Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

CHẲNG LẼ NHÀ NƯỚC CŨNG CỞI TRUỒNG ?


29/5/2012

Đối chiếu các kết quả khảo sát thấy con số trên 80% số vụ việc khiếu kiện, tranh chấp trong cả nước hiện nay đều liên quan trực tiếp, gián tiếp đến đất đai là khá hiện thực.
Các vụ khiếu kiện đất đai hiện nay kéo dài và có chiều hướng tăng về số lượng bùng phát về tính chất. 
Dân oan mất đất hình như vẫn hy vọng Trung ương sẽ can thiệp “cứu” họ nên dòng người kéo về thành phố nơi có trụ sở của các cơ quan quản lý Nhà nước còn kéo dài. 
Những năm trước dân oan khiếu kiện chỉ vài chục nay đã đến hàng nghìn người.

Ảnh Internet

Họ từ khắp mọi miền đất nước đổ về Hà nội. Điều đó dễ hiểu, Hà nội là nơi tập trung các cơ quan quyền lực: Bộ chính trị TW đảng cộng sản, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra các cấp.
Đơn kếu cứu của bà con dầy hàng tập, cặp hết chỗ chứa họ đóng vào bao như bao thóc. Bà con ở khắp nơi, gần thì Dương nội Văn giang, xa thì Đăc nông-Tây nguyên đều có vấn đề oan khuất quanh chuyện đất đai, nhà cửa bị cưỡng chiếm. 
Việc giải quyết khiếu nại tố cáo trên thực tế tỏ ra bế tắc. Nhà cầm quyền có vẻ thiên về cách sử dụng “thanh kiếm” để giải quyết mâu thuẫn giữa dân và chính quyền.
Nhiều đoàn dân oan đã được công an, an ninh và các công cụ vận hành bằng cơm rượu, tiền thuê, dồn lên xe buýt chở đi thật xa ra ngoại thành để cách ly với Văn phòng Tiếp dân của các cơ quan TW.
Ở một góc độ nào đó, việc cưỡng bức giải tán những cuộc tụ tập ôn hòa này là biểu hiện quyền lực của một Nhà nước pháp quyền đứng trên Luật pháp. Hiến định 1992, ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp”(điều 50); “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (điều 69). Nhưng nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định số người tập trung nơi công cộng không quá con số 5. Điều đó khống chế vô hiệu hóa  điều 69 Hiến pháp. 
Hiện tại, trong nền kinh tế thị trường, đất đai trở thành loại hàng hoá đặc biệt mà kẻ mua được chế độ bảo kê giành quyền tự đặt giá và sẵn sàng đàn áp người (bị ép) bán với giá rẻ mạt không khác gì như bị ăn cướp. 
Cơ quan truyền thông lề đảng được giao nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội thiên về cách giải thích mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền “là những bất cập về chính sách đất đai”. 
Nếu phân tích bối cảnh xã hội hiện nay, không thể chối cãi rằng các nhóm lợi ích đã và đang ngày càng có chiều hướng lấn át, chỉ đạo các cơ quan công quyền thực hiện nhiệm vụ làm thuê, biến công an thành công cụ đàn áp sự phản kháng của nhân dân.
Luật đất đai liên tục bị điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho các tập đoàn kinh tế sân sau. Các dự án vốn FDI mà bên phía Việt nam góp vốn bằng đất trên thực tế là của các nhóm lợi ích. Như thế mâu thuẫn về Quyền lợi mới là cái lõi nằm trong cái mâu thuẫn về chính sách.
Đất đai có giới hạn trong khi dân số có ngày càng gia tăng. Chúng ta không máy móc bằng mọi cách giữ đất lúa mà không phát triển đô thị, giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội nhưng phải sử dụng một cách tiết kiệm, căn cơ và hiệu quả với quĩ đất hiện có, nhất là giữ được diện tích đất chuyên lúa 2 vụ. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển của đất nước và an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai.
Trong khi một số nước chỉ cần chuyển tới 0,3ha đất nông nghiệp cũng cần phải trình, thậm chí phải khai hoang để bù lại phần đất đã lấy thì ở Việt Nam, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá dễ dàng và chứa đầy các yếu tố “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”. Những biểu hiện như thế ngày càng tỏ ra lộ liễu.
Điều đáng lên án là những quan chức cấp cao phê duyệt, hoạch định chính sách hiện nay đã không đếm xỉa gì đến tình trạng cuộc sống người dân sau cưỡng chế. Nhiều hộ dân đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án nghề phụ thay thế để duy trì an toàn cuộc sống.
Nếu không phải nông dân, cần phải đọc “Lão Hạc” của nhà văn Nam cao thì mới hiểu thấu đáo tình cảm thiêng liêng máu thịt của nông dân với đất. Người nông dân có thể chấp nhận chết, thậm chí chết một cách tiêu cực là tự tử để giữ đất.
Gần đây ở quận Cái Răng, TP Cần đã xảy ra vụ hai mẹ con lột hết quần áo để ngăn cản đơn vị thi công, đầu tư xây dựng khu dân cư Hưng Phú. Bà Lài, nạn nhân bị mất đất phải dành dụm tiền mồ hôi nước mắt mua đất cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà mấy chục năm nay. Gia đình bà không đồng ý với giá đền bù 500.000 đồng/m2 mà muốn được thỏa thuận đền bù xứng đáng nhưng không được đáp ứng.
Nửa năm trước vì quá uất ức nên chồng bà đã uống thuốc sâu tự tử để phản đối và bây giờ hai mẹ con bà phải lột hết quần áo để phản đối, ngăn cản lực lượng cưỡng chế trong tuyệt vọng.

Ảnh Internet

Đó là những phản ứng cá nhân nhen lên sự công phẫn trong dư luận. Nhưng nhà cầm quyền đang phải đối mặt với một sự thật đang lớn lên, phát triển ở tầm mức nghiêm trọng hơn nhiều đó là phong trào đối kháng đang có nguy cơ trở thành khối nổ dây chuyền đang phát triển thành một hình thái nguy hiểm cho cả người dân và nhà cầm quyền. Đó là đối kháng vũ trang, có đổ máu như thực tế cho thấy ở Tiên lãng, Văn giang.
Mặt khác, sự kiện nhà cầm quyền huy động một lực lượng lớn chưa từng thấy lên đến hàng nghìn công an để trấn áp nông dân, cùng với tính chất khốc liệt, man rợ trong hành động đã như một vết nhơ không thể tẩy rửa cho bộ mặt một chính thể.
Mặt khác sự dốt nát, trơ trẽn, dối trá của cả một bộ máy công quyền Hưng yên bị bóc trần càng làm cho công luận thêm công phẫn và khinh bỉ.
Khi niềm tin trong dân sụp đổ, nhà cầm quyền sẽ hoàn toàn mất tính chính danh.
Những người phụ nữ nông thôn đã phải cởi truồng coi như một phương thức tự vệ, phản kháng hành động cưỡng chế cướp nhà cướp đất thì nhà cầm quyền chẳng lẽ cũng “cởi truồng” luôn không cần dùng đến bộ trang phục “nhà nước của dân, do dân và vì dân” ?
Một Nhà nước muốn vững mạnh phải coi trọng dân bằng hành động thực sự, coi trọng lợi ích của nhân dân một cách thỏa đáng để phương châm “điều hòa các lợi ích Nhà nước, Nhân dân, Doanh nghiệp” trở thành hiện thực chứ không phải nói suông.

Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

VỤ CƯỠNG CHẾ Ở VĂN GIANG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN ĐÃ VI PHẠM PHÁP LUẬT


28/5/2012


Theo trang mạng điện tử Chinhphu.vn thì Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc ngày 24/4/2012 ở Văn Giang (Hưng Yên)
(Chinhphu.vn)
2:06 PM, 28/05/2012
Thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành liên quan về vụ việc này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra; nếu đủ căn cứ phải khởi tố vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, Hưng Yên.
(Hết trích)
Không những người dân không yên tâm về thông báo này mà còn tỏ ra nghi ngại hơn về tính mập mờ của cụm từ: “những hành vi gây rối trật tự công cộng”.
Cụm từ đó nhắm đến đối tượng nào? Là những người dân ở Văn Giang hay là những nhân viên công lực (Công an, cảnh sát, nhân viên đội cưỡng chế) ?
Định nghĩa về Trật tự công cộng:
“Trật tự công cộng là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, quy phạm nhất định ở những nơi công cộng mà mọi người phải tuân theo. TTCC là một mặt của trật tự, an toàn xã hội và có nội dung bao gồm những quy định chung về trật tự, vệ sinh, văn hóa; sự tuân thủ những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán, sinh hoạt được mọi người thừa nhận; tình trạng yên ổn, có trật tự, tôn trọng lẫn nhau trong lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi”. ( Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam )
Điều 245 Bộ Luật Hình Sự quy định về “Tội gây rối trật tự công cộng” như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, tội danh này có ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ như sau:
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm:
Tội gây rối trật tự công cộng (sau đây viết tắt là GRTTCC) xâm hại trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của mọi người ở nơi công cộng, có trường hợp GRTTCC còn gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của những người trong cơ quan Nhà nước và xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng.
Mặt khách quan của tội phạm:
ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Hành vi GRTTCC được mô tả trong điều luật là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là tội khác), gây lộn xộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, v.v… Những hành vi sỉ nhục, đánh gây thương tích nhẹ, và các hành vi tương tự khác thực hiện trong gia đình, trong nhà ở, đối với bà con, họ hàng, v.v… chỉ có thể coi là GRTTCC trong những trườn hợp hành vi đó đã ảnh hưởng đến trật tự chung.
a) GRTTCC có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách thường biểu hiện ở việc dùng súng, dao găm, lưỡi lê… hoặc phá phách như: xô đẩy cửa, bàn ghế, các vật dụng khác ở các cửa hàng , cửa hiệu, trong công viên, rạp hát, v.v… Nếu hành vi này gây thiệt hại đến tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản (Điều 143 BLHS).
Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội theo Điều 245 BLHS, không đòi hỏi hành vi đó phải gây ra hậu quả như:thiệt hại cho sức khỏe người khác hoặc làm hư hỏng tài sản.
b) Có tổ chức:
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, trong đó thể hiện rõ vai trò của người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. (Điều 20 BLHS)…
Chiếu theo Điều 245 Bộ Luật Hình Sự quy định về “Tội gây rối trật tự công cộng” thì thấy rằng lực lượng cưỡng chế (bao gồm cán bộ, công an cảnh sát, các nhân viên công lực và những thànhviên trong lực lượng cưỡng chế đã phạm vào những điều:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách
b) Có tổ chức (của  điểm 2 Điều 245 Bộ Luật Hình Sự quy định về “Tội gây rối trật tự công cộng” ) 
Trong cuộc cưỡng chế ở Văn giang lực lượng cưỡng chế đã có đầy đủ các hành vi: sử dụng vũ khí, đánh người vô tội, như vậy đương nhiên phạm vào Điều 8 và 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Mai Xuân Dũng.

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

RƯỢU SÂM CẦM


Mai xuân dũng 25/5/2012                                                 


Entry này post hồi tháng 8 năm kia gì đó. Được ngày nghỉ vớt lên coi như rượu hạ thổ cho mình và nhỡ đâu có bạn đọc chiếu cố ghé thăm thì cùng nhâm nhi chơi.


Khi miên man thăm thú bạn bè trên blog chợt nhớ mùa sâm cầm hồ Tây. Mình tâm sự với bạn rằng bạn ơi, nhớ quá hồ Tây của thời ấu thơ. Con đường đi học có lúc men hồ ì oạp sóng vỗ bờ cỏ. Sớm tinh mơ nghe đám sâm cầm vỗ cánh ào ào một góc hồ bao la phủ đầy sen tu khô xác. Mình lại thở than: sâm cầm ơi, sao nỡ bỏ Hà nội để hồ Tây bây giờ xa vắng bóng chim.


Thủa nhỏ mình thích ngồi một mình bên dệ cỏ ngắm hồ Tây lúc sớm tinh mơ sương còn lãng đãng hoặc hoàng hôn phủ xuống mặt hồ. Hồi đó Hà nội vào cuối thu, tiết heo may làm không khí se lạnh. Hồ sen tàn lá, rục xuống nhũn mềm trong nước thành mùn trở thành thức ăn cho ốc bươu, ốc vặn và lũ trắm cỏ. Phơ phất đung đưa trên mặt nước là vô số cọng sen tu khô đen nhưng trong bầu đài vẫn còn nhiều hạt mẩy. Đó là món ăn cho lũ sâm cầm di thực hồ Tây. 


Danh tài xứ Huế, nhạc sỹ họ Trịnh quả đã nhập hồn đất đế đô với ca khúc Nhớ mùa thu Hà nội:


….Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.


Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…


Người Hà nội ai mà chả biết câu Cá rô đần Sét, sâm cầm hồ Tây. Sâm cầm đã ăn ngủ nhiều đời trong ca dao như thể loài chim này vốn “hộ khẩu” hồ Tây! Sâm cầm gốc gác xứ Hàn đi tránh rét bay về phương nam lấy vùng hồ Lãng Bạc làm quê hương thứ hai. Vậy nên giống cầm điểu này mới trở nên thân quen đến thế.


Nhiều người lầm tưởng Sâm cầm là họ vịt trời vì chân của chúng có màng như vịt, lại hay lặn ngụp nơi sông hồ. Thật ra chúng thuộc loài gà. 


Có thể Cố nhạc sỹ họ Trịnh không để ý đấy thôi, chẳng ai thấy sâm cầm vỗ cánh bay vào buổi chiều vì giống này mải mê kiếm ăn rất muộn, đêm mới bay về nơi ngủ đêm trên các rặng ổi, rặng trúc bạt ngàn của Nghi tàm và một dải dài những cây bàng Yên Thái. Sáng sớm mới nghe được chúng bay ào ào từ các cành cây xum xuê xuống hồ kiếm ăn.


Cảnh vật hồ Tây dễ làm nao lòng người và dẫn dắt đến những suy tưởng mộng mơ. Chẳng biết văn thơ là gì nhưng mình đã ghép vần cho bài: Hà nội thời mắt biếc, trích lại mấy câu:


….Đêm Yên Thái nghe trời trở rét


Trở mình nghe võng mẹ đưa kẽo kẹt


À ơi…


Thụy Chương, Nghi Tàm, Thạch Khối, Hàng Vôi


Heo may lạnh vẳng khuya chầy giã dó


Mái nâu, ngói cổ


Tiếng rao đêm mấy thuở vọng về


Đi qua cơn mê


Lang thang một mình trong phố


Nghiêng nghiêng nhà đổ


Cơn say


Dốc Tam đa, chợ Bưởi, hồ Tây 


Chồn chân, lặng ngâm hồn trong gió


Khuya tĩnh lặng bao la một mình. Cô đơn quá


Tiếng cuốc kêu thắt lặng ven hồ.


Nhớ nửa hồn phố cổ


Hàng Thiếc Hàng Đồng


Hàng Vải Cửa Đông


Dấu chân trần mẹ dắt con đi học


Cầm trên tay nắm xôi ngô gói lá sen thô mộc


Khắc buốt vào tim.


Và những đêm


Rét ngọt, xếp xô thùng hứng nước cùng em


Ngoài phố vắng


Chỉ có cột đèn đường âm thầm đứng lặng


Đếm bước chân qua.


Lớn rồi em, hết tuổi ngắt cỏ, chọi gà


Ven sông Hồng bẻ trộm ngô, câu cá


Qua cầu Long Biên, vệ đê chơi trận giả


Thả diều vi vu, ngây ngất đến bây giờ.


Mắt tím buồn, nhành vi ô lét em đưa


Ngày giáp tết, bên đường vào Trấn Quốc


Thoảng hương trầm , hương mộc lan thân thuộc


Gói tiếng chuông vào lòng, xếp bút ra đi 


Ngày trở về mới biết phút chia ly


Nhành hoa tím là nhành hoa vĩnh biệt


Vi ô lét


Một thời mắt biếc


Rụng rơi trong chiến tranh…


Mình có thằng bạn tên Thành, nhà ở Nghi Tàm. Một lần đến chơi, hắn bầy mâm rượu ngoài vườn ổi có khoảnh sân rải đá trông ra mặt hồ. Trước, hắn chuyên nghề khoanh đào, quất bên Tứ Liên nay xoay ra kinh doanh Bonsai, cây cảnh. Có tiền, hắn thích rủ anh em uống rượu với cá trắm hồ om ngó sen lá lốt. “Thưởng rượu” là chữ hắn ưa dùng. “Uống rượu” nghe nó tầm thường, chỉ có kẻ sỹ mới biết “thưởng” rượu mà thôi. Mình bảo nó là cao đạo rởm. Uống rượu trận nào, say trận ấy đến độ “thả cá” về hồ thì phí cái chữ “thưởng” đi. 


Thằng này cá tính, rượu không chứa vào chai, uống không dùng chén. Cô bạn đi cùng mình rất ngán khi thấy “Khí cụ” trên chiếu rượu là 2 be sành rượu ngâm và 3 chiếc bát riêu gốm men nâu Bát Tràng. Uống rượu bằng bát là thói quen của dân cư ven Tây hồ xưa. Nghe nói vẫn có nhiều gia đình quanh chùa Báo Ân ở Quảng Bá vẫn giữ thói quen này. 


Nhân nói về chùa Báo Ân cũng phải nói thêm kẻo nhiều người dễ nhầm. Chùa Báo Ân là chùa rất cổ. Tương truyền cao tăng Ngô Ân lúc đầu lập ra am thờ sau mở rộng thành chùa, nằm ở phía tây bắc hồ Dâm Đàm nay là đất Quảng Bá từ những năm 1030. Mãi đến khoảng năm 1835, vua Minh Mạng sắc chỉ đổi tên là chùa Hoằng Ân. Dân cư ở đây có lẽ vì những chuyện đất đổi sao dời như trên nên chẳng gọi chùa là Báo Ân tự, cũng chẳng gọi là Hoằng Ân tự mà gọi luôn là chùa Quảng Bá để khỏi lẫn với chùa Báo Ân ở ven hồ Gươm (nay không còn) hay chùa Báo Ân ở bên Dương Quang Gia Lâm.


Lại nói về thói uống rượu bằng bát, ở Hà nội có lẽ chỉ có dân vùng này. Trong “Tây hồ bát cảnh”, thi nhân Lê Vĩnh Hựu cũng nhắc đến “bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng cổ, Phật say làng Thụy chương sâm cầm rợp bóng”…


Dân 12 làng sành rượu. Ăn cá om Tây hồ phải uống với rượu kẻ Mơ. Rượu kẻ Mơ cất bằng nếp tốt, vị dịu, thơm có tiếng: “Rượu kẻ Mơ, cờ Mộ trạch” mà. Dân làng Thụy chương, Nghi Tàm, Yên Thái rót rượu ra bát cho mùi rượu chan hòa cùng gió, không gian ngát sen và nồng thơm hương nếp. 


Trong hai cái be kia, một be là rượu nếp cái hoa vàng, một be là rượu ngâm sâm cầm. Ngày trước giống nếp cái Hà nội nổi tiếng khắp nơi. Giống này ở đất Thái bình, xứ Thanh hay kể cả Hải Dương cũng không bì được. Nhưng nay người đông, đất chật Hà nội gần như mất giống nếp hạt tròn ngon tuyệt này. Duy có Kinh Môn Hải Dương còn lưu được giống quý. Rượu cất bằng nếp cái hoa vàng cho mùi hương nồng nàn, êm dịu và ngọt hậu vô cùng. Càng uống càng thấy ngon và sảng khoái. Rồi đến độ nào đó sẽ thấy cảm giác phiêu bồng và say lúc nào không hay. Nhà Thành có gần chục chum nếp cái cỡ 50 lít xếp trong hầm nửa chìm nửa nổi đổ đầy trấu được tưới ướt hàng ngày. Rượu đãi bạn quý là loại rượu hạ thổ vài năm. Tôi từng có chục năm làm chủ nhà hàng, rượu tây vài chục loại đã từng dùng thường ngày nhưng thật sự thấy không thú bằng uống loại nếp cái hoa vàng 3 năm hạ thổ, ngồi ven hồ Tây mùa sen đang kì mở nhụy.


Còn một be nữa nhấc lên thấy nặng tay hơn là be ngâm sâm cầm. Đã từ lâu, sâm cầm khiếp sợ Hà nội không lấy hồ Tây làm chỗ trú. Hình bóng sâm cầm chỉ còn là hoài niệm. Nạn xây cất nhà cửa bừa bãi và kinh doanh nhà hàng khách sạn làm sâm cầm tránh hẳn đất đế đô. Giờ các loài chim di trú chỉ bay đến sinh sống ở vùng ngã ba sông Phú Thọ. Những người thích sưu tầm rượu ngâm thường lên trung du tìm mua sâm cầm cắt lấy chân đem sấy khô, ngâm rượu chứ không có chuyện rượu ngâm sâm cầm là giống sâm cầm của hồ Tây đâu. Giống chim quý này khi xưa là sản vật cung tiến vua. Chắc nó quý, bổ như thế và có gốc gác ở xứ nhân sâm Hàn Quốc nên có tên là sâm cầm chăng?


Mai Xuân Dũng

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Đầu bếp người Nhật của Kim Jong Il tiết lộ chuyện riêng nhà họ Kim


22/5/2012


Đầu bếp người Nhật của Kim Jong Il tiết lộ chuyện riêng nhà họ Kim



Từng là đầu bếp được Kim Jong Il ưa thích nhất, ông Kenji Fujimoto, người Nhật Bản, là một trong số những người hiếm hoi biết được những chuyện riêng tư trong gia tộc họ Kim. Ông đã thổ lộ với tờ Mainichi Shimbun, được Le Courrier International số ra tuần này lược dịch sang tiếng Pháp.


Thật ra cái tên Kenji Fujimoto cũng chỉ là bút danh, còn khi được Kim Jong Il phát hiện và yêu cầu trở thành đầu bếp riêng của nhà độc tài, ông được đặt cho một cái tên Triều Tiên là « Pak Chol ». Sau mười ba năm phục vụ cho gia đình họ Kim, ông bị nghi ngờ là gián điệp và bị quản thúc tại gia. Năm 2001, ông bỏ trốn, để lại vợ và hai con ở Bình Nhưỡng. Từ khi trở về được Nhật Bản, Kenji Fujimoto đã xuất bản bốn cuốn sách, tất cả đều nói về « triều đại » đang trị vì Bắc Triều Tiên.



Ông Kenji Fujimoto, đầu bếp cũ người Nhật của Kim Jong Il.
Kenji Fujimoto được tiếng là chưa bao giờ rời bỏ cặp kính mát trên mặt. Nhưng khi biết tin nhân vật số một Bắc Triều Tiên là Kim Jong Il qua đời vào tháng 12 vừa qua, ông Fujimoto đã không thể ngăn được cơn xúc động.


Người đầu bếp bậc thầy về món sushi đã đến Bắc Triều Tiên năm 1982, và trong suốt mười ba năm, ông là « đầu bếp của tướng quân » - một vị trí giúp ông có thể biết được những chuyện riêng tư của gia đình họ Kim. Năm 2001, chấp nhận rủi ro đến tính mạng, ông đã thành công trong việc trở về được Nhật Bản, và từ đó ông có thể kể lại những chuyện ít ai biết về Kim Jong Il. Kenji Fujimoto cho biết : « Điều mà người ta sợ nhất là tai biến mạch máu não, vì đă từng xảy ra một lần vào tháng 8/2008. Khi tôi còn ở bên cạnh Kim Jong Il, ông ấy phải dùng đến sáu loại thuốc khác nhau ».


Trong cuốn sách mang tựa đề « Kita no Kokeisha, Kim Jong Un » (Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên) xuất bản vào năm 2010, người đầu bếp cũ đã nêu ra vấn đề sức khỏe của lãnh tụ Kim Jong Il : « Từ hơn mười năm, tướng quân phải chịu đựng nhiều loại bệnh tật, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu sức khỏe của ông đột ngột sa sút. Trước đó thì ông khỏe mạnh, nhưng trong những tấm ảnh gần đây ông đã gầy đi cho đến nỗi tôi không dám nhìn vào nữa. Sự năng động trước đây của ông đã biến mất ».



Kim Jong Il rất sành ăn. Ảnh chụp ngày 15/06/2010.
Kim Jong Il vốn nổi tiếng là thích ăn ngon. Theo ông Fujimoto, ông Kim đã cho nhập về đủ thứ của ngon vật lạ từ khắp nơi trên thế giới. Ưa thích những món nhiều chất béo, Kim Jong Il rất mê món sushi do người đầu bếp Nhật thực hiện. Ông Fujimoto còn nhớ rất rõ cái cách mà lãnh tụ họ Kim ngồi tại quầy ra lệnh cho ông : « Toro, one more ! » (Cho thêm một phần sushi cá ngừ ! »). Tuy thích thú vì được Kim Jong Il khen ngợi « Món sushi của Fujimoto là ngon nhất nước Nhật, và như vậy cũng ngon nhất thế giới », nhưng Fujimoto không thể không tự đặt ra câu hỏi về hố sâu ngăn cách giữa mức sống của người dân Bắc Triều Tiên với « triều đại họ Kim ».


Người đầu bếp cũ cũng thường xuyên tiếp xúc với Kim Jong Un, nay là « chỉ huy tối cao » của quân đội, và là người thừa kế chính thức của Kim Jong Il. Ông nhớ lại : « Cậu ấy rất giống cha, từ ngoại hình cho đến tính cách. Chính tướng quân cũng thường nhận xét như thế với vẻ hài lòng ». Kim trẻ cũng rất thích món sushi. « Một hôm, cậu ấy hỏi tôi một cách thiếu kiên nhẫn : Chừng nào ông mới dọn cho chúng tôi ? Tôi trả lời : Bất cứ lúc nào quý vị muốn. Tôi có thể chuẩn bị món này cho cậu ngay ngày mai, nếu cậu muốn. Kim Jong Un đáp ngay, hai tay xua xua như một đứa trẻ : Không, cái này thì phải do cha tôi quyết định cơ ! ».



Sushi, món ăn ưa thích của cha con Kim Jong Il.
Một chuyện khó quên nữa diễn ra vào tháng 8/2010, khi chàng thanh niên Kim Jong Un đang du học ở Thụy Sĩ, trở về Bắc Triều Tiên nghỉ hè. Fujimoto đang ở trên đoàn tàu đặc biệt đưa gia đình ông Kim từ Wonsan - thành phố nằm gần biển Nhật Bản, nơi Kim Jong Il có một dinh thự - về thủ đô Bình Nhưỡng. « Ngay trước lúc tàu khởi hành vào 11 giờ tối, Kim Jong Un đột ngột xuất hiện trong ca-bin nơi tôi đang nằm nghỉ. Thấy cậu có vẻ buồn bã, tôi hỏi, cậu có muốn nói chuyện với tôi không ? Chúng tôi bèn đi đến toa phục vụ ăn uống, và bắt đầu cùng uống vói nhau… ».


Cuộc đối thoại trước hết liên quan đến chính sách đối ngoại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tế, rồi đến sự chậm trễ của nền công nghiệp nước này so với các quốc gia láng giềng châu Á. Hai người cũng đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như tình trạng thiếu điện trầm trọng, và sự thiếu thốn các loại hàng hóa thiết yếu tại Bắc Triều Tiên.


Ông Fujimoto bình phẩm : « Từ khi còn nhỏ, Kim Jong Un đã đi thăm rất nhiều nước châu Âu, vì vậy mà tầm mắt của cậu ấy đã được mở rộng. Khi chính mắt trông thấy sự thịnh vượng của các nước phát triển, cậu đã ý thức được những hạn chế của đất nước mình ». Sau đó chàng thanh niên Kim Jong Un đã nói về nước Nhật. « Cái cách mà đất nước ông đã vươn dậy sau khi bại trận trước Hoa Kỳ thật là tuyệt vời…Các cửa hàng tràn ngập hàng hóa ! Trong khi ở chỗ chúng tôi thì… »



Một đất nước đói nghèo, gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Cậu ta không còn là một đứa trẻ như ngày xưa nữa. Trong cuộc « trao đổi » kéo dài đến tận bốn giờ sáng hôm ấy, ông Fujimoto cảm thấy trong ánh mắt nhìn của Kim Jong Un sự băn khoăn và nỗi âu lo của một « tướng quân trẻ » được lựa chọn để điều hành đất nước.


Cách đây chừng hai năm, Kim Jong Il trước tình hình sức khỏe đáng  lo ngại, đã chính thức chỉ định người con út kế nghiệp cho mình. Ông ta muốn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình – Kim Il Sung – và ngày thành lập « một đất nước hùng cường và thịnh vượng » cùng một lúc, nhưng rồi ông đã qua đời mà không thực hiện được ý nguyện. Fujimoto nhớ về ông Kim Jong Il vào thời kỳ mà cha ông ta vừa mất, tháng 7/1994. Lúc đó Kim Jong Il 52 tuổi, và đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. « Kim Jong Il có vẻ đau khổ lắm. Ông ấy đóng cửa ở trong phòng suốt nhiều tiếng đồng hồ. Một hôm, vợ ông bắt gặp ông đang cầm một thứ vũ khí trong tay. Bà kêu lên, ôi trời, ông làm gì thế, và trách móc ông ấy ». Ông Fujimoto đã viết như trên trong cuốn sách đầu tiên mang tựa đề « Kim Jong Il no Ryorinin » (Người đầu bếp của Kim Jong Il).



Cái chết của Kim Jong Il được toàn thế giới chú ý, tất nhiên kể cả ở VN.
Tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của người kế tục Kim Jong Il đã gây nghi ngại về năng lực điều hành đất nước, và cộng đồng quốc tế đều hướng nhìn về Bắc Triều Tiên. Kịch bản đáng lo nhất là chế độ Bình Nhưỡng rốt cuộc sẽ vượt qua ranh giới, sử dụng đến sức mạnh quân sự với nước ngoài, hoặc là quân đội bị tan rã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Cũng có thể trong lúc này Kim Jong Un lúc này đang hiểu được nỗi lo lắng mà Kim Jong Il đã có, lúc cha ông ta mất.


Kenji Fujimoto nhận định : « Tướng quân Kim Jong Il đã để lại một gánh nặng vô cùng lớn cho người con trai. Có đủ mọi vấn đề cần phải giải quyết, như các vụ bắt cóc chẳng hạn (các điệp viên Bắc Triều Tiên trong thập niên 70 và 80 đã bắt cóc khoảng hai chục người ngoại quốc, chủ yếu là người Nhật, để buộc họ phải dạy ngoại ngữ cho các nhân viên tình báo của Bình Nhưỡng) ».



Hình ảnh Kim Jong Un trên truyền hình nhà nước BTT.
Nhưng theo Fujimoto, thì kịch bản tệ hại nhất sẽ không xảy ra. « Người giám hộ của Kim Jong Un là Jang Song Taek, chồng của bà Kim Kyong Hui - em gái Kim Jong Il - là nhân vật số hai của chế độ và là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Bản thân bà Kyong Hui cũng sẽ tham gia giám sát. Vì quá trẻ, Kim Jong Un còn phải chờ đợi năm, mười năm nữa trước khi có thể nắm quyền thực sự. Trong lúc này, sự hỗ trợ của Jang Song Taek là cần thiết. Và chính sách đối ngoại có lẽ sẽ được giao phó cho các chuyên gia ».


Điều quan ngại nhất của cộng đồng quốc tế là hồ sơ nguyên tử. Liệu Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình làm giàu uranium, theo đòi hỏi của Tokyo, Washington và Seoul hay không ? Theo như ông Fujimoto thì « Bắc Triều Tiên sẽ không nhượng bộ, dù với bất kỳ điều kiện nào. Nếu lùi bước thì chế độ sẽ sụp đổ, vì chính là nhờ sức mạnh răn đe của vũ khí nguyên tử mà triều đại này còn tại vị được ».



Ông Kenji Fujimoto và tác phẩm "Kita no Kokeisha, Kim Jong Un".
Trong cuốn « Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên », Kenji Fujimoto đã khuyên « người bạn » Kim Jong Un mà đôi khi ông vẫn xem như con trai mình, như sau : « Khi nào đến lúc được cầm quyền, cậu nên có chủ trương kiên quyết. Nếu Bắc Triều Tiên thay đổi những gì cần phải đổi thay, thì sẽ được các quốc gia khác nhìn nhận. Hãy hòa nhập vào cộng đồng quốc tế càng sớm càng tốt, để có thể hợp tác với các nước khác trên thế giới ».


Thời điểm lên ngôi đã đến sớm hơn dự kiến đối với vị tướng quân trẻ tuổi. Liệu anh có thể chứng tỏ được bản lĩnh ? Như « mùa xuân Ả Rập » đã chứng minh, các nhà độc tài thường có một kết cục bi thảm. Và đây không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

Nguồn: http://www.blogger.com/profile/02979555522178835277

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

VỞ TUỒNG HAI HỒI: CHÍ PHÈO THỜI THỔ TẢ

              VỞ TUỒNG HAI HỒI: CHÍ PHÈO THỜI THỔ TẢ
21/5/2012
(Trương Văn Dũng)

Đúng 9h15 sáng , khi chuẩn bị về quê thì có tin dữ: “Một số thương đến viện Hán Nôm đang đe dọa anh Diện”.
Đến nơi, đã thấy 1 số anh em biểu tình viên yêu nước đang đứng trước cổng viện. Chẳng kịp chào ai, tôi hỏi ngay tình hình mới biết mọi người còn đang làm việc trong cơ quan . Lên vội tầng 3 , thấy cụ Lê Hiền Đức, Giáo sư Ngô Đức Thọ và anh chị em đứng ở hành lang. Căn phòng cận kề là nơi diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo viện và các “thương binh nặng”. Chợt nghe anh Mạnh nói với anh Hữu Vinh rằng :" Anh có còn nhớ tay thương binh để râu xồm đang ngồi cạnh bàn không ? chính tay này là thương binh nhưng cũng là nạn nhân bị công an đánh tại Đồng Chiêm”.
Đến khoảng 11h , thấy mấy thương binh ra khỏi phòng, chúng tôi chủ động tiếp xúc với họ, giải thích rằng : Các anh đã có công chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi mong các anh không nên nghe kẻ xấu lợi dụng đi đập phá cơ quan Nhà nước thế này. Như vậy là vi phạm pháp luật rồi. Nếu ai đó có gì sai người ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các anh làm thế này thì bao công lao của các anh sẽ bị đổ xuống sông xuống biển hết. Các anh trả lời rằng : " Tôi đang ở nhà, có người rủ chúng tôi đi thì chúng tôi đi , thật ra tôi cũng không biết gì cả ". Tôi nói: Tốt hơn hết anh nên bảo mấy anh em bên trong nên giải tán, đừng để chúng ta hiểu nhầm lẫn nhau thêm nữa. Anh thương binh có bộ râu rậm và đôi chân giả rút điện thoại ra bảo mấy anh khác: “Đi về thôi, tôi về đây”.
Các anh thương binh về rồi mọi người vào phòng gặp lãnh đạo viện. Chúng tôi nói :" Tại cơ quan nhà nước, ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến , nhóm “thương binh nặng này” đến phá phách đe dọa đến tính mạng của công chức , gọi công an cũng không đến để ngăn chặn xử lý , thử hỏi nếu Trung ương đang họp, thương binh, côn đồ đến phá phách thì cũng chịu họ sao ? ". Riêng tôi nghĩ giả sử Bộ chính trị đang họp kín , bọn côn đồ đến cũng lấy lý do thương binh “quan tâm đến vận mệnh quốc gia” rồi hung lên đập chết vài vị yếu nhân , thử hỏi ai lãnh đạo đất nước nữa đây?”.
Chúng tôi ra về đến cổng ngoài mới thấy 3 công an phường.( Từ lúc báo cho đến khi công an đến là 2 tiếng đồng hồ , khoảng cách giữa Viện với công an phường khoảng hơn 300m. Thật hết chỗ nói. Nhưng nếu có hỏi tại sao các anh bây giờ mới đến thì dễ nhận được một câu trả lời kiểu mẫu rằng:" LỰC LƯỢNG MỎNG , ĐỊA BÀN QUÁ PHỨC TẠP " mà thôi.
Sau này hỏi một anh nhân viên ở Viện mới biết không những đập phá đe dọa, một “thương binh” đã tụt quần nằm giữa nền nhà ăn vạ , yêu cầu tiến sĩ Diện phải gỡ bỏ bài viết: Thư gửi Thủ tương Nhật xem xét lại việc giúp Việt nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân xuống thì mới chịu mặc quần. 
Hành động này hình như trong các tích tuồng cổ không có. Nay các “thương binh nặng” đến diễn vở mới có mảng miếng “Tụt quần vì điện hột nhân” thì đúng là một bước tiến rất mới “đặc sắc, hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc” quá đi rồi. Khá khen thay các nhà đạo diễn sân khấu tuồng Việt nam.
Sau này tôi có hỏi tiến sĩ Diện :" Sao người ta tụt quần không lấy máy ảnh ra chụp mấy kiểu ?". " Anh cười buồn: “Khổ quá , lúc đó ở trong phòng chỉ có em và ông viện trưởng , họ có 6 người vừa chửi vừa đe dọa đến tính mạng , em không còn tâm trí đâu mà chụp, mong giữ cái mạng mình thôi anh ơi”.
Thật là lộ liễu. Ai có tí trí khôn thông thường chẳng cần có IQ cỡ đường sắt cao tốc cũng biết ngay  nhất định phải có 1 thế lực khuynh quốc nào đấy mới chi phối được cái guồng máy công quyền ở giữa thủ đô Hà nội như thế này.
Vở diễn tưởng đã xong ai ngờ đâu hồi kết chưa tới, màn 2 tuồng hiện đại mới là đặc sắc.
 Ngay ngày hôm sau (19/5) , báo Quân Đội nhân dân và báo Cựu chiến binh đăng bài vu vạ anh chị em bạn anh Diện và cô Thư, cán bộ nhân viên của Viện. Hai báo (hại) này làm lơ hành động tụt quần, đập phá tài sản của Viện Hán Nôm của đám “thương binh nặng”.
Đám tuồng này chỉ có 2 giờ hoạt náo mà đã xóa sạch trơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế.
Dưới sự chỉ đạo của ai mà quân thì ăn vạ, tướng thì lu loa. Không biết sự kiện này có nên đưa vào phòng truyền thống của quân đội 70 năm chiến đấu và trưởng thành làm kỷ niệm hay không đây.
Có anh thanh niên đi qua biết sự việc, cười mỉa mai: " Có lẽ người ta muốn làm việc này coi như món quà kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác, báo công dâng Người đấy thôi”. Tôi có nói với anh: tôi thương cái bọn quan tham giật dây cái vụ này lắm,                                                  
                        BỞI VÌ CHÚNG ĂN QUÁ NHIỀU
                         ĂN NHIỀU SẼ PHẢI ĐI NHIỀU
                         ĐI NHIỀU ẮT PHẢI NGỬI NHIỀU.
MỘT VỞ TUỒNG HAI HỒI ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC NÀY MỚI NHỤC NHÃ LÀM SAO.