Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

CON CHÁU CỤ ĐÂU ?

mai xuân dũng 1/10/2010.

Tình trạng sức khỏe của cụ Võ như thế nào hiện nay ai cũng đã rõ. 
Vậy người ta đến, dựng cụ dậy để đọc thư "mời đi dự đại lễ 1000 năm" 
là có thực tâm không hay đây lại là căn bệnh hình thức. 
Việc dựng một người trong tình trạng đang thở oxy lâu nay như thế này 
để chụp ảnh nhằm mục đích phục vụ công tác tuyên truyền là nhẫn tâm. 



Dụi mắt một cái cho đỡ nhòe...

Dụi đi dụi lại, mắt đỏ hoe.


Hình như cụ Giáp đang sắp bị...

Dựng dậy để cưỡng....tình (cảm) tập thể


Con cháu cụ đâu ???


mà để cụ phải chịu nông nỗi thế này ???

mai xuân dũng



NGỤY BIỆN

mai xuân dũng 30/9/2010
 
Câu chuyện thứ nhất
Ở xứ nọ có một cô gái xinh đẹp đã làm biết bao nhiều chàng trai thầm yêu trộm nhớ và mơ ước được trọn đời bên nàng. Không may năm 17 tuổi cô bị mù do mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Gia đình không tiếc bất cứ cái gì để thuốc thang chạy chữa cho cô nhưng vô hiệu. Cuối cùng các danh y kết luận: hết cách, may ra có ai hiến đôi mắt lành mới có thể giúp cô có lại được ánh sáng mà thôi.Rất đau khổ về nỗi thiệt thòi của mình, cô nguyện ước nếu ai đó chữa được cho cô đôi mắt cô sẽ suốt đời hi sinh và lấy người đó làm chồng.
Đến một ngày, các thầy thuốc cho mời cô đến để làm phẫu thuật và sau vài ngày cô đã nhìn lại được ánh sáng trong thế giới huyền diệu tươi đẹp muôn mầu của cuộc sống. Cô cảm thấy mình hạnh phúc vô bờ bến như được sinh ra lần thứ hai.Khi hỏi nguyên nhân nào đem lại cho cô đôi mắt sáng, các thầy thuốc chỉ cho cô thấy một chàng trai bẽn lẽn đeo cặp kính đen đang ngồi trong góc phòng vẻ mặt đầy rạng rỡ.Nhưng khi chàng trai bỏ cặp kính đen xuống thì cô thấy nơi đôi mắt của chàng chỉ là hai cái lỗ sâu hoắm ghê rợn làm cô rùng mình hoảng hốt. Đôi mắt ấy đã được chàng trai tha thiết tình nguyện để các thầy thuốc khoét ra thay mắt cho cô.
Tuy vô cùng cảm động nhưng cô gái từ bỏ lời nguyện ước của mình vì không thể lấy một người chồng mù xấu xí, gớm ghiếc như thế.
Câu chuyện thứ hai
Một nhà sinh học vĩ đại đã cho thấy việc nhân bản cừu Dolly là chuyện nhỏ vì ông đã nhân bản thành công một con người bằng xương bằng thịt có tư duy. Ông đặt tên sản phẩm trí tuệ của mình là Mecgi. Sau 16 năm Macgi trở thành một thanh niên có phẩm chất tuyệt vời về năng lực thể chất, nó bất tử với các tác động vật lý thông thường. Nó còn có phẩm chất trên cả tuyệt vời nhưng theo một chiều kích xa lạ về tư tưởng. Những dự định tốt đẹp của nó đem đến cho mọi người xung quanh sự khiếp đảm và đau khổ. Khi Macgi nhìn một cô gái với vẻ âu yếm thì từ ánh mắt nó tỏa ra một năng lượng xung kích làm cô gái tê liệt và mất hết khả năng chống cự với hành động bản năng của nó. Nó có những biểu hiện điên khùng, bẻ gãy tay chân một người bất kì để làm vui cho người nó yêu quý, vì trong lối tư duy của Macgi, đó là cách thức tốt đem đến niềm vui.Macgi hãm hiếp vợ của một người hàng xóm để trả thù cho việc ông này mắng nhiếc vợ. Đỉnh cao trí tuệ là việc Macgi đốt cả làng với suy nghĩ không muốn cho những người trong đó chịu những nỗi cơ cực vì sống trong những túp lều rách nát ẩm thấp tối tăm. Nhưng việc đó đã gây ra cái chết thê thảm cho rất nhiều con người sống trong đó và tàn phá tất cả những gì mọi người vắt sức làm ra. Macgi tàn phá rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không thể làm nổi lấy một chiếc bánh mì để ăn.Tóm lại, xuất phát từ những ý tưởng tốt nhưng Macgi đã gây ra toàn những thống khổ cho con người vì những ý tưởng cao siêu nhưng điên rồ. Hơn nữa Macgi không có khả năng hiện thực hóa hay nói cho đúng nghĩa, nó không có năng lực làm bất cứ điều gì là tốt đẹp đúng nghĩa.
Những người khốn khổ vì Macgi đã tìm cách giết nhà sinh học vĩ đại kia để cứu thế giới. Nhưng nhà sinh học đã biết sai lầm của mình và tự tìm cách điều chỉnh bằng cách hủy diệt Macgi. Cuối cùng trong nỗ lực dùng hóa chất phân hủy Macgi, nhà sinh hóa đã nhiễm độc và chết cùng ngày với nó.
Câu chuyện thứ ba
Chuyện này thì ai cũng biết nhưng nó nằm trong cấu tứ của Tam giáo luận nên vẫn phải kể lại.
Nhan Hồi là trò yêu của Khổng tử. Một lần từ xa chứng kiến Nhan Hồi mở vung nồi cơm, bốc vài nắm giấu vào tay áo rồi cho vào miệng ăn, Khổng Tử cay đắng nghĩ: “Ta thật lầm to khi cho rằng Nhan Hồi là một trò ngoan có trí lực hơn người, than ôi cũng là đứa giá áo túi cơm gian ngụy mà thôi”.Khi các môn sinh khác về lều, Khổng Tử bẫy Nhan Hồi: “Ta từ Lỗ sang Tề muôn nguy nghìn cực. Nay có nồi cơm ngon há sao không xới lấy một bát, thắp nhang dâng kính tiên tổ, mẹ cha là các đấng sinh thành, các con thấy có nên chăng?”Nhan Hồi vội thưa: “Bẩm thầy, nồi cơm này không còn sạch để dâng tế”.Khổng Từ vờ không biết hỏi lại: “ Cớ sao không sạch?”Nhan Hồi thưa: “Bẩm không sạch, vì trong khi thổi nấu, con có mở vung ghế cơm, bị cơn gió thổi tới làm bay gio bụi vào nồi. Con đã hớt lấy chỗ cơm dính gio để ăn”.Không tử than rằng: “Than ôi, suýt nữa ta ngờ oan cho Nhan Hồi. Thế ra trên đời có những sự chính mắt trông thấy còn không hiểu được sự thật thì thử hỏi những sự không thấy còn đáng ngờ vực biết bao nhiêu?”.
Lời bàn:

Có người xem xong câu chuyện thứ nhất nói: Đó là lời bào chữa cho sự bội ước và minh chứng: lòng tốt được chỉ dẫn bởi lý trí tồi sẽ đem lại hậu quả thê thảm như thế nào.
Có người xem câu chuyện thứ hai cho rằng: Có lẽ đây là một trường phái của Nhị nguyên luận nhằm giải thích  nguồn gốc thế giới. Việc đó từ thời cổ đại cho đến nay vẫn không có sự lý giải khúc chiết, thuyết phục nhất. Nó vẫn giống như chuyện tranh cãi quả trứng có trước con gà hay con gà có trước quả trứng. Tuy nhiên ở đây có hồi kết đáng suy ngẫm vì tính thực tế của nó.
Nhiều người xem câu chuyện thứ ba thừa nhận rằng: Âm mưu của một bộ phận cô đơn nhưng hãnh tiến muốn đưa ra một thông điệp nhằm làm rối trí  người nghe, dẫn dụ tới sự biện hộ cho những lật lọng của mình cả hiện tại và trong tương lai.
Hãy ráp nối ba câu chuyện trên trong trong một tổng thể. Nếu vậy, đây có lẽ là cách giải thích nôm na nhưng rất thuyết phục cho câu hỏi chủ nghĩa Marx – Lénin là gì và tương lai của nó ra sao.
Mai xuân dũng
mai xuân dũng

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

QUÀ RIÊNG QUÀ CHUNG

mai xuân dũng 29/9/2010


Có bạn hỏi tôi: 

-Lề 1000 năm chuẩn bị được gì rồi?
-Một số thứ.
-Tiết lộ đi để anh em mừng.
-Vài lít rượu ngon dành tiếp anh em ở Huế ra chơi, cân trà ngon, thùng bia Hà nội tiếp bạn bè hàng xóm sang mừng Thăng long chưa thành cái ao đất Ngũ hồ.
-Hoành tráng nhẩy
-Thì cũng là chuyện 1000 năm, hàng ngày làm gì có thế
Tôi không nói nhưng cũng chuẩn bị cho vài thằng trước đây là bạn nay là quan "món quà" dưới đây để làm Phúc cho mấy thằng ấy.
Quà chẳng chẳng phải riêng tây gì, ai cũng biết lâu rồi nhưng dịp 1000 năm cũng nên cho mấy đứa ngồi mà nhắm chứ.


Thư để lại” của PGĐ Sở Công an TP Trùng Khánh trước khi bị tử hình

Văn Cường nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh do phạm tội tham ô (nhận hối lộ hơn 12 triệu NDT, không thuyết minh được số tài sản trị giá hơn 10 triệu NDT…) hủ hóa, bao che cho bọn mafia.. .đã bị toà án thành phố này tuyên án tử hình ngày 7/7/2010. Trước khi chết hắn đã để lại bức thư, xin lược dịch giới thiệu.
“Ta sống không nổi mấy ngày nữa đâu. Ta không ngờ lại bị phán tử hình, nhưng đã đến bước đó thì kháng cáo lên trên cũng chẳng có kết quả gì. Ta đây, cả cuộc đời làm công an, đã xử rất nhiều vụ án lớn, đã giết rất nhiều người, trước đây đã từng lo rằng sẽ có một ngày sẽ chết trong tay người nhà một số kẻ bị mình xử tử hình, không ngờ cuối cùng lại bị chết trong tay người của mình…Thế nhưng, ta đã nghĩ ra, những sự việc mà ta tham dự và biết được quá nhiều, nếu ta không chết sẽ có rất nhiều kẻ ăn không ngon ngủ không yên. Không giết ta, hậu hoạn lớn vô cùng, ta chết sẽ có lợi cho bọn chúng…Vì vậy có mấy câu muốn nói rõ trước khi đi xa.
Nói ta tham ô bao nhiêu tiền, chơi bao nhiêu con gái. Ta không phủ nhận điều đó. Nhưng điều ta muốn nói là, điều đó đáng trách ta nhưng cũng không đáng trách ta, tất nhiên trách nhiệm của ta là lớn hơn. Bất kể là ai nếu đặt vào vị trí của ta đều sẽ tham ô nhiều như vậy, chơi gái nhiều như vậy, thậm chí còn nhiều hơn. Có một số nữ học sinh, ta không chơi thì người khác cũng sẽ chơi. Nói Văn Cường ta đây cưỡng hiếp, ta mà lại phải cưỡng hiếp à?…Ai chẳng biết cán bộ hiện nay nếu không tham ô, không háo sắc thì ai dám tin, dám trọng dụng anh? Dù anh làm việc có tốt đi nữa cũng chẳng có ích gì! Loại cán bộ giống như ta, trong cả nước nếu không nói là mấy triệu thì chí ít cũng phải tới mấy chục vạn người. Chỉ bêu xấu rồi giết một mình Văn Cường, thì giải quyết được cái gì?
Điều ta muốn nói nữa là, con đường ta đi từ một anh cảnh sát nhỏ bé tại huyện Ba rồi lên tới chức Phó Giám đốc Sở Công an một thành phố trực thuộc trung ương, không phải là chỉ bằng con đường tham ô… Đối với ta trước tiên là công việc sau mới đến tham ô… Ai cho ta cái quyền muốn làm gì thì làm ở Trùng Khánh? Nhiều người biết rõ một số việc ta đã làm nhưng lại giả bộ là không biết? Đã không muốn để ta sống thì ta sẽ nói hết mọi điều ra: ta tham nhũng không chỉ có số tiền đến thế! Vậy số còn lại đi đâu? Tất nhiên là đến nhà người ta, có việc ta nhờ người làm, có một số việc tự ta làm. Nhờ người khác làm không có tiền có được không? Những người lấy tiền của ta cũng như những người đưa tiền cho ta hiện nay đang hướng dẫn quần chúng tham quan những trưng bầy chứng tích tham ô của ta. Ta không phủ nhận tính chân thực của các chứng tích đó, nhưng nếu các người tới nhà những kẻ đó xem xét sẽ thấy chút quà bẩn thỉu mà ta nhận thật đáng thương.
Văn Cường ta cũng là người có học… Trước đây ở Trung Quốc, đã có rất nhiều người vỗ tay khen ngợi việc chặt đầu bọn tham nhũng. Thế nhưng sau những cái vỗ tay khoái chí đó mọi việc vẫn như cũ. Mấy trăm năm qua Trung Quốc có thay đổi không? Ta thấy chẳng thay đổi gì cả. Giết ta chẳng qua là bịt được mồm một mình ta, nhưng liệu có bịt được nguồn gốc hủ bại không? Hôm qua trên đường phố Trùng Khánh có rất nhiều người đốt pháo. Ta không biết ba năm sau liệu bọn họ lại có phải đốt pháo nữa hay không? Sợ rằng đến lúc đó những người đã bán đứng ta sẽ lại ca ngợi ta và dân chúng không rõ chân tướng lúc này sẽ thấy Văn Cường cũng có chỗ tốt đấy chứ. Khi ta làm Phó Giám đốc công an Trùng Khánh tỷ lệ phạm tội có cao nhưng so với mấy thành phố lớn khác, Trùng Khánh tốt hơn nhiều…
… Biến ta thành người như thế này là do chính xã hội, chính chế độ này. Ta nói như vậy không phải là muốn đẩy hết trách nhiệm cho người khác. Nếu như năm đó ta không rời huyện Ba, yên tâm làm một anh cảnh sát bình thường ở đó thì hôm nay ta không phải như thế này. Tham công danh lợi lộc là sai lầm lớn nhất đời ta. Sau khi ta chết con cháu không lấy họ Văn nữa mà đổi thành họ khác, và con cháu các đời từ nay trở đi đừng theo nghiệp chính quyền, đừng làm quan, hãy xa lánh công danh lợi lộc.
Bình thường, bình yên mới là phúc.”
Dương Danh Dy

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

THỢ VƯỜN LÀM THƠ

mai xuân dũng 28/9/2010
Vừa rồi ra chợ Bưởi mua một cây Si mộc tính đem về tập gò Bonsai. Chị thợ làm vườn đụng đến cây nào là ứng khẩu đọc ngay thơ về cây đó. Đầu tiên là bài CÂY SI được chị cho xuất bản miệng. Vừa lựa cây vừa nghe nên cũng chưa thấm lắm nhưng thấy hay hay. Người mua  không mặc cả, bảo bao nhiêu trả bấy nhiêu. Chị thợ vườn có vẻ vui nên khuyến mại luôn bài  CÂY BÀNG nữa. Chủ, khách đều hài lòng.
Về thơ, người viết entry này tự thấy là dân ngoại. Thơ với mình cao quá. Chỉ kính nhi viễn chi thôi. Nhưng yêu thích thì có, nhất là thơ mộc. Nghĩa là đơn sơ như nói nhưng lấp lánh chất trí tuệ trong đó.
Thơ về cây si thì mình ít được nghe, đọc, mang máng nhớ được đôi câu của Nguyên Đổ:
Thân anh đã lỡ trồng si
Trước nhà ai đó lối đi bạch đàn
Nhưng đôi câu này cũng chỉ lấy cây si làm cớ để cởi lòng về nỗi mê đắm thôi chứ không trực diện nói về cây si.
Còn những câu gọi là thơ…lếu tếu về Si thì trẻ con bây giờ đọc nghêu ngao thì nghe nhiều:
Ai mua tui bán cây si
Si tui tốt giống cành chi chít cành
Hễ si mà gặp đất lành
Là si phát triển trở thành…si đa.
Cây bàng được nói đến nhiều hơn nhưng là trong lĩnh vực văn xuôi. Cây bàng được những người Hà nội đặc biệt yêu thích vì nó gắn với nhiều kỉ niệm. Hà nội xưa có rừng bàng Yên Thái phía bắc hồ Tây và được trồng khắp các phố Hà nội. Nhưng thơ viết về cây bàng ít lắm. Hà Văn có viết một bài thơ hay nói về cây bàng có tên: Cây bàng thời gian
Không vươn cành lên theo nắng gọi
Cây bàng góc phố
Xõa cành che nắng chói
Cứ chia tầng làm gánh
Gánh thời gian
Những đứa trẻ đi ngang
Những ông già đi ngang
Bóng mát
Rồi mùa thu đi ngang
Lá trút vàng mặt đất
Để mùa đông giá rét
Nắng rơi đầy sưởi ấm lối mòn…
Nhưng thôi, trong entry này mình không định viết một bài tiểu luận về cây bàng và cây si trong thơ mà chỉ muốn kể với bạn đọc về chị thợ làm vườn với tình yêu đối với cây. Mình chép lại để mong hầu chuyện bạn đọc vài phút trong ngày.

Có chị chỗ chợ cây, chỉn chu cắt cành, cào cỏ chăm cây cũng cất công cặm cụi chơi chữ chuyện cây cối:

CÂY BÀNG
Cái lạnh từ phương Bắc
Cắt chiếc lá lìa cành
Cây Bàng sầu cô quạnh
Có còn nữa xuân xanh?

CÂY SI
Cơn gió độc phương Bắc
Chẳng đem tới ngọt lành
Cây Si sao không vậy
Chồi biếc vẫn long lanh.

Bạn đọc thấy chị ấy chơi chữ ở chỗ nào cho biết nhé. Mình chịu.
Cảm ơn nhiều
mai xuân dũng

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

ĐỪNG CÂM ĐIẾC NHƯ THẾ

mai xuân dũng 27/9/2010
 
Thời xa vắng ở nước mình, cán bộ khuyến cáo dân: “không được nghe đài địch”. “Không được” có nghĩa là Cấm.
Địch bao gồm các nước đế quốc như Mĩ, Anh và chế độ cũ ở miền Nam. Thủa ấy các nước có truyền hình từ lâu nhưng ở mình (miền Bắc xã hội chủ nghĩa) mới có Radio. Đấy là các cán bộ có chứ dân chỉ nghe loa phóng thanh công cộng treo ở các cột điện (nếu là ở thành phố), treo trên cây xoan, cây si giữa làng (nếu là ở nông thôn). Ở Hà nội, có người biết về kĩ thuật thì mầy mò tự chế radio gọi là đài Galen bằng mấy linh kiện thô sơ như ống bơ, cuộn dây, cục nam châm và tấm selen. Vậy mà nghe tin tức tốt ra trò.
Chiến tranh thì khổ rồi. Đói vàng mắt ra. Đói là đói ăn chứ dân mình không chịu được đói thông tin. Đó là món ăn tinh thần quý báu không thể thiếu được trong cuộc sống. Con người khác con cừu chỗ đó.
Bây giờ phương tiện truyền thông dồi dào chẳng thiếu thứ gì. Ti vi, Radio, Báo chí các loại, lại còn có anh Internet nữa. Tha hồ hưởng thụ món ăn tinh thần nhé. Nhưng “chén” nhiều quá, không khéo bội thực rồi nghộ độc chứ chẳng phải chuyện chơi.Cũng phải nói thật, để xẩy ra “ngộ độc” thông tin lại do chính các anh làm công tác truyền thông gây ra. Nếu các anh đưa tin đúng đắn, tử tế, khách quan thì rất tốt. Còn đưa thông tin theo kiểu một chiều là cách làm rất dở. Đó là cách suy nghĩ ngây thơ và ngạo mạn, tự cho mình là nhất, là đỉnh cao rồi. Các anh ấy cứ tưởng thích nói gì người nghe cũng chịu. Bảo củ khoai lang là sâm Cao ly cũng bắt người ta phải tin, phải nghe. Đã thế cứ chém gió vù vù y như thật mới tài.
Hồi nhỏ, bọn trẻ con ăn na chẳng may nuốt hạt vào dạ dầy, người lớn dọa: “ Chết rồi, mấy hôm nữa hạt nảy mầm, mọc thành cây trên đầu cho coi”. Nói vậy mà cũng khối đứa tin, sợ xanh mặt, khóc đứng khóc ngồi. Trẻ con ngày nay có thông tin, biết phân tích dữ kiện rất sớm. Nhưng người lớn lại suy nghĩ theo kiểu ngày xửa ngày xưa. Vẫn coi thường bọn trẻ. Bé cái nhầm quá.Nước mình bây giờ thống nhất. Đảng ta chủ trương quan hệ quốc tế đa phương hóa. Địch không còn là mấy thằng đế quốc nữa. Đến Mĩ là nước cựu thù thì bây giờ ta cũng coi là bạn rồi. (Còn “nó” có coi ta là bạn không thì chẳng được rõ lắm). Đài của Mĩ, của Anh quốc phát bằng tiếng Việt không thấy cán bộ cấm nhân dân nghe nữa.Có điều người nghe, người đọc rất bực mình vì đài ta, nhất là báo chí ta hay “lạng lách” quá. Nhiều khi lại giả đò “điếc” để rồi “câm” trước bao nhiêu vấn đề hệ trọng quốc gia dân tộc.
Chuyện “điếc” và “câm” trong vấn đề quan hệ Trung - Việt chẳng nói nữa vì nói quá nhiều rồi. Nói về việc gần đây thôi. Ngày 24/9/2010 vừa qua ở New York diễn ra cuộc hội kiến trong tòa nhà Liên Hiệp Quốc giữa chính phủ Mĩ và nguyên thủ các nước ASEAN thì bên ngoài, người Việt nam tại Mĩ tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi Việt nam tôn trọng tự do nhân quyền và đòi thả tù nhân chính trị.Vậy mà báo chí, truyền thông của ta im thin thít như thịt nấu đông là sao? Các nước họ đưa tin về chuyện của mình mà giới truyền thông của mình lại “điếc đặc” và “câm” như thế?Nếu chúng ta đàng hoàng, chúng ta nên đăng tin để rộng đường dư luận. Nếu chúng ta có chính nghĩa sáng ngời, chúng ta cứ bình luận, phân tích rõ phải trái cho những người Việt ở bên kia Thái Bình Dương nghe và cả nhân dân trong nước được biết.Đàng này báo chí ta cứ “lạng lách” hoặc lờ đi như thế này, dư luận lại cứ tưởng ta “sai lè” ra thì nguy hiểm quá.
Mai xuân dũng

THƯƠNG THAY DÂN MÌNH

Mai xuân dũng 26/9/2010
                        
Cuối cùng thì ngài Naoto Kan không chịu được nhiệt do Ôn Gia Bảo đốt liên tục và phải trả tự do cho gã Chiêm Kỳ Hùng, thuyền trưởng tầu Mấn Tấn Ngư Trung Quốc.
Mặc dù là thuyền trưởng tàu đánh cá, nhưng Mấn Tấn Ngư là một tàu loại lớn, gắn động cơ mạnh và được trang bị ngư cụ, ra đa và hệ thống viễn thám hiện đại để tránh xảy ra các va chạm thông thường trên biển. Vậy mà tàu Tấn Ngư vẫn cứ đâm bẹp tàu tuần tra của Nhật đấy. Lúc đó gã thuyền trưởng tầu Trung Quốc Kỳ Hùng ngủ gật chăng? Hay là Hoa tiêu đột nhiên say sóng? Hoặc giả, tài công nhân lúc biển đẹp sóng yên nên say rượu chăng? Chắc chắn là không rồi. Chỉ có thể có một câu trả lời: Chiêm Kỳ Hùng đã ra lệnh cho lái tầu đâm vào tầu Nhật để gây ra một sự kiện trên biển Hoa Đông mà thôi. Nguyên nhân sâu xa ai cũng rõ: giữa Trung Quốc và Nhật vẫn đang tranh chấp chủ quyền đối với đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật) hoặc Điếu Ngư Đài (theo cách gọi của Trung Quốc). Theo Tuyên bố Cairo năm 1943 và Hòa ước Francisco 1951 thì Nhật sẽ từ bỏ chủ quyền đảo Đài Loan và quần đỏa Bành Hồ. Đảo Senkaku hoàn toàn không ai nhắc đến trong các tuyên bố, hòa ước này. Tiếp đó Hòa ước giữa chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Nhật năm 1952 kí tại Đài Bắc cũng không có vấn đề Điếu Ngư Đài. Lịch sử như vậy đã dẫn đến việc tranh chấp chủ quyền của Nhật và Trung Quốc đối với hòn đảo này.
Bỏ qua một bên việc hòn đảo, xét riêng việc mũi tàu Trung Quốc đâm vào sườn tàu Nhật cho thấy sự chủ động của gã Chiêm Kỳ Hùng thuyền trưởng tàu Mấn Tấn Ngư. Việc tàu tuần duyên Nhật bắt thuyền trưởng và thủy thủ tàu gây ra sự cố là đúng thông lệ Quốc tế về Luật biển. Trong việc này dư luận thế giới đã bắt đầu nhận ra đây là một kịch bản đã được Trung Quốc hoạch định và người Nhật, với một Thủ tướng mới nhận chức còn non tay đã mắc lỡm anh ba Tàu. Hoặc nói đúng hơn, Ôn Gia Bảo khá cao tay khi chọn đúng thời điểm chính trường Nhật đang có đổi thay. Hơn nữa, Thủ tướng Ôn xem ra còn bắt mạch được Naoto Kan là người yếu bóng vía. Dân Nhật với truyền thống võ sỹ đạo Samurai đã từng dám tự mổ bụng moi gan thì cảm thấy bị sỷ nhục trước việc Chính phủ của ngài Kan vội vã thả gã đầu trò gây tai nạn là thuyền trưởng Kỳ Hùng trước sức ép của người Trung Quốc. Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh cũng điêu đứng một phen khi trong một ngày bị Chính phủ Trung Quốc tống đạt triệu tập tới năm lần! (có lẽ đi toilet không nổi nữa chứ đừng nói đến chuyện ngồi trong tòa Đại sứ để chén món Sushi.)
Ấy vậy mà đã xong đâu. Thả người rồi mà Trung Quốc còn bắt Nhật phải xin lỗi và bồi thường. Đâm người ta xong lại bắt người ta bồi thường?. Nhớ lại trước đây tầu cá của ngư dân Việt nam bị tầu Trung Quốc đâm vỡ gây chết người thì Thủ tướng Ôn lờ đi. A ha, thì ra chỉ có Trung Quốc mới có lối chơi trịch thượng như vậy.
Nghe đâu trong hội nghị mới đây tại Mĩ, ngài Ô bá mà có nhỏ to với ngài Kan rằng: “thôi, ông nhịn nó đi một tí cho yên”. Việt nam cũng nên xem đó làm một việc để suy ngẫm về cách hành xử của chính phủ Obama. Nên nhớ, Mĩ và Nhật là đồng minh chiến lược chứ không phải như ta với Mĩ. Ta với Mĩ chơi với nhau cũng thường thôi, chưa thân thiện gì, bác Triết nhà mình lần trước sang Mĩ mà còn về tuyên bố muốn “phân hóa nội bộ” bọn Mĩ kia mà!
Nhưng nói gì thì nói phải nể cách hành xử của cả anh Nhật với anh ba Tàu vì thái độ hết sức có trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân. Khi nhân dân của họ gặp nạn ở bất cứ đâu, họ lập tức lên tiếng ngay không chậm trễ và kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá. Tất nhiên đó cũng là bảo vệ thể diện của quốc gia và uy tín Lãnh đạo nữa.
Thấy người mà ngẫm buồn cho ta. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, chết người thì phát ngôn Nhà nước gọi là “tàu lạ”, còn không dám gọi thẳng luôn là tàu Trung Quốc. Họ bắt bớ dân chài ta, bắn chết, đánh đập, giam giữ mà Nhà nước mãi mới dám lên tiếng một cách rụt rè. Thương thay dân mình.
mai xuân dũng

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

BẠN ĐỪNG MONG THẤY HỒN CỐT THĂNG LONG

mai xuân dũng 25/9/2010
 
Hà nội của tôi
Đã phôi phai mất rồi
Đến cả sắc trời Hà nội
Đừng tìm đâu nữa, hồ Gươm xanh như thời con gái
In thâm nâu, rêu biếc những mái nhà
Man mác buồn thèm nghe tiếng chuông xa
Tắt nghẹn, giữa xô bồ ồn ã
Bạn tôi ơi
Đêm Trung thuThôi đừng dẫn con mua đồ chơi Hàng Mã
Đèn ông sao xưa không có nữa rồi
Dạo mỏi chân cũng vậy mà thôi
Hàng Trung Quốc ngập tràn hè phố
Ông già nặn tò he chợ Bưởi, chợ Mơ nay đâu còn nữa
Bởi các con anh, con tôi chơi súng quen rồi
Bớt tiền quà mua đao, kiếm nhựa vui chơi
Và bạn tôi
Người xứ Huế
Có mẹ già
Chưa từng ra Hà nội
Hẹn đại lễ 1000 năm đưa mệ ra chơi
Buồn lòng thêm, bạn của tôi ơi
Đâu là Hà nội?
Nhà tôi bên Hồ Gươm mà lòng xa ngái
Ngước mắt trông tháp đá rạch nền trời
Hà nội thủa xưa mảnh lòng thơ bé của tôi
Vỡ vụn hết giữa xô bồ kẻ chợ
Đất chật trội vì thành xôi thành mỡ...
Hóa vi la, biệt thự các con giời
Biến địa linh làm chốn ăn chơi…
Bạn của tôi ơi
Tôi không chắc
Dám đưa mệ của bạn thăm Khuê văn các
Sợ vong linh tiền kiếp chẳng ngậm cười
Con cháu nay
Tiến sỹ nhiều
Như lá thu rơi
Rụng đầy hè Văn miếu.
Nhưng đâu ai giúp dập cho đời ?
Không ngượng ngùng,
Mặc miệng tiếng thế gian cười
Mua đỗ đạt bon chen làm quan chức mà thôi.
Hà nội của tôi
Không phải của hôm qua
Không phải Thăng long, Đông Đô, Hà nội
Tôi phải nói
Nếu không sẽ là người có lỗi
Để bạn đừng mong
Được nhìn, được nghe hồn cốt đất Thăng Long
Bởi hôm nay Có lẽ
Trăn tinh đã khoác tấm da Rồng.
Mai xuân dũng

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

ĐỤNG ĐÂU HỎNG ĐÓ

mai xuân dũng posted. 24/9/2010
Theo Tuổi trẻ- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo giao Bộ Tài chính nghiên cứu dùng 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế cho Vinashin trả nợ. Điều đó làm tăng thêm mối lo ngại cho quyết định chữa lửa bằng xăng của Chính phủ mà cụ thể là chỉ đạo nói trên. Vinashin là sản phẩm của Chính phủ sinh ra, bơm tiền vô tội vạ từ ngân sách và tiền vay nợ nước ngoài nhưng không theo dõi chặt chẽ (hoặc không đủ năng lực kiểm soát) để ông Phạm Thanh Bình tự tung tự tác gây thiệt hại gần 5 tỷ Dollars Mĩ của nhà nước. Cuối cùng rồi cũng đè cổ nhân dân ra để trả nợ đậy. Ông Nguyến Sinh Hùng vẫn làm những việc chỉ đạo rất khó hiểu giống như trước đây ông lên diễn đàn Quốc hội chém gió, hô hào dân mua chứng khoán một cách đầy tự tin. Kết quả ra sao ai cũng đã biết. Chứng khoán Việt nam đang 600 điểm tụt xuống đến nay dưới 300 điểm. Nghe ông Phó Thủ tướng thì dân chắc mất nghiệp. May mà bây giờ người ta nghe ông nói chỉ để nghe và che mồm ngáp thôi!
TT - Về đề nghị của Vinashin được dùng một phần trái phiếu chính phủ quốc tế (300 triệu USD) để tập đoàn này trả nợ, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - khẳng định: nếu được vay, Vinashin phải trả Chính phủ vì đây là cho vay lại, không phải cho không.


Chiều 23-9, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (300 triệu USD) để tập đoàn này có nguồn trả nợ, ông Trịnh Huy Quách, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, nói:

Ông Trịnh Huy Quách - Ảnh: Tuấn Thành

- Hiện nay Ủy ban Tài chính và ngân sách đang tiến hành giám sát về nợ công để có báo cáo tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Trong quá trình làm việc với các bộ ngành về nội dung cuộc giám sát này, từ thông tin trên báo chí, đã có ý kiến đặt câu hỏi liên quan đến đề nghị nêu trên của Vinashin, tuy nhiên đại diện Bộ Tài chính chưa trả lời cụ thể câu hỏi này mà cho biết sẽ có báo cáo sau.

Luật quản lý nợ công có quy định về điều kiện được vay lại vốn vay của Chính phủ. Theo đó, trong số các điều kiện được vay lại đối với doanh nghiệp có nội dung: tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách; tại thời điểm đề nghị vay lại không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà nước...
(Nguồn: Luật quản lý nợ công)
Thật ra cuộc giám sát của chúng tôi không đi sâu vào chuyện nợ nần của từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể, mà chủ yếu hướng tới việc nêu ý kiến tổng thể về nợ công. Như tôi đã nói, vì Bộ Tài chính chưa trả lời nên chúng tôi chưa có thông tin chính thức, đơn cử như chưa biết khoản này (300 triệu USD) có nằm trong 600 triệu USD mà Vinashin tự vay và không có bảo lãnh của Chính phủ hay không, do vậy rất khó để bình luận điều gì.
Tuy nhiên, nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) hiện nay được cho là ở ngưỡng an toàn (số liệu được công bố mới đây là 52,6% GDP) và với ngưỡng đó thì trong tương quan cụ thể nền kinh tế vẫn chịu được. Nhưng đó là trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì đây là vấn đề cần hết sức quan tâm.
* Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế nhưng doanh nghiệp được vay lại làm ăn không hiệu quả, hoặc doanh nghiệp tự vay nhưng không có khả năng trả nợ buộc phải “cầu cứu” Chính phủ, thì các trường hợp đó đều ảnh hưởng đến nợ công?
- Vừa qua Ủy ban Tài chính và ngân sách có tổ chức hội thảo về nợ công, một trong những vấn đề đặt ra từ hội thảo này là tốc độ tăng nợ tương đối nhanh. Nhìn vào bảng ngân sách thì khoản trả nợ ngày mỗi tăng rồi. Về vấn đề này chắc Chính phủ phải có sự tính toán.
Vấn đề quan trọng hơn, được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm và cảnh báo là hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nói về hiệu quả sử dụng vốn thì một trong những biểu hiện rõ nhất là chỉ số ICOR, chỉ số ICOR của nước ta đang ở mức cao (theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số ICOR càng cao thì chất lượng đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế càng thấp - PV).
* Về quy trình thì đề nghị nêu trên của Vinashin sẽ được xử lý như thế nào và cơ quan nào giám sát việc này?
- Đây là đề nghị của một doanh nghiệp nhà nước với Chính phủ, như vậy Chính phủ mà cụ thể ở đây Bộ Tài chính - cơ quan giúp Chính phủ trong lĩnh vực này - sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan. Trong Luật quản lý nợ công có quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ. Quốc hội là cơ quan giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.
V.V.THÀNH

Phải tính lại vốn vay cho các dự án khác
Trụ sở của Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội - Ảnh: V.Dũng
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ Tài chính nghiên cứu dùng 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế cho Vinashin trả nợ, một quan chức của Bộ Tài chính cho biết đây là giải pháp tình thế vì dự kiến ban đầu của khoản vay này không tính đến chuyện cho Vinashin vay.
Khoản 1 tỉ USD này có được qua phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế đợt năm 2010, thực hiện thành công hồi tháng 1-2010 với lãi suất danh nghĩa 6,75%. Số tiền này ban đầu dự kiến cho một số dự án lớn - trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất - vay lại, nhưng nay phải điều chuyển. Như vậy, phần vốn cho các dự án khác sẽ phải tính lại. Tuy nhiên, việc này sẽ được cân đối, không làm ảnh hưởng đến các dự án quan trọng - vị quan chức Bộ Tài chính nói.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết trong các điều khoản khi phát hành trái phiếu chính phủ năm 2010, ngoài mục đích cho các dự án cụ thể, trong văn bản có nêu rõ nguồn vốn sẽ được sử dụng theo các quyết định của Chính phủ VN. Vì vậy, ý kiến lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phản ứng vì VN sử dụng sai mục đích vốn trái phiếu quốc tế là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Thành Đô cũng khẳng định khoản 300 triệu USD nếu được trao cho Vinashin thì đó cũng là cho Vinashin vay lại và tập đoàn này sẽ có trách nhiệm phải trả sau này. “Đây chỉ là cho vay lại, chứ không phải cho không Vinashin” - ông Đô nói.
C.V.KÌNH
Bổ sung ông Lê Dương Quang làm ủy viên Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ sung Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang làm ủy viên Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có hai tổ công tác và bộ phận điều phối giúp việc.
TTXVN

LỖI CỦA THÓI QUEN

mai xuân dũng 24/9/2010
Anh quen cô bé trong một tiệc sinh nhật của bạn bè. Gọi là cô bé vì nàng kém anh chục tuổi và vì nàng nhõng nhẽo cứ như trẻ con ở tuổi thích đồ chơi. Chỉ như thôi vì nàng hết tuổi thích gấu bông mà bắt đầu thích những món quà hữu dụng. Anh biết vậy và mỗi lần gặp nhau anh đều có gì đó cho cô bé. Bắt đầu là sôcôla với hoa tươi.
Không thể lần nào cũng sôcôla nên lần sau là chiếc túi thời trang hàng hiệu. Khi vấn đề trở nên “có vấn đề” thì việc thăm dò ý tứ hay ho nhất là một chiếc nhẫn. Trước mắt là loại dùng xỏ vào ngón giữa cái đã. Nhỏ nhưng phải xinh và bằng vàng Ý. (Chơi nhẫn dùng hàng nội thì “quê” một cây).
Thế mà rồi lâu lâu cô bé đâm quen với quà lúc nào không hay. Gặp, không có quà là “có chuyện” chứ không phải “có vấn đề”.
Xã hội văn minh lên kéo nhiều thứ lên theo. Nhưng hình như văn minh bỏ quên tình cảm chân thành bơ vơ ở lại. Quà cáp có giá hơn về  tiền bạc nhưng kém chất hơn về độ nồng nàn vì kèm theo nó quá nhiều phụ lục. (Mà âm mưu nằm ở phụ lục là chính).
Trước đây anh là người gầy gò và giản dị. Nay thói quen tặng quà tạo nên tính cách hào hoa phong nhã của anh. Trong mắt cô bé xinh đẹp, anh đáng yêu hơn nhiều những chàng trẻ tuổi hót líu lo như họa mi tu tu trên cành liễu nhưng rất chậm rút ví khi thanh toán nhà hàng.
Anh rất hào hoa, nhưng rủi thay cái ví của anh lại không được như chủ nhân của nó. Cái ví ngày càng trở nên…giản dị và gày gò.
Câu phương ngôn “Thói quen tạo tính cách” cũng đúng với cả cô bé. Gặp nhau mà không nhìn thấy quà, nàng cảm thấy…thiêu thiếu cái gì. Ban đầu nàng chỉ cần món quà nho nhỏ, về sau thì thích những món quà to to. Cuối cùng nàng chán những món quà to to mà thích những món quà nho nhỏ. Thậm chí tính cách của nàng thay đổi đến mức bắt đầu chỉ thích những món quà trần trụi không cần bao gói nhưng mong mỏng và xanh xanh…
Với những đối tác không đem lại kết quả như mong muốn thì rồi sẽ phải thanh lý những ràng buộc phiền hà. Khi chàng sa sút về tinh thần và kiệt quệ về tiềm lực thì họ xa nhau dần cho đến lúc phải nói lời cuối cho một cuộc tình.
Rồi nàng lên xe hoa. Dĩ nhiên, với một người chồng thật giầu. Nàng hài lòng trở thành người quản gia tận tụy. Từ đó, nhan sắc của nàng chỉ đem trang trí cho ngôi nhà rộng rãi và đồ đạc sang trọng. Khi họ có một đứa con, đó là lúc lang quân chỉ có mặt bên nàng trong những lúc lỡ làng với bao nhiêu cuộc hẹn có tên và không tên. Đương nhiên. Khi rất nhiều tiền, người ta không thể không có những cô bé chân dài lả lơi khác trong các cuộc vui. Điều đó còn thật hơn tất cả những  chân lý sáng ngời mà con người vẫn ngợi ca.
Buồn tủi vì bị phản bội, chán nản vì tù túng. Nàng và những cô bạn cùng cảnh ngộ tụ tập nhau đi shoping và uống cà phê. Bây giờ, chủ đề của họ là kể lể đức hạnh của chồng một cách say sưa để che giấu nỗi bất hạnh ê chề. Sỹ diện dạy cho họ cách thức giấu diếm sự thật và nói dối trơn tru.
Không phải chỉ có Rodena mới viết được kịch bản phim “Người giầu cũng khóc” mà các nàng còn tự viết và thủ luôn vai chính.
Mãi về sau này hồi tưởng lại thời tuổi trẻ, các nàng luôn thầm ước nếu được làm lại từ đầu, nàng chỉ cần người đó với gói sôcôla ngọt ngào và bó hoa tươi với lời tỏ tình vụng về, run rẩy không rõ thành lời.
mai xuân dũng