Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

NGỌN NẾN TRONG ĐÊM



Trong một status trước đây tôi đã đề cập đến việc một số anh chị em tham gia biểu tình chống Trung quốc, tham gia phong trào đòi quyền dân chủ hoặc đơn giản chỉ là làm những việc đơn thuần mang tính truyền thông như chup ảnh đưa lên mạng, đã bị côn đồ (hoặc giả dạng côn đồ) ngang nhiên tấn công đánh đòn thù giữa đường phố đông người. Thậm chí, có trường hợp, cả công an mặc thường phục cũng công khai đánh đập dân dã man như trường hợp của anh Trương Dũng, Nguyễn Văn Phương ngay cổng trại Lộc Hà chiều 02/6/2013. Trong khi sự sự việc xảy ra náo loạn cả một đoạn đường mà lực lượng công an mặc cảnh phục đứng đầy ra đó “án binh bất động”. Gần đây nhất là vụ Binh Nhì bị chém gây thương tích giữa ban ngày mà chẳng có cơ quan “chức năng” nào can thiệp.
Đó là những biểu hiện của một xã hội vô luật pháp hoặc nói cho đúng hơn là một xã hội mà luật pháp hình như đang khởi xướng, dung túng, cổ vũ cho sự tàn ác giữa con người với nhau trong cùng một dân tộc, giữa lúc đất nước đang bị đe dọa bởi họa ngoại xâm từ phương Bắc.

Trước những việc đau lòng này, tôi trăn trở, chia sẻ mấy suy nghĩ cùng anh chị em. 
Con người ta thường không ai sinh ra đã là ác thú. Các hành vi tàn bạo đều có một quá trình “ủ bệnh” lâu dài. Môi trường đó là một môi trường giáo dục lấy “chuyên chính, nhà tù, súng đạn” làm phương châm hành động, biến người cùng nòi giống, dân tộc thành kẻ thù giai cấp, biến kẻ thù nghìn năm truyền kiếp làm “bạn bốn tốt”.
Ai đã chủ trương một “đường lối sáng tạo” như vậy? Đó chỉ có thể là những kẻ đang bám vào “ông bạn vàng 16 chữ” chứ không thể ai khác.

Về phía những bạn công an mặc thường phục (như ở trại Lộc Hà), những bạn giả dạng côn đồ (nhưng hành động còn hơn cả côn đồ) đã nghĩ gì khi làm những việc như vậy?

Các bạn làm việc đó vì mệnh lệnh ? 
Đừng bao giờ làm điều gì trái với lương tâm, luân thường đạo lý cho dù đó là mệnh lệnh của sếp. Khi sếp của các bạn ra lệnh, các bạn hãy tập suy xet xem mệnh lệnh đó có phải là một quyết định tốt có lý có tình hay không chứ đừng bao giờ nhắm mắt tuân theo. Trong lịch sử, trong phim ảnh sách báo, các bạn có lẽ biết nhiều trường hợp, khi chỉ huy ra lệnh bắn vào dân, binh lính, cảnh sát (dù bên này hoặc bên kia) đã bất tuân. Hành động của họ là đúng đắn và được tôn vinh. 
Con người ta ai cũng có tuổi trẻ và sẽ già. Lúc tính sổ với đời, những người từ chối làm những việc thất đức sẽ luôn được thanh thản hạnh phúc. 
Những người tuân lệnh chỉ huy bắn vào dân, đánh dân, làm những việc thất đức, chưa có ai được bình an trong tâm hồn chưa có ai thực sự có cuộc sống hạnh phúc. Thực tế cuộc sống đã chứng minh nhiều người không thể nhắm mắt khi xuôi tay về với đất. Nhiều người bị quả báo ngay ở dương thế. Chỉ cần các bạn để ý suy xét trong số các chỉ huy của các bạn từ cấp thấp đến cấp cao xem ai đã từng làm nhiều điều ác đức có cuộc sống hạnh phúc ở đời này hay không?

Các bạn làm việc đó vì đồng lương?
Lương của các bạn được bao nhiêu? Các bạn có so được với bổng lộc của các sếp không? lương của các bạn có mua được biệt thự, xe hơi đắt tiền như các sếp của các bạn không? Ngay cả tiền lương của sếp các bạn có mua nổi những thứ đó không? Tiền ấy ở đâu ra? Không nói các bạn cũng đã hiểu và tại sao họ đẩy các bạn ra đối đầu với dân trong khi họ yên thân một chỗ ra lệnh? 
Ở đâu thì cũng chỉ chết thằng lính.

Các bạn tuân lệnh vì sếp vì sếp ban cho các bạn tiền bạc lương bổng sao?
Lương của các bạn không phải do nhà nước hay đảng nào ban cho mà là mồ hôi là máu của người dân đóng thuế. Các bạn đừng nghĩ những người dân mà các bạn đánh đập là “kẻ thù giai cấp”, là “phản động, tay sai các thế lực thù địch phương Tây đang hoạt động lật đổ chính quyền”. Các bạn hãy suy nghĩ một chút thôi. Hiện nay ai là kẻ thù của nước ta? Mỹ ư? Nếu Mỹ là “kẻ thù” thì tại sao lãnh đạo của các bạn gửi con cái đi học bên Mỹ nhiều thế và họ giầu có như thế? Họ cho con cháu sang Mỹ để “phân hóa nội bộ Mỹ chăng”? để tiến hành chiến tranh mềm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản chăng?
Các bạn phải đi làm, phải có sinh kế. Đồng ý như vậy. Nhưng các bạn có nhất thiết phải chấp hành mệnh lệnh đánh người như thế không? Tại sao các bạn đánh đập người “xấu” mà các bạn phải giả dạng côn đồ?
Thật là đơn giản, khi các bạn giả danh côn đồ có nghĩa là các bạn không thể làm một việc tử tế đúng nghĩa. Khi làm những việc đó, các bạn đừng bao giờ mong lương tâm sẽ tha thứ cho các bạn rằng các bạn “làm chỉ vì miếng cơm”. 
Miếng cơm ăn, đồng lương lĩnh không bao giờ làm các cho các bạn sống yên ổn mãi. Các bạn rồi sẽ phải về sống với nhân dân rồi phải về với đất. Thử hỏi đã có mấy người theo lệnh cấp trên bắn vào dân trong các cuộc biểu tình trên thế giới dám lên tiếng về những việc mình đã làm? Không ai cả. Bởi vì tất cả những người đã hành động trái đạo lý rồi đây đều hiểu rõ rằng đó là nỗi nhục nhã lớn nhất cuộc đời họ, nỗi điếm nhục chính họ gieo lên đầu con cháu, gia đình họ. Đồng lương có đáng cho các bạn đánh đổi cái giá đó không?

Các bạn làm việc đó vì tương lai, vì sự thăng tiến?
Có thể một số người đã leo lên những vị trí cao trong bộ máy công quyền nhờ tàn ác. Họ được cấp trên ban thưởng vì đã “nhắm mắt” đàn áp người dân. Họ tự huyễn mình rằng họ đã “chiến đấu với kẻ thù của nhân dân”. Đừng nhầm. Ở thời nào và ở bất cứ nơi đâu, người dân không bao giờ là kẻ thù của các bạn cả. Người dân muôn đời luôn là những người chịu cơ cực nuôi sống các bạn. Sếp của các bạn nhồi vào đầu các bạn rằng những kẻ biểu tình ấy là “bọn phản động” là kẻ thù. Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi “bọn phản động” đó là những người như thế nào?
Những người đang biểu tình chống Trung quốc, kêu gọi đòi người dân phải có quyền nói, quyền viết, quyền vạch cái sai của sếp các bạn có thể là “kẻ thù” thật đấy nhưng họ là kẻ thù của chủ nghĩa bá quyền phương Bắc, kẻ thù của lũ Hán gian chứ không thể là kẻ thù của các bạn.
Cổ nhân đã nói “Sát nhân giả tử” (Giết người phải đền mạng). Ác giả ác báo, luật nhân quả ở đời là như vậy. Đừng làm việc ác nhân thất đức mà để di hại cho chính các bạn. Đừng để cha mẹ các bạn mang tiếng đẻ ra đứa con thất đức. Đừng để con các bạn mang tiếng xấu là con của kẻ bất nhân. Luật đảng chẳng bằng luật Trời. Làm điều ác không tránh được quả báo đâu.

Nói với anh chị em tôi.
Nói với “người ta” thì dễ nhưng thật là ngại ngần khi nói với anh chị em mình. Sao vậy?
Thứ nhất, nhân gian dạy rằng: Nói thật mất lòng.
Thứ hai, những gì đã thấy ở đời là: “thuốc đắng thường bị vứt đi” lời tốt dễ bị dèm pha. Đường mật dẫu có chứa chất độc vẫn được ưa dùng. Chưa kể tính tự phụ, tự ái và tư duy “đỉnh cao trí tuệ” của những người cộng sản làm cho chúng ta bị nhiễm độc ít nhiều. Trong khi đó, số người thật thà cả tin nhưng bốc đồng mà người ta quen gọi là có tư duy “bầy đàn” cũng không ít. Họ sẽ đào bới chân tơ kẽ tóc tìm cái “xà nhà trong mắt người khác” để tỏ ra giỏi giang, chính chuyên mang tầm thủ lĩnh.
Những chuyện đó là có thật và gây ra sự e dè khi góp ý cho nhau.
Nhưng dù sao không thể không nói đôi điều chỉ vì mong muốn anh chị em bớt đi những tổn thất không đáng có.

1.Đừng coi công an, những người từng có hành động tàn ác hoặc sắp hành động bất lương với anh chị em là kẻ thù.
Trước hết họ là con người như anh chị em. Hầu hết họ sinh ra từ dân nghèo. Cũng thiếu đói khao khát ấm no hạnh phúc. Họ cũng thiệt thòi và thiếu điều kiện để được ngồi trong các phòng máy lạnh chỉ huy, trong các văn phòng công sở. Họ sống trong một điều kiện khắc nghiệt bởi kỷ luật ngành nên cũng dễ bị ức chế. Nếu họ là những người trẻ, họ sẽ bị giám sát chặt chẽ để nếu có tham gia Internet thì cũng chỉ được tham gia với những người cùng sở thích “vô hại” như gái trai, ca múa, đàn hát, nhậu nhẹt như mọi người từng thấy trong các trang FB các nhân của họ. Nhận thức xã hội, chính trị của họ chỉ gói lại trong một định hướng đã được các sếp lập trình: “Họ là những chiến sỹ an ninh đang được giao trọng trách giữ gìn trật tự, bảo vệ đảng bảo vệ chính quyền”. Chuyện có thật là đảng ấy có cùng một ý chí với 90 triệu nhân dân hay không, có đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân hay không thì lại là chuyện khác. Có ai đó từng viết có lý rằng “Họ là những con dao không hơn không kém”.
Có thể họ là con dao sắc vô tri làm anh chị em đứt tay. Nhưng anh chị em thù ghét con dao hay thù ghét bàn tay cầm dao? Anh chị em dùng tay không là cái sở đoản của mình để chọi với sở trường của họ là bộ máy hùng hậu bằng cách đập gẫy lưỡi dao được không? hay anh chị em phải dùng lẽ phải của mình để bàn tay cầm dao phải run rẩy?

2.Đừng kích động cái ác.
Khi cái cái ác khoác áo chính quyền, các ác đó bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định luật pháp dù là giả hiệu. Một số hình ảnh cho thấy: Có người mặc cảnh phục hành động rất phản cảm: túm gáy, túm cổ, đánh người. Họ thật dốt nát. Đó là hành động tự tố cáo chính quyền. Việc đó họ bị phê bình nhiều rồi.
Nhưng khi cái ác khoác áo “côn đồ”. Cái ác đó thật nguy hiểm. Họ sẽ hành động bất chấp là ban ngày hay ban đêm, bất chấp con mắt truyền thông. Họ được khuyến khích tàn ác và càng tàn ác càng được thăng thưởng.
Nếu anh chị em khiêu khích họ bằng cách thóa mạ, anh chị em đã vô tình khuyến khích thú tính, sự thù hận cá nhân nơi họ. 
Anh chị em chế nhạo, trêu chọc thân phận của họ khi họ đang phải thi hành “công vụ” ngoài đường chẳng sung sướng gì trong khi anh chị em vô tình hoặc cố ý cho họ thấy anh chị em đang vui vẻ bia rượu đề huề…thì đó là sai lầm không thể sửa chữa.
3.Hãy độ lượng thân thiện khi họ tỏ ra đúng mực.
“Không phải tất cả ma cà rồng đều hút máu”. Phương Tây có câu ngạn ngữ như vậy. Ở đâu cũng có người thế này người thế khác.
Có những người mặc áo giấy của ma và cũng có những con ma khoác áo thày tu. Hãy nhìn nhận cụ thể việc họ làm. Nếu ai cho bạn bánh mì khi bạn đói xin bạn đừng xét nét rằng “động cơ của người này thực ra là chỉ muốn đánh bóng chính họ”. Chỉ cần biết rằng họ “ mang lại cho bạn bánh mì” chứ đừng xét nét xa xôi chuyện “động cơ” của họ ra sao.
Quả thật qua thực tế khi ta coi họ trước hết là con người, họ sẽ phải cư xử với ta không giống con sói đâu.

Dĩ nhiên, cái gì cần kiên quyết bảo vệ lẽ phải ta không thể nhân nhượng và sẽ tranh đấu đến cùng. Nhưng chỉ xin anh chị em lưu ý: Kiên quyết không đồng nghĩa với gân cổ, đỏ mặt tía tai, cao giọng đi đến chỗ cãi cọ to tiếng.

Chúng ta có sở trường là lẽ phải. Hãy đem lẽ phải thắp lên như cây nến trong đêm.

MXD

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

ĐỪNG GÂY THÊM TỘI ÁC NỮA VỚI DÂN TỘC, VỚI LỊCH SỬ




PHẠM ĐÌNH TRỌNG

1. BÓNG ĐEN NHỮNG VỤ ÁN CHÍNH TRỊ Ô NHỤC TRONG QUÁ KHỨ ĐANG TRỞ LẠI

Đọc những bài viết phê phán ông Lê Hiếu Đằng trên báo Quân Đội Nhân Dân, báo Nhân Dân, báo Đại Đoàn Kết, báo Công An Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng . . . tôi lại nhớ đến những bài viết rầm rộ, đồng loạt, tới tấp đánh NVGP (Nhân Văn Giai Phẩm) trên các báo ở miền Bắc hồi những năm 1956, 1957. 

Những bài viết phê phán ông Lê Hiếu Đằng sao giống khẩu khí, giọng điệu, giống cả thái độ quyền uy lấn lướt, giống cả sư hằn học nhỏ nhen, muốn làm sống lại cả không khí ngột ngạt, căng thẳng thời đánh NVGP đến thế.
Chỉ khác chút ít về độ nóng và qui mô. 

Đánh NVGP lệnh công khai phát ra từ chót vót trên cao. Những bài viết và nói nảy lửa của ông Tố Hữu phát ra từ cung đình nhà Đỏ như phát súng lệnh. Đồng loạt các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ ào ào nhảy vào đánh túi bụi những mục tiêu đã được chỉ định. Đánh để cố tách xa mình ra khỏi NVGP, để bày tỏ lòng trung thành với đảng, để lập công với đảng nên không thiếu một tên tuổi nào, không sót một tờ báo nào trong cuộc đánh hội đồng này. 

Ngày nay mượn cớ đánh bài Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh của ông Lê Hiếu Đằng để đánh phá cả phong trào đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước mà chỉ có dăm tờ báo với vài người viết tên tuổi lạ hoắc có thể coi là vô danh. Có thể họ có tên tuổi đấy nhưng phải núp dưới cái tên xa lạ thì cũng coi như vô danh. Báo Nhân Dân còn bắt kẻ vô danh đó phải đeo thêm vòng lá ngụy trang rậm rì là người Mĩ gốc Việt Amari TX. Chỉ có một giáo sư cung đình, giáo sư của đảng xung trận. Càng thấy sự yếu thế, sự bất chính, không có lẽ phải trong trận đánh phá, răn đe tiếng nói rất chính đáng của người dân, tiếng nói rất bình thường của cuộc sống trong một xã hội dân sự.

Mức độ có khác, qui mô và khí thế có khác nhưng nội dung thì hoàn toàn là sự tái hiện lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét Lại Chống Đảng trong quá khứ, là quyền uy độc tài đánh phá ngăn chặn đòi hỏi tự do dân chủ, là lực lượng chuyên chính về tư tưởng bảo vệ quyền uy, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của Nhà nước đảng trị chống trả lại tiếng nói vì dân vì nước. 

Đúng như nhìn nhận của ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những nhân vật hàng đầu của NVGP, phong trào NVGP thực chất là: 

“Chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyên chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng cực quyền, còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian, trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí, tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa. Sự biến chất này do ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, cả hai đều tự nhận là chủ nghĩa Mác-Lênin! Rất tiếc là lúc ấy Đảng Cộng sản Việt Nam tin là như thế.”
(Phạm Xuân Nguyên. Ông Đang. Talawas. 12. 02. 2007)

NVGP chỉ là tiếng nói của trí thức, nghệ sĩ đòi tự do sáng tạo trong một xã hội dân chủ. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó còn có tên là đảng Lao động Việt Nam, và những người có đặc quyền, đặc lợi trong đảng sợ mất vị trí độc tôn liền vu cho NVGP là một tổ chức phản động chống đảng và lật đổ Nhà nước Cộng sản. Ông Tố Hữu khi đó là Ủy viên Trung ương đảng Lao động Việt Nam, đặc trách công tác văn hóa, văn nghệ, truy chụp:

“Lật bộ áo Nhân Văn - Giai Phẩm thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm . . .” (T.9. Sách “Qua Cuộc Đấu Tranh Chống Nhóm Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm Trên Mặt Trận Văn Nghệ.”. Tố Hữu. Nhà xuất bản Văn Hóa. Hà Nội. 1958).

“Trong cái công ty phản động Nhân Văn - Giai Phẩm ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn Trốt kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ.” (T. 17. Sách đã dẫn) 

Cuộc đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất diễn ra ở bãi đấu tố trên cánh đồng. Ở đó người đấu tố càng tỏ ra sôi sục căm thù vạch ra được nhiều tội ác của địa chủ càng được đánh giá là có giác ngộ giai cấp, càng được đảng tin cậy, cất nhắc. Vì thế người đấu tố phải cố lên gân lập trường giai cấp, phải tưởng tượng ra đủ các tội vu oan giá họa làm cho một nông dân hiền lành chỉ nhờ biết tổ chức làm ăn, chịu khó cần cù khuya sớm và tằn tiện ki cóp mà có đủ ruộng cày cấy và có cuộc sống tạm đủ ăn cũng trở thành địa chủ cường hào gian ác phải nhận bản án tử hình. 

Cuộc đấu tố NVGP diễn ra trên mặt báo, trên trang sách cũng đòi hỏi người đấu tố phải lên gân lập trường giai cấp và giàu sức tưởng tượng như bần cố nông đấu tố địa chủ. Vì thế những tiếng nói chỉ đòi dân chủ xã hội, đòi tự do sáng tác của những trí thức nghệ sĩ chân chính muốn được sáng tạo cũng trở thành “một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm. . .” 

Bài viết Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh của ông Lê Hiếu Đằng chỉ là tiếp nối tiếng nói NVGP nửa thế kỉ trước đòi tự do dân chủ:

“Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo.

Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị, chờ chết mà thôi.

Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ.” (Lê Hiếu Đằng. Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh)

Trước sự tha hóa trong quyền lực không thể cứu vãn của đảng Cộng sản Việt Nam nếu cứ độc đảng, ông Lê Hiếu Đằng đề xuất: “Tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi đảng, hoặc không còn sinh hoạt đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ, Xã Hội, những đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”.

Đề xuất đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc cho đảng Cộng sản Việt Nam phải sửa mình, cất mình lên thoát khỏi sự trượt dài trong tha hóa vì quyền lực, tạo cơ hội cho đảng Cộng sản Việt Nam có chính danh lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong cuộc cạnh tranh chính trị lành mạnh: “Các đảng, các tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với đảng Cộng sản trong cuộc bầu cử hợp pháp . . .”. Đó là thiện chí Lê Hiếu Đằng. Đó cũng là trung thực Lê Hiếu Đằng, đảng tính Lê Hiếu Đằng.

Nhưng như đỉa phải vôi, ông Trọng Đức trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 18. 08. 2013 giật mình, hốt hoảng la lối: “Thực chất các lời khuyên “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đưa ra gần đây một cách rất “tâm huyết”, chẳng qua chỉ nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi.” 

Ông Linh Nghĩa trên báo Công An Nhân Dân ngày 24. 08. 2013 truy chụp: “Vấn đề nghiêm trọng hơn là ở chỗ ông Lê Hiếu Đằng thách thức pháp luật và kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam”. 

Còn ông người Mĩ gốc Việt Amari TX thì ngày 22. 08. 2013 lên báo Nhân Dân vu vạ: “Ðọc bài của một “nhà bất đồng chính kiến” công bố gần đây, tôi không ngạc nhiên và cũng không bất ngờ về nhân vật mà các phần tử cơ hội, bất mãn đang ra sức tung hứng như “ngọn cờ” để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”, “Bài viết của ông là sự thóa mạ chủ nghĩa Mác, mạt sát ÐCS Việt Nam và chế độ chính trị – xã hội hiện nay ở Việt Nam, đòi thay đổi chính trị bằng cách thành lập một đảng phái khác.” (Ngôn từ, khẩu khí, thái độ và lối mòn tư duy thâm căn cố đế của ông Amari TX làm người đọc cứ ngờ ngợ rằng ông người Mĩ gốc Việt này như đang sống và đã sống hàng năm hàng đời trong khu tập thể nào đó cấp cho cán bộ ở Trung Tự, Kim Liên, Đội Cấn, Hà Nội). 

Đúng là tiếng hô hoán, giọng truy chụp quyền uy và vu vạ chính trị ngày nào để tạo dựng lên vụ NVGP ô nhục!

2. NHỮNG CHIÊU TRÒ DỰNG TỘI

*Coi thường người dân, lừa dối người dân là một bài bản của những người tạo ra vụ NVGP. Bài bản nhẫn tâm và bất lương đó đến nay vẫn được sử dụng khi ông Trọng Đức viết: “Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân.” 

Quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đại số nhân dân mà khi Quốc hội vừa đòi thảo luận có nên sát nhập Hà Tây vào Hà Nội không thì ông Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Quốc hội liền gạt phắt: “Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, Bộ Chính trị đã quyết định rồi!” Các đại biểu Quốc hội đành cúi mặt câm lặng rồi răm rắp giơ tay biểu quyết theo quyết định của đảng! 

Hơn chín mươi phần trăm đại biểu Quốc hội là đảng viên Cộng sản thì đảng muốn gì chả được, đảng bảo sao Quốc hội cũng phải nghe. Vì thế Hiến pháp mới có điều 4 ngang nhiên tước đoạt quyền công dân của người dân. Vì thế bộ luật tố tụng hình sự mới có điều 79, điều 88, điều 258 trắng trơn vi phạm Hiến pháp. 

Hơn chín mươi phần trăm đại biểu Quốc hội là đảng viên của đảng tham nhũng mà ông Trọng Đức bảo Quốc hội đó “thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân” thì đó là sự miệt thị, xỉ nhục dân đấy, ông Trọng Đức ạ!

*Thần linh hóa, tôn giáo hóa đảng Cộng sản Việt Nam. Bất biến, định mệnh hóa, tuyệt đối hóa sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, ai động đến sự cai trị đó, đòi pháp luật hóa, chính danh hóa sự cai trị đó là nhảy thách lên mang chuyên chính tư tưởng ra trấn áp. Đó là khởi sự của vụ NVGP và cũng là khởi sự của vụ việc hôm nay.
Một ông người Mĩ gốc Việt ở tận bên kia Thái Bình Dương mà hùng hồn tuyên bố về sự lãnh đạo bất biến của đảng Cộng sản Việt Nam như một định mệnh nghiệt ngã đối với dân tộc Việt Nam: “Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước đã trở thành nguyên tắc nhất quán. Nguyên tắc “bất biến” là vừa phải giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Ðảng với Nhà nước, vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Nhà nước, làm cho Nhà nước trở thành một nhà nước dân chủ mới. (Amari TX. Vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam là một yếu tố khách quan. Báo Nhân Dân 22. 08. 2013).

3. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG THỰC TẾ LỊCH SỬ

Những nhà viết lịch sử đảng, những nhà lí luận, những cán bộ tuyên huấn của đảng suốt mấy chục năm qua đều một giọng cường điệu hóa, anh hùng ca hóa công tích của đảng Cộng sản Việt Nam mà không chịu nhìn vào thực tế là những sai lầm liên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác. 

Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam. 

Thảm họa cải tạo tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội. Những cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân đang làm ăn có lãi và đang phát triển mạnh mẽ khi chuyển vào tay Nhà nước xã hội chủ nghĩa liền thua lỗ rồi tan hoang. Cải tạo tư sản đã hủy hoại, xóa sổ cả một nền sản xuất công nghiệp tự chủ đang lớn mạnh của người dân, của đất nước. 

Thảm họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lương ưu tú nhất của xã hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới đáy biển. 

Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu Cộng! 

Thảm họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại! 

Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi. 

Thảm họa tụt lại sau thế giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày Thái Lan càng bỏ xa Việt Nam.

Thảm họa trách nhiệm. Ở các nước dân chủ, bằng lá phiếu và bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, người dân thực sự có vai trò quyết định đến việc chấp chính của đảng cầm quyền và người cầm quyền. Chỉ một đổ vỡ nhỏ trong đời sống xã hội hoặc đời sống kinh tế đất nước, người cầm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, đảng cầm quyền cũng mất quyền lãnh đạo. Chỉ vì quyết liệt hạn chế gia tăng dân số không được lòng dân mà đảng Quốc Đại đương quyền ở Ấn Độ không nhận đủ số phiếu bầu của người dân để tiếp tục cầm quyền và bà Thủ tướng lừng lẫy công lao với đất nước Ấn Độ Indira Gandhi cũng mất chức Thủ tướng. Có dân chủ, đổ vỡ khó tái diễn và không thể có đổ vỡ dây chuyền, đổ vỡ lan rộng trong tất cả các mặt đời sống xã hội. Ở ta những thảm họa lớn gây chết chóc hàng trăm ngàn người dân như thảm họa cải cách ruộng đất, giết chết cả nền văn học nghệ thuật như thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, làm đình đốn cả nền kinh tế như thảm họa Vinashin nhưng những người cầm quyền không ai chịu trách nhiệm, không ai rời vị trí quyền lực, cùng lắm là luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác như sau thảm họa cải cách ruộng đất. Đảng độc quyền thì cứ bình thản cầm quyền. Người yếu kém và có tội cứ thản nhiên nắm quyền. Thảm họa cứ tiếp diễn và lan rộng ra cả xã hội. Xã hội Việt Nam hôm nay thực sự là thảm họa đối với dân tộc Việt Nam văn hiến.

4. ĐỐI THOẠI VỚI TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

Một đảng như vậy mà ông người Mĩ gốc Việt, Amari TX, ông người Việt gốc Đảng, Trọng Đức và ông giáo sư của đảng, Hoàng Chí Bảo, huyền thoại hóa:

“Trong khi một loạt nước xã hội chủ nghĩa có lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội dài hơn lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và nhờ đổi mới đúng đắn, nhân dân còn đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được rất nhiều nước ca ngợi. Ðiều đó chứng tỏ ÐCS Việt Nam không chỉ tài tình trong lãnh đạo toàn dân chống chiến tranh xâm lược, mà còn thật sự xứng đáng là người lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình, ngay cả khi bối cảnh quốc tế có những biến động khôn lường.” (Amari TX. Bài đã dẫn)

“Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. (Trọng Đức. Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bệnh”. Báo Quân đội Nhân dân. 18. 08. 2013).

“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện với lịch sử vẻ vang hơn 80 năm, trong đó đã cầm quyền liên tục gần 70 năm nay, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã tồn tại và hoạt động chỉ vì Dân và Dân tộc. Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phấn đấu hy sinh để đem lại lợi quyền cho dân, để dân là chủ và làm chủ. Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng, đòi hỏi Đảng phải thực thi tốt nhất để không phụ lòng tin của dân.” ( GS. TS. Hoàng Chí Bảo. Trọng sự thật và chân lí để hành động có trách nhiệm. Quân đội Nhân dân 25. 08. 2013).

Ông giáo sư của đảng, Hoàng Chí Bảo, giật tít bài viết là “Trọng sự thật và chân lí để hành động có trách nhiệm” nhưng chính ông Hoàng Chí Bảo đã viết những điều hoàn toàn không có sự thật, lại càng xa vắng chân lí và ông giáo sư của đảng đang hành động hoàn toàn vô trách nhiệm với đất nước, với dân tộc và với lịch sử. Đọc những điều ông giáo sư của đảng viết tôi cứ nghĩ đến con chim cảnh được chăm bẵm trơn lông mượt da suốt ngày véo von hót làm đẹp lòng người nuôi chim. 

Đọc những điều ông giáo sư của đảng viết, tôi lại nhớ đến bài thơ Cường Quốc Dân Oan của ông bạn nhà báo Lê Phú Khải đã đăng trên nhiều trang báo mạng năm trước: “Những ngày tôi đang sống / Sử gia sẽ viết gì? / Đàn ông uống thuốc rầy giữ đất / Đàn bà cởi truồng chống đảng / Thuốc trừ sâu pha đậm / Thành nghị quyết trung ương / Đất đai là sở hữu toàn dân / Giao cho cha con Bá Kiến / Tự do cưỡng chế thu hồi / Từ Cà Mau đến tận Hà Giang” Và một bài mới gần đây cũng của nhà báo Lê Phú Khải: “Đất nước nghèo như cọng cỏ, cọng rơm / Đi ô sin khắp năm châu bốn biển / Nhưng ra đường là gặp tướng / Ra đường là gặp dân oan”. Ông giáo sư của đảng véo von rằng “Dân ủy thác cho đảng trọng trách”. Người đàn ông thân cô thế cô phải uống thuốc rầy giữ đất ủy thác cho đảng làm luật đất đai là sở hữu toàn dân để lũ quan tham nhân danh Nhà nước đến cướp đất của người dân thân cô ư? Những người đàn bà Việt Nam nghèo khổ phải đi làm ô sin khắp thiên hạ lấy tiền gửi về nuôi gia đình, những cô gái phải mang thân gái hơ hớ tuổi hai mươi đi làm vợ ông già tật nguyền, làm nô lệ tình dục cho người thiểu năng trí não xứ người kiếm sống ủy thác cho đảng cứ tham nhũng làm cho người dân khốn cùng ư?

Thưa ông người Mĩ gốc Việt Amari, ông có biết sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã mang lại hạnh phúc lớn lao như thế nào cho người dân các nước đó không? Nước Đông Đức Xã hội chủ nghĩa là nước phát triển nhất, có đời sống cao nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ, Đông Đức sát nhập với Tây Đức thì Đông Đức chỉ là vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển và nghèo khổ của nước Đức thống nhất. Tây Đức phải san sẻ, dồn của cải tiền bạc vào vực dậy miền Đông để nước Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu như hôm nay. Niềm hạnh phúc được thể hiện mình, được đóng góp cho đất nước và sự thành đạt của bà Angela Merkel, một công dân bình thường Đông Đức nay là Thủ tướng nước Đức thống nhất chính là hình ảnh người dân Đông Đức khi thoát khỏi chủ nghĩa xã hội mất tính người đấy, thưa ông Amari.

Bất hạnh thay người dân Việt Nam không có được hạnh phúc đó vì lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không thoát ra được học thuyết giai cấp hư vô để trở về với dân tộc có thật, không có được sự đồng cảm chia sẻ với nỗi đau khổ mất mát của người dân sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, không nắm lấy cơ hội giải thoát cho nhân dân mà lại đưa đất nước, đưa dân tộc ra làm mồi cho nước lớn Tàu Cộng đổi lấy sự bảo trợ của nước lớn Tàu Cộng để duy trì chủ nghĩa xã hội, duy trì đặc quyền đặc lợi của đảng nên khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ thì lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vội vã hốt hoảng sang Thành Đô gặp lãnh đạo đảng Cộng sản Tàu Cộng. Cho đến nay đến Quốc hội Việt Nam vẫn không được biết tí gì về những kí kết ở Thành Đô liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam, liên quan đến số phận dân tộc Việt Nam. 

Người dân lo lắng cho vận nước chỉ biết rằng: Tháng 9. 1990 kí kết Thành Đô giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản Việt – Trung. Từ đó hàng năm đến ngày tưởng niệm đồng bào chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc năm 1979, các báo chính thống đều phải câm lặng không được viết một chữ về sự kiện bi tráng này. Từ đó quan hệ Việt – Trung là quan hệ bất bình đẳng mà phần thua thiệt, tủi nhục thuộc về Việt Nam. Tàu Cộng ngang nhiên cấm dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Tàu đánh cá Tàu Cộng tràn vào biển Việt Nam. Tàu chiến Tàu Cộng lùng xục tuần tra trên biển Việt Nam, cướp bóc, bắn giết dân Việt Nam. Chủ quyền đất nước bị xâm phạm, tính mạng và nguồn sống của người dân bị mất, danh dự dân tộc bị làm nhục nhưng chỉ có người phát ngôn bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối lấy lệ. Còn lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì hoàn toàn khoanh tay đứng nhìn! Tháng 12. 1999, kí kết hiệp định biên giới với Tàu Cộng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cắt nhượng cho Tàu Cộng hàng ngàn kilomet vuông đất đai của tổ tiên trong đó có điểm cao 1509 ở Hà Giang, nửa thác Bản Giốc ở Cao Bằng, cả tòa thành cổng nước ở Lạng Sơn.

Giáo sư của đảng, ông Hoàng Chí Bảo viết: “Việc tuyên truyền lập một Đảng mới, một Đảng khác, lại kêu gọi đa nguyên đa đảng để xây dựng dân chủ, coi đó là quyền công dân chính đáng, kêu gọi những ai đang muốn ra khỏi Đảng hoặc không còn sinh hoạt Đảng nữa hãy cùng tham gia thành lập đảng mới như các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận gần đây đưa ra là điều không thể chấp nhận.” Không chấp nhận có một đảng khác bên cạnh đảng Cộng sản không phải chỉ là tiếng nói của riêng ông Hoàng Chí Bảo mà là tiếng nói chung của những người đang có nhiều đặc quyền, đặc lợi trong đảng Cộng sản đương quyền. 

Nhưng bài viết của ông Lê Hiếu Đằng Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh cũng là tiếng nói chung của hàng chục triệu người Việt Nam thức tỉnh không chấp nhận sự tiếp tục độc quyền thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Một đảng đã vay nợ của nhân dân Việt Nam quá nhiều máu. Một đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác. Một đảng đã cắt cả đất đai thiêng liêng của tổ tiên sang nhượng cho nước đàn anh cùng ý thức hệ. Một đảng đang lún sâu trong tham nhũng không phương cứu chữa. 

Dùng bạo lực chuyên chính vô sản bóp chết những tiếng nói chính đáng đòi tự do dân chủ của trí thức, văn nghệ sĩ trong vụ NVGP đã giết chết cả một nền khoa học và văn học nghệ thuật, biến lao động sáng tạo của những trí tuệ và tâm hồn chỉ còn biết ăn theo, nói leo chính trị, kìm hãm sự phát triển của xã hội, của đất nước. Đó là một tội ác! Những tội đó còn ghi khắc mãi trong lịch sử đau thương của đất nước này. Đừng gây thêm tội ác nữa với dân tộc, với lịch sử Việt Nam 

27. 08. 2013

PĐT

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

PHỎNG VẤN CỰU ĐẠI TÁ CÔNG AN NGUYỄN ĐĂNG QUANG VÀ LUẬT SƯ HÀ HUY SƠN VỀ PHIÊN TÒA PHÚC THẨM Ở LONG AN



                        Hình ảnh: Phỏng vấn cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, Luật sư Ha Huy Son về vụ xử Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha tại Long An.
Nhiều điều phải suy nghĩ cho phía nhà cầm quyền, nhân dân trong nước, các nước Dân chủ, đồng bào ở Hải ngoại.

Mai Dzung: Thưa ông Nguyễn Đăng Quang. Ông biết kết quả phiên phúc thẩm xử Phương Uyên- Đinh Nguyên Kha tại Long An từ nguồn thông tin nào và xin ông cho biết vài cảm nghĩ?

NĐQ: Anh biết đấy, những thông tin như thế này chỉ có thể đọc trên mạng Internet chứ khó tìm thấy trên báo chí chính thống và nếu có cũng rất sơ sài.
Khi biết tin, tôi đôi chút ngạc nhiên songrất vui mừng vì thông thường trong những phiên phúc thẩm xử các vụ án chính trị, kết quả thường là khắc nghiệt. Đằng này Đinh Nguyên Kha được giảm án một nửa, Phương Uyên cũng như thế nhưng cho hưởng án treo và được trở về đoàn tụ với gia đình ngay sau đó. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy đã có chuyển động gì đó bên trong hệ thống chính trị.

MD: Ông nói “Đây là một tín hiệu cho thấy đã có chuyển động gì đó bên trong hệ thống chính trị”. Vậy theo ông “sự chuyển động” này có thể sẽ là sự khởi đầu cho một chuỗi“sự chuyển động” tiếp theo không?

NĐQ: Tôi không nghĩ như vậy. Đây có thể chỉ là một trường hợp đơn lẻ và có nhiều điều còn chưa rõ. Chẳng hạn phiên xử chưa diễn ra mà chính quyền đã cho phép gia đình, bạn bè rồi nhiều nhà hoạt động xã hội, các blogger vào trại giam tiếp xúc với bị cáo. Sự việc diễn ra có vẻ như một kế hoạch tỷ mỉ, chặt chẽ đã được vạch sẵn chứ không thể là ngẫu nhiên. Rồi việc để cho một đoàn người biểu tình đi trên phố cũng vậy, nếu chính quyền muốn dẹp thì họ có thừa khả năng làm việc đó.

Chắc chắn ở đây có sự chỉ đạo từ đâu đó rất cao trong bộ máy lãnh đạo nhà nước.

Nhưng nếu hy vọng rằng những việc như vậy được tiếp tục diễn ra sau này trong các phiên xử khác thì quá lạc quan. Chắc phải chờ đợi xem cụ thể thế nào đấy mới biết được.

MD: Thưa ông Hà Huy Sơn. Ông là luật sư bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên, vậy vai trò bào chữa của luật sư đã được thực hiện thế nào và cảm giác của ông ra sao sau khi bản án được tuyên?

HHS: Tôi đã làm tất cả những gì có thể trong khuân khổ pháp luật để luật pháp được tôn trọng và có lợi cho người tôi bào chữa. Tôi đã trao đổi với nhiều người cũng như trả lời BBC rằng: tòa án thường không xem xét ý kiến luật sư hay bản chất sự việc là mấy. Kết quả phiên xử hôm đó có thể là do nhu cầu gì đó của nhà nước, một phần do áp lực xã hội. Lúc này nhà nước cũng muốn chứng minh sự cải thiện nhân quyền trong con mắt cộng đồng. Nhưng với tôi, mặc dù bản án là có giảm nhẹ nhưng vẫn là chưa công bằng.

MD: Ông có thể nói rõ hơn, thưa ông Sơn.

HHS: Đến Long An lần này, tôi chỉ gặp Phương Uyên trong khoảng thời gian ngắn để nói những điều hết sức cần thiết. Những gì tôi nói là: Hãy nói đúng sự thật với thái độ ôn hòa. Việc chống lại những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc bởi bất cứ một quốc gia nào,dù là "anh em" láng giềng hay từ xa đến đều là hành động yêu nước,cần biểu dương,khích lệ chứ không thể đưa ra khép tội ! Chống sự độc đoán, độc tài, tham nhũng của bất kể ai là điều cần được hoan nghênh,bênh vực và bảo vệ của tất cả mọi người, của cộng đồng tiến bộ, chứ không phải là ngược lại!

Mặt khác,Phương Uyên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận luật sư bào chữa vì trong bối cảnh hiện tại, vai trò luật sư có những hạn chế khá lớn và sự không có mặt luật sư trong phiên tòa cũng là một thông điệp có nhiều hàm nghĩa mang tính tích cực cho người tôi tôi bào chữa.

MD: Thưa Ông Nguyễn Đăng Quang, ông đã theo dõi những động thái xã hội sau phiên tòa. Ông thấy các phản ứng đó như thế nào và sự tác động của các phản ứng đó sẽ đem lại những gì cho nền chính trị hiện nay?

NĐQ: Dư luận thì nói chung là vui mừng. Nhưng cũng chỉ là trên các mạng xã hội thôi. Người dân bình thường không để ý lắm. Phiên tòa ở địa phương nào thì địa phương đó người ta biết chứ chưa lan tỏa nhiều đến các địa phương khác được. Có cái hay là bây giờ internet đã rất phổ biến nên số người biết, quan tâm đến vụ xử cũng nhiều lắm rồi. Ai cũng có cảm giác là đang có thay đổi quan trọng.
Trên mạng, sự kiện ở phiên phúc thẩm tại Long An được mọi người đánh giá, nhận xét tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người và nó khác nhau lắm. Người thì cho rằng đây là áp lực của Mỹ là chính, người thì nói là áp lực từ phía những người tranh đấu cho dân chủ trong nước là chủ yếu và đó là một thắng lợi lớn. Người thì cho rằng bản thân chế độ cũng đang phải vận động để có nhữngthay đổi,phù hợp và thích nghi với từng giai đoạn phát triển.
Theo tôi. nhận định nào cũng có cái đúng cái sai của nó. Kết quả phiên tòa là kết quả của tất cả những yếu tố đó cộng lại,chứ không phải của riêng yếu tố nào! Đừng nên quên rằng nhà nước quyết định việc đó. Họ đã cân nhắc rất kỹ và quyết định này có nhiều ẩn ý sâu xa! Tôi không tham gia mạng xã hội mà chỉ thường xuyên theo rõi thôi,song tôi thấy cộng đồng mạng cần có ý thức khuyến khích những gì đang diễn ra thay vì khiêu khích hoặc nhạo báng. Mọi cái đều cần tỏ ra bình tĩnh và cân nhắc xem nên nói cái gì, nên viết cái gì thì có lợi cho những người vẫn còn trong tù, những người đang chờ bị đưa ra xử chứ đừng chỉ biết nói cho sướng mồm. Tóm lại,đây là một bước đi nhỏ nhưng khôn ngoan của Nhà nước,đáp ứng được một phần mong mỏi và đòi hỏi của dư luận rộng rãi trong nước cũng như của sức ép quốc tế (nếu có)

MD: Xin cảm ơn ông Nguyễn Đăng Quang và luật sư Hà Huy Sơn về cuộc nói chuyện này.

Mai Dzung

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

ĐỂ KHÉP LẠI MỘT VIỆC NHỎ

12/8/2013

                     
                    
                             Bức tranh ĐIẾU CÀY & NIỀM TIN
                                    Sơn dầu 60 x 80. 
                                Họa sỹ: Mai Xuân Dũng

Việc đó bây giờ ra sao rồi?

Một số người nhắn tin hỏi tôi: “Việc đó bây giờ ra sao rồi?”
“Việc đó” có nghĩa là: đấu giá bức tranh ĐIẾU CÀY & NIỀM TIN nay đã có “kết cục đầu tiên và cuối cùng” ra sao. 
Đó là một đòi hỏi chính đáng.
Chính vì thế tôi xin có mấy lời để khép lại một việc nhỏ như sau:
Việc Blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị bắt và tuyệt thực đã gây chấn động tinh thần cho nhiều người trong đó có tôi. Và việc đó là cảm hứng để tôi vẽ bức tranh nói trên. Việc đem đấu giá nhằm giúp đỡ gia đình anh Hải chỉ còn là một việc tất nhiên phải đến khi anh ấy và gia đình rơi vào một tình cảnh thật sự đau lòng.
May mắn rằng tình cảm của tôi có sự đồng điệu của rất nhiều người và cuối cùng như các bạn đã biết trong THÔNG BÁO ĐẤU GIÁ TRANH ỦNG HỘ BLOGGER ĐIẾU CÀY, đã có kết quả mỹ mãn hơn cả sự mong đợi.
Và đến giờ phút này xin được khép lại chuyện nhỏ ở đây là: Mọi việc đã hoàn tất từ khi tôi đặt nhát cọ đầu tiên cho đến khi gia đình Blogger Điếu Cày đã nhận được tất cả những gì chúng ta mong muốn.
Đặc biệt, người mua tranh đã hào hiệp xác nhận rằng: Xin tặng lại gia đình anh Hải bức tranh họ đã mua để làm kỷ niệm. Việc trao bức tranh cho gia đình anh ấy được người mua nhờ tôi đại diện chuyển giao.
Một lần nữa xin được cảm tạ tất cả những người đã quan tâm tham gia đấu giá và chia sẻ thông tin cũng như động viên những Blogger và gia đình họ đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn mà chắc chắn sẽ được lịch sử nhắc đến bằng những từ ngữ trân trọng trong tương lai không xa.
Dĩ nhiên, không thể không nói rằng: Việc nhỏ này đã gây ra sự khó chịu lớn cho một số ai đó và có thể đem lại cho tôi những phiền nhiễu vô lý.
Tôi hy vọng rồi đây, mọi người sẽ hiểu và hành xử đối với chuyện này cũng như những chuyện tương tự theo một cách thức thể hiện tính nhân đạo và có văn hóa của những người tử tế.

Trân trọng

Mai Xuân Dũng

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

NGẮM VÀI HÌNH ẢNH NGOẠI TRƯỞNG TRUNG HOA VƯƠNG NGHỊ

Xem ảnh các ngoại trưởng Trung hoa,lâu lâu mới lại có một Ngoại trưởng khá ấn tượng.

còn
                        


Ngoại trưởng Trung hoa Vương Nghị 





    Gặp thủ tướng Thái


                              
                               

          Gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội


Gặp bộ trưởng Phạm Bình Minh



Gặp bác Tổng 

Dân gian có câu: "Trăm nghe không bằng một thấy". Lại nghe râm ran trong dân rằng: "Nhìn mặt ông Vương khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp ở Hà nội thấy có cảm giác như đi trong chợ cá đầu mối".
Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

THÔNG BÁO KẾT THÚC ĐẤU GIÁTRANH ỦNG HỘ BLOGGER ĐIẾU CÀY


Hà nội,05/8/2013.




Chúng tôi trân trọng thông báo kết quả đấu giá bán tranh ủng hộ Blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) như sau:

Theo Thông báo ngày 27/7/2013, phiên Đấu giá đã bắt đầu từ: 8h00 ngày 28/7/2013 và sẽ kết thúc vào ngày 08/8/2013 công khai trên Trang Facebook: Mai Dzung và đã được các trang Web KHÁC như DÂN LÀM BÁO, TRÍ NHÂN MEDIA, MAI XUÂN DŨNG BLOG...đăng tải lại.

Giá khởi điểm: $260. Giá mong muốn: $2.600. (US Dollar) 
Mục đích: Toàn bộ tiền thu được công bố công khai trên Facebook và chuyển cho Bà: Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải) và anh Nguyễn Trí Dũng con trai của ông Hải và bà Tân, nhằm góp phần ủng hộ, giúp đỡ Blogger Điếu Cày.
Nếu không bán được giá mong muốn, bức tranh sẽ được tác giả tặng cho vợ và con trai Blogger Nguyễn Văn Hải.

Cho đến nay, 05/8/2013 theo ý kiến của gia đình blogger ĐIẾU CÀY và nhiều bạn đọc khác, chúng tôi QUYẾT ĐỊNH KẾT THÚC ĐẤU GIÁ sớm hơn dự kiến 03 ngày vì kết quả đấu giá đã vượt lên ngoài sự mong đợi của tác giả bức tranh. Hơn nữa, cuộc tuyệt thực của Blogger Điếu Cày đã chấm dứt vì đạt được một số yêu cầu của ông.

Chúng tôi sẽ liên lạc với NGƯỜI MUA, hoàn tất các thủ tục cần thiết để bức tranh được trao cho người trả giá cao nhất: 3.200 USD và 25 cent. (Tương đương 67.000.000VNĐ)

Chúng tôi cũng đã liên lạc với bà Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng (con trai ông Nguyễn Văn Hải) để thống nhất rằng: Ông Mai Xuân Dũng-tác giả bức tranh đề nghị bạn THEM TRAN là người mua chuyển tiền thẳng vào tài khoản mà bà Tân và cháu Dũng lựa chọn.

Đây là một cuộc đấu giá tranh thông thường mà không phải là một QŨY TỪ THIỆN nên bức tranh chỉ được trao cho một người mua trả giá cao nhất và không thể nhận tiền ủng hộ của bất cứ cá nhân, tập thể nào. Chính vì vậy, tôi xin được cảm tạ và từ chối tiếp nhận tài chính của tất cả những bạn đã tham gia đấu giá khác và những người đã đề nghị đóng góp tiền cho cuộc đấu giá này.

Tôi cũng mong muốn rằng trong tương lai sẽ có ai đó đủ điều kiện khởi xướng, tiếp nhận sự ủng hộ của các bạn đối với gia đình Blogger Điếu Cày và những tù nhân lương tâm khác đang thụ án tại Việt nam.

Xin trân trọng gửi lời cảm tạ tới các vị: Vien Nguyen, Caubay Thiem, Hồ Chí Bửu, LyLy, Nautica Mile, Nguyễn Tiến Đức (Hưng Việt) và nhiều người khác không muốn nêu danh tính ở đây đã có lòng yêu mến, cảm thông, chia sẻ với Blogger Điếu Cày vì đã tham gia đấu giá bức tranh của tôi hoặc ngỏ ý muốn đóng góp tài chính giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Văn Hải.

Xin cảm tạ và Kính chúc chúc Quý vị bình an hạnh phúc

Tác giả bức tranh: ĐIẾU CÀY VÀ NIỀM TIN.

Mai Xuân Dũng

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

CẬP NHẬT ĐẤU GIÁ TRANH ỦNG HỘ BLOGGER ĐIẾU CÀY ĐẾN NGÀY 04/8/2013



Tranh: sơn dầu 60cm x 80cm
Họa sỹ: Mai Xuân Dũng
Bán đấu giá tranh vẽ chân dung Blogger Nguyễn Văn Hải (Tức Điếu Cày, tù nhân lương tâm trong trại giam số 6 Nghệ An-Việt nam).
   
                 

Ngày Đấu giá: 8h00 ngày 28/7/2013 đến ngày 08/8/2013.
Nơi đấu giá: Trang Facebook: Mai Dzung.
Hình thức đấu giá: Công khai trên status timeline Mai Dzung  VÀ TẠI MỘT SỐ TRANG WEB KHÁC như DÂN LÀM BÁO, TRÍ NHÂN MEDIA, MAI XUÂN DŨNG BLOG...

Giá khởi điểm: $260. Giá mong muốn: $2.600. (US Dollara) 
Mục đích: Toàn bộ tiền thu được công bố công khai trên Facebook và chuyển cho Bà: Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải) và anh Nguyễn Trí Dũng con trai của ông Hải và bà Tân, nhằm góp phần ủng hộ, giúp đỡ Blogger Điếu Cày.
Nếu không bán được gía mong muốn, bức tranh sẽ được tác giả tặng cho Vợ và con trai Blogger Nguyễn Văn Hải.

KẾT QUẢ CẬP NHẬT

1. Ông Vien Nguyen thông báo mua với giá: 400.000VNĐ
2. ÔNg Caubay Thiem thông báo mua với giá: 100 USD
3. Ông Hồ Chí Bửu thông báo mua với giá: 150 USD
4. Hồ Chí Bửu nâng lên 200 USD 
(Trích thư: Tôi làm thơ, ko làm chình trị- Ko ũng hộ ai hết- Thấy tranh đẹp mua chơi- Giờ trả 200/USD.)
5. Bạn Ly Ly trả 300 USD. 
( Trích thư:  Em trả 300usd)

6. Bạn Nautical Mile  trả 500 USD
(Trích thư: Em xin trả 500 usd.)
7.Bạn Them Tran: thông báo mua: 2.570USD
(Trích thư: Là phận nữ Gốc Việt lẻ loi ở 1 quận hạt nhỏ tiểu bang Oklahoma Hoa-kỳ, tôi và ông xã luôn quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm nhạy cảm nầy. Với sức của mình tôi chỉ gom được 2,570 đô thôi, có ACE nào giúp tôi 1 tay không? nếu được, bạn có quyền cùng tôi mua bức họa ấy, xin họa sĩ thêm vào: "Các thân hữu (DLB nếu được) thân tặng" và kính biếu gia đình anh DC. Khi nào các bạn đồng ý góp cho đủ thì xin bác họa công khai cho biết ngày giờ đã gửi emai, tôi sẽ theo cách chỉ dẫn để thanh toán, thế nào thì tôi cũng lãnh tới tấp spam emails. L/L Thêm Trần, facebook: Westside inn, hoặc Westsideinn@yahoo.com. Chúc PTDC sớm thành công.)

8. Một bạn  thuộc trang Hưng Việt: đặt mua 1000 USD.
9. Bạn Monique Trinh: Thông báo đóng góp 200 USD 
 (Trích thư: 1 buc tranh tuyet dep, theo minh "beyond valuation" minh xin do'ng gop vao $200.00)

10. Bạn Them Tran nâng mức đấu giá tranh lên 3.200 USD và 25 cent.
(Trích thư:  Them Tran Tôi và các bạn thân hữu facebook xin mua với giá 3,200.25 đô ( cô con gái nhỏ người bạn thật tình góp 25 xu) bức tranh Anh Hải. Tất cả vì lý tưởng cao đẹp của anh.)


Ghi chú: 
Một số bạn khác có thông báo ủng hộ, đóng góp không ghi rõ danh tính nên không thể đưa vào TIN CẬP NHẬT được. Xin Quý vị ghi rõ tên để chúng tôi sớm cập nhật.
Thông tin mới nhận được qua điện thoại với anh Nguyễn Trí Dũng-con trai Blogger Điếu cày:
Tại trại giam số 6 Nghệ An-Việt nam, sau 35 ngày tuyệt thực, Blogger Điếu Cày đã bắt đầu ăn trở lại sau khi yêu sách chính đáng CỦA ÔNG được nhà cầm quyền phải đáp ứng.
Chính sự QUAN TÂM của Quý vị đã góp phần làm cho nhà cầm quyền có thể phải điều chỉn h thái độ đối với những tù nhân lương tâm, số phận của nhiều người được thay đổi tốt lên hoặc đem lại cuộc sống cho họ.


KẾT QUẢ ĐẤU GIÁ TRANH SẼ THÔNG BÁO TẠI ĐÂY LÚC 18 GIỜ GIỜ HÀ NỘI NGÀY 08/8/2013.
VÀ SẼ ĐƯỢC CẬP NHẬT NGÀY HÀNG NGÀY VÀO LÚC 20 GIỜ HÀ NỘI
CHÂN THÀNH CẢM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ QUAN TÂM, THAM GIA ĐẤU GIÁ ỦNG HỘ BLOGGER ĐIẾU CÀY.
CẢM ƠN TẤT CẢ QUÝ VỊ ĐÃ CÓ THIỆN CHÍ CHIA SẺ THÔNG TIN NÀY.

Mai Xuân Dũng