Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012
THƯ NGỎ GỬI TRUNG TƯỚNG TRẦN HANH, CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
Đào Tiến Thi
(Bài từ Blog Quê Choa)
Kính gửi chú Trần Hanh
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Thưa chú, vào từ điển mở Wikipedia tìm mục từ “Trần Hanh”, thấy chú sinh năm 1932 (năm nay tròn tám mươi tuổi), vả lại, ngay từ lúc cắp đến trường làng, cháu đã được nghe tên tuổi chú, người anh hùng phi công đã từng bắn rơi và chỉ huy đồng đội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời miền Bắc, cho nên trong thư này cháu xin phép được xưng hô thân mật như trên.
Tiếc rằng, lần đầu tiên nói chuyện với chú lại là một chuyện không lấy làm vui; trái lại còn là một chuyện đáng buồn và đầy phẫn nộ mà cháu kể dưới đây.
Thưa chú, khoảng 9 giờ 15 sáng ngày 18-4-2012, TS. Nguyễn Xuân Diện, một cán bộ viện Hán Nôm bị một nhóm 6 người tự xưng là thương binh kéo đến đe dọa. Lý do họ nêu ra là họ phản đối bức thư do TS. Diện và một số trí thức khởi xướng gửi Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu chính phủ Nhật không viện trợ cho Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, bởi vì chính tại Nhật Bản, để đảm bảo an toàn, tất cả các nhà máy điện hạt nhân đã được lệnh đóng cửa, cớ gì họ lại đem sự nguy hiểm này đến nhân dân Việt Nam.
Trong bài này cháu chưa bàn sự đúng sai của lá thư trên. Cháu chỉ muốn nói ở đây có hai sự việc bất bình thường.
Thứ nhất là cách làm của nhóm thương binh này. TS. Diện kể rằng họ xông thẳng vào phòng, “gào lên và nói những lời vô cùng khiếm nhã, thậm chí còn tụt quần nằm tơ hơ giữa phòng làm việc trước mặt lãnh đạo Viện” ; “một người trong nhóm thương binh đó đã đập vỡ một cái cốc, và cầm một cái bình cứu hỏa lên định đánh vào một nhân viên thư viện, nhưng may quá cả hai cú đánh đó nhân viên của tôi đều tránh được cho nên không có thương tích gì” (bài Tường trình vụ việc sáng nay, blog Nguyễn Xuân Diện ngày 18-5-2012). Chú xem thêm các video clip quay được cùng lời kể của nhiều nhân chứng trên các blog Ba Sàm, Bauxite Viet Nam, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Viết Đào, Mai Xuân Dũng, Huỳnh Ngọc Chênh,… ngày 18, 19 và 20-5-2012 thì rất rõ sự việc. Như chú thấy, lãnh đạo Viện Hán Nôm đã phải đàm phán hơn một giờ đồng hồ với nhóm thương binh này và cuối cùng TS. Diện đã phải gỡ bỏ lá thư kêu gọi chính phủ Nhật Bản nói trên theo cầu của họ.
Những việc làm trên rõ ràng là sai trái. Tuy nhiên trong tình hình khẩn cấp và không gọi được công an, TS. Diện buộc phải chấp nhận yêu cầu của họ cũng là một giải pháp để bảo vệ tính mạng của mình.
Sự kiện trên đã gây bức xúc cao độ cho dư luận xã hội. Chú vào trang Ba Sàm mục 1011 “Vụ thương binh làm “loạn” Viện Hán Nôm… ” ngày 20-5-2012 sẽ có hàng loạt đường dẫn đến các bài báo trên các trang mạng trong và ngoài nước bình luận sự kiện trên.
Trong khi những người trong cuộc và dư luận chưa hết bàng hoàng thì một sự kiện tiếp theo lại làm sốc dữ dội hơn.
Ấy là việc sau khi các trang mạng đưa tin rộng rãi về sự việc trên thì báo Cựu chiến binh Việt Nam ngày 19-5-2012 có bài Ủng hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung, trong đó xuyên tạc hoàn toàn sự thật của sự việc. Đặc biệt họ bịa ra chi tiết sau đây (trích nguyên văn):
“Do đó các thương binh này đã đến Viện Hán nôm để gặp và thuyết phục ông Diện vì lợi ích của nhân dân mà ngừng những hành động đó lại. Tuy nhiên khi mọi người đang nói chuyện trong phòng ông Diện thì thấy nhiều người tụ tập ngoài cửa phòng, rất ồn ào. Lúc đó ông Chu Vinh Quang đi ra ngoài xem có chuyện gì thì bị một số người phía bên ngoài hành hung.
“Tôi vừa đi ra ngoài thì có 2 người đàn ông giữ 2 tay tôi lại để một cô gái tát và đánh vào đầu tôi”, ông Quang nói. Vốn là một thương binh nặng, đã từng bị chấn thương sọ não nên sau khi bị hành hung ông Quang đã bị choáng và ngã lăn ra đất. Lúc này mọi người ở trong phòng mới chạy ra và ngăn không cho nhóm đối tượng kia tiếp tục hành hung ông Quang (…) Người trực tiếp hành hung ông Quang là chị Thư, một cán bộ của Viện. Tuy nhiên ngay sau đó thì chị Thư đã bỏ trốn nên cơ quan công an vẫn chưa thể lấy lời khai của chị Thư”.
Cái gọi là “thuyết phục” của nhóm thương binh này thì thực ra là đe dọa, gây sức ép và dùng những lời lẽ hết sức thô tục, đến nỗi TS. Diện phải ngồi im hoàn toàn, vì lúc đó chỉ cần nói một câu có thể sẽ bị đánh (xem video clip). Nhưng tệ hại hơn, người viết bài báo này đã bịa ra chuyện thương binh Chu Vinh Quang bị cán bộ của Viện hành hung đến nỗi choáng ngã lăn ra đất!
Thưa chú, cháu cũng là người chứng kiến sự việc từ lúc khoảng 10 giờ cho đến khi kết thúc. Khi cháu đến, trong phòng TS. Diện vẫn đang diễn ra cuộc đàm phán giữa đại diện nhóm thương binh, lãnh đạo Viện Hán Nôm và TS. Diện.
Trong lúc cháu và nhiều bạn bè của TS. Diện chờ ở ngoài hành lang thì còn gặp hai anh thương binh đi ra, một trong hai anh này còn đứng lại trao đổi với một anh trong số bạn bè của TS. Diện (nghe nói anh này là bạn của anh trai anh thương binh ấy). Hai anh thương binh có vẻ hiểu ra vấn đề và vui vẻ ra về.
Một trong hai anh nói trên có một anh giống người trong ảnh trên báo Cựu chiến binh – tức người bị “hành hung”. Hôm ấy anh ấy mặc áo màu đen và đeo một cái gì giống như cái ngà voi nhỏ ở ngực. Còn ảnh trên báo thì áo màu xanh, cũng đeo một sợi dây, còn phía dưới là vật gì thì bị khuất. Theo những người có mặt hôm đó, hai anh ấy là một. Còn cô gái bị báo Cựu chiến binh cho là “tát” anh thương binh thực ra là cô gái bị các anh thương binh đánh hụt trong lời kể của TS. Diện, cô này sau đó sợ quá phải chạy vào phòng đóng chặt cửa lại.
Vậy tác giả Hoàng Linh, người viết bài báo trên, dựa vào đâu mà dựng được câu chuyện như vậy. Bài báo cũng không cho biết người viết trực tiếp chứng kiến hay nghe kể. Hôm ấy, theo sự quan sát của cháu, ngoài bạn bè của TS. Diện nghe tin chạy đến thì không có một nhà báo nào.
Cháu nghĩ những người thương binh đến gây sự với TS. Diện phần do rất thiếu thông tin, phần do bệnh tật nhiều mà dễ bị kịch động, và cũng không loại trừ do kẻ xấu nào đó lợi dụng, xúi giục. Do đó cháu thấy họ đáng thương hơn là đáng giận[1].
Nhưng cháu vô cùng phẫn nộ trước bài báo trên của báo Cựu chiến binh. Đây là sự vội vàng cẩu thả hay có dụng ý gì và có thể có liên quan gì đến chính nhóm thương binh vào gây sự với TS. Diện?
Cả hai sự việc trên đều vô cùng có hại cho an ninh trật tự trên địa bàn thủ đô, có hại cho tình đoàn kết dân tộc, và trực tiếp là có hại cho danh dự của Hội Cựu chiến binh và tờ báo của Hội.
Viết thư này cháu mong muốn chú với tư cách là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, một Anh hùng Quân đội, một lão tướng dày dạn đường đời và đường binh nghiệp, xem xét và cho ý kiến kịp thời.
Cháu cảm ơn chú.
Hẹn một dịp nào đó được gặp chú để nói những chuyện vui vẻ chứ không phải những chuyện như trên.
Vì cần nhanh gấp, cháu gửi vào hộp thư điện tử của Báo Cựu chiến binh. Nhờ ban phụ trách bạn đọc chuyển thư này đến Chủ tịch Hội – Trung tướng Trần Hanh. Xin chân thành cảm ơn Quý báo.
Để rộng rãi đường dư luận, cháu cũng gửi một số trang mạng đăng bức thư này.
Kính thư
Đào Tiến Thi
(Tác giả gửi Quê choa)
[1] Đây là một đoạn khác do anh Mai Xuân Dũng, một người bạn của TS. Diện có mặt lúc đó kể lại:
Vì quen biết nên tôi hỏi anh lý do đã đến đây.
- Tao biết chó gì đâu, “nó” gọi đi là đi thôi.
- Anh có biết rằng Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện là một blogger luôn bênh vực người nghèo khổ và đấu tranh dũng cảm với những cái xấu trên các trang blog không?
- Tao biết “cờ lốc” là cái gì đâu mà hỏi.
- Các anh đòi anh Diện gỡ bài vở trên blog về vấn đề điện hạt nhân. Vậy anh biết gì về việc Nhật Bản đầu tư xây dựng cái nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận trong khi chính người Nhật đã dỡ bỏ tất cả mấy chục nhà máy điện nguyên tử sau khi có sự cố Fukushima chứ?
- Chịu, tao không biết.
- Anh cũng từng là nạn nhân, tại sao anh lại để người ta biến mình thành công cụ như thế. Chẳng lẽ vì tiền cái gì cũng làm sao anh?
- Tao đã được cốc bia đ…nào đâu mà mày nói vì tiền chứ.
(Blog Mai Xuân Dũng ngày 19-5-2012)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét