Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

150 năm nhìn lại Điều ước Nhâm tuất (1862) hay là cuộc “cắt đất giảng hòa”


Đào Tiến Thi


Tan nhà cám bởi câu ly hận
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta
(Phan Văn Trị)


I- VÀI NÉT VỀ NƯỚC VIỆT NAM TRƯỚC NGÀY LIÊN QUÂN PHÁP – TÂY BAN NHA TẤN CÔNG ĐÀ NẴNG (1-9-1858)


(Một bức tranh mô tả trận chiến 1858 tại bán đảo Sơn Trà của một người Pháp. Ảnh:Internet)

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng triều Nguyễn Quang Toản của nhà Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn. Đất nước sau mấy chục năm loạn lạc và chia cắt được hòa bình và thống nhất. Lần đầu tiên, non sông liền một dải hình chữ S như ngày nay.
Dưới thời Gia Long (1802 – 1819) và Minh Mạng (1820 – 1840), chế độ phong kiến tập quyền được củng cố tương đối vững mạnh. Các đơn vị hành chính được phân chia lại một cách quy củ (hầu hết các tỉnh thời Minh Mạng vẫn còn giữ đến ngày nay, chỉ có phạm vi hẹp hơn). Chính sách đất đai được chú trọng, tất cả đất cũ và đất mới khai phá đều được quy hoạch, phân loại, có sổ điền bạ biên chép. Nhà Nguyễn chú trọng khẩn hoang và đất khẩn hoang đến đâu thì dân được sở hữu đến đó. Về quân đội, thời kỳ đầu, dưới thời Gia Long và Minh Mạng, nhà Nguyễn có lực lượng quân đội khá mạnh, nhất là thủy quân (thời Gia Long có 200 chiến hạm trang bị đại bác). Cũng thời Gia Long và Minh Mạng, quân nhà Nguyễn áp đảo cả quân Tiêm  La (Thái Lan) trong những cuộc can thiệp vào Ai Lao (Lào) và Miên (Campuchia).
Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, triều Nguyễn đã bộc lộ những mặt phản động.
Thứ nhất, đó là việc thiết lập chế độ chuyên chế. Sự chuyên chế đó bộc lộ tập trung ở Bộ luật Gia Long. Bộ luật Gia Long gần như sao chép lại bộ luật của nhà Thanh, mà luật này nhằm duy trì sự thống trị của người Mãn đối với người Hán. Đó là sự thống trị của dân tộc đi chinh phục đối với dân tộc thua trận nhưng kẻ chinh phục lại có trình độ phát triển thấp hơn kẻ bị chinh phục. Do đó nó phải đặt ra luật lệ thật hà khắc nhằm trấn áp mọi sự nổi dậy. Nhưng thực ra nhà Nguyễn đã lầm. Càng hà khắc thì sự chống đối càng mạnh. Thời Nguyễn là thời của khởi nghĩa nông dân. Từ 1802 đến 1862 có 40 cuộc khởi nghĩa, trong đó có những cuộc khởi nghĩa lớn làm điên đảo triều đình, như của Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi,Đoàn Trưng, Tạ Văn Phụng, Cao Bá Quát...

 
       (Quân Pháp tấn công thành An Hải Đà Nẵng 1858 Ảnh: Internet)

Về luật “Tứ bất” (không có tể tướng và trạng nguyên, không lập hoàng hậu và thái tử) đến nay người ta còn tranh cãi có hay không có luật này thời Nguyễn nhưng có một sự thật là triều Nguyễn không có các chức danh trên, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ Gia Long (có lẽ do là vua đầu triều), Nam Phương hoàng hậu, vợ Bảo Đại (ông vua cuối cùng, theo Tây học, có ý định lập chế độ quân chủ lập hiến). Điều này cho thấy, dù luật không cấm thì thực tế triều đình Nguyễn không cho các chức danh này tồn tại, vì sợ dẫn đến phân quyền. Trong “tứ bất” thì đáng chú ý là bất tể tướng và bất trạng nguyên, tức là nước nhà thiếu những người xuất sắc nhất bên cạnh nhà vua, cho nên nhà vua định đoạt tất cả, dẫn đến hoặc là tồn tại những ông vua độc đoán, tàn ác (Gia Long, Minh Mạng), hoặc là những ông vua do dự, không biết quyết thế nào khi quần thần có lắm ý kiến khác nhau. Trường hợp sau chính là Tự Đức. Trong tình thế đất nước lâm nguy, Tự Đức rơi vào tình trạng bối rối và hoảng loạn không ngừng, do đó không có một quyết định nào dứt khoát.
Thứ hai, đó là chính sách bế quan tỏa cảng. Bế quan tỏa cảng không chỉ là chuyện cấm tự do thông thương với người “Tây dương” (Phương Tây), cấm đạo, giết đạo, mà còn thể hiện ở việc đóng kín với mọi tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài. Trừ vài người có tư tưởng tiến bộ (Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch) do may mắn đi ra nước ngoài, còn nhìn chung tất cả vua tôi nhà Nguyễn đều cho rằng mọi thứ đều có thể tìm trong sách Khổng, Mạnh, Trình, Chu rồi. Họ sợ rằng các yếu tố văn minh bên ngoài sẽ làm lung lay chế độ chuyên chế. Nên nhớ rằng đương thời một nước láng giềng của ta là Thái Lan, ban đầu có hoàn cảnh lạc hậu tương tự ta, thậm chí kém ta, nhưng họ đã biết mở cửa làm ăn với Phương Tây và tiếp thu các giá trị Phương Tây nên họ đã giữ được độc lập và phát triển đất nước theo con đường văn minh, tiến bộ. Còn ta, tình trạng ngày càng tồi tệ, và trong cơn nguy cấp của dân tộc, vua quan nhà Nguyễn vẫn còn đi cầu viện nhà Thanh, vì vẫn tưởng Trung Hoa là chúa tể thiên hạ!
Thứ ba, nguy cơ xâm lược của Phương Tây ngày càng gần, nhưng việc binh bị không được hiện đại hóa. Lực lượng quân sự đã khá mạnh ở thời Gia Long và Minh Mạng thì lại suy yếu dần ở thời Thiệu Trị và Tự Đức. Lý do chính là khó khăn kinh phí. Mặt khác quân lính bị huy động đi “tiễu giặc” (chủ yếu là đàn áp nông dân khởi nghĩa) triền miên cho nên nhọc mệt, khi lâm sự khó bề chống đỡ. Và vì thiếu lương nuôi quân nên quân lính thời Tự Đức phải thay nhau “về phòng”, chỉ có một số ít quân thường trực.
Trong buổi đầu, với những ông vua có bản lĩnh như Gia Long, Minh Mạng, và do áp lực xâm lược của Phương Tây chưa lớn nên chính sách phản động trên chưa bộc lộ nặng nề. Nhưng đến thời Tự Đức (1847 – 1883), thời kỳ phải đối phó quyết liệt với cả “thù trong” (khởi nghĩa nông dân) và giặc ngoài (cuộc xâm lược của thực dân Pháp, những cuộc cướp bóc của các đầu lĩnh người Tàu suốt một dải thượng du Bắc Bộ và vùng ven biển Đông Bắc) thì Tự Đức và các bề tôi của ông ta đã bối rối như gà mắc tóc chỉ vì tự trói mình trong cái vòng kim cô Khổng, Mạnh, Trình, Chu nói trên để rồi chuốc lấy thất bại ê chề (sẽ trở lại vấn đề này ở mục II và III).
II- BUỔI ĐẦU CHỐNG THỰC DÂN (1858 – 1862) VÀ HÒA ƯỚC NHÂM TUẤT
1. Chiến trường Đà Nẵng (1858)
Ngày 15-4-1847, nhân việc Thiệu Trị xử tử hình mấy giáo sỹ người Pháp, hải quân Pháp cho chiến hạm đến bắn phá tàu thuyền Việt Nam ở cửa biển Đà Nẵng rồi bỏ đi. Thiệu Trị trút tức giận vào việc ban hành thêm sắc dụ cấm đạo và giết đạo hơn là lo lắng đối phó trước nguy cơ một cuộc xâm lược.
Từ đó, suốt những năm cuối bốn mươi và những năm mươi của thế kỷ XIX, quân Pháp liên tiếp có những vụ gây hấn vùng ven biển. Tự Đức nhận thấy nguy cơ xâm lược nên tăng cường bố phòng cho các cửa biển trọng yếu. Tuy nhiên, vũ khí thì lạc hậu, quân đội thì thiếu luyện tập cho nên hiệu quả rất thấp. Hầu hết các cuộc bắn thử đều thất bại, nhưng Tự Đức cũng chỉ khiển trách bằng... thơ mà thôi!
Đêm 31-8 rạng ngày 1-9-1858, 12 chiến thuyền của Liên quân Pháp – Y Pha Nho (Tây Ban Nha) tấn công cửa biển Đà nẵng. Đồn phòng thủ Anh Hải và Điện Hải được xây dựng khá công phu nhưng nhanh chóng bị vỡ. Giặc chiếm được bán đảo Sơn Trà. Tự Đức lo sợ vội điều thêm quân, giáng chức một số tướng lĩnh thua trận, điều Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam lo việc chống giữ. Nguyễn Tri Phương cho xây lũy dài từ Hải Châu đến Phúc Ninh. Nhân dân Sơn Trà làm “vườn không nhà trống” khiến cho địch mất cơ sở hậu cần cho chiến tranh. Sau 5 tháng chiếm đóng, giặc lâm vào tình thế đói khát, bệnh tật và bị chết dịch khá nhiều.
Nhưng đáng tiếc là Nguyễn Tri Phương vẫn chỉ lo đóng giữ chứ không tổ chức phản công để tiêu diệt lực lượng mỏi mệt này, để cho chúng quay vào đánh Gia Định, trong khi vẫn để một lực lượng nhỏ đóng giữ cầm chân quân triều đình.
2. Chiến trường Gia Định và miền Đông Nam Kỳ (1859 – 1862)
Khi đánh Đà Nẵng, quân xâm lược chủ trương đánh nhanh thắng nhanh, tức là sau khi chiếm được Đà Nẵng sẽ tiến thẳng lên Huế, buộc triều đình đầu hàng. Nhưng quân đội nhà Nguyễn (có sự hưởng ứng tích cực của nhân dân) không yếu như chúng tưởng. Giáo dân cũng không nổi dậy làm nội ứng như dự định. Thế mạnh của đội quân viễn chinh mau chóng chuyển thành thế yếu: không đủ lực lượng chống giữ, không đủ hậu cần nuôi quân, lại thêm bệnh dịch do không hợp thủy thổ. Nay tính nước chuyển quân vào Gia Định, kẻ xâm lược đã chuyển hướng sang đánh lâu dài, chiếm từng phần, bao vây, chia cắt nước ta rồi mới thôn tính hoàn toàn. Chọn Gia Định thật là đắc địa cho chúng. Vì Gia Định hay Nam Kỳ nói chung là nơi đất rộng người thưa, xa trung tâm triều đình, sức đề kháng yếu hơn. Và đây lại là vựa thóc của Việt Nam, sẽ là nơi nuôi quân lâu dài.
Ngày 10-2-1859, quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công các vị trí phòng thủ ven biển thuộc Gia Định, Biên Hòa, sau đó tàu chiến ngược sông Cần Giờ triệt hạ dần các đồn hai bên bờ sông và tiến sát thành Gia Định. Sáng 17-2, đại bác từ tàu chiến bắn vào thành và sau đó chúng đổ bộ chiếm thành. Quân ta vỡ trận, nhiều tướng bỏ chạy, Hộ đốc Vũ Duy Ninh, Án sát Lê Từ tự vẫn. Thành Gia Định mất.
Tuy nhiên quân Pháp không đủ sức đánh chiếm rộng. Chúng để một ít quân giữ thành rồi kéo quân trở lại Đà Nẵng (5-1859). Nhưng tại Đà Nẵng, chúng không thể tiến sâu hơn. Bên chính quốc, Pháp đang bận đánh nhau với Áo, không thể tiếp viện. Tướng Rigaul de Genouilly (R.Giơ-nui-ly) cho tàu chiến bắn phá một số tỉnh ven biển từ Bình Định đến Quảng Bình rồi xin “hòa” (1-1860). Điều kiện hòa không đến nỗi thiệt quá cho triều đình, chủ yếu là yêu cầu triều đình chấm dứt việc cấm đạo, giết đạo và cho người Pháp vào thông thương, đổi lại người Pháp trả lại Gia Định. Nhưng triều đình không cho hòa, mà cũng không lợi dụng thời cơ phản công. Pháp quốc cho gọi Genouilly về và Page (Pa-giơ) sang thay. Lúc này, quân Pháp tham gia trong liên quân ở chiến trường Hoàng Hải (Trung Quốc) đang gặp khó khăn. Page bỏ hẳn Đà Nẵng, chỉ để lại một ít quân ở Gia Định, còn rút hầu hết lực lượng sang Trung Quốc (3-1860).
Triều đình liền lệnh cho Nguyễn Tri Phương dời Đà Nẵng vào Gia Định. Quân Pháp ở Gia Định còn chưa đầy 1000, lại luôn luôn bị các đội nghĩa binh tự phát của nhân dân quấy rối, nhưng hơn 10.000 quân của Nguyễn Tri Phương vẫn án binh bất động. Ông chỉ dồn sức xây đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa).
Đầu năm 1861, sau khi giải quyết xong việc ở Trung Quốc, quân Pháp quay trở lại Gia Định. Ngày 23-2-1861, Pháp dùng 3.500 quân, 70 tàu chiến đánh phá đồn Kỳ Hòa. Sau hai ngày kịch chiến, quân Pháp chết 300 tên nhưng quân ta bị thiệt hại quá nặng. Nguyễn Duy (em Nguyễn Tri Phương) hy sinh, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, phải lui về điều trị. Quân ta bỏ Gia Định về Biên Hòa. Tháng 12-1861, quân Pháp đánh chiếm Định Tường, rồi Biên Hoà (thế là hết 3 tỉnh miền Đông) và Vĩnh Long (2-1862) thuộc miền Tây. Trong những trận này, quân triều đình chống cự yếu ớt. Chỉ có các đội dân binh tự phát là gây cho địch khó khăn đáng kể. Người ta thường nhắc đến trận đánh của nghĩa binh Cần Giuộc ngày16-12-1861 (sau trận này Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc để tế các nghĩa quân hy sinh).
3. Hòa ước Nhâm tuất (1862)
 
 Trước cửa kinh thành Huế (ảnh Internet)
Tại vị trí này, ngày 16 tháng 4 năm 1863, đã diễn ra cuộc tiếp đón phái đoàn của đô đốc Bonard 


Mất 3 tỉnh miền Đông, triều đình lâm vào bối rối. Lâm Duy Thiếp, Phan Thanh Giản xin đi sứ thương nghị và ngày 5-6-1862, một “hòa ước” mang tên “Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị” đã được nhanh chóng ký kết giữa đại diện “ba nước” – Việt nam, Phú Lãng Sa (Pháp) và Y Pha Nho (Tây Ban Nha).
Hiệp ước gồm 12 điểm, trong đó có những điểm thiệt hại nặng nề cho triều đình, đó là:
- Cắt nhượng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và phải để người Tây dương (ở đây là Pháp và Tây Ban Nha)  tự do thông thương trên sông Mê Kông.
- Dân 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên (miền tây) được tự do thông thương nhưng không được vận chuyển vũ khí, thuốc đạn, lương thực vào vùng đất đã nhượng cho nước Pháp.
- Việt Nam muốn ký hiệp ước với nước nào phải được sự đồng ý của Pháp.
- Triều đình bồi thường chiến phí 4 triệu đô la (nhưng Việt Nam không có đô la nên quy ra 280 vạn lạng bạc Việt Nam), trả dần trong thời gian 10 năm.
Phần triều đình chỉ được mỗi một khoản là phía Pháp trả lại thành Vĩnh Long (thuộc miền Tây) 
III- NHỮNG HỆ LỤY CỦA HÒA ƯỚC NHÂM TUẤT (Thay lời kết)
1. Khoản bồi thường chiến phí quá nặng đã làm cho ngân khố quốc gia đã kiệt quệ càng thêm kiệt quệ. Bắc Kỳ và Nam Kỳ là hai nơi chính cung cấp nguồn lực cho quốc gia thì Bắc Kỳ thời Tự Đức luôn bị nạn vỡ đê (do đê điều không được chú trọng) và đặc biệt là Bắc Kỳ triền miên trong giặc giã (khởi nghĩa nông dân các toán giặc thổ phỉ Trung Hoa làm mưa làm gió), còn Nam Kỳ vốn là “thiên phủ” (kho trời) hết sức giàu có nhưng nay một nửa đã thuộc về quân giặc, nửa còn lại bị cắt rời trơ trọi, lo cho mình chưa xong còn sức đâu đóng góp cho quốc gia.
Trong một bức thư gửi phía Pháp tháng 5-1863, Tự Đức phải than thở nhằm cố khơi gợi chút thương cảm của kẻ thù: “Về ước cũ, khoản bồi thường số bạc cho quý quốc là 400 vạn đồng chi trả 10 năm cho đủ, mỗi năm phải giao 40 vạn đồng. Nhưng hãy nghĩ 3 – 4 năm nay đánh nhau, quý quốc tuy có phí tổn, nhưng nước tôi thì tốn nhiều hơn, huống chi từ năm ngoái đến năm nay, Bắc Kỳ nước tôi cũng có việc đánh dẹp (khởi nghĩa nông dân và giặc thổ phỉ Tàu – ĐTT), quân nhu tốn kém nhiều, khoản bạc bồi trong 10 năm thực không bồi nổi. Yêu cầu châm trước triển hạn làm 20 năm chia trả cho đủ thì mới có thể theo đúng hẹn trù liệu để bồi” (Đại nam thực lục, tập 7, NXB Giáo dục, 2007).
2. Quân xâm lược có nơi đứng chân để tiến hành từng bước cuộc xâm lược. Trước kia quân Pháp chỉ ở dưới tàu hoặc co cụm trong vài vị trí chiếm được đầy bất an, nay thì chúng có hẳn một vùng rộng lớn. Nên biết rằng ba tỉnh miền Đông thời đó – Gia Định, Định Tường, Biên Hòa – tương đương với địa bàn 6 tỉnh ngày nay là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Tp. Hồ Chí Minh. Đây là một vùng giàu có và đặc biệt có cửa biển Cần Giờ là một cửa biển sâu rộng, nơi tàu lớn của châu Âu ra vào dễ dàng, được coi là “cổ họng của nước ta”. Vì thế, ngay từ khi được 3 tỉnh miền Đông, thực dân Pháp đã bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng giáo dân để làm kế lâu dài cho cuộc xâm lược.
3. Lực lượng kháng chiến bắt đầu phân hóa. Nếu trước kia trong triều đình những người theo “chủ chiến” và “chủ hòa” (đầu hàng) còn chưa rõ ràng thì từ nay bắt đầu chia rẽ và mỗi bên đều tìm cách giành quyền kiểm soát. Tuy nhiên, ngay từ đầu đã cho thấy phái chủ hòa chiếm đa số. Ví dụ, ngày 3-8-1862 có một cuộc bạo động tại kinh thành Huế nhằm giết những kẻ chủ hòa như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành và phản đối Hòa ước Nhâm Tuất nhưng đã bị đàn áp nhanh chóng. Lâm Duy Thiếp và Phan Thanh Giản, hai người đại diện cho triều đình đứng ra đàm phán và ký hòa ước sau đó có bị nhà vua khiển trách: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của muôn nghìn đời vậy” (Đại nam thực lục, sđd). Nhưng phê thì phê vậy, Tự Đức vẫn giao cho hai viên đại thần này “lập công chuộc tội” bằng phương pháp “hòa” mà thời ấy hay gọi là “dùng tài biện bác” để lấy lại đất đai đã mất. Rồi sau đó lại cho họ sang tận Pháp xin chuộc đất (tháng 6-1863). Cuộc thương lượng chuộc đất giằng dai, tốn kém nhưng cuối cùng cũng không thành. Chưa kể các quan đại thần ta sau chuyến đi sứ càng hoang mang khiếp sợ trước nền văn minh của “Tây dương” (nhưng vẫn khước từ canh tân đất nước).
Vị lão tướng Nguyễn Tri Phương cũng phản ứng khá gay gắt việc việc ký hòa ước. Ông nói: “Thanh Giản, Duy Thiếp lại bảo việc hòa nghị đã xong, có thể ngồi mà trông thấy giàu mạnh. Tôi cho rằng sau khi đã hòa rồi, tài lực ngày một hết, làm sao mà giàu mạnh được?” (Đại nam thực lục, sđd). Chán nản và thất vọng, mấy lần Nguyễn Tri Phương xin hưu. Tự Đức phải khuyên mãi ông mới ở lại. Tháng 11-1864, sỹ tử ba trường thi hương – Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên – biểu tình phản đối hòa ước Nhâm tuất. Họ họ hò reo ầm ĩ, không chịu vào thi mà đòi bàn việc chính trị. Một số người bị bắt và bị tù.
Về phía nhân dân kháng chiến, nếu như trước kia các đội nghĩa binh tự phát đứng lên đánh giặc có sự phối hợp với quân triều đình thì từ nay theo lệnh triều đình họ buộc phải giải binh trong những vùng đất đã nhượng cho Pháp. Những đội quân còn tiếp tục chiến đấu trở nên “bất hợp pháp”. Điển hình là trường hợp Trương Định. Ông đã lựa chọn con đường ở lại cùng nhân dân kháng chiến chứ không chịu về triều nhận phong chức mới nên bị nhà vua cách tuột hết phẩm hàm.
4. Hậu quả trực tiếp của việc cắt 3 tỉnh miền Đông là làm mất nốt ba tỉnh miền Tây. Ba tỉnh miền Tây – Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên – là vùng đất xa xôi nhất của Tổ quốc, được khai thác muộn màng (thế kỷ XVIII). Ở đấy chủ yếu là rừng hoang, lực lượng ta còn thưa thớt, nay lại bị cắt rời khỏi Tổ quốc, lâm vào tình thế cá nằm chốc thớt. Chưa kể miền Tây Nam Kỳ từ khi quân Pháp gây hấn lại còn thường xuyên bị các toán giặc Miên (Campuchia) lợi dụng cơ hội từ bên kia biên giới tràn sang quấy rối, phụ họa với quân Pháp khiến quan quân triều đình phải đánh dẹp nhiều phen vất vả. Và đến năm 1863, vua Miên đầu hàng Pháp thì 3 tỉnh miền Tây càng trong thế bị bao vây cô lập.
Vì thế, khi thực dân Pháp bội ước, tấn công 3 tỉnh miền Tây (1867) thì Kinh lược sứ miền Tây là Phan Thanh Giản đã buông súng, giao tất cả thành trì cho giặc.
Lục tỉnh Nam Kỳ từ đây trở thành lãnh thổ “Pháp quốc”. Tất cả cuộc tấn công về sau đối với Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều được chỉ huy từ tổng hành dinh Gia Định và đất Nam Kỳ trở thành “căn cứ địa” giúp cho thực dân Pháp hoàn tất cuộc thôn tính Việt Nam.
Đất miền Nam trở thành thuộc địa
Pháp bắt đầu nghĩ kế an dân
Chính quyền quan lại đặt dần
Hương, ấp chiêu mộ Việt gian tham tiền.
Tỉnh Gia Định, Trấn Biên thay đổi
Chọn Sài Gòn đất mới làm kinh
San đường, lập chợ, xây thành
Khơi sông, lập cảng, dựng nhanh nhà tù.
Dinh Toàn quyền làm khu Soái Phủ
Lập nhà thương, mở phố bán buôn
Xây cầu, đường sá, khai mương
Nhà thờ Thiên chúa, gác chuông chọc trời...
( Đại Việt sử thi)

Tài liệu tham khảo chính
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. Dương Kinh Quốc: Việt Nam, những sự kiện lịch sử (1858 – 1918)
3. Đinh Xuân Lâm (chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2 (tái bản lần thứ 12), NXB Giáo dục, 2010
4. Nguyễn Q Thắng - Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1999.
5. Nguyễn Văn Nam: Lịch sử Việt Nam, NXB Thời đại, 2010
6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục, 2007.
7. Phan Bội Châu: Việt Nam vong quốc sử ; Việt Nam quốc sử khảo, in trong Phan Bội Châu toàn tập (tập 2, tập 5), NXB Thuận Hóa, 2001.
8. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng (tái bản), 2003.
9. Yoshiharu Tsuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 – 1885), NXB Tri thức, 2011.

Đăng bởi Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét