Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

TRƯỚC TIẾNG SÚNG CỦA ĐOÀN VĂN VƯƠN


Đã gần một tháng qua, dư luận quanh vụ cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn không lắng xuống mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều cá  nhân , tổ chức trong ngoài nước theo dõi nhiều hơn.
Chủ tịch huyện Tiên lãng Lê Văn Hiền người ra quyết định cưỡng chế cho rằng họ đã làm đúng chức trách kể cả việc lực lượng cưỡng chế phá hủy bình địa ngôi nhà của gia đình ông Vươn (tuy ngôi nhà không nằm trong quyết định cưỡng chế của huyện).
Phó chủ tịch thành phố Hải phòng ông Đỗ Trung Thoại không những ủng hộ việc cưỡng chế mà còn tuyên bố rằng ngôi nhà ông Vươn bị “nhân dân bức xúc vào đập phá”.
Mặc dù huy động một lực lượng tới hơn hai trăm công an, bộ đội, vũ khí khí tài chó nghiệp vụ tham gia cưỡng chế một gia đình để gây ra hậu quả làm bị thương sáu chiến sỹ, một ngôi nhà dân bị san phẳng nhưng Giám đốc công an thành phố Hải phòng Đỗ Hữu Ca lại phấn khởi cho rằng đấy là việc diễn tập rất hay, chưa bao giờ có, có thể viết thành sách …vv…
Ngược hẳn với thái độ vô trách nhiệm của chính quyền huyện Tiên lãng và thành phố Hải phòng, dư luận nhân dân cả nước, báo chí, cơ quan truyền thông, các ban nghành từ địa phương tới trung ương, các bậc lão thành cách mạng đều nhận định: chính quyền huyện Tiên lãng, thành phố Hải phòng đã có các biểu hiện xa dân, không hiểu dân. Cố tình làm trái luật pháp nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai dẫn đến việc diễn giải và áp dụng không đúng Luật Đất đai, cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế. Hậu quả là gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt gây tác động xấu tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước.
Bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế, lật lọng làm mất đi tính chính danh của chính quyền.
Qua toàn bộ sự vụ, những phát ngôn mâu thuẫn mập mờ, những thái độ bao che chầy cối, tiền hậu bất nhất và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong chính quyền huyện Tiên lãng và thành phố Hải phòng có thể thấy đằng sau vụ việc này có một dấu hỏi rất lớn về động cơ cưỡng chế của họ.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Ông nhấn mạnh: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.”
Để làm rõ thêm về tính chất nghiêm trọng của những sai phạm của chính quyền huyện Tiên lãng và thành phố Hải phòng cần nhìn lại một chút về cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 mà các sai phạm trong đảng dẫn đến các hủy hoại ghê ghớm về con người và lòng tin khiến đảng và chính phủ ta đã phải tổ chức sửa sai và xin lỗi nhân dân như thế nào.
Trong năm 1951 và 1952 Thường vụ trung ương đảng, bây giờ ta gọi là Bộ chính trị chuẩn bị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, quân đội thông suốt về tư tưởng tiến hành chỉnh huấn và chỉnh quân. Hồi ấy Ông Nguyễn Minh Cần từng là bí thư quận uỷ ngoại thành Hà nội trước khi ra công khai, trở thành phó  chủ tịch uỷ ban hành chính Hà nội vào năm 1954. Ông thấu hiểu từng bước của cụôc cải cách ruộng đất và đã trực tiếp làm công tác sửa sai sau đó tại ngoại thành Hà nội. Ông Cần kể rằng: Có một điều đáng chú ý nhất, tức là người ta nói rằng trước đây người ta coi địa chủ là một thành phần ở trong nhân dân, mà bây giờ không phải như vậy rồi. Bây giờ địa chủ không phải là nhân dân, nhân dân chỉ là nhân dân và địa chủ tức là những người chống lại nhân dân - kẻ địch của nhân dân.
Năm 1952, Bộ chính trị tổ chức làm thí điểm cải cách ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là một tình căn cứ của Việt Minh thời kỳ bấy giờ.
Trong lần thí nghiệm này có một sự kiện động trời, tức là tòa án cải cách ruộng đất tử hình bà Nguyễn Thị Năm (còn có tên gọi khác là bà Cát Thanh Long).
Bà là một người mà thời kỳ trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các ông lớn nhất của đảng CS lúc bấy giờ là ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt, ông Lê Đức Thọ, ông Phạm Văn Đồng, ông Lê Thanh Nghị và ông Lê Giảng.
Còn trong thời kỳ "Tuần lễ vàng", là sau khi đã có chính phủ Việt Nam DCCH rồi thì gia đình bà đã dâng nộp100 lạng vàng cho chính quyền mới. Bà lại hoạt động trong hội phụ nữ, lại có con trai đi bộ đôi làm cán bộ cấp trung đoàn.
Phát súng đầu tiên của cải cách ruộng đất bắn vào một người phụ nữ yêu nước, đã từng giúp đỡ cho những người Cộng sản! Phát súng đó nó báo hiệu trước một tai họa khôn lường cho toàn dân ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Về cơ bản, chính sách cải cách ruộng đất thời đó chủ trương tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày. Nhưng việc đấu tố, giết tại chỗ nhiều ngươi đã gây ra một không khí khủng bố hoang mang, tang tóc trên khắp miền Bắc.
Ngày nay, các nhóm lợi ích cấu kết với nhau lũng đoạn đất nước, tích tụ tài sản bằng cách lợi dụng kẽ hở luật pháp để lập các dự án chiếm đất đai của dân bằng bất cứ thủ đoạn tàn ác nào. Các thế lực đỏ, đen mượn tay chính quyền đuổi dân ra khỏi nhà của họ, cưỡng chiếm cả ruộng vườn, nghĩa địa của dân. Nhiều vụ cưỡng chế chính quyền đã nổ súng vào nhân dân như ở Cồn Dầu Đà nẵng, ở Nghi sơn Thanh hóa…
Khắp đất nước xảy ra rất nhiều vụ khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Nhưng do chính quyền bao che cho các nhóm lợi ích nên các vụ khiếu kiện bị kéo dài không được giải quyết thỏa đáng làm cho nhân dân mất sự trông cậy vào pháp luật. Có vụ chính quyền ở Hưng yên tổ chức cưỡng chế bất công đến nỗi người dân uất quá tự thiêu để phản đối. Nhưng những việc đó không làm chính quyền bận tâm bằng những mối lợi khổng lồ từ đất đai nên các vụ khiếu kiện tiếp tục xảy ra và chính quyền tiếp tục ưa dùng biện pháp cưỡng chế.
 Nhưng đến nay tình hình đã đi theo một hướng khác. Vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn dùng súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế cho thấy chính quyền đã ép người dân đến chỗ hết đường lui và sự phản kháng là lựa chọn duy nhất.
Có lẽ những người lãnh đạo chính quyền phải nhìn nhận được rằng trước tiếng súng Đoàn Văn Vươn là tiếng đại bác của lực lượng cưỡng chế  huyện Tiên lãng bắn vào nhân dân. Chỉ có đánh địch người ta mới có thể hành động như thế.
Kể từ khi chính phủ sửa sai cải cách ruộng đất đến nay, sau bao nhiêu năm, chính quyền huyện Tiên lãng, thành phố Hải phòng lại vẫn đang có lối tư duy Địch – Ta với dân theo kiểu thời cải cách năm 1953. Nếu chính quyền chỉ biết bảo vệ quyền lợi của mình, coi dân là đối tượng chuyên chính thì việc dân nổi lên chống lại là điều không thể tránh khỏi.
Không phải ngẫu nhiên trong lễ khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã buộc phải nêu rõ nguy cơ: Vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng?
Thật ra câu hỏi cũng đã là câu trả lời. Công tác xây dựng đảng được qua tâm chú trọng như thế mà tình trạng ngày càng có chiều hướng xấu đi thì có nghĩa là phải xem xét lại toàn bộ hệ thống.  Đảng phải xem xét lại mối quan hệ Địch – Ta theo tiêu chí lấy dân làm gốc mới may ra cứu vãn được tình hình đang có dấu hiệu đổ vỡ không tránh khỏi.
Sắp tới đây Chính phủ sẽ nghe và xem xét báo cáo của Thanh tra chính phủ về vụ Tiên lãng cũng như các nguồn thông tin khác để sớm có chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Nhân dân tuy cũng không trông đợi gì nhiều nhưng cũng mong rằng thủ tướng học tập các bậc lãnh đạo tiền bối trong cải cách ruộng đất trước đây thấy sai thì sửa và khi cần cũng biết xin lỗi nhân dân.  
Mai Xuân Dũng

1 nhận xét:

  1. Lời tác giả: Ngày 19/12/1953, cụ Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) trên toàn lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam kéo dài đến 1956. Tuy có sai lầm là đã làm khoảng hai vạn người vô tội có công với cuộc Kháng Chiến 9 năm bị chết oan, nhưng cũng đã đưa lại cho người nông dân thực sự có ruộng cày. Năm 1960, theo lệnh cụ, nông dân phải nộp ruộng vào Hợp Tác Xã và ruộng đất đã trở thành Sở Hữu Tập Thể. Sau khi thống nhất đất nước, Hiến Pháp 1980 đã qui định, đất đai là của Toàn Dân do Nhà Nước quản lý, nghĩa là từ đây nông dân phải thuê ruộng của nhà nước để sản xuất. Toàn thể nông dân Việt Nam đã trở thành Người Tá Điền và các quan chức địa phương nghiễm nhiên trở thành những Ông Chủ Đất hợp pháp mới. Do có quyền lực quá lớn mà trình độ và đạo đức có hạn, nên dần dà quan chức các địa phương đã tha hóa biến chất thành những tên ác bá cường hào mới đang ngày ngày áp bức bóc lột và đàn áp người nông dân thậm tệ. Đó là nguyên nhân dẫn đến Tiếng Súng Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng và các khiếu kiện về ruộng đất kéo dài từ năm này sang năm khác đang xẩy ra khắp nơi trên cả nước.


    XIN HÃY CỨU NGƯỜI TÁ ĐIỀN DŨNG CẢM


    Xin hãy dựng cho anh Vươn một cái Án Đài thật cao!
    Để xét xử công bằng công khai, bởi anh Vươn vô tội!
    Đừng cố gia hạn điều tra để giam anh ta trong ngục tối
    Nhằm giở trò hành hạ xác thân của mấy “chú đeo sao”!

    Anh Vươn phạm tội gì mà lại bị bắt giam nào?
    Có kẻ đến cướp đất, phá nhà tại sao không bắn lại?
    “Đường Cách Mệnh” cụ đã viết hơn 80 năm còn đấy
    “Đòi ruộng đất cho dân cày!” các người đã quên sao?

    Các người là con em Nông Dân, hay con cháu giặc Tàu
    Đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, nay lại sang cướp đất?
    Hàng triệu nông dân ngã xuống giữa T.S., nay chưa tìm hết xác
    Sao các người đã vội quay lưng phản bội lại đồng bào?

    Các người không sợ vong linh của cụ sẽ hiện về sao?
    Cụ lại phát lệnh “năm 1953 diệt cường hào ác bá”[1]
    Huyện quan Tiên Lãng không bị tử hình mới là chuyện lạ
    Còn bí thư Hải Phòng nhẹ nhất cũng mọt xác trong lao!

    Viết đến đây, tôi lại nhớ cụ những năm nào!
    Đã đem lại cho nông dân cả trâu bò, đất ruộng
    Diệt “ác bá cường hào”, khiến vạn người ngã xuống![2]
    Vậy “Thành quả CCRĐ” năm xưa, nay trôi dạt về đâu?

    Anh Vươn chỉ là “Người Tá Điền”, vì anh đâu có ruộng
    Theo chính sách của cụ ngày xưa, anh đã bị tù oan uổng
    Trước Đầm Tôm anh Vươn, tôi thầm nguyện cầu Người
    Xin hãy cứu Người Tá Điền Dũng Cảm, Chúa Trời ơi!

    Tôi cũng biết rằng, đó chỉ là lời nguyện cầu thôi
    Bởi Chúa Trời ở xa, bảo sao được bầy “cháu ngoan” của cụ
    Tôi chỉ ước anh Vươn sẽ được xét xử như vụ Giá Rai năm đó[3]
    Để Tòa Đại Hình Cần Thơ tuyên: “Anh vô tội!” anh ơi!

    Cho những oan hồn CCRĐ đỡ tủi phận một thời
    Để đất nước sẽ được mở mang Nền Dân Chủ
    Chẳng lẽ đó không phải là “ước mong tột cùng của cụ”?
    Hay chỉ rêu rao để đánh lừa nhân dân và trẻ con thôi?

    Nhìn đống gạch vụn nhà anh Vươn mà đau xé tim tôi!
    Đâu là “Dân Chủ”, “Tự Do” như lời cụ từng kêu gọi?
    Đâu “Muôn Vàn Tình Thương Yêu” cụ đã dỗ dành thăm hỏi
    Ngày anh Vươn còn bé thơ, nghe mẹ hát trong nôi?

    Hà nội, 24/2/2012
    Đặng Huy Văn

    [1] Cụ Hồ phát lệnh Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) ngày 19/12/1953, kết thúc là chiến dịch Sửa Sai cuối 1956 . Tá điền là người đi thuê ruộng đất của địa chủ để sản xuất. CCRĐ lấy ruộng địa chủ chia cho tá điền.
    [2] Khoảng hai mươi vạn người có công với Cuộc Kháng Chiến 9 năm bị qui oan và 2 van người bị chết oan: bị tử hình, bị bức tử, bị chết đói hoặc chết trong các trại cải tạo CCRĐ. ( Nguồn: Wikipedia tiếng Việt)
    [3] Vụ án Nọc Nạn, xã Phong Thạnh, H. Giá Rai, T. Bạc Liêu xẩy ra ngày 16/2/1928. Ngày 17/8/1928, Tòa Đại Hình Cần thơ của Pháp đã xử những nông dân chống lại bọn cường hào cướp đất là vô tội.

    Trả lờiXóa