Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

NHÀ QUÊ


Yên Thế. Các con đường ngập ngụa đen ngòm bởi bụi than, các lò gạch tròn hình lô cốt truyền thống của vùng này hướng liên tưởng đến Bốt Hàng Đậu ở Hà nội. Xe chạy mấy chục cây số qua đây vẫn chỉ có cảm giác của người du lịch lãnh đạm vì đã quá nhiều lần in dấu lốp xe trên các nẻo đường.

Vẫn những căn nhà lồi ra thụt vào, cao thấp, che chắn nửa tạm bợ nửa kiên cố, mang dáng vẻ buồn bã xen lẫn mỉa mai nếu so sánh với lối kiến trúc đô thị hiện đại hoặc nông nghiệp thuần chất. Những căn nhà hao hao giống nhau. Dưới mái hắt là những bà già ngồi trên bậc cửa thu tay vào lòng mắt nhìn vô định. Những cô gái không thể xác định là thiếu nữ hay thiếu phụ vì quá trẻ để là một thiếu phụ nhưng quá già để là thiếu nữ. Những đứa trẻ con mặc áo người lớn thải ra, loại áo may kiểu bộ đội, đứng hoặc  đi loăng quăng quanh một hỗn hợp tủ nhôm kính vàng ố, bàn gỗ cũ kĩ, ghế nhựa xanh đỏ, khay ấm chén trà mạn cùng lủng củng, các gói thuốc lá thuốc lào, chai, lon nước đủ loại. Những căn nhà kiên định bám sát con đường muôn năm lầm bụi, ồn ã bởi đám xe tải, xe khách, xe đầu ngang-đặc sản của giao thông nông thôn Việt nam. Những quán hàng tạp nhạp treo đầy các gói bim bim, mì tôm trên vách liếp. Các quán nước trà chén kèm rượu trắng lạc rang và cóc xanh chấm muối ớt. Tất cả là cuộc mưu sinh với đời, giành giật lấy ba bốn chục nghìn một ngày và phải tiêu tốn gấp đôi chừng ấy, có khi hơn trong lúc kinh tế khó khăn. Khi mà vật giá bốc lên như chiếc trực thăng trong tay lái của bọn phi công vô cảm, dân chúng ngước mắt nhìn theo và cố với tới nó bằng con đường của riêng mình dẫu biết là nó sẽ càng ngày càng xa hơn.
Khi đoàn xe chở các bậc trưởng thượng cùng tân lang ngoặt vào một con đường nhỏ gập gềnh, ngoằn ngoèo bết bát đất đồi sau trận mưa dẫn đến nhà cô dâu, đến lúc đó mới có cảm nhận về vùng rừng núi  căn cứ Đề Thám xưa. Những căn nhà tường đắp đất mầu hoàng thổ phủ đầy mướp dại khô quắt, những vạt đất đồi trồng vải nửa như vườn nhà nửa như đồi hoang, bao quanh không có ranh giới bằng những hàng rào như các vùng quê khác. Hình như khái niệm “sở hữu” lỏng lẻo nơi đây là hình ảnh đối lập mạnh mẽ với tính “sở hữu” khốc liệt của các vùng đất quê khác khi bất cứ căn nhà mảnh vườn nào cũng được rào kín, xây tường chắc chắn và cắm đầy mảnh chai vỡ sắc lẻm. Đơn giản chỉ vì bão táp Dự án đất đai, trung tâm điều hành của những trận cưỡng chế cướp đất chưa quét qua đây. 

Ỏ vùng heo hút có tiếng là rừng thiêng nước độc đất rộng người thưa này có lẽ là nơi người dân còn mong ngóng, hy vọng các Dự án khu công nghiệp sẽ thay đổi cuộc sống của họ. Nơi này có đất nhưng không có nước. Có điện nhưng điện ở đây gọi là điên nặng chứ không phải là điện. Điện yếu đến mức chỉ đủ để làm sáng dây đèn led nhấp nháy như lũ đom đóm ma. Người nhà gái bật các công tắc điện nhưng bóng đèn chỉ đỏ được sợi đốt bên trong và các bóng đèn chỉ làm cái việc thể hiện sự trọng thị của nhà gái đối với nhà trai hơn là làm tốt chức năng của nó là chiếu sáng. Việc bật điện hình như có tính tự trấn an và chỉ làm cho nhà gái bớt  tự ti đi một chút.
Trong tiệc rượu, các bậc cao niên đã từng lăn lộn các chiến trường thời trai trẻ, các lão nông chi điền sau năm sáu tuần rượu dìm chết mặc cảm nghèo hèn nổi hứng lên kể mãi chuyện chiến đấu ở Đường 9 Nam Lào, chuyện xẻ núi bạt rừng Trường sơn đi đánh Mĩ. Những chiến công thời cầm súng như hiển hiện trong ánh mắt rượu, trong cái ngà ngà say. Những đồng đội, đứa đã xanh cỏ một thời mới tìm được di cốt và có đứa may mắn nay đã là ông nọ ông kia trên thành phố…
Ở đây thời gian không có chân, Mấy chục năm đã trôi qua, thời gian vẫn ở lại với các mái nhà cũ nát, tường đất nện và các bóng điện chỉ đỏ được sợi dây đốt.

Trong cảnh nghèo mạt, trong cái hoang vắng của cây rừng âm u buồn tẻ nơi sơn cước, mấy dáng kiều nữ e ấp rực rỡ với áo dài đỏ thêu, làn mi cong vút cùng vồng ngực căng trẻ hút hồn đem lại cảm giác khó tả bằng lời. Hình như là xót xa và chút đắng lòng. Cái nghèo ngoan cố và sự xa hoa trí tuệ của thời Internet vô tình cùng bắt tay nhau kéo các kiều nữ như đám thiêu thân khắp các miền quê đến với ánh đèn thành phố. Dễ hiểu vì sao các con đường đêm đô thị nhiều các cô gái đứng đường đến vậy.
May mắn lắm cho các thôn nữ nghèo không đủ khả năng vào đại học nhưng về được thành phố bằng những đám rước dâu.

Mai Xuân Dũng

1 nhận xét:

  1. Hóa ra hôm bác bảo đi ăn cưới là ở đây. Đọc văn nhận biết được bác là người có tấm lòng. Nói như bác H.X Phú là biết đau nỗi đau đồng loại.

    Trả lờiXóa