12/4/2012
CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN
Có lần đối ẩm với một nhà văn trong quán nhậu ven sông Sài gòn. Trong câu chuyện giữa hai chai bầu đá là những từ “đù má” hoặc “mẹ kiếp” làm kẻ viết hậu sinh trở nên gần gũi với ông-một lão văn đã từng “vang bóng một thời” trên văn đàn.
Ông không muốn người ta gọi ông là Nhà văn hoặc những mĩ từ như Cây bút lớn, Tiếng nói của lương tâm v.v…mà chỉ tự nhận là “Người chơi chữ”.
-Nhưng các cụ ta ngày xưa đã gọi “chơi” là một nghề. Nghề chơi cũng lắm công phu.
-Đã hẳn. Chơi cũng ba bảy đường chơi, mình chỉ coi nghề văn của mình là chơi thôi, chơi chữ ý mà.
-Nhưng nếu chỉ là “chơi” thì có vẻ không nghiêm túc lắm?
- Nhầm, chơi mới là nghiêm túc, tất nhiên là chơi đẹp. Nghề gắn với Tiền. Mà tiền là bà chúa bạc tình. Mình chơi chứ không phải là “Làm văn” hoặc “Nghề văn”. Nếu “làm nghề” ta phải theo ý chủ hoặc ý kẻ mua văn. Mà viết cho kẻ mua văn khác nào làm điếm chữ. Còn “chơi” thì thích gì viết nấy, có sao nói vậy. Bởi thế ta sẽ không cần uốn éo cái lưỡi. Vì lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, L…không vành L… méo mó tứ tung. Hì,,,ngày xưa châu Âu có câu thành ngữ Cái lưỡi của Aesop cậu nghe chưa?
Lần ấy vua cho Aesop làm bếp đãi khách đến dự tiệc và yêu cầu phục vụ họ món ngon nhất.
Món ngon nhất trong bữa tiệc là lưỡi hầm Thực khách khen không tiếc lời.
Tới món thứ hai, thứ ba cũng chẳng có gì khác ngoài món lưỡi. Việc này xem ra có vẻ chọc tức. Vua nổi nóng hỏi Aesop tại sao không làm các món khác nữa mà toàn lưỡi.
- Tâu bệ hạ, có gì tuyệt vời hơn cái lưỡi đâu ? Nó phát ra sự hiểu biết và khôn ngoan. Nhờ nó mà diễn thuyết, nhờ nó mà tán tụng, nhờ nó mà giao thương, ký hợp đồng, lập khế ước hôn nhân, và nhiều người nổi danh cũng nhờ nó. Nhờ cái lưỡi, chúng ta nói với Thiên Chúa. Nó chẳng là gì, nhưng chẳng có gì bằng cái lưỡi.
Thực khách vỗ tay khen ngợi lời lẽ khôn ngoan của Aesop.
Để chuẩn bị cho bữa tiệc ngày mai, vua muốn chơi khó để thử tài Aesop nên truyền rằng: Hãy mua thực phẩm nào tệ nhất.
Hôm sau, khách khứa và vua đều ngạc nhiên vì thấy món dọn lên lại là lưỡi. Nhưng quả thực nếm vẫn rất ngon. Vua gọi Aesop lại hỏi :
- Ta đã chẳng bảo ngươi mua thứ thịt tệ nhất sao ? Vậy vì cớ gì ngươi lại đi mua lưỡi nữa ?
-Tâu bệ hạ, cầu tài, cầu lợi cho đến phản bội, bán Chúa, giết người, bán nước cầu vinh, lừa tình lừa tiền, …đều có cái lưỡi can dự vào
vậy còn có cái gì xấu hơn cái lưỡi, tệ hơn cái lưỡi?
BÀ HÀNG XÔI
Bán xôi cần giấy gói mà giấy gói thường là bằng báo. Nếu ai đó nghĩ các bà hàng xôi chỉ biết mỗi chuyện xôi là rất nhầm. Ở chỗ này, ta sẽ chẳng hỏi được điều gì khi hàng đang đông khách, nhưng nếu nhân lúc hàng họ ế ẩm mà lân la sẽ có khối chuyện hay.
Lần này thì hàng xôi ế thật. Công nhân đóng gạch về quê vì nhà máy chậm lương, các cô phụ hồ, thợ xây đi nơi khác vì công trường đói việc.
-Vậy là hôm nay nhà ta sẽ ăn xôi trừ bữa trưa.
-Gì phải thế, nhà cháu có người làm hàng, xôi ế đem về bóp lẫn nếp nấu lại vẫn bán được mà?
-Không được đâu, chú biết rồi tôi nói thật, mẻ này đã đấu 2 lần rồi không thêm được nữa đâu để nó mau chua lắm, bán thế mất khách.
Và rồi câu chuyện quay ra từ giấy báo gói xôi. Ế khách còn gì để làm là đuổi ruồi và đọc báo từ giấy gói xôi. Đó là chuyện Bùi Hằng, người phụ nữ biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn những tháng 6,7 rực lửa của tình yêu và cả sự hèn hạ trong mùa hè năm 2011.
“Tôi chả biết cô ta là ai để đến nỗi phải bị chính quyền bắt đi giáo dục ở trại Thanh Hà. Chỉ thấy mấy tờ báo viết là cô ta mấy lần bị bắt vì đi biểu tình ở Bờ Hồ. Năm ngoái các bác trí thức đi biểu tình chả bị đưa sang Trại phục hồi nhân phẩm bên Đông anh cũng là được nhà nước cho đi giáo dục phải không?. Nhưng hỏi thật anh nếu đáng bị đưa đi giáo dục thì các ông như Nguyễn Trường Tô chủ tịch tỉnh Hà giang hiếp gái đang tuổi đến trường cần đi học hay các ông Huệ Chi, Quang A…là những người cũng đi biểu tình như cô Hằng kia cần đi giáo dục để phục hồi nhân phẩm?. Mấy hôm nay lại thấy có tờ báo nói xấu cô Hằng. Tại sao báo nhà nước đàng hoàng mà lại phải đem cái chuyện đời tư của một người đàn bà ra mà nói, thù hằn tiểu nhân như thế thì khác gì mấy bà hàng cá hàng tôm thất học”.
Xem lại bài báo hàng xôi thấy hẳn một “nhóm phóng viên” nội chính viết về cô Hằng. Xem này: “Hằng bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 9 tháng tù treo, 12 tháng thử thách do vi phạm chế độ hôn nhân. Ngày 29-11-1996, Bùi Thị Minh Hằng bị công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố vụ án hình sự về tội danh cưỡng đoạt tài sản; ngày 19-3-1997, cơ quan tố tụng đã xử phạt hành chính đối với Hằng về hành vi nêu trên…Nhân thân xấu cộng với bản tính thích tạo scandal để “nổi tiếng”.
Nếu quá khứ đời tư ai đó đã từng lầm lỗi vì lý do này lý do khác (có thể còn do vu khống) nhưng hành động thực tế của họ mang tính chính nghĩa và có lòng yêu nước thì cho dù họ có là “cô gái sông Hương” đi nữa rồi sẽ:
Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm hơn hương nhụy hoa nhài
Đẹp như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân...
(Tố Hữu)
Những cái gọi là: “nhân thân xấu cộng với bản tính thích tạo scandal để “nổi tiếng” cùng những tình tiết nêu trên chỉ là chiêu “dìm hàng” chốn đầu đường, không phải cơ sở pháp lý để Hằng bị đưa đi giam giữ tại Trại Thanh Hà mà nguyên nhân chính là từ quyết định số 5225/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng mà tội danh được người ta cố đánh tráo khái niệm “gây rối trật tự công cộng” với việc cô đã THAM GIA BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC GÂY HẤN VỚI VIỆT NAM.
Khi người ta sợ và ghét biểu tình thì người ta gọi là “gây rối trật tự công cộng”. Khi người ta sợ và ghét người hay viết và nói chuyện với đài báo nước ngoài thì người ta gán cho tội đã để trong phòng ngủ “Hai bao cao su đã qua sử dụng”.
Thật là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, L…không vành L… méo mó tứ tung”.
Bà hàng xôi phải cười “đi biểu tình chống Trung Quốc mà bị bắt đi cải tạo thì đứa mừng nhất là bọ Tàu và mấy kẻ bám quần Trung Quốc ăn tiền”.
Ai là tác giả của “Trò lố bịch của những kẻ cơ hội” chính là đây và sự thật đã rõ như ban ngày. Lịch sử sẽ phán xét và đưa họ ra ánh sáng kể cả khi họ có ẩn mình vào trong cái vỏ bọc “Nhóm phóng viên” giấu mặt.
Lại nhớ ngày thơ bé đọc cuốn tiểu thuyết Những kẻ khốn khổ của văn hào Pháp Vích to Huy Gô nói về Giăng Van Giăng, người tù mang số 24601 bị lĩnh án vì ăn cắp thức ăn cho gia đình của mình đang lâm vào cảnh chết đói. Giăng tuy mãn án nhưng phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu của kẻ từng phạm tội. Vì vậy Van Giăng bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ đầu đường xó chợ.
Giám mục Myrielđã cho Van Giăng một chỗ nương náu. nhưng Giăng lại tiếp tục ăn cắp đồ bạc của Ngài. Giăng bị bắt lại sau đó nhưng lại được Giám mục cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng Van Giăng. Khi chia tay, Giám mục nói với Van Giăng rằng: Hãy trở thành một người lương thiện.
Sáu năm sau, Van Giăng trở thành một chủ xưởng giàu có và được bầu làm thị trưởng thành phố nơi ông sinh sống với cái tên Ngài Madeleine để tránh sự phát hiện của thanh tra Giave (Javert). Tuy nhiên số phận buộc Van Giăng phải tự lộ danh tính của mình khi một người đàn ông khác bị bắt nhầm là Giăng Van Giăng và sẽ đối mặt với một án tù nặng nề.
Một kẻ cựu tù như Van Giăng, một lưu manh nhí như Ga vơ rốt vẫn được vinh danh và sống mãi trong tim mọi người yêu công lý, sự thật và tự do cho dù họ bị có bị những tên Giave truy lùng khắp nơi.
Các bạn trong nhóm phóng viên nội chính thân mến, là những người cầm bút chắc các bạn biết câu: “Don't compare your life to others'. You have no idea what their journey is all about”. Tạm dịch: Đừng so sánh cuộc đời của bạn với cuộc đời của những người khác. Bạn không biết cuộc hành trình của họ như thế nào đâu. Hãy công tâm mà viết chứ đừng cố bẻ ngòi bút như vậy vì mấy đồng bạc, đừng để lương tâm đánh thức chúng ta hàng đêm.
Và, nếu có thể nói gì trong trường hợp Bùi Hằng tôi có thể nói: Nếu biểu tình chống Trung Quốc gây hấn và những người ủng hộ điều đó là “cơ hội” thì xin được hô to: VÌ TỔ QUỐC VIỆT NAM VÌ HOÀNG SA TRƯỜNG SA, CƠ HỘI MUÔN NĂM.
Quá xuất sắc,cám ơn anh đã kể lại người tù Giăng trong Những người khốn khổ //
Trả lờiXóaCảm ơn Thai Phu Son đã ghé thăm và chia sẻ.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Xóa