Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

CAO VƯƠNG TRONG CHIẾU DỜI ĐÔ LÀ AI ?

Mai xuân dũng 4/10/2010
     
Nhân đọc chiếu dời đô, một số người thắc mắc “ Lý Công Uẩn nhắc đến Cao vương, vậy Cao vương là ai, có vai trò gì trong việc định đô   của triều Lý".
Trước khi giãi bày mấy ý riêng, xin được trích lại Chiếu dời đô.
Xưa nhà Thương đến đời Bàn canh năm lần đờ đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự tiện rời đô. Làm như thế cốt để gây nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đô, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao vương ở giữa khu vực trời đất , được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp, trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào ?
Thiên niên kỉ thứ 10 ở nước ta, trong tâm thức con người luôn có sự hiện diện của các thần linh. Nhắc đến Cao vương là Lý Công Uẩn muốn nhắc đến tuyệt kỹ bùa ngải, trấn yểm của Cao Biền tiết độ sứ, viên quan người Trung Quốc đời Đường mà đương thời gọi là Cao vương.
Năm Càn phù thứ hai ( năm 865 đời Đường Hi Tông), hoàng đế nhà Đường cử Cao Biền sang trấn áp, đánh dẹp người Nam chiếu (xứ Giao châu), sau được nhà Đường phong chức tiết độ sứ, cai quản Giao châu.
Trong Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh đã ghi chép về Cao Biền như sau:
Khi xưa, Cao Biền được cử sang cai trị Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Một hôm, Biền đang vẩn vơ dạo ngoài cửa Đông thành thấy mưa to gió lớn rồi một đám mây ngũ sắc bốc lên tụ lại trên không, tia sáng chói mắt, khí trời trở nên lạnh lẽo. Giữa đám mây hiện ra một người “đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giầy đỏ bay lượn trong mây, hương thơm sực nức đàn sáo vang lừng, uyển chuyển, khi cao, lúc thấp. Ước độ hai khắc bỗng biến mất.
Cao Biền kinh dị cho là yêu quái. Đêm ấy Biền mộng thấy người  đó lúc ban ngày, đến bảo rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành đến xem chơi, chớ ngờ vực”. Biền tỉnh dậy than: “ Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt, sự này là điềm hay hoặc gở đây ?”. Có kẻ xui Biền dựng đền, đắp tượng, lấy 1000 cân sắt trộn đồng làm bùa trấn yểm. Biền y lời. Yểm xong bỗng đâu nổi lên một trận cuồng phong quật gẫy cây to, đất trời mù mịt. Đồng sắt trấn yểm tan thành tro bụi. Biền than: “Điềm này, ta phải về Bắc thôi”. Sau quả nhiên Biền bị triệu về Trung Quốc và bị giết chết về tay Tất Sư Đạt.
Trong dân gian có câu thành ngữ khá nổi tiếng: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Truyền thuyết kể Biền có phép thuật luyện âm binh biến hình nhân thành binh lính thật. Luyện đủ bài, âm binh khỏe mạnh như thật, bằng không thiếu ngày, thiếu tháng thì sẽ quặt quẹo, yếu ớt, run rẩy. Từ chuyện này trong dân gian ta mới có câu nói về sau trở nên thành ngữ trong dân.
Cao Biền là một viên tướng hiếu sát nhưng biết lý số và vô cùng thâm hiểm. Khi cai trị Giao châu, đi đến đâu đều tìm hiểu phong thủy, thấy nơi nào trên nước Việt có linh khí y liền tìm cách dùng yêu thuật trấn yểm để triệt hạ nhân kiệt. Phép thuật của Biền là bắt con gái trinh tiết đem mổ bụng moi ruột nhồi cỏ bấc. Đoạn mặc xiêm y, đặt lên ngai, làm các phép bùa chú. Đợi đến khi tử thi động đậy tức là lúc linh thần nhập xác là y lập tức chém đầu. Như thế là đã trấn yểm xong.
Cao Biền đã từng đến đất Thuận Hóa ( Quảng Bình, Quang Trị, Thừa Thiên Huế bây giờ) để trấn yểm trừ khí thiêng sông núi ở đây. Đến Hà Khê, Hương Trà, xem thấy thế đất biết là linh địa, y bèn cho đào hào cắt rời chân đồi nơi có long mạch nay là khu vực chùa Thiên Mụ. Sau, Nguyễn Hoàng khi vào Thuận Hóa đã đến đây, biết các bậc trưởng lão kể cho nghe chuyện này, chúa Nguyễn Hoàng cho san phẳng đất chân đồi, xây chùa trên núi và tự tay viết  một bức hoành 3 chữ “Thiên Mụ tự” cho ngôi chùa này.
Thân thế của Cao Biền như vậy, tại sao Lý Công Uẩn nhắc đến Cao Biền như một nguyên cớ để dời đô? Đó có phải một sự vô lý ?
Nói thêm: dịp 1000 năm Thăng long không thấy đảng và nhà nước đả động gì đến ngôi đền thiêng thờ Thành hoàng bảo trợ cho Thăng Long thành là thần Long Độ (nhiều người quen gọi là thần Long Đỗ). Sự tích thế này:
Khi Lý Công Uẩn dời đô về đất này cho đắp lại thành Đại La, mở mang rộng ra. Nhưng đắp đến đâu lở đến đó. Vua cho lập đàn cầu thần. Đêm đó ứng mộng thấy có con ngựa trắng đi theo hướng Tây vòng lại theo hướng đông rồi biến vào đền. Thần linh hiện ra khuyên ra ngoài thành thấy dấu vó ngựa đi tới đâu dắp thành theo vết đó. Vua Lý y lời quả nhiên thành đắp đến đâu chắc đến đó, trở nên vững bền. Lý Thái Tổ bèn cho tạc một con ngựa bằng gỗ, đem sơn trắng để thờ, sắc phong cho thần làm Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương. Tức là Thành hoàng của  Thăng Long thành ngày nay. Ngôi đền này có tên gọi: đền Bạch Mã nay ở phố Hàng Buồm Hà nội.
Mai xuân dũng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét