Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

THỬ VỚT CÁI "BÌNH CỔ" NGÔ BẢO CHÂU

Mai xuân dũng 15/11/2010
Chuyện Chính phủ giao cho gia đình GS Ngô Bảo Châu sử dụng căn hộ rộng 160 m2 thuộc khu căn hộ cao cấp của tòa nhà cao tầng Vincom B Hà nội và gia đình GS đã dọn về ở đã được nửa tháng chắc ai cũng biết. Và chuyện đó đã gây ra một cuộc khẩu chiến và cả bút chiến giữa những người ủng hộ GS Châu và những người phản đối.
Đó là câu chuyện vừa buồn vừa tức cười.
Riêng tôi chỉ gọi đó là “câu chuyện”. Và khi chuyện đã nhàn nhạt thì tôi gọi chuyện gần hết tính thời sự đó là: Chiếc bình cổ về GS Ngô Bảo Châu.
Chiếc bình cổ đó vẫn lềnh bềnh. Nhưng với tôi, đáng ra nên để nó chìm.
Vậy mà bỗng dưng tôi lại vớt chiếc bình cổ đó lên. Vâng tôi vớt lên bởi nếu không không làm thế, khi mọi người vẫn chưa buông tay cho nó chìm xuống thì với tôi, có gì đó giống như sự bất nhẫn. Chỉ là bất nhẫn với cá nhân tôi mà thôi vì tôi đã im lặng.
Và bây giờ, tôi đang ngắm nghía lại “chiếc bình” đang đặt trên bàn làm việc của mình và gõ lên bàn phím như những lời độc thoại.
Thật sự đó là chiếc bình vẫn còn lấp lánh sáng tự thân sau khi đã sáng chói lên một cách vô duyên như ánh lửa hàn trong thư viện chứ không phải trong xưởng cơ khí như đúng ra phải thế. Sự vô duyên đó là nhờ các nhà báo quen ăn theo nói leo nhưng thạo tống tiền. Rất buồn cho các nhà báo, nhưng phải thừa nhận thật sự nó là như vậy.
Như nhiều người đã nói, có lẽ trên thế giới này chỉ có 1 phần trăm triệu người may ra hiểu cái “Bổ đề” đó nó ngang dọc, nông sâu ra sao. Chưa kể có nhiều người còn nói (có thể không sai) rằng cái “Bổ đề” đó sẽ có tính ứng dụng hiệu quả cho kinh tế Việt nam vào năm 3.500 nghĩa là sau 1.490 năm nữa.
Nhưng tôi muốn rạch ròi. Kể cả là cái món “Bổ” đó có hiệu quả sau hơn 1000 năm nữa thì đâu phải là nó đáng vứt đi. Trong lịch sử, đã có phát minh khoa học bị xếp xó đến hơn 1000 năm sau mới được chứng minh và đem lại thay đổi lớn lao cho bộ mặt thế giới và nếu nó chưa thể “bổ” cho nước mình thì cũng “bổ” cho nhân loại chứ không phải là vô ích. Mặt khác, một công trình khoa học đã làm cho thế giới biết đến Việt nam và hiểu rằng ngoài cái chuyện “đánh đấm”, Việt nam còn là một đất nước có khả năng về khoa học kỹ thuật. Đó là một cái “Bổ” về tinh thần rõ ràng không chỉ dành riêng cho ông Chính phủ mà còn “Bổ” cho mỗi người Việt nam, cải thiện niềm tự hào Hai lúa của chúng ta.
Chính vì vậy theo tôi, việc GS Châu nhận căn hộ sang trọng đó của Nhà nước trao thưởng là hoàn toàn xứng đáng với những gì GS đem lại cho đất nước này. Mặt khác, ông Chính phủ cũng khá “rắn” khi chỉ quyết định trao cho gia đình GS Ngô sử dụng chứ không được sang nhượng hoặc bán đi.
Thử đặt địa vịa chúng ta vào chỗ GS họ Ngô mà xem. Giả sử sau việc GS từ chối căn biệt thự mà nhà kinh doanh địa ốc Đào Hồng Tuyển có nhã ý “biếu” nay lại từ chối căn hộ Chính phủ “tặng” thì có phải là tự GS đã đẩy mình vào tình thế quá khó khăn hay không?. Về mặt thể diện Quốc gia, một công dân thẳng thừng từ chối sự quan tâm của Nhà nước là đã đẩy Nhà nước vào thế “bí”. Như vậy, ông Chính phủ nếu không “thù dai” thì cũng không thể chịu được cái chuyện mất mặt như thế. Đường đường là một Chính phủ lại được lãnh đạo bởi một đảng độc quyền mà lại để công dân của các vị “dám” như thế sao? Thế giới sẽ nhìn nhận việc này như thế nào?. Chuyện không hề nhỏ. Nói No, thank với cá nhân ông Đào Hồng Tuyển thì được chứ nói vậy với ông Chính phủ thì chuyện con kiến sẽ là con voi.
Chính vì vậy, tôi cho rằng GS Ngô nhận nhà là hành vi của một công dân có  trách nhiệm với Đất nước (chứ chưa nói đến việc có trách nhiệm với Nhà nước)
Cũng có người nói, GS không nghèo trong khi các GS khác có cống hiến nhiều cho đất nước vẫn chưa được đãi ngộ gì đáng kể, mặt khác căn hộ của GS mới nhận là tiền thuế của dân thì việc GS Châu nhận nhà là một việc không nên làm. Tôi không nghĩ thế. Như đã nói, GS Châu xứng đáng nhận phần thưởng thì chẳng tội vạ gì mà từ chối. Nếu từ chối, dân vùng lũ lụt cũng chẳng nhận được thêm một gói mì tôm nào đâu mà các nhà khoa học khác cũng chẳng vì GS Ngô không nhận nhà mà ông Chính phủ đem xuất nhà ấy tặng cho GS Tụy hay GS khác đâu mà có khi lại chỉ béo ông quan chức nào đó thôi. Công bằng là cái gì đó rất xa xỉ, nhất là ở nước ta.
Tất nhiên, GS Ngô nhận nhà là một việc, việc ông Chính phủ tặng nhà có đúng đắn hay không là một việc khác. Chuyện này tôi xin không bình luận vì nói thực, ông Chính phủ xử sự nhiều việc lớn hơn còn chưa “ngon” nói chi là cái việc con con này.
Sau hết, việc còn lại ở đây là chuyện của chúng ta, những người đã sử xự ra sao về các sự vụ “trong nhà”. Nếu những việc quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc, những việc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đã gắn kết chúng ta, biến chúng ta thành một khối thống nhất thì những việc nhỏ như con thỏ hàng ngày dính dáng đến miếng cơm manh áo hay chỉ vài lời sơ xuất với nhau lại làm chúng ta chia rẽ ghê ghớm. Điều này đã làm chúng ta mất đi sự công tâm vốn rất quan trọng làm nên chất kết dính chúng ta với nhau. Người Việt nam mình ai mà chẳng biết nước ngoài họ đã tổng kết về cái “đức” này của người Việt qua câu chuyện có 3 người Việt chẳng may bị tụt xuống một cái hố. Nếu chỉ có một người thì thật dễ dàng cho việc leo lên nhưng cả 3 không ai chịu cho ai lên trước nên cuối cùng cả lũ thà cùng nằm chết gí dưới đáy hố còn hơn.
Không chỉ chuyện quanh cái “bình cổ” Ngô Bảo Châu mà còn bao chuyện lẻ tẻ khác, chúng ta luôn cố chấp, bới móc nhau vì những việc bằng cái mắt muỗi mà quên mất rằng nếu xét về đại cục, chúng ta là những người cùng cảnh ngộ.
Chúng ta hiện nay đang ngồi dưới đáy giếng chứ chả phải dưới cái hố đâu. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi nắm chân nhau lôi xuống cho đến bao giờ?
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét