Mai xuân dũng 17/11/2010
Tôi được tiếp xúc với đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà-vợ “cụ” vào khoảng tháng 11 năm 2000 tại tòa nhà Sao Bắc trên phố Dã Tượng Hà nội.
Vì là tòa nhà được xây với mục đích cho nước ngoài thuê làm văn phòng đại diện hoặc Đại sứ quán là chủ yếu nên nó có tên tây là: North Star Building. Hồi đó tôi làm việc ở bộ phận kinh doanh cho thuê văn phòng.
Đang lúc dịch vụ cho thuê văn phòng gặp cơn bĩ vì cuộc khủng hoảng tài chính 1998, tòa nhà dành riêng khoảng 200m2 để làm một cái Bar phục vụ cho các văn phòng ở đây, tôi gọi đó là chiêu “trói chân” khách.
Sau này Bar làm ăn phát đạt không ngờ, doanh thu ngang ngửa với dịch vụ cho thuê văn phòng nên được nâng thêm 1 tầng nữa và Bar được đổi thành Nhà hàng với cái tên giao dịch là: Morning Star Bar&Restaurant.
Không biết cơn cớ nào mà các sếp ấn cho tôi kiêm thêm…cái chân nữa là Giám đốc nhà hàng trong khi tôi luộc rau muống còn…chưa sõi.
Thời gian sếp ký quyết định và ấn định ngày khai trương nhà hàng có 3 tháng. Vãi hàng !!!
Sàn chưa có thảm, cửa chưa có rèm, một cái đĩa còn chưa mua mà đã quyết ngày khai trương. Đúng là duy ý chí.
Lạy Giời, thía mà từ việc đăng báo tuyển nhân viên, mua sắm đồ nghề nhà bếp nhà bàn, làm nội thất, lên Menu, may đồng phục, chạy các chương trình tài trợ v.v…cũng ổn cả. Đến gần ngày khai trương “giám đốc” sút 5 cân thịt, nhìn bộ dạng giống con ve quá.
Quay lại chiện tiếp xúc với vợ chồng Đại tướng. Lúc đó công việc nhà hàng đã chạy vo vo rồi. Dịch vụ đại loại như thía này: khách hàng chỉ cần móc gói thuốc lá ra là đã có nhân viên “hiện ra” bật lửa đánh xoẹt một cái để khách chỉ việc dí “mồm” vào mà “hít” thôi, gạt tàn có 3 cái đầu mẩu là phải thay cái khác (mà động tác khi thay phải đúng bài, không được phép khác so với cánh chạy bàn bên tây). Ô là là (!)
Khách búng tay một phát là có nhân viên tới liền chứ không phải gọi “đò” như nhiều nhà hàng khác.
Phải khoe tý như thế để cắt nghĩa cho cái việc sếp Đoàn Duy Thành (hồi đó vẫn làm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam) tự tin đến mức mời đại tướng đến đây dùng cơm mà không cần alô trước cho chúng tôi.
Hôm đó đại tướng mặc đồ dạ thu đông của nhà binh còn bà Đặng Bích Hà mặc áo dài sẫm mầu ngoài khoác chiếc áo len mỏng mầu be rất đẹp. Tháp tùng đại tướng là các sếp của tôi thuộc Phòng Thương mại như sếp Đoàn Duy Thành, Sếp Đoàn Ngọc Bông (Bí thư).
Đại tướng chọn thực đơn để dùng bữa rất nhanh có ba món: Cá bống kho tộ, canh rau cải nấu thịt nạc băm, thịt gà rang gừng.
Sếp Thành gọi thêm món cá trình nướng và tần thuốc bắc để làm mồi đưa cay. Nhưng hôm đó đại tướng dùng chút vang Châteauneuf du Pape còn các sếp nhà xài Rémy Matin.
Đại tướng chọn một cái bàn lớn nhưng kín đáo phía bên trái nhà hàng mà không vào phòng VIP như tôi tưởng. Có lẽ đã quen với sự chú ý của mọi người nên vợ chồng đại tướng dùng bữa một cách thoải mái, tự nhiên không hề để ý xung quanh.
Dùng bữa xong vợ chồng đại tướng bắt tay chúng tôi, chúc “nhà hàng làm ăn phát đạt” rồi bước vào thang máy. Đến bây giờ tôi rất nhớ và cảm nhận được bàn tay ấm áp của đại tướng. “cụ” bắt tay hơi lỏng lẻo một chút và khi bắt tay “cụ” có cái nhìn lướt bình thản, cái nhìn không hướng cụ thể vào bất kì một khuân mặt nào.
Cũng năm đó, tôi tiếp xúc một lần với vợ chồng nhà thơ Tố Hữu do sếp Đoàn Duy Thành mời cơm.
Khác với đại tướng, nhà thơ chọn một cái bàn ở giữa nhà hàng, vị trí dễ nhận thấy nhất, lộ nhất. Tố Hữu hôm đó khá nhanh nhẹn, cặp mắt nheo nheo tinh tường. Đón cuốn Menu trên tay tôi-thì đích thân tôi phải ra “hầu” chứ còn gì nữa. Không cần dùng đến kính viễn, ông lật trang đầu tiên và lập tức nói: “Hả, có những 10 món xúp cơ à, vậy cho hết cả ra đây”.
Trong lúc chờ xúp, ông quay sang nói chuyện với vui vẻ bằng một giọng Huế trầm ấm với mọi người. Sau vài ly Rémy Matin thì nhà bếp chuẩn bị xong súp, tôi có hỏi nhà thơ xem “Bà và ông muốn dùng súp gì trước” thì ông khoát tay: “Đem hết lên đây. Mang hết”.
Trong khi sếp Đoàn Duy Thành và sếp Dũng (Tổng thư ký) dùng súp ngô gà thì nhà thơ dùng thìa múc súp ở từng bát một chăm chú nếm như kiểu các chuyên gia nếm rượu vậy. Sau cùng Tố Hữu dùng súp bắp cải tím nấu kem tươi còn bà Vũ Thị Thanh dùng súp kem gà. Ông bà tỏ vẻ rất hài lòng. Vợ Tố Hữu, bà Vũ Thị Thanh trước đã từng là Phó trưởng Ban tuyên huấn Trung ương (sau đổi là Ban Tuyên giáo Trung ương) nên bà tỏ ra điềm đạm, đôi mắt nhìn quanh, quan sát rất tinh nhanh.
Nói chung với tôi, nhà thơ gây ấn tượng khá mạnh ở phong cách mạnh mẽ, hơi khác thường vốn là đặc điểm phải có ở những người có tố chất văn hóa, nghệ thuật.
Về sau khi đến nhà tôi chơi, bạn bè có hỏi tại sao tôi không xin được chụp ảnh chung với các danh nhân để làm kỉ niệm tôi thật không biết nói sao. Nhiều người thích chụp ảnh chung với những người nổi tiếng hoặc lãnh đạo quốc gia để treo trong phòng khách. Đó là sở thích rất hay. Tôi cũng có khá nhiều cơ hội và ở những hoàn cảnh thuận lợi khác nhưng tôi không thích làm như vậy. Tôi tự nhận thấy mình rất gàn dở. Nhưng đó là tính cha sinh mẹ đẻ hoặc Giời cho thì phải chịu thế thôi.
Mai xuân dũng
Đọc bài này nhớ lại hồi 1995 ra HN làm đại diện hãng Remy Martin ở HN. Cũng có lần đến nhà hàng này để đề nghị làm quảng cáo cho Remy Martin. Không biết hồi đó có gặp tác giả bài viết này không. Bây giờ về lại SG rồi, cứ đọc nhưng chuyện như thế này, kỷ niệm HN lại tràn đầy, tiếc nuối tuổi trẻ và quá khứ đã qua.
Trả lờiXóaTks tác giả.