Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHÁP QUYỀN


Vụ gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn bị chính quyền cưỡng chế đất đai chỉ là một trong hàng chục nghìn vụ trên cả nước trong nhiều năm qua. Nhưng vụ nổ súng vào lực lượng cưỡng chế của chính quyền lại thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong, ngoài nước với hàng nghìn bài viết đăng tải trên 700 tờ báo do nhà nước quản lý chưa kể hàng nghìn bài viết trên các mạng truyền thông khác nhau.
Ban đầu báo giới khá dè dặt khi đưa tin, chỉ đến khi  tín hiệu đèn xanh của nhà nước bật lên bằng việc cho đăng tải ý kiến của nguyên đại tướng, chủ tịch nước Lê Đức Anh chỉ chích các sai phạm của chính quyền huyện Tiên lãng  thì giới truyền thông chính thống mới ồn ào nhập cuộc. Điều đó cho thấy đảng, nhà nước Việt nam đã dán tiếp gửi ra bên ngoài một thông điệp thể hiện chủ trương sẽ cải tổ bộ máy chính quyền địa phương và làm dịu sự bức xúc, bất mãn ngày càng tăng cao có nguy cơ biến thành các cuộc xung đột không thể kiểm soát nếu không có hành động nào để xì hơi bớt cái nồi áp xuất trong dân chúng đã có dấu hiệu bật van.
Tín hiệu xanh có màu sắc tiến bộ đó có phải là bằng chứng cho thấy đảng, chính phủ đang muốn xác lập khái niệm Nhà nước Pháp quyền  như là một Nhà nước trong đó các quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực phải chịu sự giới hạn. Trong mô hình này, mỗi quy phạm có được hiệu lực từ sự tuân thủ các quy phạm cao hơn. Sự tồn tại một trật tự có thứ bậc các quy phạm tạo nên một trong những đảm bảo quan trọng bậc nhất của Nhà nước pháp quyền. Trong khuôn mẫu đó, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước phải được xác định một cách rõ ràng và các quy phạm mà những cơ quan này tạo ra chỉ có hiệu lực với điều kiện tuân thủ toàn bộ các quy phạm có hiệu lực cao hơn. Cao nhất của hệ thống các quy phạm pháp luật là Hiến pháp.
Thật sự chúng ta chưa có Nhà nước pháp quyền mà chỉ là đang ở trong quá trình xây dựng. Điều đó dẫn đến việc “công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước”. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã từng cho rằng: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã gây ra những khó khăn, cản trở, làm hạn chế thành tựu của đất nước, trong một số lĩnh vực còn tạo nên bức xúc xã hội”.
Thực chất, các sai phạm về quản lý đất đai, tham nhũng, lạm quyền ở bất kỳ quốc gia nào cũng là một phạm trù lịch sử, xuất hiện cùng với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Nó như một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Tuy nhiên cái khuyết tật ấy trở nên cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến sự cáo chung cho một chế độ nếu chính thể đó không kịp thời cắt thuốc hoặc cắt bỏ khối u này một cách triệt để. Ở các nước theo chủ nghĩa cộng sản, khuyết tật cốt tử của nhà nước là sự mâu thuẫn trong phân định vai trò lãnh đạo nhà nước và quyền sở hữu đất đai. Ở đây quyền lực nhà nước tập trung trong tay các đảng viên là thành phần điều hành bộ máy nhà nước. Chính một bộ phận không nhỏ các đảng viên này đã trở nên suy thoái biến chất, lạm dụng quyền lực lèo lái chính sách theo hướng có lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích. Họ nhào nặn, bóp méo luật pháp, cố làm rối rắm các văn bản luật nhằm trục lợi bất chấp nỗi thống khổ của nhân dân, nhất là tầng lớp nông dân.
Mặt khác, có một thực tế phải thừa nhận là trong xã hội, phần đông cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự hiểu và sử dụng quyền dân chủ của mình. Trong vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng Hải Phòng, nhìn nhận diễn biến và hậu quả của nó, thấy rõ quyền của người dân bị vi phạm nghiêm trọng  bởi chính quyền các cấp bước qua luật pháp, cắt bỏ các điều khoản bảo vệ quyền dân nhưng lợi dụng kẽ hở luật, lợi dụng sự thiếu hoàn thiện luật (như luật đất đai 2003 chẳng hạn) để huy động cả một bộ máy quyền lực áp chế người dân. Phải nhìn thấy ở đây, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế một cách hùng hậu là một biểu hiện của việc tự thừa nhận tính không chính danh của chính quyền huyện. Trong nhiều trường hợp, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của nhà nước và công dân thì bất cứ cá nhân, tổ chức dân sự nào cũng có thể tham gia bằng phương pháp ôn hòa. Nhưng chính quyền huyện đã tổ chức đưa hàng trăm người bao gồm cả quân đội, công an, bộ đội biên phòng... để thực hiện một việc nhỏ như cưỡng chế thu hồi mảnh đất của một gia đình người dân thì đã biểu hiện rõ tư duy coi người dân bị thu hồi đất như đối tượng cần “chiến đấu” chứ không phải là đối tượng để giải thích, thuyết phục. Điều này tất yếu gây nên cảm giác ức chế, cô thế, bị đàn áp trong lòng người dân khi bị dồn vào thế cùng, sinh ra những phản ứng quyết liệt không kiểm soát nổi. Trong vụ Đoàn Văn Vươn, lực lượng cưỡng chế có hành vi xả đạn, tàn phá nhà cửa và tạo điều kiện cho việc cướp bóc tài sản của không khác là bao với một đám đông cướp ngày được bảo kê của chính quyền huyện.
Nếu những người lãnh đạo ở huyện Tiên lãng được đào tạo, cơ cấu đúng tinh thần pháp quyền thì không thể có tư duy coi dân như kẻ thù giai cấp để trở thành nguyên nhân đẩy nông dân đến chỗ đối nghịch với chính quyền và điều tất yếu đã xảy ra, nông dân còn có thể làm gì khác là nổ súng để bảo vệ mồ hôi xương máu, thành quả lao động của mình cho dù đó là một hành động tuyệt vọng?
Với vụ Đoàn Văn Vươn, đảng, nhà nước chắc chắn thấy rõ vai trò tác nhân gây ra hậu quả vô cùng tai hại chính là do Đảng ủy các cấp từ thành phố Hải phòng tới huyện Tiên lãng, xã Vinh Quang đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, hành động đứng trên luật pháp, vi phạm Hiến định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Hãy xem, mấy trăm đảng viên huyện Tiên lãng, đảng bộ xã Vinh Quang, Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hải phòng tới các chi bộ nơi xảy ra vụ này, các đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… đủ cả, tại sao không ai lên tiếng đúng, sai? Thậm chí khi sự việc đi quá xa thì đảng ủy các cấp không cần biết tình hình dân chúng ra sao chỉ tìm cách chạy tội, dối trên nạt dưới, bịt mồm công luận, phát biểu xằng bậy đổ tội cho quần chúng nhân dân. Đây là thái độ cực kì phản động, phá hoại nốt niềm tin cuối cùng của quần chúng vào đảng.  Làm cho nhân dân không còn coi nhà nước là một Nhà nước pháp quyền mà là một Nhà nước đảng quyền. Đó là cách phá đảng hiệu quả nhất của đảng ủy các cấp ở Hải phòng.
Về nhận thức của cán bộ, đảng viên ở đây trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thể hiện ra sao? Nhiệm vụ của người đảng viên là “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”, đảng viên ở đây đã thực hiện đến đâu? Lời Hồ chủ tịch căn dặn: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” còn đó. Cán bộ, đảng viên ở đây đã học tập và làm theo thế nào?
Đảng yêu cầu các đảng viên phải gương mẫu cho quần chúng noi theo nhưng một thực trạng xã hội phổ biến là hiện nay, rất ít cán bộ đảng viên tỏ ra là lực lượng tiên phong trong xã hội. Họ không quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ, mà chỉ chú ý những gì có lợi cho bản thân. Cán bộ có chức có quyền do động cơ, lối sống cá nhân lại vi phạm dân chủ, dọa nạt, ức hiếp, trù dập, trả thù những người dân  tố cáo sai phạm. Những cán bộ đảng này rất sợ dân chủ vì, thực hiện dân chủ thì họ không dễ dàng qua mặt quần chúng để thủ lợi. Đó cũng là nguyên nhân làm cho số đông quần chúng chỉ biết lo cho cái tôi của mình, sống theo kiểu trùm chăn an phận, vô cảm. Do đó, sức mạnh cộng đồng dần dần bị triệt tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho cái ác thỏa sức tung hoành làm thui chột cái thiện. Đó là nguy cơ đánh mất nền văn hóa đạo đức vốn được coi là nền tảng cho luật pháp chính danh.
Trong vụ này Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng là đối tượng cụ thể trực tiếp, Ban thường vụ đảng ủy thành phố Hải phòng là đối tượng dán tiếp liên đới gây ra hậu quả nặng nề, thiệt hại chính trị khôn lường cho đảng, nhà nước.
Sau Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì điều cốt yếu hiện nay là: Với nghị quyết trung ương 4 khóa XI, đảng, nhà nước đã quyết tâm đến đâu để chỉnh đốn đảng, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự vì dân hay, bằng các hành động vừa qua trong vụ Tiên lãng, đảng chỉ muốn cắt một liều thuốc an thần chứ không dám cắt bỏ các khối u ác tính vốn phải cần đến một thái độ nhìn thẳng vào sự thật và một hành động dũng cảm có thể là đau đớn nhưng đem lại một thân thể lành mạnh cho đảng sau hơn 80 năm vật lộn với chính mình, tạo nên một nhà nước pháp quyền thực sự vì dân.

Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét