Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

SOS: Công an tấn công nhà Blogger Nguyễn Tường Thụy

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Đăng bởi lúc 7:22 Chiều 25/09/13

VRNs (25.9.2013) – Sài Gòn – SOS: 20 giờ 35: Blogger Gió Lang Thang cho hay, mọi người đang tập trung tại CA huyện Thanh Trì trụ sở 2 tại Liên Ninh, Thanh Trì để hỗ trợ những người bị bắt. Vợ bác Tường Thuỵ đang đòi công an cho gặp chồng và bà Tân đang đòi lại đồ đạc.

20 giời 30: Cùi Các đưa tin, Blogger Nguyễn Tường Thụy vừa mới cho hay: “Hiện nay ông vẫn đang bị câu lưu tại công an xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Tại đây, công an đề nghị ông hợp tác làm việc nhưng ông đã từ chối, bất hợp tác với công an vì lý do công an xông vào nhà bắt người trái pháp luật”.

Blogger Huỳnh Công Thuận nói: “Blogger Nguyễn Tường Thụy từ chối làm việc vì công an không hợp tác với người dân làm đúng theo quy định, chứ không phải người dân không hợp tác.”

20 giờ 15: Theo Blogger Gió Lang Thang cho biết, Blogger Trương Văn Dũng bị cướp máy ảnh và bị lôi đi. Khi Blogger Trương Văn Dũng đến nhà Blogger Nguyễn Tường Thụy yểm trợ mọi người.

20 giờ: Cùi Các cho biết, tin từ nhà văn Nguyễn Tường Thụy qua điện thoại: “ông cảm thấy lo ngại khi cả nhà ông bị bắt đi, không còn một ai ở canh giữ nhà trong lúc công an khám xét. Ông lo lắng sẽ có tài sản của mình bị đem ra khỏi nhà, nhưng tài liệu nguy hiểm thì được tuồng vào trong nhà.”

Chúng tôi vừa được báo, lúc 18 giờ 30, có gần 20 công an mặc thường phục và sắc phục đang đập phá cửa và đòi vào nhà Blogger Nguyễn Tường Thụy tại số 11, Nhà máy phân lân Văn Điển, Hà Nội để kiểm tra hành chánh, nhưng Blogger Nguyễn Tường Thụy không đồng ý. Được biết, trong nhà Tường Thụy gồm có mẹ con bà Dương Thị Tân, bà Nguyễn Thị Nhung, cô Nguyễn Phương Uyên, con bà Nhung,ông Lê Quốc Quyết, ông Thi bạn ông Quyết và ông Phạm Bá Hải.

Blogger Nguyễn Tường Thụy chụp với bà Dương Thị Tân, Nguyễn Phương Uyên và bà Bùi Thị Minh Hăng

Blogger Nguyễn Tường Thụy chụp với bà Dương Thị Tân, Nguyễn Phương Uyên và bà Bùi Thị Minh Hăng

Blogger Nguyễn Tường Thụy chụp với bà Dương Thị Tân, Nguyễn Phương Uyên và bà Bùi Thị Minh Hằng
Lúc 19 giờ 10, Blogger Cùi Các cho biết, Blogger Nguyễn Tường Thụy và vợ con ông, cũng như mẹ con bà Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Phương Uyên cùng với ông Lê Quốc Quyết đã bị công an bắt đưa về UBND xã Liên Minh, Thanh Trì, Hà Nội.

Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

NHÂN SĨ - TRÍ THỨC VIỆT RA TUYÊN BỐ ĐÒI CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

Trà Mi
Theo VOA


Hàng trăm trí thức Việt trong và ngoài nước ngày 23/9 ra Tuyên bố chung yêu cầu nhà nước cải cách thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, sửa đổi Hiến pháp, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân.
  
Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị ( Xem tại đây) được gửi tới các cơ quan lãnh đạo của đảng cộng sản và nhà nước và được công bố trên mạng xã hội nói thể chế toàn trị tại Việt Nam với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết điểm, quan liêu, và tham nhũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng cho đất nước về nhiều mặt từ năng lực phát triển tới kinh tế, môi trường, văn hóa, lòng tin nhân dân đối với bộ máy cầm quyền, và cả vấn đề chủ quyền đất nước trước họa xâm lăng từ Trung Quốc.


Tuyên bố nhấn mạnh giải pháp cơ bản cho những thử thách hiểm nghèo của đất nước và dân tộc là phải cải cách thể chế, dân chủ hóa đất nước để phát huy đoàn kết và sức mạnh dân tộc.

Các nhân sĩ-trí thức đồng ký tên trong Tuyên bố nói đảng cộng sản Việt Nam tự nhận vì nước, vì dân, phải có trách nhiệm chủ động thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, khởi đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp vốn bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản.
  
Tuyên bố nói rằng nếu bản Hiến pháp đang được sửa đổi vẫn tiếp tục duy trì thể chế toàn trị thì dân tộc Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả khôn lường, nỗi bất bình và thất vọng trong lòng dân càng gia tăng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế càng giảm sút.

Bản Tuyên bố yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân và đề nghị nhà cầm quyền trao đổi, tranh luận thẳng thắn với các ý kiến phản biện.

Tuyên bố cũng đồng thời lên án các biện pháp chính phủ Hà Nội áp dụng để ngăn cấm, trấn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm là vi hiến, đi ngược lại các Công ước đã ký với quốc tế, và “không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền”.

Tuyên bố hoan nghênh các kiến nghị công dân gần đây như Kiến nghị 72, Tuyên bố của Công dân Tự do, Tuyên bố phản đối điều luật 258 và khẳng định các biện pháp xây dựng ôn hòa, hợp pháp này thể hiện lòng yêu nước và khát vọng dân chủ của các tầng lớp nhân dân.

Trong Tuyên bố của mình, các nhân sĩ-trí thức cũng kêu gọi xây dựng một Diễn đàn Xã hội Dân sự nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị, thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển theo yêu cầu của một quốc gia dân chủ.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một trong những người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố, nói với VOA Việt ngữ:

“Xã hội dân sự là con đường của tương lai Việt Nam, không thể khác được. Một đất nước không có nền tảng dân sự và một nhà nước pháp quyền thì không thể tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh một nhà nước toàn trị như hiện nay. Khi đặt bút ký vào Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều trí thức, nhiều anh em khác luôn mang trên mình một hoài bão, một nguyện vọng là làm sao để đất nước tránh được những sự lộn xộn. Xã hội dân sự là nền tảng để xây dựng nền văn hóa cho dân tộc Việt trong tương lai chứ không phải một nền chính trị vọng ngoại hay một nền chính trị lộn xộn, đấu đá nội bộ lẫn nhau. Con đường của Việt Nam trong có thể là 15 hay 20 năm tới sẽ chỉ là vấn đề ‘xã hội dân sự’ để tạo ra sự đối trọng cần thiết đối với chính quyền, tác động, điều chỉnh chính sách và cả con người trong chính quyền như những gì xã hội các nước Bắc Âu đã làm được trong thế kỷ 20.”

Về hiệu quả mong đợi từ Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, báo Phạm Chí Dũng cho rằng:

“Tôi e rằng tính hiệu quả còn manh nha, chưa cao lắm trong buổi gần như là tiền đề, tiền thân của xã hội dân sự tại Việt Nam. Thật sự hiện nay tại Việt Nam chưa có xã hội dân sự. Muốn có xã hội dân sự, cần có những tổ chức dân sự. Muốn có những tổ chức dân sự cần phải có những nhóm dân sự. Những vấn đề đó ở Việt Nam còn rất manh nha. Cho nên, chủ đích của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Tuyên bố này, theo tôi, chỉ là những điều kiện đầu tiên tiền đề. Chúng ta cần phải có nhiều cố gắng tiếp theo để xây dựng không chỉ một Diễn đàn Xã hội Dân sự trên mạng mà còn là những Diễn đàn công khai truyền bá tư tưởng xã hội dân sự ở Việt Nam, sinh hoạt công khai. Như vậy mới có thể có hiệu quả được.”

Trong ngày công bố, Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị có chữ ký của 130 nhân sĩ, học giả, trí thức trong và ngoài nước. Trong số này có các nhân vật tên tuổi như Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu; ông Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM; ông Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM; ông Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động; Phó Giáo sư Phạm Khiêm Ích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

Những người khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự nói họ mong được đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Tuyên bố này để thúc đẩy nền dân chủ và tiến bộ của đất nước.

Post by: mai xuân dũng

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Người Việt phải đuổi kịp dân Campuchia

Ngô Nhân Dụng

Từ ba bốn chục năm nay dân Việt Nam đã biết mình thua kém dân các nước Nam Hàn, Ðài Loan, Thái Lan. Biết như vậy cũng thấy tủi, nhưng còn có thể đổ tại số mạng không may, đành chịu. Nhưng khi nhìn thấy dân mình không may mắn bằng dân Miến Ðiện, thì nhiều người đã nóng mặt.

Năm ngoái, nước Miến Ðiện bắt đầu tiến trình dân chủ hóa, đảng đối lập thắng gần hết các đơn vị bầu cử bổ túc; cả thế giới theo dõi với con mắt ngưỡng mộ. Còn dân mình, chẳng biết bao giờ mới được bầu người đại diện thật sự vào Quốc Hội!

Nay lại đến dân Campuchia. Trong cuộc bỏ phiếu tháng trước, đảng đối lập bỗng nhiên thắng lớn, đã thổi lên một luồng gió mới vào sinh hoạt chính trị. Lý do chính khiến chính quyền Hun Sen thất bại là vì dân đã chán ghét nạn tham nhũng, lạm quyền của đảng Nhân Dân của ông ta; cũng như tình trạng lệ thuộc Trung Cộng và Việt Cộng. Dân Campuchia đã có cơ hội bày tỏ thái độ bằng lá phiếu. Còn dân Việt, bao giờ mới có một cơ hội như thế?

Thua Ðài Loan, Ðại Hàn, Phi Luật Tân đã xấu hổ. Nay thấy mình thua cả dân Miến Ðiện, dân Campuchia, chắc người Việt phải thấy tủi nhục. Nhất là những người biết suy nghĩ, có học, và dám nói. Một người 45 tuổi đảng lên tiếng kêu gọi các đảng viên bỏ đảng Cộng sản để lập đảng mới, cũng nêu trường hợp Camphuchia ra làm thí dụ, cho thấy người ta đã tiến bộ hơn mình. Sau cú sốc Miến Ðiện, cú sốc Campuchia sẽ giúp nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam tỉnh ngộ hơn.

Chắc hẳn Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam cũng lo lắng khi nhìn kết quả cuộc bầu cử ở Campuchia ngày 28 Tháng Bảy năm 2013. Trước hết, nó cho thấy thực lực của đảng cầm quyền không mạnh như chính họ vẫn nghĩ.

Ðảng Nhân Dân Campuchia có gần 6 triệu đảng viên, trong dân số dưới 15 triệu người. Nhưng kết quả kiểm phiếu chính thức cho thấy đảng chỉ được 3 triệu 200 ngàn lá phiếu; phe đối lập, Ðảng Cứu Quốc được 2 triệu 900 ngàn phiếu! Trước ngày dân đi bầu, chính quyền Hun Sen đã mua chuộc cử tri bằng cách tăng lương 40% cho các công chức cấp thấp, nâng lên bằng 80 đô la một tháng. Vậy mà gần một nửa số đảng viên Ðảng Nhân Dân đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên đối lập!

Cuộc bỏ phiếu được các cơ quan quốc tế theo dõi, giám sát; nhưng phe đối lập đang tố cáo nhiều vụ gian lận. Có những cử tri đến phòng phiếu khám phá ra mình đã bỏ phiếu rồi! Tức là đã có người đi bỏ phiếu thay cho mình. Có người thì thấy tên mình biến mất, không còn trên danh sách cử tri!

Ðiều thứ nhì khiến đảng Cộng sản Việt Nam run sợ, là lòng dân chống đối âm ỷ đã có dịp bùng lên. Trước đây, người ta vẫn tưởng dân Campuchia hiền lành, bảo sao nghe vậy. Nhưng khi có cơ hội, họ chứng tỏ họ có thể hiền lành thật nhưng không ngu.

Ðảng Cứu Quốc tập hợp Ðảng Sam Rainsy và Ðảng Nhân Quyền, mới lập năm 2007. Trước cuộc bầu cử này, hai đảng lần lượt có 26 và 3 đại biểu trong Quốc Hội. Nay dân đã bầu lên 55 đại biểu Ðảng Cứu Quốc; so với 68 ghế của Ðảng Nhân Dân, so với 90 ghế họ đã có. Dân chúng Phnom Penh đã đi biểu tình ngày 24 Tháng Tư đòi chính phủ tổ chức bầu cử tự do, dân chủ và công bằng. Cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay, 4,000 người tham dự, đòi thay đổi thành phần trong Ủy Ban Bầu Cử quốc gia.

Ngày 12 Tháng Bảy, Quốc Vương Sihamoni ký lệnh miễn tội cho ông Sam Rainsy theo đề nghị của Hun Sen, ngày 19 ông về nước, được hàng trăm ngàn người tiếp rước. Rainsy quốc tịch Pháp, nơi ông sống từ lâu trước khi về nước năm 1991, lên làm bộ trưởng tài chánh trong chính phủ liên hiệp. Năm 1994 ông mất chức, vì chống chính sách cho các công ty Trung Quốc và Việt Nam phá rừng, theo lời ông giải thích. Ông lập một đảng chính trị lấy tên Rainsy, rồi ông bị tuyên án 11 năm tù sau khi lưu vong bên Pháp từ năm 2009. Chắc Hun Sen tự tin quyền hành của mình đã vững chắc sau 28 năm làm thủ tướng, cho nên cứ cho Rainsy trở về mà không có quyền bầu cử và ứng cử. Nhưng dân Campuchia đã phản ứng khác. Giới thanh niên có học là thành phần dẫn đầu phong trào đòi thay đổi. Dùng Internet và điện thoại lưu động, họ cổ động cho đảng Cứu Quốc, thanh thế của đảng lan rộng nhờ mạng lưới tuyên truyền mới vượt qua mặt các báo, đài “lề phải” do đảng Nhân Dân kiểm soát. Vợ ông Rainsy là bà Tioulong Saumura cũng đắc cử. Khí thế phe đối lập lên cao đến nỗi nhiều người có tiền trong đảng cầm quyền đã lo sợ rút tiền ra khỏi ngân hàng, dân chúng nghe tin đồn bảo nhau đi rút theo; trong ngày bầu cử họ rút ra số tiền tổng cộng bằng 4 triệu đô la, gấp đôi số tiền rút bình thường.

Một chiêu bài tranh cử của đảng Cứu Quốc là chống Cộng sản Việt Nam, đã được dân Campuchia hoan nghênh. Hun Sen vốn là một cán bộ Khờ Me Ðỏ, sợ mất mạng trong các cuộc thanh trừng đã bỏ theo Việt Cộng, rồi được bọn Lê Ðức Thọ, Lê Ðức Anh đưa lên làm thủ tướng. Sau đó Việt Cộng tiếp tục thao túng chính trường Campuchia, cho đến năm 1997 Hun Sen sợ quá đã quay đầu sang nhờ Trung Cộng giúp. Sam Rainsy lợi dụng nỗi bất mãn của dân đối với Cộng sản Việt Nam cho nên dùng chiêu bài chống người Việt trong cuộc tranh cử. Trong ngày bỏ phiếu, có tin đồn rằng nhiều đoàn xe chở người Việt Nam qua biên giới đi bỏ phiếu cho đảng của Hun Sen! Trên các mạng Internet có những lời phản kháng: “Dân Khờ Me không được bỏ phiếu, dân 'Duồn' đi bỏ phiếu!” Người Campuchia gọi người Việt là “Duồn;” một tên gọi miệt thị cũng giống nhiều người Việt đang gọi người Trung Hoa là “Khựa” trước cảnh chính quyền Trung Cộng lấn áp cả nước Việt Nam. Sau cuộc bầu cử, trong lúc đảng Cứu Quốc còn đang thưa kiện về bàu cử gian lận thì lãnh tụ Sam Rainsy vẫn lên đường đi Boston dự đám cưới của cô con gái, cô Rachel Estée Sam lấy William Josiah Rubenstein, được một vị pháp sư Do Thái làm chủ lễ bằng ba thứ tiếng Hebrew, Pháp và Anh!

Cộng sản Việt Nam phải lo lắng vì phong trào bài Việt ở Camphuchia đang được khơi động; dân Việt sẽ coi đây là hậu quả do chủ trương bành trướng và thao túng nước Campuchia từ thời Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ gây ra. Nhưng Trung Cộng còn lo lắng hơn nữa. Sau cuộc bầu cử, nhật báo Wall Street Journal ở Mỹ nhận xét rằng, “Trung Quốc thua nặng nhất.”
Phong trào dân Campuchia ủng hộ đảng đối lập cho thấy tự ái dân tộc của họ đã bùng lên, sau khi thấy chính quyền Hun Sen hết bám lấy Việt Cộng lại dựa vào Trung Cộng. Người Hoa chiếm 5% trong dân số nhưng kiểm soát 80% nền kinh tế.

Dân Campuchia ghét Cộng sản Việt Nam nhất vì nạn tham nhũng ở xứ này đã được các cán bộ người Việt truyền nghề cho đàn em bản xứ. Mà bây giờ thì đám đàn em còn tham nhũng vượt chỉ tiêu! Người ta đồn “trong đám cưới con ông Hunsen đám thuộc hạ dâng tặng nhiều xe hơi đắt tiền đến mức số chìa khóa xe không thôi đã đầy mấy rổ!” Ðồng bào Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia sẽ phải gánh chịu hậu quả!

Tiếng Hoa là ngoại ngữ được học hàng thứ nhì sau tiếng Anh. Trong số khoảng 70 đài truyền hình có 50 đài nói tiếng Trung Hoa. Trung Cộng sử dụng đồng tiền để mua chuộc Hun Sen; hiện nay đứng hàng đầu về vốn đầu tư vào Camphuchia; cao hơn tổng số đầu tư của tất cả các nước khác. Riêng năm 2011, Bắc Kinh bỏ vào Campuchia 1 tỷ 200 triệu đô la, gấp 10 lần số đầu tư của tất cả các công ty Mỹ. Ai cũng biết chính quyền cộng sản ở nước nào cũng rút ruột các công trình đầu tư. Trung Cộng không bao giờ đặt vấn đề đó, trong khi các công ty Mỹ bị trói buộc bởi các đạo luật cấm hối lộ chính quyền các nước khác. Trung Cộng đang thi hành một dự án xây dựng một tuyến đường sắt, một bến cảng và một nhà máy luyện thép trị giá 11 tỷ đô la; khiến ai cũng nghĩ tới dự án xây dựng đập Myitsone tại Miến Ðiện, trị giá 3 tỷ 6, đã bị chính quyền Miến cắt ngang trước khi khởi đầu chương trình dân chủ hóa.

Người dân Camphuchia cũng nhìn thấy rõ chính quyền Hun Sen đang “bán nước.” Thế giới cũng nhìn thấy Trung Cộng đã “bỏ Campuchia vào túi!” Tháng Bảy năm ngoái, trong hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, chính phủ Campuchia đóng vai chủ nhà đã ngăn cản khiến không đưa ra được một thông cáo chung, vì biết bản dự thảo nêu lên các hành động xâm lấn của Trung Cộng tại Biển Ðông. Có lúc ông tổng thư ký ASEAN đang bắt đầu nói đến vấn đề này, ngoại trưởng Campuchia đã ngăn lại, cắt ngang lời. Ðến Tháng Chín, Bắc Kinh loan báo cho Phnom Penh vay 500 triệu đô la với lãi suất nhẹ! Không biết các quan chức sẽ bỏ túi bao nhiêu trong số tiền này, nhưng dân cả nước sẽ mắc nợ! Lại còn nạn “bán rừng” cho các công ty Trung Quốc và Việt Nam nữa!

Dân Campuchia ghét Cộng sản Việt Nam nhất vì nạn tham nhũng ở xứ này đã được các cán bộ người Việt truyền nghề cho đàn em bản xứ. Mà bây giờ thì đám đàn em còn tham nhũng vượt chỉ tiêu! Người ta đồn “trong đám cưới con ông Hunsen đám thuộc hạ dâng tặng nhiều xe hơi đắt tiền đến mức số chìa khóa xe không thôi đã đầy mấy rổ!” Ðồng bào Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia sẽ phải gánh chịu hậu quả!

Dân Việt Nam chỉ mong người Khmer không khơi dậy mối thù hận lâu đời với người Việt. Họ sẽ phải thấy các chính sách lấn áp của đảng Cộng sản Việt Nam không được dân Việt ủng hộ. Hơn nữa, người Việt Nam sẽ tranh đấu để được sống trong một xã hội tự do dân chủ, ít nhất cũng bằng dân Campuchia. Dù nền dân chủ ở nước láng giềng còn trong cảnh sơ sinh nhưng đã đầy hứa hẹn. Chính quyền Hun Sen sẽ phải giảm bớt tham nhũng và bớt lệ thuộc Trung Cộng khi bị phe đối lập trong quốc hội theo dõi và phê phán. Khi nào cả hai dân tộc cùng sống trong các chế độ dân chủ tự do thì mọi bất đồng sẽ được giải quyết trên căn bản bình đẳng.

Ngô Nhân Dụng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

TIẾNG SÚNG ĐẶNG NGỌC VIẾT-SỰ PHÁ SẢN CỦA NỀN TƯ PHÁP XHCN



Ảnh Internet: UBND tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ nổ súng

Vụ ông Đặng Ngọc Viết đến trụ sở UBND tỉnh Thái Bình nổ súng vào 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất làm một người chết và bốn người khác bị thương rồi tự sát đang gây ra một cơn địa chấn trong dư luận xã hội Việt nam.

Ở đây, xin lạm bàn trên góc độ Tư pháp.
Vậy, sự kiện Đặng Ngọc Viết liên quan gì đến vai trò của ngành Tư Pháp Việt Nam?
Theo định nghĩa luật học, Tư pháp là một hệ thống tòa án được nhà nước sử dụng vào việc thực thi công lý, giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong xã hội.
Trong tiếng Anh, Tư pháp là quyền xét xử (Judiciary power). Khái niệm Tư pháp ở đây để chỉ các cơ quan tham gia vào hoạt động xét xử của nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật hiện hành.

Nếu đúng như chức năng vốn có, Tư pháp là cơ quan thực thi công lý đem lại sự công bằng cho xã hội, răn đe, trừng phạt những kẻ mưu đồ hoặc có hành vi gây hại cho quyền lợi chính đáng của mọi người, trong đó nhân dân là chủ thể được hưởng sự bảo vệ của ngành Tư pháp. Đó là lý thuyết.
Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách xa vời, nhất là những gì đã thấy trong xã hội Việt nam.

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận được rằng từ người nông dân ít học đến người trí thức, chẳng ai là không biết đến cụm từ “Án bỏ túi”. Một cụm từ quá quen thuộc để chỉ các vụ án mà kết quả của nó đã được đặt trước trong túi các quan tòa bất chấp việc tranh tụng tại tòa án diễn ra như thế nào. Mọi việc đã được chỉ đạo từ một nơi nào đó đầy quyền lực theo một logic của riêng họ và chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân họ.
Đấy không phải là luận điệu của “các thế lực thù địch” nào cả mà ngay đến một Luật sư nổi tiếng, bà Ngô Bá Thành nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt nam đã từng phải phát biểu: “Việt nam có cả một rừng luật nhưng chỉ dùng luật rừng”.

Theo kết quả điều tra nhà nước, hiện nay cả nước có hàng nghìn vụ khiếu kiện tranh chấp nghiêm trọng mà trong đó hơn 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Vụ ông Đặng Ngọc Viết đến UBND tỉnh Thái Bình nổ súng vào công chức nhà nước là một nhân bản của vụ án Đoàn Văn Vươn.
Như chúng ta đã biết, anh em ông Đoàn Văn Vươn là những nông dân ở Tiên lãng-Hải phòng sau nhiều lần khiếu kiện đất đai bất thành đã không còn trông đợi gì ở công lý nữa mà đã buộc phải nổ súng làm bị thương sáu công an, bộ đội trong đoàn cưỡng chế.
Đó là gì nếu không phải là một thất bại của ngành Tư pháp?
Chưa hết, mọi bằng chứng xác thực cho thấy rõ rằng việc anhh em ông Đoàn Văn Vươn chỉ sử dụng loại súng hoa cải chĩa ra ngoài cửa sổ bắn một cách hú họa trong khi lực lượng cưỡng chế sử dụng súng AK vãi đạn về phía họ và nếu không có tường gạch che chắn, đoàn cưỡng chế đã có khả năng giết chết người ngay lập tức. Ấy vậy mà Tòa án Hải phòng bất chấp sự thật hiển nhiên, vẫn kết án anh em ông Đoàn Văn Vươn với tội danh “giết người” dù họ không gây ra bất cứ một cái chết nào.
Ở nơi đây, ngành Tư pháp không phải dùng Tòa án để thực thi công lý mà chỉ để trưng ra một thông điệp có tính đe dọa rằng: Hãy liệu hồn, không ai được phép chống lại chúng tao.
Với thông điệp ấy, nhà cầm quyền thông qua cơ quan Tư pháp muốn làm cho người dân phải biết run sợ. Nhưng họ không hiểu một chân lý đơn giản: Dọa dẫm là một việc nhưng người ta có sợ hay không lại là một việc khác.
Nếu luật pháp công bằng, trật tự sẽ được duy trì. Nếu luật pháp bất minh, đó là mầm mống nảy sinh sự bất tuân. Khơi thông bế tắc trong quản lý đất đai mới là việc ngăn chặn dòng nước bất bình. Sử dụng ngành Tư pháp theo kiểu đắp đập chắn dòng thác lũ công lý ắt sẽ có ngày tức nước vỡ bờ.
Nhà nước như đứa trẻ đang say mê game quyền lực, quá lạm dụng quyền lực nhưng thiếu trưởng thành về luân lý. Họ tỏ ra quá vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân trong các vụ mất nhà mất đất. Chính vì vậy tiếng súng Đoàn Văn Vươn có làm cho họ lúng túng nhưng chưa đủ để giúp họ tỉnh ngủ. Và  đúng như nhiều người dự đoán trước: Nếu nhà nước không tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề đất đai hiện nay thì sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn khác. Và đây, ở một nơi khác: Thái Bình, súng đã nổ. Lần này người dân không phải là nổ súng húa họa nhằm cảnh tỉnh chính quyền nữa mà là nổ súng thẳng vào đầu, bắn nhiều lần có mục đích tiêu diệt đối tượng trực tiếp làm cho họ điêu đứng trong cuộc sống và phẫn uất về tinh thần.
Đây không phải là một hiện tượng cá lẻ nữa mà là một dấu chỉ cho những biến động xã hội lớn ngoài tầm kiểm soát và khó lường.

Trở lại với vụ Thái Bình. Bằng kinh nghiệm cuộc sống hẳn ông Đặng Ngọc Viết nhận thức rõ rằng: Hàng ngày, dân oan đang lê lết đi khiếu kiện khắp nơi đều bị nhà nước nhẫn tâm bỏ rơi, bất chấp nỗi thống khổ của họ cho nên, trông chờ vào công lý từ phía nhà nước là điều không còn hi vọng nữa.
Một công dân trên bốn chục tuổi có ý thức rõ ràng về việc mình sắp làm, chuẩn bị sẵn di ảnh cho bản thân, một người có nhân thân được cho là hiền lành đã sổ toẹt vào luật pháp hiện hành khi tự cho mình quyền làm quan tòa đồng thời trực tiếp thi hành án rồi tự sát là gì nếu không phải là một sự phá sản của nền Tư pháp XHCN?


MXD