Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRONG TRUYỆN KIỀU

mai xuân dũng 14/9/2010
Với 3254 câu trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Hình ảnh Nhà nước phong kiến chỉ xuất hiện ba lần cụ thể bằng con người và hành động. Nhưng phảng phất ở bất kì tình tiết nào trong tuyệt phẩm của ông đều để lại dấu tích cho thấy sự dối trá, bất nhân, lọc lừa của cái cơ cấu quyền lực nhà nước phong kiến.
Phần đầu truyện Kiều là hình ảnh một Nhà nước quốc thái, dân an thịnh trị:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn bên phẳng lặng, hai kinh vững vàng
Như để minh họa thêm cho một xã hội thanh bình, truyện Kiều cho người đọc hòa vào cảnh sắc tuyệt đẹp, lung linh thơ mộng của thiên nhiên:
Cỏ non xanh rơn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Theo âm lịch, khi gió Bắc đã hết, mưa phùn đã tạnh hẳn, trời đất quang phóng, trong sáng là dịp người ta đi tảo mộ, thăm nom phần mộ tổ tiên như một dịp làm việc hiếu, và nhân thể vào hội Đạp thanh (giẫm lên cỏ):
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm…
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cuộc sống của những người hiền lương mong manh lắm. Thúy Kiều, một cô gái xinh đẹp đa tài sắc nước hương trời đang cùng gia đình vui hội thì bóng ma Đạm Tiên đã vội hiển hiện bằng một làn gió. Đọc bốn câu thơ thấy ớn lạnh gai người:
Áo ào lộc đổ rung cây
Ở trong dường có hương bay ít nhiều
Đè chừng ngọn gió lần theo
Dấu hài từng bước, rêu in rành rành
Và như để tiên báo một kiếp “đoạn trường” cho Kiều, cuộc hạnh ngộ kì ảo trong mơ với người con gái cõi âm đã đoán định cho người đang sống một tương lai sầu thảm:
Vâng trình hội chủ xem tường,
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên
Âu đành quả kiếp nhân duyên
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa…
Sự linh ứng bắt đầu rất sớm khi tai bay vạ gió như đám mây đen với cuồng phong đầy oan khuất bắt đầu đổ lên gia đình họ Vương. Bóng ma Đạm tiên thì hư ảo nhưng hình ảnh những kẻ đại diện cho Nhà nước không là bóng ma mà bằng các nhân viên công quyền hiện hữu như quỷ dữ, hung hăng bất chấp đạo lý phá tan cuộc sống êm đềm, hạnh phúc viên mãn của họ. Trong khi Thúy Kiều còn đang:
Tần ngần dạo bước lầu trang
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về
Hàn huyên chưa kịp giãi dề
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa áo ào như sôi
Và lũ côn đồ lưu manh đội lốt người Nhà nước mau lẹ “chuyên chính” ngay:
Già giang một lão một trai
Một dây vô lại buộc hai thâm tình…
Bắt bớ các thành viên của một gia đình lương thiện đi liền với việc cướp bóc công khai tài sản của họ, không từ:
…Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham…
…Rường cao giút ngược dây oan
Dẫu là đá, cũng nát gan lọ người.
Tính mạng, tài sản của dân lành bị ngang nhiên xâm hại không cần bất cứ bằng chứng nào. Chua chát thay, dân oan không thể cậy nhờ sự bảo vệ của Nhà nước vì chính nhân viên công quyền của Nhà nước đang ra tay hãm hại gia đình họ:
Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan này còn một kêu trời nhưng xa
Và động cơ thực thi luật pháp của bọn nha lại cũng không khác gì một vụ tống tiền của lũ lục lâm thảo khấu:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Một xã hội như vậy làm gì có công lý. Lẽ phải thuộc về những kẻ đang nắm quyền lực, thuộc về những kẻ biết luồn lọt kiếm chác trên đau thương tủi cực của dân lành. Đồng tiền tạo ra lẽ phải,đồng tiền khuynh loát xã hội, và:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì.
Cái Nhà nước mà kẻ trên ngai cao bất chính, lũ lâu la tắc loạn ấy đã đẻ ra một lớp người ăn theo, cổ súy, ủng hộ cho một thể chế đem lại lợi lộc cho chúng, dung túng chúng như bọn Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám sinh, Tú bà…chuyên sống phè phỡn trên nước mắt và nhân phẩm của người lao động. Chúng đã đẩy bách tính vào cảnh cơ hàn. Và các cô gái trắng trong bị bọn ma cô sinh ra bởi xã hội thối nát đã dẫn dắt, cưỡng bức họ vào con đường buôn phấn bán hương đầy tủi nhục.
Trong cuộc đời gió táp mưa sa, đôi khi những thân phận yếu hèn đã được cưu mang bởi tấm lòng nhân ái của đồng loại. Và đôi khi may mắn, tấm thân liễu yếu đào tơ được kẻ anh hùng hảo hán chở che. Đó là Từ Hải, người xứ Việt đông từng chọc trời khuấy nước “ hùng cứ một phương”. Cuộc đời Kiều những tưởng:
Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày…
Nhưng Nhà nước với quyền lực vô hạn trong tay, như lưới trời bủa vây lại chụp lên cuộc đời oan nghiệt của họ. Đau đớn thay cho kiếp sống những:
Người sao hiếu nghĩa đủ đường
Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?
Lần thứ ba trong Kiều thi tập, bóng đen hắc ám của Nhà nước phong kiến lại thể hiện ở một cấp độ cao hơn, đại diện lớn hơn lũ sai nha đã tác họa cho gia đình Kiều: đó là quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến. Biết không thể dùng binh địch được một anh hùng như Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, kẻ được coi là “kinh luân gồm tài” phải dùng đến hạ sách hèn mạt lừa người và hối lộ Thúy Kiều. Hắn lập mưu:
Đóng quân làm chước chiêu an
Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng,
Lại riêng một lễ với nàng
Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân
Kẻ đội trời đạp đất ngang tàng lại rất yếu lòng trước một người con gái. Ải mĩ nhân, quân tử há dễ bước qua? Mưu ma hèn hạ của Hồ Tôn lại được sự ngây thơ chính trị của Kiều vô tình tác động đã đưa người hùng Từ Hải sa vào cạm bẫy. Tổng đốc Hồ Tôn Hiến đã:
Kéo cờ chiêu phủ tiên phong
Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau
Từ công hờ hững biết đâu
Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên
Hồ công ám hiệu trận tiền
Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ.
Hồ Tôn Hiến đã lộ rõ là một quan chức với bản chất lật lọng tráo trở. Bộ mặt bỉ ổi của kẻ đại diện Nhà nước còn trở nên đồi bại đến ghê tởm khi ép vợ người tử trận đàn hát mua vui và không dấu diếm ý đồ dùng quyền lực chiếm đoạt thân xác. Trong khi Kiều nát lòng vì cái chết của Từ Hải, đến độ tiếng đàn của nàng trở thành:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Thì Hồ Tổng đốc:
Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình
Dạy rằng hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai…
Chỉ với ba lần xuất hiện trong truyện Kiều, bộ mặt thật của Nhà nước phong kiến phản động đã bị lột trần.
Một nhà nước như lúc đầu thi tài Nguyễn Du phác họa “ Bốn bên phẳng lặng hai kinh vững vàng” thực chất là một nhà nước phong kiến chuyên quyền, giả dối đến cùng cực, chứa chất trong lòng nó các mâu thuẫn sục sôi chờ ngày dâng trào, bùng phát.
Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng thì bản chất của Nhà nước là thống trị kinh tế, thực hiện quyền lực chính trị, cưỡng chế, tác động, áp đặt lên tư tưởng quần chúng. Nhà nước bảo vệ trước hết quyền lợi của giai cấp thống trị.
Chủ nghĩa Mác – Lê thừa nhận: Nhà nước không phải là một chủ thể bất biến, vĩnh cửu mà có quy luật sinh, tồn, tiêu vong. Nhà nước tồn tại hay tiêu vong tùy thuộc vào thể chế chính trị, chính sách dân chủ thực sự hay phản dân chủ của nó. Quy luật tất yếu của lịch sử đã được thực tế chứng minh: Rất nhiều đời vua chúa, rất nhiều chế độ chính trị hà khắc trên thế giới đã sụp đổ vì chính bản thể mục ruỗng của nó.
“Cảo thơm lần giở trước đèn”, xem lại vài câu Kiều để ngẫm ngợi chuyện đời sau, trước.
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét