Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

TẢO MỘ

Entry 2/4/11

Tháng  giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè
(ca dao)
Cái câu “tháng ba hội hè” có lẽ chỉ đúng với người xứ Kinh bắc ngày xưa. Thời nay từ thành thị cho chí nông thôn, dân chúng “cày” mửa mật để kiếm miếng ăn. Dân thuần nông thì cày ruộng, dân thành thị cày đường nhựa (hoặc vỉa hè) mong kiếm miếng cháo giữa thời bão giá thổi mỗi ngày mỗi mạnh.
Nói vậy thì nói, công kia việc khác có tằn tiện mà bớt đi được đâu. Chẳng hạn như đi tảo mộ là một việc không thể đặng đừng.
Tháng này, từ trung tâm thủ Đô to nhất thế giới là Hà…lội, dòng người xe đổ ngược lên hướng bắc nhằm hướng Sơn tây thật đông. Quốc lộ 32 đoạn Cầu diễn, qua mấy trường đại học bị cày xới như  đường Trường sơn thời bomđạn. Con đường thi công mấy năm chưa xong, hết ổ trâu rồi đến ổ chó. Kinh hồn. Lại phải hôm trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi, xe bết bê bùn…
Cụ Nguyễn Tiên điền lấy bối cảnh Trung hoa tả cảnh tiết thanh minh trong sáng tuyệt trần mà nhiều người vẫn cứ tưởng là thời tiết…Việt nam để rồi ta thán về thời tiết tháng này. (Rõ khổ).
Đến đoạn hai bên đường dân trương biển “Đặc sản sữa dê Ba vì” thì đường đi đã ngon lành, xe chạy mát ga.  Nếu bầu trời không thâm xì và không có mấy chú cảnh sát giao thông chặn bắt người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc xe máy thiếu gương-nhao nhác thì phong cảnh Sơn Tây cũng khá thanh bình.
Đến đoạn ngã ba cầu Trung hà thì đã gần Bất bạt lắm rồi. Tự nhiên nhớ “Đôi mắt người Sơn tây”:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba vì…
Bây giờ thì Sơn tây, Ba vì đã thuộc thủ đô vì tỉnh xứ Đoài đã bị khai tử. Những bài hát như: Hà tây quê lụa hoặc dính dáng đến địa danh xứ Đoài này trở nên “quê luôn”.
Các đại gia địa ốc “làm chủ thông tin” đã mua trước hàng chục lô đất quê giá bèo đợi Hà tây được hô biến thành Hà nội liền sắn đất ra bán. Một vốn bốn chục  lời. Thu về núi tiền họ lại tung bạc ra vét các biệt thự, nhà phố cũng giá bèo theo kiểu cổ phần hóa hoặc “mua” theo tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo rồi lại chờ dịp “làm gía quất đi”.
Yên kì là một thành phố lăng mộ bát ngát điệp trùng. Nó cũng mang dáng dấp thủ đô vì sự bát nháo, chật chội, chen chúc trong quy hoạch. Những lăng mộ mang phong cách kiến trúc Ấn giáo kề vai với các mộ phần theo phong cách Trung hoa. Một số lăng có mái cong như đình chùa thờ phật, số khác sừng sững hình nón cụt như kiến trúc Maya bên Mếch xích. Vài lăng rất vui mắt có mái dáng củ hành dễ liên tưởng đến kiến trúc điện…Kremli ở xứ Nga la tư… Phải thôi, dân thủ đô thích cái gì cũng phải độc, không được phép đụng hàng.
Không giống với những nghĩa địa ma tươi, ở đây chỉ có ma khô tức là nơi “sang cát” hài cốt bốc từ Nghĩa trang Vă điển đưa lên. Chính vì thế Nghĩa trang Yên kì Bất bạt không quá u ám. Nói đúng ra là khá…vui vẻ. Đám phụ nữ tuổi sồn sồn rất khoái đi chợ ở đây. Đám đàn ông thì tụ tập nơi các quán nước để đốt thuốc và uống rượu vặt với trứng gà luộc. Quãng 9 đến 11 giờ là lúc dân Hà nội tảo mộ, sắp đồ lễ thắp hương. Hương và khói từ hàng nghìn ngôi mộ bốc lên nghi ngút giữa điệp trùng mộ phần. Đến tầm  11 rưỡi là mọi người tập trung trong lều hoặc trải chiếu dưới bóng cây để “thụ lộc”. Quang cảnh giống các cuộc picnic chứ không mang cái không khí ảm đạm sầu thảm của nơi chia ly âm dương cách biệt.
Không biết có nơi nào trên thế giới có nghĩa trang “vui vẻ” như nghĩa trang Yên kì ?
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét