Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

BẠN HUẾ

Mai xuân dũng 2/10/2010
 
Anh bạn ra Hà nội chơi dịp 1000 năm Thăng Long đã châm ngòi cho cuộc tranh luận quanh chủ đề “người Hà nội”. Việc này làm can rượu thửa của tôi không đến nỗi chịu thảm cảnh như bộ phim cổ trang “Đường lạc tới thành Thăng long Hà nội”.
Bạn là người Huế. Đó là vùng đất miền Trung có “vẻ đẹp chẳng nơi nào có được nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” nơi “tình yêu từ chiếc nón bài thơ từ giọng nói ấm trầm sâu lắng”.Vậy nhưng anh này chẳng trầm tư sâu lắng khi nói về Hà nội. Thậm chí còn hơi cao giọng phê phán làm người nghe Hà nội không khỏi chạnh lòng.Phải nói một chút về Huế. Nếu xuất phát từ Hà nội đi Sài gòn vào mùa đông lạnh, đến Huế sẽ thấy vùng đất này cho người đi cảm giác trở lại mùa thu Hà nội với tà áo tím thướt tha bên giòng Hương giang ngăn ngắt. Sông Hương chẳng rộng như sông Tiền sông Hậu, không mạnh mẽ như sông Hồng nhưng là con sông vừa phải cho một giọng hò phảng phất cả đôi bờ. Nó đủ trong xanh yên ắng cho ta lắng lòng. Chiều về trên bến Phu Văn Lâu nghe giọng mái nhì mái đẩy mà vẫn cảm nhận được tiếng cá quẫy nước ven rạp cỏ. So với Hà nội thì Huế thật quá mộng mơ.
Riêng tôi nghĩ, Huế mộng mơ vì Huế là kết quả của tình yêu trắc trở. Mối tình si đơn phương của Chế Mân với nỗi buồn hoài cố quốc của Huyền Trân công chúa. Đó là sự khởi đầu tạo nên xứ Thuận Hóa. Miền đất với những con người qua nhiều đời là sự hòa trộn giữa dòng máu Bắc Hà với nước mắt người Châu Ô châu Rí nước Chiêm. Cuộc xâm thực giao tình Việt Bắc Hà - Chiêm cùng với thiên nhiên mộng uẩn đã làm nên một văn hóa Huế thấm đẫm tình người với đất trời, cỏ cây hoa lá không giống với bất kỳ nơi nào.Tiền nhân xứ này trước thời Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đã là lớp người “nghịch dân” thảo khấu chống Trịnh từ Đàng ngoài lẫn với dân Hoan, Ái di cư. Bảo làm sao người Huế khiêm cung nhỏ nhẹ mà vẫn ẩn chứa chất lửa của dòng máu Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng xưa?
Chạnh nghĩ về Thăng long 36 phố và Hà nội bây giờ mở mang hết đất xứ Đoài lại nghĩ về Chiếu dời đô của Tiên vương. Lý Công Uẩn cho vùng châu thổ sông Hồng này là “đô cũ của Cao Vương, nằm giữa trời đất. Được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc tây đông, tiện nghi núi sông sau trước. Đất rộng bằng phẳng, cao mà sáng sủa không thấp trũng tối tăm, muôn vật tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là thắng địa, chỗ tụ hội bốn phương. Đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.Anh bạn cho rằng xem thấy đủ biết Lý Công Uẩn có hai cớ để dời đô: Thứ nhất lấy chủ ý của Cao Biền tiết độ sứ (người Trung Quốc) là kẻ thông thạo địa lý thiên văn phong thủy đã trấn yểm long mạch dựng thành Đại la làm gốc đất Thăng Long. Thứ hai, ngài xem thế đất rộng phẳng tươi tốt ở “chính giữa nam bắc tây đông (?) để quyết định làm đất đế đô.Không nói về chuyện hai nguyên cớ lịch sử đó ra sao chỉ biết rằng qua năm tháng, đất Thăng Long đã là quê hương gắn bó với biết bao thế hệ người Việt nam chứ không riêng gì người Hà nội.
Từ lâu đời, lịch sử nước Việt cho dù vật đổi sao dời với nhiều miền đất từng được chọn làm Kinh kỳ: từ Phong châu, Mê linh, Tây đô, Phú xuân cho đến Đông Đô, Thăng long, Hà nội thì người Việt vẫn giữ được bản sắc của mảnh đất phương nam nghìn đời bất khuất, chống chọi với đế quốc phương Bắc, phương Tây mà tồn tại đến ngày nay.Có điều bạn tôi nói đúng. Phong châu có nếp Phong châu. Tây đô giữ lề châu Ái. Phú Xuân muôn thủa với sông Hương núi Ngự nguyên vẹn chất thơ tinh tuyền sâu lắng thì văn hóa Hà nội đã mai một đến mức chỉ vài chục năm qua, người Hà nội gốc với những người yêu Hà nội chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng hoài niệm về Thăng Long một thời đã khuất vào nơi xa vắng.Hà nội thực sự đã mất đi vẻ đẹp ngàn xưa dễ cảm nhận nhưng cũng rất khó cắt nghĩa cho minh định, rõ ràng.Tôi mủi lòng khi nghe một người xứ Huế lại hát cho người Hà nội bài Hà nội và tôi:
Nơi tôi sinhHà nội
Ngày tôi sinhMột ngày bỏng cháy
Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó
Đêm, lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than…
Những ngày tôi lang thang, tôi mới hiểu
Tâm hồn người Hà nội
Mộc mạc thôi, mà sao tôi bồi hồi
Mộc mạc thôi mà lòng tôi bâng khuâng nhớ mãi
Tuổi thơ đã đi qua không trở lại
Cháy hết mình. cánh phượng nhẹ nhàng rơi…
Bạn tôi đã từng sống mấy năm ở Hà nội thời khói lửa và bây giờ đến đây là muốn trở về tuổi thơ hoài niệm nhưng không còn tìm thấy Hà nội những ngày yêu dấu nữa. Bạn lạc trong muôn người xa lạ nói cười nghệnh ngạo. Bạn ngơ ngác giữa Hà nội bê tông thò ra, thụt vào, cao thấp mầu mè nghịch mắt. Bạn hoảng hốt khi qua đường giữa dòng thác xe cộ chẳng theo làn nào. Hà nội bây giờ nghèo phẩm chất của một thủ đô thật sự. Nó thiếu đói văn minh nhưng con người ở đây như không có nhu cầu, không cảm nhận được sự khát thèm phục dựng cái văn hóa Kinh sư.Nếu đi nhiều nơi trên thế giới, ai cũng dễ cảm nhận hầu như thủ đô của các quốc gia đều có nét riêng biệt về văn hóa nổi trội so với các bang, tỉnh, thành khác. Hà nội không còn cái nền đó.
Hà nội bây giờ không có được điều đó nữa.Hà nội thực chất là một vùng đất dân cư tứ chiếng từ lâu. Nhiều thế hệ từ khắp các miền đổ về đây kiếm tìm cơ hội sống đã làm cho Hà nội có một khuân mặt khác hẳn ngày xưa. Một trong những đặc điểm của người Hà nội gốc là cái cốt cách tao nhã, nhún nhường, sâu sắc. Nhưng họ không có những phản ứng tích cực cần thiết để giữ gìn truyền thống văn hóa của ông, cha để lại.Bạn tôi nhận xét: “ Hà nội thất bại thật rồi”.Câu nói này làm tôi bực mình nhớ đến bài tùy bút “Mười ngày ở Huế” của Phạm Quỳnh so sánh Hà nội và Huế thế này: “Cái vui của người dân ở đây vui mà không nhả, đại để dân xứ Huế rất có lễ phép, dù bậc hạ lưu cũng vậy, xem đó đủ biết là gần cái phong hóa của triều đình. Ngoài ta không có hạng người nào bại liệt bằng hạng phu xe. Ở Huế, bọn phu xe cũng có lễ phép, không hề nói tục nói láo bao giờ. Cái nhân phẩm của phu xe Huế còn cao hơn phu xe Hà nội gấp mấy lần vậy”. (…).
Tuy rằng đó chỉ là ý kiến của cá nhân Phạm Quỳnh nhưng không thể chối cãi được rằng người Huế lễ độ trong giao tiếp mà bây giờ người Hà nội (tứ chiếng) còn phải học dài dài. Thêm nữa, hóa ra cái phong hóa của nhà nước phong kiến lại có dấu ấn đẹp về sự làm gương cho dân chúng sao?
Lúc đầu mới nghe bạn nói thấy khó chịu nhưng suy đi xét lại, khách quan mà nói thì điều bạn nói là đúng, cho dù bạn không có ý vơ đũa cả nắm mà chỉ nói lên cái hiện thực số đông. Còn người gốc gác Kinh sư nay còn đâu, có chăng chỉ là thiểu số, là giọt nước ngọt trong biển mặn mà thôi.
Nhưng dù sao vẫn phải ghi nhận tấm lòng người Huế với đất Thăng Long.
Thật là như một định mệnh trớ trêu, những nỗi buồn lớn của Thăng Long lại gắn với số mệnh của người Thừa Thiên Huế. Ngẫu nhiên ta thấy: Khâm mạng tuyên sát tổng sức đại thần Nguyễn Tri Phương và con trai đã bỏ mình để giữ thành Hà nội năm 1873 và Hà thành thất thủ lần thứ hai năm 1882 Tổng đốc Hoàng Diệu cũng tuẫn nạn vì Hà thành. Cả hai ông đều là những người Thừa Thiên Huế.
Nếu người Hà nội cảm nhận vẻ đẹp quê hương bằng trực giác thì người xứ Huế cảm nhận vẻ đẹp của Hà nội bằng giác quan. Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường tả vẻ đẹp của cây bàng bằng sự quan sát tinh tế hiếm có, người Hà nội mới nhìn cây bàng Hà nội bằng con mắt khác. Tôi thực sự kinh ngạc về khả năng cảm nhận vẻ đẹp Hà nội sâu sắc đến như vậy. Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Nhạc sỹ họ Trịnh đã làm rung động tâm can người Hà nội với bài “Nhớ mùa thu Hà nội”. Tôi cho rằng chẳng nhạc sỹ Hà nội nào có được một ca khúc hay đến thế, tim gan đến thế khi nói hộ cho người cố đô nỗi lòng với quê hương ven con sông Hồng nước đỏ. Bạn chỉ cần đọc ca từ và tưởng tượng đến giai âm mà xem.
…Hà nội mùa thu,
cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu
Hà nội mùa thu, mùa thu Hà nội
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ,
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…
Cái duyên mảnh đất Thừa Thiên Huế, đặc biệt là xứ Huế với Hà nội có lẽ nói mãi không hết.Tôi yêu Hà nội và thèm cho Hà nội mai này con người ở đây sẽ tìm được vẻ đẹp dịu dàng mà sâu sắc, tinh tế mà bình dị của ngày xưa.
Hà nội của tôi ơi.
Mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét