Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

KHÔN DẠI

En try 02/4/11
Từ mấy năm trước ở Hà nội nghe quen tai câu “một tá thằng Nga bằng một phần ba thằng Do thái, bốn thằng Do thái bằng hòn dái thằng Việt nam”. Câu ngoa ngôn này không có ý miệt thị zì anh Nga hay anh Do thái mà chỉ là một cách nói khoa trương về sự “khôn” của người Việt.
Một dạo, bên Tàu, thực khách rộ mốt ăn rắn hổ mang. Thương lái Tàu mua rắn hổ trả đến 500 nghìn đồng một kí lô trong khi  giá Giá rắn hổ xuất cho Lệ mật-Gia lâm đang 400 nghìn đồng phải vọt lên 600 nghìn rồi 800 nghìn. Trước khi xuất bán, cánh nông dân Tân yên-Bắc giang nhồi chì lưới vó hoặc bi xe đạp cũ cho cóc nhái xơi rồi mới thả vào chuồng “đãi” hổ mang. Các chú hổ mang sau bưa tiệc tùng chú nào chú nấy tăng trọng gấp đôi “no” đến độ không ngóc được đầu lên nữa.
Bài “nhồi” tăng trọng này thì không lạ. Bà con ta nhồi gà vịt hoặc dùng xi lanh bơm nước vào thân gà là chuyện thường thấy. Nuôi vỗ lợn tháng lên 2, 3 chục kí cũng thường thôi. Muốn lợn xuất tăng trọng ngày chục kí mới đáng kể. Dễ ợt. Lồng lợn con gầy nheo gầy nhóc ném ùm xuống ao độ nửa giờ uống nước vớt lên con nào con ấy căng tròn. Một lồng lợi ra chục kí là ít. Bán lợn hơi, trộn cám ngon với bột đá, một con ngày lên gần chục cân cũng thường thôi.
Ai vào Vân đình xem xét kĩ mới thấy dân nuôi chó thịt thật ma mãnh. Chó lồng ngoan như lợn bột, ăn xong ngủ chẳng biết sủa là gì. Thì ra người ta bắt chó con về trước khi nhốt lồng đem chọc mù mắt, thủng nhĩ tai. Nuôi chó kiểu ý mau lên cân lắm.
Hồi nhỏ nghe các cụ kể chuyện rắn báo thù. Có người ra đồng đập chết con rắn đực. Đêm về chợt thấy rắn từ xà nhà thõng xuống tá hỏa bỏ giường mà chạy. Mấy đêm sau cũng vậy, anh này mất ăn mất ngủ ốm mà chết.
Mấy nhà nuôi chó lồng kiểu chọc mắt chọc tai gia cảnh rồi cũng chả ra làm sao. Đứa thì nghiện phá hết của, có đứa đang ngồi chơi bị trẻ khác vô tình đá cái đinh văng vào mắt lòi con ngươi.
Mấy người kẻ chợ chuyên sống bằng nghề cân điêu, nhà phất lên vù vù một hồi, sau bỗng đâu tự nhiên trúng gió, cứu được mạng thì vừa hết của, kỉ niệm trong nghề thì để lại đôi tay run như mắc chứng Pac kin sơn. Chắc chỉ làm được nghề phất cờ thuê cho…nhà nước.
Những chuyện vừa kể không cá biệt đâu, phổ biến đấy nha. Đời cha ăn mặn đời con chết khát khuya rồi. Thời @ việc nhân quả là nhỡn tiền luôn, mau ăn mau ị lắm.
Nhưng nhiều khi ngẫm thấy đau, dân mình bỗng dưng đổ đốn thế sao? Lý do từ đâu đến nông nỗi này? Có phải vận nước đã đến hồi nát rồi chăng?
Kể từ vua Hùng dựng nước, truyền thống con Rồng cháu Tiên đâu có lúc nào bĩ tới cỡ này. Dân số  nước ta ở vào top 10 đông nhất thế giới mà vẫn bị coi là nước nhỏ. Anh Hàn quốc, Đài loan, Thái lan nhỏ vậy mà có ai dám coi là nước nhỏ như mình đâu. Đấy là chưa kể tới anh Sinh anh Thụy sỹ dân chẳng bằng cái tỉnh ăn rau má phá đường tàu của ta mà vẫn được quốc tế coi là cường quốc. Lãnh đạo nước họ đi ra thế giới ăn nói đường hoàng, ung dung tự tại chẳng bù cho mấy anh nguyên thủ của mình đi đâu cũng co ro cúm rúm, giật mình thon thót mỗi khi có thằng tây nào nó in tờ viu, móc giấy ra mà tim đập chân run. Ầy vậy mà ở trong nước thì chém gió vù vù, một tấc lên chín tầng giời, Thánh Gióng phải thua.
Cứ xem như tấm gương quả đấm , quả tạ Vinashin thì biết các anh nông dân lãnh đạo chúng ta nói như rồng cuốn nhưng làm kinh tế “kinh” thế nào. Mua tầu cũ hô biến thành tầu mới khác gì trò cho lợn ăn bột đá. Thanh tra thì bị cấm, chuyện thối vỡ lở cố bịt mắt thiên  hạ theo kiểu “tái cơ cấu” khác nào cái trò nuôi chó thịt theo chiêu chọc mù mắt, đâm thủng tai.
Cái khôn theo kiểu này gợi cho người ta nghĩ đến cái khôn bản năng ăn lông ở lỗ rất ích kỉ thiếu tính minh bạch cộng đồng nặng tâm lý “khôn ăn người, dại người ăn”.
Xem, nghe quan chức phát biểu người ta cũng thấy cách nói lập lờ hiểu kiểu chi cũng được. “Trồng con gì, nuôi con gì”… “chúng ta làm thế nào”…vân vân…(Ông hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?)
Cái khôn của phần đông người Việt hiện nay vẫn là kiểu khôn ranh, khôn vặt ăn người không hướng tới cái đích xa hơn một phần do tính cách nhưng chủ yếu vẫn là do sự thích ứng tiêu cực với hoàn cảnh sống. Trước đây, nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn viết trong “ chủ nghĩa tam dân” rằng: “Trung Quốc là một nước hơn 400 triệu dân (thời đầu thế kỷ 20) nhưng như một bãi cát rời rạc, bởi vì ở Trung Quốc chỉ có gia tộc và tông tộc mà không có quốc tộc”. Nhưng cho đến nay họ đã trở thành một quốc gia khá đồng nhất và mạnh mẽ. Đó là do hoàn cảnh chính trị đưa lại. Cho dù thể chế chính trị của họ cũng là thể chế độc tài đầy bất trắc trước sự biến đổi sâu sắc của thế giới nhưng về mặt kinh tế họ đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước. Họ đã rút ra bài học sâu sắc trong các thất bại của nền kinh tế XHCN trước đó. Việt nam, cái  nền kinh tế “thùng rỗng” này không biết đứng trước cơn sóng thần bão giá sẽ đưa người dân đi đến đâu?  
Hình dung nền kinh tế nước nhà có vẻ giống cỗ xe tứ mã do nhiều chú xà ích cầm cương. Chú nào chú nấy tranh nhau lèo lái theo đường hướng lợi ích của mình và chuẩn bị sẵn sàng vọt ra ngoài khi cỗ xe đâm nhào xuống vực. (Kệ mẹ thằng dân nào ngồi trong xe).
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét