Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

NHỮNG CHIẾC ÁO GIÁP TẢ TƠI.

14/5/2012

Xem những tấm ảnh tư liệu lịch sử về các cuộc chiến tranh, tôi thấy người của cả hai bên chiến tuyến đều sử dụng cờ (Flag) như một thứ vũ khí.
Lá cờ là hình ảnh sống động khích lệ tinh thần binh sỹ khi họ phải đương đầu với một thực tại: cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Lá cờ khích lệ họ tiến lên.
Trong chiến tranh, người lính này gục ngã dưới làn mưa đạn, người lính khác sẽ phải lao tới giương lá cờ lên. Lá cờ là vũ khí góp phần làm nên chiến thắng.
“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù”.
Lá cờ đỏ sao vàng. Tính chiến đấu rất cao, tính đảng rất cao.
Mùa hè năm 2011. Khu vực quanh hồ Gươm.     
Những người biểu tình yêu nước chống Trung quốc xâm lược Hoàng sa, Trường sa, chống sự gây hấn của Trung quốc trên biển đông đã xuống đường. Họ giương cao cờ đỏ sao vàng. Có người mặc “Quốc kỳ” lên người. Họ hô khẩu hiệu yêu nước. Họ mỉm cười với du khách nước ngoài. Họ không đập phá các cửa hiệu giống như các hooligan ở Anh quốc.
Nhà cầm quyền thành phố lệnh cho công an và những lực lượng không mặc đồng phục tấn công những người biểu tình.
Đám công an sắc phục xanh như những thợ săn hoàng gia đầy quyền uy đi đi, lại lại chỉ đạo cuộc săn bắt. Những thanh niên không mặc đồng phục, đeo băng đỏ trên tay chồm lên, cúi xuống, mắt long lanh say máu lựa chọn trong đám đông những con mồi ưa thích.
Những lá cờ đỏ sao vàng bị cướp khỏi tay người biểu tình. Những lá cờ quấn quanh người biểu tình bị giật lấy.
Chiến lợi phẩm nhà cầm quyền thành phố thu được có lẽ chỉ là những lá cờ. Không biết họ sử dụng những lá cờ đỏ sao vàng thu được vào việc gì?
Có lẽ đó là một câu hỏi để ngỏ chờ ai đó trong đám người mặc sắc phục xanh, những người mặc thường phục đeo băng đỏ bạch hóa câu chuyện khi có cơ hội trong tương lai. Lịch sử đã cắt máu chép lại một thời bình loạn lạc.


 

 

Ảnh Internet

Đoàn Văn Vươn. Người anh hùng áo vải Việt nam thế kỷ 21 ở Tiên lãng Hải phòng. Người đã chấp nhận cuộc chiến 1 chống 200 và khai hỏa vài loạt đạn hoa cải vào đám nửa người nửa ngợm đến cướp thành quả lao động quai đê lấn biển của ông ta.
Lần đầu tiên sau chiến tranh, 6 công an trúng đạn hoa cải chưa trở thành liệt sỹ. Lần đầu tiên 6 người thương vong trong cuộc chiến giữa thời bình không dành được sự ngưỡng mộ của nhân dân như những chiến binh quả cảm.
Vẫn còn may mắn. Các anh còn nhận được sự thương hại.
Ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn được nhà cầm quyền hoan hỷ ban tặng một trận mưa đạn.
Tại sao nhà cầm quyền làm như vậy? Đó là một câu hỏi khó cho một người chiến sỹ nhưng là một câu trả lời quá dễ với một kẻ coi dân là thù địch.
Sau cơn bão AK, người ta đưa máy ủi đến san bằng ngôi nhà để xóa dấu tích cơn binh lửa. Đó là cách xóa dấu tích của thời Trung cổ. Thời đại Internet, cách xóa dấu tích như thế là chỉ tốn tiền.
Trên nền nhà cũ, vợ con ông Vươn đã cắm một lá cờ đỏ sao vàng lên trên mái lều che nắng mưa cho đàn con và làm nơi tá túc cho cả gia đình.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay vô tư trong gió. Lá cờ trên cái lều tạm bợ này không phải là lá cờ trong tay người chiến binh. Trong thời bình, lá cờ không phải là vũ khí.




Ảnh Internet

Trên những mái lều giữ đất ở thôn Cửu cao, Phụng công, Xuân quan huyện Văn giang Hưng yên có những lá cờ đỏ sao vàng tung bay.
Trên những mái lều giữ đất ở xã Liên minh huyện Vụ bản Nam định cũng có những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
Lá cờ trên mái lều giữ đất này không phải là lá cờ trong tay người chiến binh trong các cuộc chiến tranh. Lá cờ không phải là vũ khí.
Những lá cờ đó hình như được những người dân đem ra thay cho những chiếc áo giáp bảo vệ thân phận mình.
Sau những cuộc cưỡng chế huy hoàng, sau những trận mưa dùi cui gậy gộc của công an lên đầu nhân dân, những lá cờ đỏ sao vàng có số phận như những con người dựng cờ.
Những lá cờ đỏ sao vàng trở thành những chiếc áo giáp tả tơi.

Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét