Ông hàng xóm vốn là một vụ phó (Vì sự tôn trọng nhất định với công việc và sổ hưu của ông ấy có lẽ chưa nên nói ra ở đây ông ấy ở vụ nào).
Ông ấy điềm đạm, hòa nhã sống đúng mực với mọi người lối phố nhưng hình như chỉ café, bia bọt với riêng tôi.
Nhưng một hôm gặp nhau đầu ngõ thấy ông khang khác, cái miệng cố rộng mở nhưng tiếng cười không còn vẻ tròn đầy và câu chuyện phảng phất vẻ gượng gạo. Tôi cảm nhận được sự khác thường và không muốn “làm phiền” ông khi nói chuyện nơi công cộng bằng cách rút ngắn đàm đạo trong chừng mực còn giữ được sự lịch thiệp.
Sau này, vô tình tôi được biết ông đã có lần “tiếp xúc” với cán bộ bên an ninh và sự “điều chỉnh” thái độ trong mối quan hệ với tôi là dễ hiểu.
Chính sự “thành công” của cơ quan an ninh trong nhiều lần “rỷ tai” với “quần chúng” đã làm cho ngành này ngày càng phát huy mạnh mẽ “thành tích” đã đạt được và không phải là họ không thành công trong việc gây nghi ngờ, chia rẽ trong đám công dân mà 84 năm qua họ luôn luôn được rót vào tai biết bao nhiêu mỹ từ về chủ nghĩa cộng sản và sự thối nát ghê gớm của chủ nghĩa tư bản.
Sự giả dối và công lý (bị bịt miệng) trong một xã hội như thế đã xóa mờ ranh giới Chân-Giả và đau xót vô cùng khi ta thấy ngay cả một số không nhỏ người có bằng cấp cao trong các cấp học quốc gia cũng quẩn quanh trong nhận thức chính trị ở mức mù mờ về mọi điều đang diễn ra trong xã hội chúng ta đang sống. Nhận thức ở mức nào cho chúng ta khả năng nhận biết diễn biến xã hội ở mức ấy. Thật sự cũng có những đảng viên có cuộc sống khá mực thước nhưng cả “một bộ phận không nhỏ” đảng viên cộng sản tham nhũng có lối sống ích kỷ vụ lợi đi ngược lại với quyền lợi dân tộc nhưng họ có chung lòng tự hào (huyễn hoặc) về bản thân, về đảng của mình và tin tưởng chắc chắn “giai cấp tiên phong” mà họ là thành viên đã, đang có đầy đủ phẩm chất để “dạy dỗ” nhân dân bởi đơn giản chính họ tin tưởng đảng của họ là “đạo đức là văn minh”, họ là những tinh hoa của đất nước, họ có nhiệm vụ giác ngộ, giáo dục nhân dân thấm nhuần “chân lý rạng ngời” đó.
Viết đến đây bỗng tôi tự nhiên nhớ đến truyện ngắn Rachel của O.Henry, trong đó, người đọc nhìn thấy một tình yêu trong vắt như pha lê của một cô gái nghèo và chàng trai nhà giàu. Cô gái mặc cảm về thân phận của mình và luôn luôn giấu diếm xuất xứ của mình với người yêu. Chỉ đến khi bằng cái chết của cô, tác giả mở ra một khe sáng soi chiếu sự thật trong đời sống thật nghèo túng khủng khiếp của cô rằng: để sống, chính cô và mọi người trong gia đình từng sống nhờ vào thùng thức ăn thừa bỏ đi của gia đình người cô yêu. Thật không may, lần đó gia đình chàng trai đã vô tình bỏ thuốc độc vào thùng thức ăn thừa để diệt chuột (!). Raychel có giả dối không? Đó là một điều mà những nhà xã hội học sẽ và mãi mãi phải phân tích để rồi không đi đến đích.
27/2