mai xuân dũng 13/11/2010
Các bạn thể tất nhé khi cho phép tôi một lần bốc đồng mà khoe rằng tôi chơi quần vợt không tệ và lại một lần kiếm cớ biện bạch cho những lần thua “độ” rất thảm của tôi.
Hẳn các bạn biết kết quả trận quần vợt sinh gồ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó cây vợt là cả vấn đề.
Cũng những ông bạn cầm vợt quá quen và thường độ nhậu các buổi 2-4-6 trong tuần, nếu đen đủi tôi chỉ phải “nộp mạng” có lần / một tuần thì gần đây tôi phải “chiêu đãi” liên tục.
Vấn đề không phải là tôi a kay chuyện tài chánh mà vì danh dự. Trên sân nào khác thì không dám nói chứ sân này xưa nay các trận đánh đơn tôi thua là hơi bị hiếm. Anh em biết nhau cả mà, đâu dám “lên lưới” ngoài sân.
Hồi đầu tới giờ tôi xài cây Prince mua giá bèo, loại vợt con nhà nghèo. Tuy vợt này không lợi thế khi phát bóng, lại “đánh điểm” không chuẩn lắm nhưng các cú rờ ve, vả trái tay hoặc bạt dọc dây của tôi thường làm các ông bạn bên kia lưới “chán” hẳn. Nhất là gặp pha lốp từ phía đối phương cây Prince phát huy tuyệt vời pha volley “đập chết ăn thịt” của nó. Tuy nhiên tôi không khoái cây vợt này vì cái tội kém lực khi phát bóng ép đối phương. Để chơi ngon hơn, tôi cóp nhặt dành dụm mua được cây Wilson đắt giá ngon lành. Dù rằng vợt mới chưa thật quen tay nhưng thật sự nó làm tôi chăm chút cưng nựng như vợ mới. Ra sân, nó làm tôi có cái cảm giác viên mãn, hãnh diện như chàng trai mới lớn có cô bồ á hậu vậy. Tôi luôn lưu ý cân dây cho đủ độ và với sự trợ lực của cây Wilson tôi chỉ cần cưỡi ngựa xem hoa để chứng kiến đối phương hạ vợt ra sao mà thôi.
Ấy vậy mà từ đó tôi thua dài dài, nghĩ mãi không ra lý do. Mình chơi không xuống, đối phương đánh không lên. Với vợt xoàng mình vẫn thắng, nay xài vợt có số má, tên tuổi ngon lành mà mình thua hoài là sao?...
Lý do gì bạn sẽ tự biết sau còn bây giờ tôi kể tiếp bạn nghe một chuyện còn tệ hơn.
Nhưng tôi xin hỏi trước, bạn đã từng đánh mất một cái gì quý giá trong đời mà không thể tìm lại được chưa?
Không biết bạn có gặp tình huống như trong trường hợp của tôi không, nhưng thật sự tôi đã đánh mất mối tình đầu vì lý còn vớ vẩn hơn cái chuyện cây vợt kia nhiều.
Dạo đó tôi học năm thứ ba còn cô bé “của tôi” mới vào năm đầu trường Sư phạm. Lần đầu gặp nhau tôi đã choáng vì ánh mắt đen nâu sâu thẳm buồn dưới hàng mi rợp bóng của “người ấy”. Nói như cái thời "ăn lông ở lỗ" những năm 70 người ta gọi là "chúng nó có ấy" với nhau. Nôm na là phải lòng. Linh tính của tôi thủ thỉ vào tai như vậy. Gặp mặt, hai đứa lặng lẽ trao nhau ánh nhìn mà chỉ những kẻ “phải lòng mặt” mới biết được nó mát lịm như thế nào. Trong tháng đầu, chuyện của hai đứa chỉ tiến triển khá lên ở mức thi thoảng mỉm cười với nhau khi đi ngang. Nhiều lần như vậy nhưng tôi không dám nói với người kia một câu làm quen đơn giản vì tôi không biết sau câu làm quen rồi thì sẽ nói cái gì? Khó quá. Tôi là thằng đại nhát gái mà bạn.
Thương thằng em, các đại ca không tiếc kinh nghiệm tình trường truyền cho tôi nhiều bí kíp khi tiếp xúc với các nàng. Tôi cố nhập tâm rất nhiều bài, nhiều vở trong các tình huống ứng xử khác nhau.
Khi vượt qua các đợt sát hạch ngặt nghèo, các đại ca quyết định cho tôi “hạ sơn”.
Tuy vẫn run nhưng sẵn trong mình đầy bảo bối, cẩm nang đông tây kim cổ, tôi quyết định hẹn gặp và như đã nói chúng tôi vốn thầm yêu trộm nhớ đã lâu, đương nhiên người ta đồng ý gặp gỡ…
Chuyện qua đã rất lâu, nhưng tôi vẫn se lòng khi nhớ đến kỉ niệm tệ hại ngày xưa khi hai đứa gặp nhau. Không biết tôi đã líu lo những điều ngu ngốc gì mà sau đó nàng đòi về. Nhiều lần sau nữa nàng tránh ánh mắt tôi và hai đưa dần xa nhau mãi.
Đó là “sec Tenis” đau đớn nhất với tôi thời trai trẻ.
Rồi tôi vùi đầu đọc sách cho quên mối tình đầu vụng dại. Tôi kể lại bạn nghe một chuyện khác không dính dáng đến quần vợt hay tình già tình trẻ gì hết, nhưng tôi nghĩ có thể bạn trẻ nào đọc entry này có thể rút ra điều gì hữu ích cho mình chăng.
Paganini là nhạc sỹ vĩ cầm nổi tiếng. Cây vĩ cầm của ông là tài sản vô giá không chỉ của ông mà có lẽ là cả của Hoàng gia. Âm thanh huyền diệu của nó với các ngón tay Paganini đã thổi vào hồn các nghệ sỹ trẻ - học trò của ông tình yêu đối với cây vĩ cầm, nó cái là cái nôi đưa họ sau này đến với thành công rực rỡ trong thế giới âm nhạc.
Ông đã biểu diễn nhiều nơi tại những thính đường danh giá trên thế giới và luôn được khán thính giả ái mộ.
Lần đó ông nhận lời biểu diễn tại thủ đô Áo trong tình trạng đang bị cúm, thêm nữa, sự chuẩn bị của ông lần này không được chu đáo vì chuyến đi gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên âm thanh từ hộp vĩ cầm trên tay ông như được vắt ra từ một trái tim đang rỏ máu. Chưa bao giờ trong đời, ông được hoanh nghênh nhiệt liệt như vậy trước một cử tọa vô cùng sảnh sỏi và khó tính tại Cung nhạc viện Hoàng gia. Buổi biểu diễn thành công ngoài mong đợi của ông. Paganini thầm cảm ơn Chúa và những người thợ đàn tài hoa đã ban cho ông một cây đàn kì diệu.
Khi về khách sạn, theo thói quen ông mang cây vĩ cầm ra chăm chút thì tá hỏa khi biết cây đàn mà ông vừa biểu diễn một cách tuyệt vời lại là một cây đàn rẻ tiền không biết ai đó đã đánh tráo ngay trước buổi biểu diễn để hại ông.
Có thể đó chỉ là chuyện người đời thêu dệt thêm. Nhưng mãi về sau bằng kinh nghiệm cuộc sống, tôi hiểu ra rằng câu chuyện đó rất thật ở góc độ tinh thần và ngộ ra rằng phương tiện tốt nhất cho mọi thành công là tấm tình chân thật của chính mình, sự gắng gỏi của mình chứ không bao giờ thành công đến từ sức mạnh vay mượn từ bên ngoài. Lời nói ngây ngô vụng dại biết đâu mới là lời nói có sức mạnh thuyết phục nhất của trái tim yêu.
mai xuân dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét