Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

KHI HỘI NUÔI ONG TRAO GIẢI THƯỞNG CHO CUỐN SÁCH VIẾT VỀ HỘI NUÔI BƯỚM



Trần Mạnh Hảo

 Truyền rằng, thời vua Lê Ngọa Triều ( Lê Long Đĩnh : 986-1009, làm vua 04 năm : 1005-1009, chết lúc 24 tuổi) đưa tà thuyết Các Tư Như bên Tàu về chủ trương lấy nói dối làm quốc sách, lấy đểu giả làm đạo đức, lấy tù ngục làm tự do, bắt các làng các ấp đều phải ăn chung, làm chung, ngủ chung…khiến dân tình xã tắc loạn lạc, đói khổ lầm than, trộm cắp hoành hành, tử khí bốc mù trời…

Bấy giờ có ông phú hộ miền Vĩnh Yên tên là Có Cung sinh được quý tử tên là Có Cầu khôn ngoan dĩnh ngộ ma quỷ còn ghen tị. Có Cầu năm 16 tuồi đã đậu trạng nguyên khoa thi nói dối cấp quốc gia, được nhà vua trọng dụng, ban nhiều gấm vóc lụa là, gái đẹp rượu ngon khôn xiết kể…

Có Cầu biết nhà vua khoái uống mật ong nên lập ngay “Hội nuôi ong” thu hút hàng vạn hội viên, đặng cung cấp mật ong thứ thật cho vua. Vua khoái khẩu, bèn phong cho Có Cầu giữ chức chủ tịch “Hội nuôi ong” vĩnh viễn. Một hôm, có kẻ ghen ghét Có Cầu tâu gian rằng : Có Cầu đang toan Lập “Hội nuôi ong tay áo”, đặng âm mưu làm phản. Vua bèn tính chặt đầu Có Cầu, nhưng khi gọi y vào triều, Có Cầu tuy “ mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run” vẫn dẻo miệng, giỏi đánh đáo lưỡi, xin với vua thay tiêu chí “Hội nuôi ong” từng ghi là “tổ chức xã hội nghề nghiệp” nay ghi cho đúng hơn : rằng : “Hội nuôi ong là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp’’…  tuyên thệ ngàn đời hội viên hội nuôi ong trung thành với nền chính trị nhà Tiền Lê…

Thế là các hội bạn, như “ Hội nuôi vẹt”, “ Hội nuôi bướm”, “ Hội gái làng chơi”, “ Hội đa thê”, “ Hội bàn đèn”, “ Hội gãi háng” ( thơ Thanh Thảo)… sợ xám mặt, tất cả đều theo gương “ Hội nuôi ong” của chủ tịch Có Cầu mà chua thêm từ “chính trị” lên trước từ “xã hội nghề nghiệp” cho đẹp lòng vua; ví như “Hội làng chơi” thì tiêu chí ghi : “ Hội làng chơi là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp…”

Năm ấy, chủ tịch Có Cầu hứng chí bèn tổ chức cuộc thi cho mọi hội viên “Hội nuôi ong” và bàn dân thiên hạ các hội khác, rằng ai tham gia viết một cuốn sách khảo cứu về ong hay nhất, sẽ được trọng thưởng giải nhất 20 ngàn quan tiền, giải nhì tặng thưởng 10 ngàn quan tiền và sẽ được gọi là nhà ong học hay tiến sĩ con ong. Có học giả hội viên “Hội nuôi bướm” tên là Phó Văn Chiến viết cuốn “ Bướm luận” cực hay gửi qua Hội nuôi ong dự thi. Thế quái nào cuốn “ Bướm luận” viết hay quá, khiến các quan chấm thi giải “ Ong luận” mờ mắt không còn biết đấy là ong hay bướm nữa, bèn cho cuốn viết về Bướm trúng giải thưởng cuộc thi về ong, làm dư luận khắp nước bất bình phản đối về vụ lạc đề này…

 Từ chuyện cuốn “ Bướm luận” được giải trong cuộc thi viết về loài ong đến nay kể đã hơn 900 năm rồi, ai dè đầu năm 2013 này, chuyện lộn sàn ong với bướm lại xảy ra, khiến kẻ viết bài này thất kinh viết tiếp rằng…

Đầu tháng 01- 2013, Hội nhà văn Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thỉnh làm chủ tịch ( hình như ông sẽ làm chủ tịch Hội này suốt đời) tuyên bố rằng cuốn : “Đa cực và điểm đến” ( NXB Hội Nhà Văn -2012) đã được số phiếu tuyệt đối ban Sơ khảo và chung khảo , trúng giải thưởng cao nhất năm 2012 của Hội; Ban sơ khảo và chung khảo bỏ phiếu 100% cho cuốn này của Văn Chinh gồm 18 vị sau :
DANH SÁCH 9 THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN PHÊ BÌNH LÀM NHIỆM VỤ SƠ KHẢO:
1- Nhà thơ, nhà LLPB LÊ THÀNH NGHỊ 
2- Nhà LLPB DƯƠNG TRỌNG DẬT
3- Nhà LLPB NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP 
4- Nhà LLPB TRỊNH BÁ ĐĨNH
5- Nhà LLPB HỒ THẾ HÀ
6- Nhà LLPB MAI QUỐC LIÊN
7- Nhà LLPB CHU VĂN SƠN 
8- Nhà LLPB TRẦN ĐÌNH SỬ
9- Nhà LLPB LƯU KHÁNH THƠ
DANH SÁCH 9 ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH LÀM NHIỆM VỤ CHUNG KHẢO NĂM 2012:
1)- Nhà thơ Hữu Thỉnh
2)- Nhà văn Nguyễn Trí Huân
3)- Nhà LLPB Lê Quang Trang
4)- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
5)- Nhà LLPB Phan Trọng Thưởng
6)- Nhà văn Đào Thắng
7)- Nhà văn Đình Kính
8)- Nhà thơ Văn Công Hùng
9)- Nhà văn Vũ Hồng
http://vanangiang.vnweblogs.com/post/22434/401382
31 bài viết trong tập : “ Đa cực và điểm đến” của Văn Chinh lạ thay, chưa thể gọi là những bài lý luận phê bình văn học đích thực được vì nó thiếu tính sáng tạo, thiếu tính phát hiện, thiếu chất văn, thiếu tính khái quát, lại tỏ ra khá sai lạc nhiều kiến thức, ngay cả chuyện câu cú hành văn vẫn còn nhiều sai sót.

Văn Chinh trước khi về hưu là một nhà báo chuyên về trang văn hóa văn nghệ. Những bài báo viết ra để lấp chỗ trống cho trang văn hóa văn nghệ về đề tài văn học được Văn Chinh tập hợp lại in ra thành cuốn sách này.

Đâu phải cứ viết về đề tài văn học thì đều thành tác phẩm văn học. Nếu như thế thì hàng nghìn cuốn sách của các GS.TS. văn học từ năm 1954 do các đại giáo sư : Đặng Thái Mai, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Thanh Đạm, Bùi Duy Tân, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Phương Lựu…viết  đều là những tác phẩm văn học ở thể loại lý luận phê bình văn học cả ư ?

Trong những người soạn sách giáo khoa văn học Việt Nam trong thế kỷ 20, chỉ có cuốn “ Việt Nam văn học sử yếu” ( 1941) của GS. Dương Quảng Hàm xứng đáng được coi là một tác phẩm văn học. Ngoài ra, hàng trăm cuốn sách giáo khoa văn, các sách dạy học văn, bình văn của các vị GS. kể trên chưa có cuốn nào đáng được gọi là tác phẩm văn học cả. Ngay cả khi trao cho các vị trên giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng nhà nước về công trình khoa học cũng còn chưa xứng đáng; vì các vị hầu hết đều là những nhà sai học, viết ra nhiều luận điểm phi khoa học…mà kẻ viết bài này trong gần 20 năm đã viết gần 300 bài báo để phê bình các đại giáo sư văn học và các đại tiến sĩ văn học khác…

Xin quý độc giả vào công cụ tìm kiếm http://google.com đánh tên bài viết của chúng tôi : “ GS. Hà Minh Đức được sắp được hai giải thưởng Hồ Chí Minh về một công trình không phải khoa học, cũng không phải văn học” để có bằng cứ chứng minh.


Ngay cả một Viện văn học hiện do GS.TS. Nguyễn Đăng Điệp ( thành viên ban sơ khảo Hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn VN) làm viện trưởng cũng chưa hiểu được ngữ nghĩa từ “Văn học” mà gọi một viện làm nhiệm vụ nghiên cứu văn học là “Viện văn học”. Xin xem bài của chúng tôi qua công cụ tìm kiếm http:// google.com :” “Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo gửi Viện trưởng viện văn học”


Cuốn sách “ Đa cực và điểm đến” này của Văn Chinh thực ra chỉ là một cuốn sách ở thể loại báo chí, tuyệt nhiên chưa phải là cuốn sách của môn lý luận phê bình văn học, để đến nỗi trong “ Báo cáo tổng kết lễ trao giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam 2012”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phó chủ tịch Hội nhà văn kiêm CHỦ SOÁI TRƯỜNG THƠ TÂN CON CÓC VIỆT NAM chém gió những lời tụng ca về cuốn sách trên của Văn Chinh bằng như sau :

“Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh là cách nhìn của một nhà văn với đời sống văn học Việt Nam đương đại. Cách viết phê bình của một người trực tiếp sáng tác mà cụ thể ở đây là Văn Chinh luôn tìm cách ra sát đường biên hoặc vượt ra ngoài đường biên của lý lẽ nhiều lúc khô cứng để chạm vài những vùng mờ tối của văn bản. Chính cách này đã giúp cho người đọc có cơ hội lọt được vào những vùng mờ tối của con người nhà văn hay vùng mờ tối của văn bản nghệ thuật.”


Chính ra cuốn “ Đa cực và điểm đến” của Văn Chinh phải để cho Hội nhà báo Việt Nam xét giải thưởng vì nó ở thê loại báo chí, tuyệt nhiên không thể gọi nó là thể loại phê bình văn học được.

Cho hay, việc trông gà hóa cuốc tưởng là việc nói chơi, ai dè các hội đồng, các ban chung khảo giải thưởng văn học của ban lãnh đạo Hội nhà văn vì trình độ quá yếu kém, lại bị hội chứng mờ mắt vì vinh quang, trông ong lại tưởng bướm, nhìn sách ở thể loại báo chí lại nhầm là sách ở thể loại văn học nên đã trao giải thưởng nhầm ơi là nhầm cho Văn Chinh, từ nhà báo tò te thành là lý luận phê bình văn học hàng đầu củ Hội…he he  he…

Nhân đây, Trần Mạnh Hảo tôi xin lấy hết niềm can đảm của một con cáy mà khuyên anh Hữu Thỉnh rằng : trước tết, anh Thỉnh cần mua vài chục trứng gà con so, thêm buồng cau đẹp, bỏ vào cái làn mây đem đến nhà nữ sĩ Y Ban ( một nhà báo giỏi và một nhà văn khá giỏi) biếu bà ấy, xin mời bà ấy ra giêng thương Hội mà bớt chút thì giờ, bỏ ra hai tiếng đồng hồ, đế giảng cho Hội đồng lý luận phê bình văn học và Ban chung khảo giải thưởng văn học của Hội 2012 biết VĂN và BÁO khác nhau ra sao nhé, thưa anh Thỉnh .,.

Sài Gòn 03-02-2013

Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét