Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

CÀ PHÊ CÀ PHÁO


Cà phê đun lại


Chiều nay phải bỏ bia hơi để cà phê cà pháo với hai thằng tây mới đau. Mấy ông bạn cạ bia bọt cú lắm. Nhưng bù lại, câu chuyện đem đến vài thông tin đáng suy ngẫm và đáng dành thời gian ngồi gõ vào máy tính.


Nói chung, bọn tây trẻ khu vực Bắc Mĩ ít uốn éo trong giao tiếp. Chúng chả ngại bất cứ chuyện “nhạy cảm” nào từ chuyện chính sách đối ngoại của Tổng thống Ô bá mà bị dân chúng bang Arizona chửi bới thế nào cho đến chuyện thanh niên bang Michigan tranh luận về vấn đề thủ dâm nữ ra sao. Còn khi bị hỏi rất soi mói, bọn nó hiếm khi trả lời quanh co kể cả những vấn đề cần quanh co một chút. Dễ chịu.


Hôm nay chúng nó bị in tờ viu là chính.


Thằng Luck sang đây học về văn hóa phương Đông được hơn một năm mà vốn từ hơi bị đông. Phải cái phát âm còn cứng quá. Nó chỉ vào bộ râu quai nón và bảo: “ học tiếng Việt được ba tháng nó phải nhập viện làm trị liệu cơ mặt vì nói tiếng Việt sái quai hàm”. Thằng Tom nói thõi hơn thằng Luck nhiều. Lần trước gặp nhau, hỏi nó ở Hà nội, thích bia gì, nó cười hềnh hệch: “Nói chung bia gì cũng thích, trừ bia đá ra”. He he, thấy nó tanh chưa nào?





Biết mình tiếng Anh phọt phẹt nên Tom “chơi” tiếng Việt giọng Hà nội. Nói đúng ra, mình lại ưa giọng xè goòng của thằng Luck hơn. Nói chung đó là gu của mình. Mình khoái nghe giọng Huế hoặc Sài gòn, nhất là khi nghe chị em ở trỏng hót thì mê lắm. Thấy thằng Tom kè kè mấy quyển sách, Mình bảo:


-         Chúng mày sang đây có đọc được nhiều không?


-         Có chứ, đọc lòi mắt. Hai thằng cười.


-         Mày nói Lòi mắt hay Lồi mắt?


-         Lòi ý mà. Lờ oi loi huyền lòi. Lại cười


Mình cười to hơn chúng nó, cái vần Lờ và Nờ chúng nó phân biệt âm khá ra phết, khối anh Việt phát âm quen tiếng địa phương còn phải choáng.


-         Thế chúng mày đọc cái gì ? Thằng Luck trả lời:


-         À, đọc Truyên kiêu bằng chữ nôm, truyên kiêu, kiêu…


-         Truyện Kiều, Nguyễn Du (mình nhắc). Nó cười, thanh quản tây không cho nó phát âm được chữ Kiều. Luck hài hước:


-         Mày xem chỗ nào cho thuê thanh quản mách tao nhé, dùng tạm. miễn không tốn nhiều tiền quá. Mình trêu nó:


-        Thanh quản chưa có chỗ cho thuê nhưng nếu muốn thuê lưỡi thì tao sẽ mách chỗ cho.
 Mấy em phục vụ bàn nghe lỏm bấm nhau cười rúc rích.


Nói chung câu chuyện không ra đầu ra đũa. 
Nhân chuyện đọc sách, mình hỏi chúng nó nghĩ thế nào về trí thức. Thằng Tom tỏ ra hơi đăm chiêu và cố tìm từ cho chuẩn xác. Nó cho rằng trí thức Việt giỏi nhưng phần nhiều thiếu thực tế và mất cân đối trong cuộc sống. Mình yêu cầu nó cho ví dụ để đi đến nhận định như vậy. Tom bảo:


-         Việt nam có nhiều người học giỏi. Nhưng đi vào thực tế cuộc sống, nhiều người có vẻ mất phương hướng. Một số có khả năng nghiên cứu chuyên sâu nhưng họ quay sang lĩnh vực quản lý nhà nước. Rất phí kiến thức và năng lực. Lĩnh vực đó họ không có khả năng. Cấp trên của họ kì vọng ở họ nhưng cấp trên không hiểu rằng lĩnh vực quản lý có tính đặc thù mà những người làm khoa học chuyên sâu không thể làm được. Cũng có thể các sếp của họ biết thế nhưng vẫn tuyển dụng họ vì chỉ cần hình ảnh của nhà khoa học làm nền, làm dáng cho bộ máy nhà nước mà không cần họ có được việc hay không. Nước chúng mày rất lạ. Nói là cần người hiền tài nhưng người hiền tài ở cơ quan nhà nước hay bị vô hiệu hóa, bị cô lập. Xã hội Việt nam vẫn coi thường trí thức. Có lẽ do đố kị. Nhiều người Việt nam không chịu thừa nhận có kẻ giỏi hơn mình. Đó là sự tự ti nhưng biểu hiện theo cách quá tiêu cực. Khi bất lực trước những cái đầu mẫn tiệp hơn mình, họ thường tỏ ra Chí phèo, phủ nhận tuốt tuột.


Mình bảo nó: “đó là tính ghen tuông thôi, khi yêu người ta rất hay ghen”. Tom không hiểu cách nói “lèo lái” của mình nên nó không chịu, cãi bằng được. Còn thằng Luck thì đọc bốn câu Kiều như để minh họa cho vị trí mấy bác trí ngủ của nước ta:


Lãnh lời nàng mới theo sang


Biết đâu địa ngục Thiên đàng là đâu?


Sớm khuya khăn mặt, lược đầu,


Phận con hầu, giữ con hầu dám sai


Thằng Luck nói thêm:


Nước mày các ông lãnh đạo không nói được tiếng Anh. Nhiều ông có bằng Tiến sỹ không nói được tiếng Anh là chuyện rất lạ. Lạ hơn cả là các ông ấy nói trân trọng trí thức nhưng trong thâm tâm rất ghét trí thức.


Thằng Tom nói rõ hơn:


-         Một trong những lý do đó là trí thức hay soi mói. Soi mói cả cái bằng cấp của lãnh đạo. Tất nhiên, nước mày có nhiều người dùng bằng ĐEO.


Mình không biết loại bằng này nên hỏi lại nó và bắt nó phát âm kiểu đánh vần nhưng nó nhe răng ra cười. Chịu. Đành viết ra giấy. Nó viết: “BẰNG ĐỂU” !


(Có Bọ Lập ở đây chắc bọ lại giơ tay lên kêu Ua chầu chầu). Mình nghe chán lắm, thấy xấu mặt lây nhưng biết làm sao. Chúng nó nói thật quá. Người mình hay có thói quen đánh giá thấp người khác, nhất là người dốt. Càng dốt thì càng tự phụ. Một phần do ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền một thời. Lãnh đạo bơm vào tai quần chúng rằng: “Chúng ta trước kia, hiện nay cũng như mãi mãi sau này luôn ở đỉnh cao trí tuệ” nên mọi ý kiến trái chiều sẽ bị đưa vào hai dạng: nếu không ngu thì đích thị là các thế lực thù địch cả.


Thằng Luck biết cách thưởng thức món tiếu lâm dân gian Việt nam. Theo nó, Tiếu lâm là một món tương tự Tiết canh heo. Bụng dạ tốt thì không sao, bụng dạ xấu là đau ngay, té re liền. Nó kể lại cho mình nghe chuyện về quan chức, trí thức, văn nghệ sỹ và cánh cạo giấy nhà nước: “ Chung cư ở Việt nam có lẽ không cần toilet vì nhân viên nhà nước đến cơ quan, dành phần lớn thời gian để trà lá và đi ị nhằm giết thì giờ. Họ là tầng lớp tỷ phí thời gian. Ở cơ quan họ chẳng có việc gì để làm. Trí thức và văn nghệ sỹ cũng không cần toilet vì ị ra cục nào họ đút vào miệng nhau. Các quan chức cũng không cần toilet vì các ổng quen ị lên đầu nhân viên hoặc nếu lỡ ị ra cơ quan thì không lo, họ rất sẵn các nhân viên tranh nhau hốt ngay vì chất thải của quan chức Việt nam quá nhiều dinh dưỡng”.


Chuyện này mình biết lâu rồi nhưng nghe bọn tây nói ra đúng là “chuối” thật. Cáu tiết, ứ hơi vô cùng nhưng chúng nó có luận chứng, luận cứ để chứng minh sự thật là thế, dẫu mình có lòng tự hào về...chế độ bao nhiêu cũng không thể bao che nổi. Thế mà các quan nhà ta cứ tưởng chúng nó không biết gì. Thậm chí những chuyện mình không biết về đời tư, lịch sử bác nào xuất thân hoạn lợn ra sao, đỡ đẻ thế nào chúng nó còn biết vanh vách. Mẹ kiếp, cái thời Internet toàn cầu mà các bác cứ quen giấu giấu diếm diếm mọi chuyện như lũ mèo. Chán.


Thôi chuyện đó bỏ, không nói. Thối lắm. Thằng Luck nói như an ủi:


- Mày đừng buồn. Nước tao 200 năm trước cũng thế (!) giới trí thức nếu ở giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kì lịch sử, hai thế hệ cũng có những va chạm đáng tiếc, kìm hãm sự phát triển tinh thần của dân chúng. Lớp công thần vì trót dại tung hô cái dở, cái sai quấy (thì cũng là cái sai lịc sử thôi, thời điểm lúc khởi phát là đúng) nên buộc phải nhắm mắt trước thực tế để bảo vệ ý tưởng của mình. Bảo vệ quan điểm của mình thuận theo nhà cầm quyền nghĩa là bảo vệ nồi cơm của mỉnh.Ví như cái bánh mì mới ra lò rất ngon, rất thơm nhưng để lâu với thời gian, bánh bị phân hủy, nhiều nấm mốc và khuẩn độc, ăn vào có thể ngộ độc. Nhưng bác thợ làm bánh lo cho uy tín cá nhân mình sứt mẻ nên bắt người ta phải tin là bánh vẫn thơm ngon tuyệt vời. Ai nói là bánh thiu, bác bịt mồm lại. Cho nhịn ăn luôn. Khổ thế. Thằng Tom bổ xung cho rõ nghĩa:


-         Thực ra bác thợ bánh là người tốt. Chỉ có điều bác ấy tốt với chính bác ấy thôi. Nếu ảnh hưởng tới bác ấy là bác cáu, thay vì bánh mì bác ấy sẽ nhét than nóng vào mồm người ta.


Chủ đề này nghe đau cái lỗ nhĩ quá. Chuyển qua chuyện xì tin xem nào.


-         Chúng mày thấy lớp trẻ Việt nam thế nào?


Luck cười: “mày cũng quan tâm 9x à?” Bọn tây cái gì cũng cười được. Chúng nó “lạc quan cách mạng” hơn cả những người cộng sản. Tom bảo:


-         Lớp trẻ của nước mày sống trong hòa bình, có nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội hơn lớp già, họ thông minh, nhạy bén  nhưng cũng thừa hưởng cách nghĩ thời chiến nhiều độc hại của lớp già. Nhưng vì họ trẻ, năng động nên khi tiếp thu cái mới, họ vượt qua được lối nghĩ thời chiến đó. Họ rất chán khi thấy lớp già quá bảo thủ, công thần, mê mụ không đủ sức hoán cải nên mặc xác, thỉnh thoảng chọc chơi đám trí thức già nổi điên lên cho vui. Một số trí thức già thích tầm chương trích cú lắm, nhưng “cú” ấy, “chương” ấy toàn của China , ấu trĩ lắm rồi. Đến ngay China họ còn thấy lỗi mốt mà các ông già của chúng mày cứ vơ lấy làm như tinh hoàn dân tộc mới lạ.


-         Cái gì tinh hoàn?... À, Tinh hoa dân tộc chứ.


Lại là vấn đề cấu trúc thanh quản của các vùng địa lý Âu - Á đây? Hay chúng nó có ý gì khi nói "tinh hoa" lại chệch ra "tinh hoàn" ?


Việc đó bỏ, cái chính là cốt lõi vấn đề ra sao. Mình nghĩ bụng  như vậy.


Thằng Luck ngọng hơn Tom nhưng nó suy nghĩ khá sâu. Nó nói:


-         Sự gắn kết của hai thế hệ người Việt mất đi do cuộc chiến tranh đem lại. Nền giáo dục thời thuốc nổ đầu độc một thế hệ trong và sau cuộc chiến. Họ bị ngộ độc quan niệm địa lý Khu vực. Họ chỉ biết đến Mảnh đất này là của chúng ta chứ họ không có khái niệm Trái đất này là của chúng ta. Nước chúng tao cũng còn nhiều người không chịu hiểu khái niệm này. Kể cả một số nhà lãnh đạo đất nước. Thế đấy.


Chuyện thì dài dài nhưng thôi, mình là một người thực tế. Bây giờ mình cần một vại bia hơi Halida (mấy nhà hàng bia hơi Hà nội bây giờ đấu chác vào nhiều bia cỏ quá, uống vào đau đầu kinh khủng). Kết loạn, mình hỏi chơi một câu báo hiệu cho chúng nó “thời lượng” cuộc chat face to face đến hồi kết thúc:


-         Theo chúng mày, tương lai hòa hợp của các thế hệ trí thức Việt ra sao? Liệu có sớm tốt lên không?


-         Chúng mày chưa có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa. Ngay cả những người được coi là Trí thức chân chính cũng chưa rửa dáy được hết cái "toxin" từ bản chất của hệ tư tưởng mà chúng mày đeo đuổi 7, 8 chục năm. Vậy mà ngay cả số đó chưa nhiều để tạo ra một tầng lớp thật sự. Nghĩa là chưa đủ sức mạnh cuốn hút. Trí thức đúng nghĩa bao hàm: những con người có kiến thức, được đào tạo chuyên sâu, họ còn phải là người hiểu biết sâu sắc các vấn đề xã hội liên quan đến quốc gia, quốc tế. Có sự quan tâm và dấn thân vì mọi người cho các lý tưởng phù hợp với các chuẩn mực dân sự quốc tế. Nếu gộp những người làm công tác nghiên cứu khoa học, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật là trí thức thì những người này sẽ biến đổi theo thời gian thôi. Có điều sự hòa hợp của hai thế hệ và những người cùng thế hệ với nhau sẽ chậm hơn các nước phát triển khác vì khối trí thức ở nước chúng mày đang trong thời kỳ trứng vịt lộn. Để đủ nhân cách, đủ năng lực làm những người trí thức đúng nghĩa thì đơn giản phải Biết Tôn trọng mọi ý kiến Khác biệt. Nhưng điều đó phụ thuộc không chỉ thời gian mà còn phụ thuộc những cái đầu Quyền lực. Hy vọng chúng mày sẽ sớm thoát ra.


Mẹ kiếp. Cái từ “thoát ra” (leave mess) mình không nhớ nó có phải là một từ đa nghĩa hay là một thành ngữ. Về tra lại từ điển xem sao.


mai xuân dũng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét