Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

VŨ KHÍ CỦA CHA ÔNG TA

mai xuân dũng posted 8/10/2010
 
Khoảng thế kỷ 6 -7 loài người đã biết đến thuốc súng, song phải tới thế kỷ 10 – 11, nó mới được sử dụng trong chiến tranh dưới dạng những tạc đạn gây nổ, gây cháy. Năm 1275 mới xuất hiện loại ống bằng kim loại. Súng pháo ra đời tạo ra cuộc cách mạng trong lịch sử vũ khí loài người.
Tại Việt Nam, ngay từ thế kỷ 13, trong dân gian nước ta đã sử dụng phổ biến một loại pháo gọi là “bộc trúc”, tức là một dạng hỏa cụ gần với “hỏa đồng”, “hỏa thương” của Trung Quốc đương thời. Cuộc cách mạng hỏa khí. Ở châu Âu, thế kỷ 15 mới xuất hiện thuyền chiến gắn pháo phổ biến. Còn Việt Nam, dấu hiệu chứng tỏ pháo được đưa lên thuyền từ khá sớm, với sự kiện pháo thuyền của Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga ở Thăng Long (Hà Nội), năm 1390. Ngoài ra, hiện tượng Hồ Nguyên Trừng, được người Minh (Trung Quốc ) tôn như “thần súng pháo”, chứng tỏ vào cuối thế kỷ 16, súng pháo đã trở thành vũ khí phổ biến ở nước ta. Các bản vẽ của người phương Tây khoảng thế kỷ 16-17, khi vẽ thuyền chiến nước ta đều chú ý mô tả khẩu pháo lớn chĩa ra ở đằng mũi. Nói về trang bị trên thuyền đàng Ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes nhận xét: “Chiến thuyền của họ không thiếu vũ khí và pháo dùng cho chiến đấu”. Một giáo sỹ khác là B. Vachet cho biết loại thuyền chiến đàng Trong có nhiều pháo hơn: “Ba khẩu ở đằng mũi và hai khẩu khác nhỏ hơn ở hai bên”. Phần lớn các pháo này thuộc loại này nòng dài trung bình, bắn loại đạn khoảng 3-6 kg, đường kính nòng khoảng 9-11cm, độ dài nòng khoảng 180-210cm, trọng lượng pháo trong khoảng 1.200 – 2.000kg. Ngoài ra, có thể có một số pháo nòng ngắn trong sử sách thường gọi là “súng quá sơn”, có tác dụng bắn cầu vồng như những caronade của Hà Lan năm 1779. Hầu hết, pháo trên thuyền thời này bắn đạn đặc, bằng đá hoặc gang. Ngoài ra, sử sách cũng chép nhiều đến kỹ thuật làm đạn nổ và việc quân Trịnh, Nguyễn sử dụng trong chiến tranh. Trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ (1572 – 1634) có mục chế quả nổ (hỏa cầu). Theo mô tả, có thể loại đạn “một mẹ mười con” mà Lê Quý Đôn nói trong Phủ biên tạp lục là thuộc loại quả nổ này: “Năm 1672, sai Hồ quận công Lê Thời Hiến ở lại đóng đồn tại xã Chính Thủy, ba lần đánh thành Trấn Ninh. Bắn hỏa pháo, một đạn mẹ mười đạn con, tiếng vang như sấm, bắn vào đâu đều gãy nát tan tành”. Thế kỷ 16- 17, trang bị, huấn luyện, thủ đoạn tác chiến của quân đội Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đã có một bước chuyển biến rất căn bản trong lịch sử vũ khí, đó là cuộc cách mạng hỏa khí. Một loại võ khí đặc biệt khác cũng có tác dụng tương tự mà đám giặc biển cũng thường dùng là những bình đất nung chứa thuốc súng trộn rượu mạnh. Diêm sinh được chứa vào nắp bình, treo sẵn, khi xáp trận sẽ ném lên sàn tàu địch, bình sẽ vỡ và bén lửa. Ngoài ra chúng ta không thể không nhắc đến một loại hỏa tiễn hình đầu quạ, thân bằng tre có nhồi thuốc súng. Bốn ống phun ở đuôi có thể đẩy loại tên lửa này bay xa đến 300 mét và thường được dùng để đốt phá doanh trại hay tàu bè của đối phương đã khá phổ biến và thông dụng từ trước thế kỷ 17. Những loại đạn phóng như thế cũng đã được quân Mông Cổ dùng trong những cuộc tấn kích Nhật Bản và các quốc gia vùng Đông Nam Á mà sử sách còn ghi chép. Việc sử dụng thuốc súng vào trong những loại súng phóng tay (hand-held projectile weaponry) đã được dùng khá rộng rãi trên bộ cũng như trên biển vào thời kỳ đó nhưng cụ thể loại võ khí đó ra sao thì chưa thấy ai đề cập đến. Tài liệu duy nhất miêu tả sơ qua chỉ được thấy trong tờ biểu của Nguyễn Huy Túc như sau: "Tháng 6 năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786) Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng, còn có tên là hoả hổ, có bầu (nguyên văn doanh bả) lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy, có cả hoả pháo nhưng không nhiều ".
 
Xem như thế, rất có thể quân lính của Nguyễn Huệ đã sử dụng một loại súng phóng loại này để tấn công và đốt cháy đồn quân địch dưới cái tên “hỏa hổ ”. Những loại võ khí đó không phải là một độc quyền hay bí mật quân sự mà bên kia không biết hay không chế tạo được. Có điều quân Tây Sơn vẫn nổi tiếng là phong phú về thuốc nổ và họ cũng mua được những loại thuốc súng của người Âu Châu nhạy hơn và cũng mạnh hơn của quân Thanh nên quân Tây Sơn luôn luôn có uy thế áp đảo trong những trận đánh. Chiến đấu trong tư thế áp đảo bằng lực lượng cũng như về vũ khí vốn dĩ là một lối đánh mà vua Quang Trung thường sử dụng.
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét