chiều xanh, rìa sa mạc mênh mông 
Ngô đầu mùa phơi phới đâm bông. 
Bóng Kim tự tháp trải lên bờ sông mát, 
(Chuyện ghi lại bên bờ gió cát)

Ai Cập, 7-1962  
Không biết nhà thơ Cách mạng Cù Huy Cận đã đứng trước lăng của vị vua Ai Cập nào để có thi hứng sáng tác. Nhưng ở Ai Cập. Lăng Akhenaton hay Ikhnaton là ngôi mộ vĩ đại nhất thế giới, nơi một Pharaong muốn nhờ đó giao hoan với thời gian vĩnh hằng. Akhenaton lên ngôi vua năm 1353 TCN, là một vị vua nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Ai Cập vì đã tiến hành rất nhiều cải cách trong luật lệ cai trị Ai Cập. Ông đã thay đổi nghi lễ thờ cúng đa thần-Trong đó vị thần tối cao là thần Amun-Re của Ai Cập sang một vị thần duy nhất - thần Mặt trời Aton, và dời đô từ Thebes sang một thành phố mới mà ông đặt tên là Armana còn gọi là Akhetaton, tên ông. Sự thay đổi tôn giáo và thủ đô đó diễn ra vào năm trị vì thứ 4 của ông.

Vua Akhetaton có một câu nói được khắc lên lăng mộ và là câu nói được truyền tụng nhất: “True wisdom is less presuming than folly. The wise man doubteth often, and changeth his mind; the fool is obstinate, and doubteth not; he knoweth all things but his own ignorance “.
Tạm dịch:
"Sự thông thái thực sự ít tự tin hơn là sự điên rồ. Người thông thái thường nghi ngờ và thay đổi quan điểm; kẻ ngu dốt thường ngoan cố và không nghi ngờ; hắn biết tất cả ngoại trừ sự ngu dốt của chính mình."

Cù Huy Hà Vũ trở nên đáng nể phục vì đã biết đặt ra một dấu hỏi khi hầu hết mọi người chỉ biết lắng nghe và tuân phục. Ông đáng ngưỡng mộ hơn nữa vì đã biến nghi ngờ thành thành những điều trông thấy và công khai nói về nó. Những cá tính của ông mà nhiều người cho là "ngông cuồng, tự phụ...." (nếu có) là quá nhỏ bé so với một con người lớn như thế.

Mai Xuân Dũng.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

BẮT TRƯƠNG DUY NHẤT, PHẠM VIẾT ĐÀO, NHÀ NƯỚC ĐƯỢC LỢI GÌ?

Dư âm vụ bắt chủ trang blog Trương Duy Nhất-Một góc nhìn khác còn chưa kịp lắng xuống, công an lại tiếp tục khám xét bắt khẩn cấp đối với blogger, nhà văn Phạm Viết Đào.

Quả thật, hai vụ bắt người liên tiếp là những blogger nổi tiếng đã gây ra cơn bão dư luận trên khắp các trang mạng và là câu chuyện thời sự  chủ yếu trong quán cà phê ở các thành phố lớn.

Không chỉ dư luận trong nước mà dư luận quốc tế cũng rất quan tâm theo dõi, phân tích tình hình chính trị ở Viêt nam. Giáo sư  Carl Thayer-một chuyên gia có uy tín nói về làn sóng bắt bớ này rằng:
“ Chỉ trong năm qua đã có 46 người bị bắt, bất chấp kêu gọi từ Hoa Kỳ và EU là Hà Nội cần cải thiện tình hình."

Bắt các Blogger này để làm gì, Bắt họ giải quyết được cái gì và chiều hướng nhà nước xử trí với hàng nghìn blog đang hoạt động trên các trang mạng ra sao, sẽ gây ra hiệu ứng tốt, xấu như thế nào cho chính trường Việt nam trong con mắt dân chúng và thế giới?

Nhớ lại, khi biết tin Blogger Trương Duy Nhất bị công an bắt theo điều  258, cảm giác đầu tiên của nhiều bạn đọc là ngỡ ngàng.
Được biết ông Nhất là người có quan hệ thân thiết với một số nhân vật quan trọng trong bộ máy nhà nước,từng làm việc cho báo công an Quảng nam. Ông từng tháp tùng nguyên thủ quốc gia,ông Nguyễn Minh Triêt-hồi đó là chủ tịch nước, đi thăm chính thức Hoa Kỳ-một quốc gia cựu thù của chính phủ Việt nam.
Người như thế, ai cũng nghĩ phải an toàn. Rất an toàn là khác.

Và có lẽ một phần như vậy mà các bài viêt trên blog của Trương Duy Nhất dám đụng chạm tới những vấn đề gai góc, nhạy cảm, không né tránh tên tuổi một  số vị lãnh đạo đảng nhà nước.

Bạn đọc có chung nhận định rằng Trương Duy Nhất có cách nhìn độc lập, vô tư, can đảm trước bất cứ vấn đề nào. Dĩ nhiên không phải bất cứ điều gì bạn đọc cũng đồng nhất quan điểm với ông. Nhưng người ta phải thừa nhận, đó là người viết thật theo cách nghĩ của mình không uốn éo,bẻ cong sự việc. Đó là điều đáng trân trọng của một người viêt blog hay là viết báo nói chung.

Lục lại các bài viết của ông, những thông tin đưa ra có vẻ cũng không phải hoàn toàn là những khám phá mới, hoặc phanh phui một vụ án tày đình nào đó. Các bài  viết cũng không có dấu hiệu của sự cay cú, thù hằn thường là động cơ dẫn đến bôi xấu cá nhân, xuyên tạc chủ trương nào đấy của chế độ.
Tất cả sự kiện có đầy trên mạng, trên báo giấy. Trương Duy Nhất chỉ xâu chuỗi các sự việc liên quan, sắp xếp chúng lại để bạn đọc dễ nhìn,dễ cảm nhận, cô đặc thông tin và dán lên đó những cái tít thoạt nghe cũng giật mình. Bạn đọc thấy ở Trương Duy Nhất một blogger sắc sảo, tài năng và can đảm.

Cũng vậy, theo truyền thông nhà nước đưa tin, blogger, nhà văn Phạm Viết Đào cũng là đối tượng bị bắt bởi vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự. Nhưng trong khi ông Nhất bị dư luận cho rằng ít nhiều liên quan trực tiếp với ai đó, khi viết về ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ thất cử trong kỳ bầu vào Bộ Chính Trị và cho thăm dò dư luân trên mạng về mức độ tín nhiệm của các thành viên chính phủ thì ông Phạm Viết Đào được coi là không hề dính líu trực tiếp về nhân vật cấp cao nào.

Cũng như Trương Duy Nhất, trang blog của ông Phạm Viết thu hút đông đảo độc giả vì các bài viết phê phán gay gắt các chính sách của nhà nước, nạn tham nhũng của các quan chức. Nhưng khác với blog của ông Nhất, blog Phạm Viết Đào đề cập khá nhiều đến cuộc chiến Việt-Trung thời kỳ 1979-1988 và vấn tranh chấp Biển Đông với thái độ lên án Bắc kinh gay gắt.

Ở các nước tự do dân chủ, những bài viết của blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào là những hoạt động được coi là rất bình thường và dĩ nhiên được luật pháp luật bảo hộ quyền tự do bày tỏ ý kiến trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ở Việt nam, khi các quyền tự do dân chủ trong đó quyền tự do ngôn luận trong Hiến định lại được áp dụng theo các điều luật được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ mơ hồ, thiếu cụ thể nên các cơ quan luật pháp dễ dàng suy diễn theo bất kỳ cách thức nào họ muốn.

Điều 258 bộ luật Hình sự là một ví dụ. Từ “Lợi dụng” quyền tự do dân chủ rất khó định nghĩa chuẩn xác là gì. Cũng vậy cụm từ “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cũng rất mông lung trong việc giải thích thế nào là “lợi ích” hợp pháp của tổ chức, công dân.

Khi điều luật át Hiến định như trên, bất kỳ công dân Việt nam nào cũng có thể bị tống giam bởi điều 258. Chính vì vậy nếu các blogger nói trên có bị đưa vào nhà tù bởi những bài viết có nội dung phê phán, động chạm như vậy  cũng thật là dễ hiểu, đó là chưa muốn nói rằng các bài viết đó cũng có thể chỉ là cái cớ  để che dấu một “tội danh” khác mà những người cầm quyền không muốn đưa ra.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cung cách thực hiện việc bắt giữ các công dân có uy tín như vậy có đem lại cho những người chủ trương vô hiệu hóa các trang blog nói trên những điều tốt đẹp hay không là một chuyện đáng bàn.

-        Có thể ra lệnh bắt giữ khá tùy tiện như vậy, nhà nước muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ với tất cả các blogger rằng: Quyền lực hiện hữu là vô giới hạn?
-        Tuân thủ hiến định là việc của nhân dân chứ không phải là nghĩa vụ của thiểu số cầm quyền?

Nếu giả thiết trên là có lý thì các quyết định như vậy sẽ đem lại cho thể chế sự bất lợi vô cũng lớn. Mất lòng tin và mất đi sự tôn trọng tối thiểu đối với các thiết chế đang vận hành đất nước sẽ là những mất mát không thể bù đắp nổi.

Để có thể dễ hiểu hơn khi đặt vấn đề như vậy, có thể lấy một ví dụ nhỏ về cung cách hành xử của một tổng thống Mỹ-chức vị được cho là có quyền lực rất lớn như sau:

Ồng Andrew Jackson Tổng thống Mỹ (1829-1837) từng có mâu thuẫn cá nhân với một công dân của mình vì người nọ đã công kích vợ của Tổng thống. Thời đó việc đấu súng để giải quyết danh dự vì mâu thuẫn cá nhân là một việc bình thường. Cuộc đấu sung đã diễn ra giữa một Tổng thống và một công dân. Người đàn ông bắn một phát trúng phía trên trái tim của Tổng thống Jackson. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ bình tĩnh, ngắm mục tiêu và bắn chết đối thủ. Do việc gắp viên đạn ra quá nguy hiểm cho tính mạng nên Tổng thống Jacksonđành phải sống chung với nó cho đến cuối đời.

Như vậy luật pháp được triệt để tôn trọng. Mọi công dân hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật mà không cần sử dụng-lạm dụng quyền lực.
Khi bắt giữ những người bất đồng chính kiến có uy tín, công khai danh tính như đã nói chỉ đẩy nhà nước càng xa hơn nền văn minh tự do dân chủ, một xu thế tất yếu của thời đại và làm cho Việt nam ngày càng cô đơn hơn trong thế giới văn minh và nhem nhuốc hơn trong con mắt của nhân dân.

Nếu nước Việt nam là một nước dân chủ “vạn lần hơn” các nước tư bản thì các nhà lãnh đạo trước hết hãy tỏ ra là mình tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân để xứng đáng là những nhà lãnh đạo đất nước trong con mắt của nhân dân hơn là những chức vị do “cơ cấu” hoặc chia nhau quyền lực bởi phe cánh mà có.


MXD

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

PHỤ NỮ TRUNG HOA VÀ SỨC HÚT.




Ảnh Internet:  tỷ phú Rupert Murdoch và cô vợ Trung hoa Đặng Văn Địch

Chuyện riêng tây của người khác không nên đưa ra công luận để mổ xẻ vì không được đạo đức lắm. Tuy nhiên, nếu đó là chuyện của người nổi tiếng,người của công chúng thì hơi khác bởi cá nhân họ có ảnh hưởng lớn tới xã hội và việc phân tích dữ liệu sự kiện cho khách quan là hữu ích không những cho người trong cuộc mà còn cho xã hội.
Lưu ý tính chủng tộc, dễ thấy rằng các cô gái Trung hoa rất thành công khi chinh phục được những người đàn ông nước ngoài,đặc biệt là những người nổi tiếng, thành công trên thương trường và chính trường.

Mới đây tỷ phú Rupert Murdoch đã ly dị cô Wendi Deng tên Trung hoa là Đặng Văn Địch sinh năm 1968 và là vợ thứ ba của ông. Cô Đặng Văn Địch sang Mỹ năm 1988 bởi một gia đình người Mỹ hỗ trợ để có visa du học sang Mỹ. Lĩnh vực hoạt động đầu tiên của cô là trong lĩnh vực truyền thông tại Star TV, Hong Kong, một công ty con của Tập đoàn News Corporation
Một tỷ phú Mỹ nữa lấy vợ Trung hoa là Mark Zuckerberg.
Dĩ nhiên,dân mạng không thể không biết Mark Zuckerberg nhà sáng lập mạng xã hội Facebook cũng làm lễ thành hôn với một cô gái Trung hoa tên là Priscilla Chan. Điều dễ gây ra nhầm lẫn cho nhiều người là Zuckerberg phu nhân đã tốt nghiệp khoa Y của trường Đại học California và muốn trở thành bác sỹ nhi khoa chứ không phải là cô Priscilla Chan khác được biết đến là một ca sỹ chuyên nghiệp rất nổi tiếng ở HongKong.

Không hiểu có sự sắp đặt hay ngẫu nhiên nhưng sự thật là khá nhiều tỷ phú trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị gia chọn các cô gái Trung hoa làm người tình,rồi là bạn đời.
Ngay cả ông Hồ Chí Minh và tướng Nguyễn Sơn cũng từng lấy vợ người Trung hoa.

Phụ nữ Trung hoa hấp dẫn những cái “đầu lớn” ở cái gì có lẽ là một ẩn số rất đáng quan tâm.

MXD

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

TẢN MẠN CHUYỆN VĂN HÓA, BÁO CHÍ HAY LÀ DỒI CHÓ


Truyền hình TTXVN ngoài nhiệm vụ chính trị có tính đảng còn đưa nhiều tin khá ăn khách có tính văn hóa nữa. Một trong những tin đó là chuyện có nhà báo Nga đã từ bỏ nghề làm báo để chuyên tâm lo công việc an sinh cho chó. Lí do: hiện nay tại Moskov có quá nhiều chó vô chủ đi hoang trên đường phố. Nghề làm báo cao quý hay nghề chăm chó cao quý hơn? 
Đó là quan điểm cá nhân.

Không biết các bác Trần Mục, Anh Tú Béo, Anh Tú không béo và nhiều đại gia kinh doanh ngành công nghiệp mộc tồn có biết tin này không? Và thông tin này có gợi mở cho các bác một hướng đầu tư sang Moskov, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở đó không? Tôi nghĩ là các bác nên quan tâm.

“Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ có biết hay không?”

Ở Việt nam, món thịt chó là món khoái khẩu nên nó đi vào ca dao một cách tự nhiên như thế. Hàn Quốc có phố thịt chó Tự Cống nổi tiếng, ở Trung Quốc, Tây Xương, Quế Lâm sầm uất vì thịt chó. Việt nam được quốc tế biết đến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mà một trong số đó là lĩnh vực chế biến thịt chó. Xứ Hàn làm món mộc tồn khá đơn điệu. Các bố xứ này rất khá về nền công nghiệp điện ảnh, điện tử, ô tô… nhưng về khoa ẩm thực chỉ nổi lên mỗi món quốc hồn là Kim chi. Món dưa cải muối này còn thay thế cho danh từ chỉ quốc hiệu.Vậy có lẽ thua anh Tàu về kĩ thuật chế biến món ăn từ chó. Ở Quế lâm người ta ít khi cắt tiết chó như ở Việt nam. Đầu bếp chích máu từ chân chó để chó chết cách từ từ. Không biết việc cắt cổ chó và chích máu cho chết cái nào nhân đạo hơn. Nhưng khác ở ta, miếng thịt chó hấp được đưa lên phục vụ thực khách có mầu trắng hồng như giăm bông chứ không thâm đen như thịt chó Trần Mục. Trung Hoa là đất nước kì bí trong việc hóa kiếp các sinh linh. Bác Trần mục nên đi thăm thú Quế lâm học hỏi tí kinh nghiệm xem sao nhé. Tuy nhiên, dân ta, từ thứ nguyên liệu giầu đạm này đã chế biến ra khá nhiều món ăn phong phú khác nhau cho thấy óc sáng tạo nghệ thuật của người Việt thật là bay bổng. Món dồi chó của ta đến Diêm vương còn thèm nhỏ dãi mà ở Tây Xương, Quế lâm, Hồ nam Trung Quốc thịt chó phổ biến đến thế mà không thấy có bán. Tàu thua ta ở chỗ đó. Dồi chó ở Hà nội phải nói là đa dạng, nhiều kiểu dồi hấp, luộc, nướng, rán và có nhiều thứ nguyên liệu cho vào dồi khác nhau tùy vùng miền. Nhưng giới sành ăn cho rằng dồi chó ngoài các nguyên liệu truyền thống nếu cho thêm một lượng hợp lý lá cúc tần vào thì miếng dồi nướng còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Ngày trước chợ Âm phủ thành danh với món thịt chó chặt. Phố Hàng Lược từng tự hào về món nhựa mận. Còn Nhật Tân nổi tiếng nhất hoa đào nhì thịt chó ở chỗ quy mô hàng quán. Từ 12, 13 âm trở đi, con đường Nhật tân lúc nào cũng khói um vì đốt rơm thui chó.

Nhưng nói gì thì nói anh Tàu là đất nước luôn dẫn đầu thế giới ở truyền thống bành trướng trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy chỉ có Trung Quốc mới có ngành nuôi chó thịt công nghiệp cung ứng nội địa và xuất khẩu. Việt nam làm gì có ngành nuôi chó thịt công nghiệp nên phải sang tận bên Lào, Campuchia mua vét chó về làm thịt.

Entry này không PR cho ngành thịt chó của Việt nam đâu vì số người ủng hộ, ngợi ca món mộc tồn không áp đảo so với những người chống đối. Có Liên hiệp các xí nghiệp cầy tơ thì lại có các Hội yêu chó, Hội không ăn thịt chó. Mấy tỷ dân Âu châu, Mĩ Châu, Úc châu cộng thêm mấy tỷ người Hồi giáo phản đối việc giết mổ chó. Dịp World Cup 2002 ở Hàn, Nhật là một minh chứng. Hàn Quốc suýt mất quyền đăng cai giải bóng đá thế giới chỉ vì châu Âu la ó về chuyện nước này giết và xơi thịt chó ghê quá. Họ la dữ đến mức Hàn Quốc phải ra lệnh đóng cửa các nhà hàng thịt chó ở Seoul để làm nguội cơn giận dữ của phương Tây. Ngay cả Việt nam là nước chả sợ đếch gì các anh đế quốc to mà dịp Seagame còn phải khuyến cáo tạm ngưng việc chén thịt chó cơ mà. 

Nói vậy để thấy ta nên có cái nhìn toàn cầu trong các vấn đề quốc tế chứ không nên theo đuôi anh Tàu làm các chiến dịch vĩ đại cải cách nọ kia kiểu như phong trào toàn dân đập chim sẻ để nhảy vọt một phát lên chủ nghĩa cộng sản. Thời buổi kinh tế hòa nhập biển lớn cũng nên nghe ngóng dư luận quốc tế một tí.

Ở tây, dân nó lợi dụng dân chủ và nhân đạo một cách “quá trớn”. Cộng mình bên đó ai mà chả biết câu: “nhất đàn bà, nhì trẻ nhỏ, ba chó bốn mới đến đàn ông”. (May quá tây nó không sống theo kiểu tứ đại đồng đường như mình không thì ông bà cha mẹ đứng ở đâu trong cái thang bậc ấy?).

Như vậy ta mới thấy: “văn hóa mỗi nước đều có đặc điểm riêng, không thể lấy tiêu chuẩn của nước này để áp dụng cho các nước khác được, việc Mĩ và các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề nhân đạo để áp đặt cho Việt nam là can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác” làm chính phủ ta khó chịu lắm. Các anh Dân chủ kiểu các anh, chúng tôi dân chủ theo kiểu của chúng tôi, không có lẫn lộn. Việc ký vào công ước quốc tế cũng như ký giấy gia nhập băng đảng nào đó thôi chứ có thực thi các điều luật trong đó hay không là chuyện khác.

Bây giờ tản mạn sang chuyện khác nhỉ? Về chuyện văn hóa. Tây nó quý chó thật sự chứ không như vài em Teen hoặc mệnh phụ đại gia bên mình ôm cẩu kè kè chỉ để làm dáng cho giống quý sờ tộc đâu. Bên đó có Luật bảo vệ động vật ở cấp quốc gia và cả Liên hiệp quốc nữa. 

Mà luật tây nó nghiêm. Mr Đàm sang Mĩ thì biết rồi đấy, Lý Tống công dân Mĩ, xịt hơi cay vào ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng là lập tức bị Police nó khóa tay tống giam tắp lự chứ không ưu ái hoặc kì thị là anh theo cộng sản hay tư bản gì cả. Đại danh ca Mĩ Brisney Spears Hot tung giời mà có mỗi một việc hàng xóm trình báo nhìn thấy cô nàng ôm con Mi mi bị bó bột một chân là Hội bảo vệ động vật mời cảnh sát tới tư dinh điều tra ngay. Ghê không?

Hai việc đó khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ luật pháp nó không phân biệt đối xử giữa đại danh ca bản địa hay ca sỹ èng èng cỡ như xứ mình.

Nhân chuyện dồi chó của ta được vinh danh ngon nhất thế giới, (ta có nhiều cái   nhất nữa cơ, nhiều lắm) lại nói về năng lực “cảm hóa” của người mình mới thấy được thế giới chả phải là “phẳng” một chiều như tác giả ăn khách Thomas L. Friedman trong cuốn “Thế giới phẳng” đâu nhé.
Phương Tây làm “phẳng” giữa Đông và Tây bằng công nghệ thì ta làm “phẳng” họ ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tây phản đối giết và ăn thịt chó nhưng dân tây sang ta được ta “cảm hóa” đến nỗi biết…thèm ăn thịt chó. Ăn nhiều đi đến chỗ khoái cả mắm tôm. Chưa hết, mê Việt nam đến độ có chú “Hai lúa mắt xanh” quay ra mở quán thịt chó ở Ngõ Huế Hà nội nữa chứ. Đó là chàng Stanilas Boissau sinh nở ở Paris “hộ tịch” Pháp quốc đàng hoàng kìa. Văn hòa mình có khả năng “đô hộ” nước khác đấy chứ.

Người Việt có Giáo sư Ngô Bảo Châu hình như cũng góp công làm “phẳng” luôn thế giới bằng việc chứng minh thành công “Bổ đề cơ bản Lanland”. Chúng ta lại có thêm năng lực đô hộ nước khác bằng toán học hàn lâm không chừng.

Ông Friedman nếu có ý định viết thêm tập 2 “Thế giới phẳng” thì nên lưu ý một chút về vấn đề này thì tác phẩm có lẽ sẽ hoàn chỉnh hơn nữa.


Viết đến đây và nhìn đồng hồ thấy đã khá muộn, cô con gái của mình (cứ chủ quan cho là của mình đi) phòng bên đã che mồm ngáp mấy cái. Tớ nghĩ nên thôi vì Blog là chỗ chẳng nên viết dài và nhất là chẳng thể cho mình cái quyền gõ máy xoành xoạch lúc đêm khuya.

MXD

Công an Hà Nội ra lệnh bắt khẩn ông Phạm Viết Đào

Ông Phạm Viết Đào

Ảnh: Internet

Ngày 13/6, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với  ông Phạm Viết Đào, sinh ngày 10/4/1952 tại Nghệ An; hiện thường trú tại số 02 hẻm 39/7/460 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo cơ quan an ninh, ông Phạm Viết Đào có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."

Quá trình thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ông Phạm Viết Đào có thái độ chấp hành.

Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Phạm Viết Đào để xử lý theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN)


Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

TÓM TẮT DIỄN BIẾN CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY 02/6/2013 TẠI HÀ NỘI.




  1. 8 giờ 45 cuộc biểu tình nổ ra tại hồ Gươm Hà nội. Khoảng 150 người biểu tình bắt đầu diễu hành bên bờ hồ. 
    Các khẩu hiệu và băng dôn mang nội dung phản đối Trung quốc cho tầu hải giám đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng ngãi,Thanh hóa gây tại vùng biển Việt nam.


    Đoàn diễu hành đi đến đài phun nước nhà hàng Thủy tọa. Tại đây lực lượng công ...an Hà nội đã vây băt chị Bùi Hằng, anh Lê Thiện Nhân, Phạm Nam Hải. Đoàn biểu tình tiếp tục đi quanh hồ Gươm. Tại khu vực trước tòa báo Hà nội mới, công an tập trung số lượng lớn công an mặc thường phục đeo băng đỏ vây bắt thêm nhiều người: 
    Nhà văn Thùy Linh, anh Lã Việt Dũng, các Blogger Nguyễn Tường Thụy, Lê Anh Hùng, Trương Văn Dũng,Nguyễn Hữu Vinh, cựu chiến binh Phan Trọng Khang, chị Trần Thúy Nga cùng con chị-bé Tài mới 2 tuổi, chị Hạnh Tây Hồ, em Tiến Từ Tốn, Nguyễn Đình Hùng, Lê Thu Hà, Hoàng Ngọc Tuấn. 
    Tiếp theo đó các anh chị Phóng viên AFP là Trần Minh Hà, Hoàng Đình Nam và bác Phạm Bá Toàn,Tạ Mạnh Hưng.

    DANH SÁCH 23 NGƯỜI BỊ BẮT VỀ TRẠI LỘC HÀ cụ thể như sau:
    1.Bùi Hằng
    2. Nhà văn Thùy Linh
    3. Lã Việt Dũng
    4. Nguyễn Tường Thụy
    5. Lê Anh Hùng
    6. Trương Văn Dũng
    7. Nguyễn Hữu Vinh
    8. Phan Trọng Khang
    9. Lê Thiện Nhân
    10. Trần Thúy Nga
    11. Bé Tài
    12. Chị Hạnh Tây Hồ
    13. Tiến Từ Tốn
    14. Nguyễn Đình Hùng
    15. Lê Thu Hà
    16. Hoàng Ngọc Tuấn
    17. Trần Thị Minh Hà, Phóng viên AFP
    18. Hoàng Đình Nam, Phóng viên AFP
    19. Phạm Bá Toàn
    20. Tạ Mạnh Hưng

    21. Phạm Nam Hải
    22. Nguyễn Văn Lịch
    23. người giấu tên 

    Cuộc biểu tình bị dập tắt sau gần một giờ.
    Ngay sau đó thân nhân và anh chị em biểu tình sang trại Lộc Hà , nơi giam giữ người biểu tình để đòi công an trả người bị bắt giữ.
    Đến 6 giờ chiều 22 người lần lượt được trả tự do. Mọi người tiếp tục ở lại chờ đến 19 giờ thì công an cho khiêng anh Trương Văn Dũng ra ngoài cổng đặt nằm bên lề đường trong tình trạng choáng ngất, đỉnh đầu có một vết thương khá sâu, máu ra nhiều.


    Nhân dân đấu tranh đòi công an trại Lộc Hà phải đưa anh Trương Văn Dũng đi bệnh viện nhưng không được đáp ứng. Bà con chuẩn bị gọi xe đưa anh Dũng đi nhà thương.
    Trong khi đó Xe của công an Hà nội chở lãnh đạo công an thành phố ra khỏi cổng trại, anh Chí Đức dung điện thoại di động chụp ảnh chiếc xe này.
    15 phút sau Chí Đức đang đứng bị 5 công an mặc thường phục vây quanh giật điện thoại. Chí Đức bỏ liền bị đuổi theo đánh tới tấp.


    Nguyễn Văn Phương chạy theo can ngăn liền bị quật xuống đường và đánh rất dã man.


    Chí Đức và Nguyễn Văn Phương bị đám công an này tống lên xe thùng chuẩn bị chở đi. Thấy nguy cơ 2 anh có thể nguy hiểm đến tính mạng,khoảng hơn 10 người nằm lăn ra trước xe thùng của công an ngăn không cho đem 2 anh đi. Rất nhiều dân người khác đồng loạt nằm lăn giữa đường biểu thị sự ủng hộ.


    Anh Bùi Tiến Hưng đập cửa xe yêu cầu công trả tự do cho người bịn nhốt trong xe liền bị công an túm áo đánh khá đau. Quá phẫn uất, anh Hưng kêu to đòi mua giúp xăng để tự thiêu


    Giao thông trên tuyến đường Đông Anh bị tắc nghẽn 2 giờ.


    (Ghi chép tại chỗ)