Trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

GIẢ DỐI - RANH GIỚI Ở ĐÂU ?


Ông hàng xóm vốn là một vụ phó (Vì sự tôn trọng nhất định với công việc và sổ hưu của ông ấy có lẽ chưa nên nói ra ở đây ông ấy ở vụ nào).

Ông ấy điềm đạm, hòa nhã sống đúng mực với mọi người lối phố nhưng hình như chỉ café, bia bọt với riêng tôi.
Nhưng một hôm gặp nhau đầu ngõ thấy ông khang khác, cái miệng cố rộng mở nhưng tiếng cười không còn vẻ tròn đầy và câu chuyện phảng phất vẻ gượng gạo. Tôi cảm nhận được sự khác thường và không muốn “làm phiền” ông khi nói chuyện nơi công cộng bằng cách rút ngắn đàm đạo trong chừng mực còn giữ được sự lịch thiệp.
Sau này, vô tình tôi được biết ông đã có lần “tiếp xúc” với cán bộ bên an ninh và sự “điều chỉnh” thái độ trong mối quan hệ với tôi là dễ hiểu.
Chính sự “thành công” của cơ quan an ninh trong nhiều lần “rỷ tai” với “quần chúng” đã làm cho ngành này ngày càng phát huy mạnh mẽ “thành tích” đã đạt được và không phải là họ không thành công trong việc gây nghi ngờ, chia rẽ trong đám công dân mà 84 năm qua họ luôn luôn được rót vào tai biết bao nhiêu mỹ từ về chủ nghĩa cộng sản và sự thối nát ghê gớm của chủ nghĩa tư bản.

Sự giả dối và công lý (bị bịt miệng) trong một xã hội như thế đã xóa mờ ranh giới Chân-Giả và đau xót vô cùng khi ta thấy ngay cả một số không nhỏ người có bằng cấp cao trong các cấp học quốc gia cũng quẩn quanh trong nhận thức chính trị ở mức mù mờ về mọi điều đang diễn ra trong xã hội chúng ta đang sống. Nhận thức ở mức nào cho chúng ta khả năng nhận biết diễn biến xã hội ở mức ấy. Thật sự cũng có những đảng viên có cuộc sống khá mực thước nhưng cả “một bộ phận không nhỏ” đảng viên cộng sản tham nhũng có lối sống ích kỷ vụ lợi đi ngược lại với quyền lợi dân tộc nhưng họ có chung lòng tự hào (huyễn hoặc) về bản thân, về đảng của mình và tin tưởng chắc chắn “giai cấp tiên phong” mà họ là thành viên đã, đang có đầy đủ phẩm chất để “dạy dỗ” nhân dân bởi đơn giản chính họ tin tưởng đảng của họ là “đạo đức là văn minh”, họ là những tinh hoa của đất nước, họ có nhiệm vụ giác ngộ, giáo dục nhân dân thấm nhuần “chân lý rạng ngời” đó. 

Viết đến đây bỗng tôi tự nhiên nhớ đến truyện ngắn Rachel của O.Henry, trong đó, người đọc nhìn thấy một tình yêu trong vắt như pha lê của một cô gái nghèo và chàng trai nhà giàu. Cô gái mặc cảm về thân phận của mình và luôn luôn giấu diếm xuất xứ của mình với người yêu. Chỉ đến khi bằng cái chết của cô, tác giả mở ra một khe sáng soi chiếu sự thật trong đời sống thật nghèo túng khủng khiếp của cô rằng: để sống, chính cô và mọi người trong gia đình từng sống nhờ vào thùng thức ăn thừa bỏ đi của gia đình người cô yêu. Thật không may, lần đó gia đình chàng trai đã vô tình bỏ thuốc độc vào thùng thức ăn thừa để diệt chuột (!). Raychel có giả dối không? Đó là một điều mà những nhà xã hội học sẽ và mãi mãi phải phân tích để rồi không đi đến đích.

27/2

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

CHỈ MẶT LŨ NGỢM




Truyền thông nhà nước và truyền thông toàn dân ở nước ta luôn cập nhật tin tức bọn côn đồ hành hung người này người khác một cách trắng trợn công khai ngày càng nhiều gây bức xúc ghê gớm trong dư luận nhân dân đến mức truyền thông quốc tế cũng phải quan tâm.

  

Vậy côn đồ là những ai và hiểu thế nào cho đúng về hai chữ “côn đồ” ở Việt nam hiện nay?
Theo từ điển Vidict và Vi.Wikiktionnary.org định nghĩa thì: Côn đồ là: kẻ lưu manh hay gây sự đánh nhau. 
Trong văn bản pháp luật, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tại công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 giải thích khái niệm “côn đồ” như sau: côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…(trang 141,142 tập các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng năm 1996).

Như vậy ta tạm hiểu từ “côn đồ” được dùng để chỉ những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật theo một cách thức xấu xa đe dọa an ninh của người khác gây bất ổn xã hội. Chúng là đối tượng cần bị lên án và luật pháp nhà nước trừng trị thích đáng.

Thông thường, bất cứ quốc gia nào cũng có những kẻ côn đồ. Các nước dân chủ văn minh như Anh, Mỹ, Đức…cũng có bọn côn đồ, lưu manh và các băng đảng tội phạm hoạt động trên các đường phố. Bọn côn đồ ở những nơi đó có đặc điểm dễ thấy là chúng có trang phục kỳ dị, thân thể xăm trổ các hình thù ghê rợn, đầu trọc hoặc cắt tóc theo những lối quái gở. Chúng thường ít học hoặc hoàn toàn vô học, sống ăn bám hoặc buôn bán bất hợp pháp. Mục đích tấn công, hành hung người khác của chúng nhằm cướp đoạt tài sản, tiền bạc hoặc theo các “hợp đồng” thuê mướn từ giới mafia ngầm. Chúng hoàn toàn không quan tâm đến bất cứ hình thái hoạt động xã hội, hoạt động chính trị của mọi người, của nhà nước hoặc tổ chức xã hội nào khác. Chúng bị cơ quan luật pháp theo sát, phát hiện và bắt giữ ngay lập tức khi có dấu hiệu phạm tội.

Theo dõi các vụ bọn côn đồ lưu manh tấn công, hành hung người trong mấy năm qua ở nước ta thấy rằng, hình như định nghĩa về “côn đồ” ở ta có lẽ có nhiều điểm khác biệt so với thế giới.
Sự khác biệt được tóm lược như sau:
Thứ nhất: mục đích tấn công hành hung người khác của bọn côn đồ ở ta không nhằm cướp đoạt tiền bạc tài sản bởi đơn giản là những người bị chúng đánh đập gây thương tích không có tiền bạc tài sản gì cả.
Thứ hai, những người bị côn đồ lưu manh tấn công hoàn toàn chẳng có thù oán cũng hoàn toàn không quen biết gì với chúng.
Thứ ba, bọn côn đồ ở ta là những thanh niên không có các đặc điểm ngoại hình kỳ dị khác người mà khác chút ít ở chỗ chúng thường mang khẩu trang bịt mặt khi hành sự nhằm che giấu nhân thân.
Thứ tư, bọn người này liên tục nghe, gọi điện thoại di động, có lẽ để báo cáo hoặc nhận chỉ thị ở các “ông trùm” giấu mặt trong các văn phòng nào đó.
Thứ năm, trong nhiều trường hợp, đi cùng chúng là một vài tên mặc trang phục của công an áo xanh hoặc cảnh sát giao thông. (Không rõ chúng có phải công an hay không?)
Thứ sáu bọn côn đồ lưu manh này trắng trợn hành hung người giữa đường phố giữa ban ngày ban mặt một cách ngang nhiên hoàn toàn không có vẻ lén lút hoặc lo sợ bị cơ quan luật pháp trừng trị.
Thứ bảy, hoàn toàn khác côn đồ ở các nước tư bổn giẫy chết là lũ côn đồ lòng lang dạ thú ở nước ta tỏ ra cũng ít nhiều có trình độ “chính trị”. Lũ vô lương tâm này thường đặc biệt “quan tâm” các vấn đề liên quan đến việc người dân đòi hỏi, đấu tranh đòi nhân quyền vì trên thực tế, nhiều trường hợp người dân đến tiếp xúc với đại sứ quán nước ngoài hoặc các cơ quan nhân quyền quốc tế đều bị bọn chúng nhanh chóng phát hiện và ra tay rất tàn bạo kể cả ngay trước cửa các đại sứ quán hoặc ngay tại cảng hàng không quốc tế Nội bài, Tân sơn nhất.

Liệt kê vài đặc điểm như vậy để bà con dễ nhận mặt bọn lưu manhh côn đồ mà phần nào giảm nhẹ thương tích do chúng gây ra.

Nhân đây nhắc lời chủ tịch nước Trương Tấn Sang dặn dò bà con ngư dân nước ta khi ra khơi làm ăn là: “Nên đoàn kết đi cùng nhau có đoàn hội” để đùm bọc, ứng cứu lẫn nhau chứ nhỡ bị hải tặc, tàu lạ tấn công thì nhà nước cũng bó tay thôi vì nạn côn đồ hiện nay ở nước ta đang hoành hành nào có khác chi nạn hải tặc, tàu lạ tấn công người lương thiện đâu.

http://www.voatiengviet.com/content/ong-nguyen-bac-truyen-bi-hanh-hung-trong-chuyen-di-van-dong-nhan-quyen/1857919.html


MXD

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

CHUYỆN LẶT VẶT NGÀY CHÚA NHẬT


Khi nó xin tiền là tôi buồn. Buồn vì mình không có đủ như số tiền nó xin. Nhưng lần đó rủng rỉnh, móc ví cho nó hai triệu một cách thoải mái chẳng đắn đo tý nào vì tôi có dư số đó. Nó đút ngay tiền vào cặp coi như lẽ đương nhiên phải thế. 
Lúc khó ăn xó, lúc có bốc giời là nết xấu khó sửa của tôi. Mà tôi cũng chưa bao giờ có ý định sửa làm gì.
Sinh nhật của tôi rồi cũng thình lình đến lúc nào chẳng hay. Mà tôi ghét cái ngày đó nhất là khi ở giữa hai kỳ lương nên tình hình luôn rất là tình hình…

Thế rồi nó là đứa “phát hiện” ra ngày phải gió ấy trong khi tôi lại quên.Nó ôm cổ tôi nhét vào túi áo 4 tờ Lê Đức Thúy màu xanh đậm vừa tròn…2 củ.
Sực nhớ tháng trước cho nó hai triệu, tôi bỗng tức điên vì bị con gái ăn miếng trả miếng sòng phẳng. Thế này thì còn tình nghĩa gì.
Rút tiền ra đặt xuống bàn tôi lạnh lùng: Trả nợ phải không?
Nó sững người, môi mím lại cố ghìm nhưng không ngăn được từ trong khóe mắt lăn xuống hai giọt nước: “Bố coi thường con quá. Đây là kỳ lương half-time đầu tiên của con. Sáng nay con thấy ví bố chẳng còn đồng nào thì đưa bố tiêu thôi chứ cái nợ Sinh thành con làm sao trả được bố…”
Nhớ lại một câu chuyện đã đọc từ lâu nói về một Đạo sỹ danh tiếng Ấn độ khi được hỏi: Ai là người thầy của ngài, ông trả lời: “Ai cũng là thày của tôi nhưng có ba người thày vĩ đại nhất đã dạy dỗ tôi là một thằng ăn trộm, một cô bé con và một con chó…”
Quả thật nếu chịu khó nghĩ suy một chút, những người Thày vĩ đại trong đời chẳng ở đâu xa.

MXD