Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

BẠO LỰC VÀ DỐI TRÁ KHÔNG PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP TỐT CỦA MỘT CHẾ ĐỘ

Ai muốn cướp bát cơm của nông dân?
Theo các chủ đầm tôm ở xã Vinh Quang, phong trào nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tiên Lãng khời đầu từ những năm 1970 nhưng chỉ thực sự phát triển khoảng cuối 1990. Đây là thời điểm những hộ tiên phong như Đoàn Văn Vươn, Lương Văn Trong, Vũ Văn Luân sau nhiều năm mò mẫm, thi gan với trời đất đổ mồ hôi sôi nước mắt đứng trụ được trước thử thách khắc nghiệt của bão gió và bắt đầu gặt hái thành quả. Ở thời điểm này, các chủ đầm đã đầu tư ít thì vài trăm triệu, nhiều lên tới hàng tỷ để quai đê lấn biển, mở rộng đầm, trồng rừng chắn sóng. Nhiều gia đình tìm đến các hộ tiên phong học hỏi kinh nghiệm rồi xin huyện cho thuê đất. Vũng bãi bồi bỗng chốc trở nên nhộn nhịp với những đầm thủy sản trù phú rộng lớn.
Phong trào làm kinh tế này đã làm thay đổi diện mạo cả vùng quê nghèo. Các chủ đầm đã thành lập Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng. Khi việc làm ăn bước đầu sinh lợi là lúc có sự nhòm ngó của các quan tham. Chính quyền huyện thay vì tạo điều kiện cho dân phát triển ngành nghề  lại tìm cách bắt chẹt các chủ đầm bằng bằng các quyết định thu hồi đầm bãi lúc phong trào nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng vừa khấm khá được vài năm. Kèm theo quyết định thu hồi đất của huyện là thông báo yêu cầu các chủ đầm dừng đầu tư vào đầm bãi. Thay mặt Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, ông Trong khẳng định, các quyết định thu hồi đất của huyện là "quá vô lý", bởi diện tích đầm bãi sau khi thu hồi vẫn được tiếp tục giữ nguyên mục đích chứ không chuyển đổi sang mục đích khác. Vốn liếng, công sức của người khai phá chưa thu lại được thì đã bị huyện định "lấy không". Ông Phó chủ tịch Liên chi hội cho hay, ông cùng các hộ nằm trong diện bị thu hồi đã viết đơn nhưng nhiều năm liền huyện không xem xét giải quyết. Không những thế, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền còn ký các quyết định "đình chỉ giải quyết khiếu nại". "Chủ tịch huyện làm thế thì chúng tôi còn biết kêu ai".
Chính quyền huyện Tiên lãng xuống tay với dân và sự bao che của chính quyền thành phố Hải phòng
Bất chấp luật nhà nước về thời hạn giao đất canh tác khuyến khích phát triển nông nghiệp, chính quyền huyện Tiên lãng tổ chức cưỡng chế theo Quyết định số 461 (ngày 7-4-2009) là thu hồi 19,3 ha đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đã thế chủ tịch huyện Lê Văn Hiền đã xuống tay làm bừa khi thu hồi cả 40 ha, bao gồm cả 21 ha theo Quyết định 460 (ngày 23-4-2008) của UBND huyện Tiên Lãng hiện vẫn chưa được phép cưỡng chế. Giải đáp về vấn đề này, ông Hiền nói: “Huyện chỉ giao 21 ha, sau đó ông Vươn lấn chiếm thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị UBND huyện hợp thức hóa. Còn việc thu hồi đất không bồi thường là theo điều 39 Luật Đất đai. Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi đúng là 40 ha, trong đó 21 ha đang làm thủ tục thu hồi, còn 19 ha đã làm xong thủ tục”.
Khó hiểu hơn khi toàn bộ ngôi nhà 2 tầng là nơi trú ngụ của gia đình ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn) nằm trên diện tích 21 ha chưa phải cưỡng chế đợt này đã bị san phẳng. Thủy sản trong đầm bị đánh bắt sạch như một vụ cướp phá hôi của.
Ông Lê Văn Hiền thừa nhận: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế nhưng đây là nơi các đối tượng ẩn náu chống lực lượng cưỡng chế nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà”. 

Viêc chính quyền huy động tới hơn hai trăm công an, bộ đội với đầy đủ súng ống phương tiện để cưỡng chế một hộ nông dân đủ thấy chính quyền đã bất lực như thế nào. Viết đến đây tôi chợt nhớ thời chiến tranh phá hoại của Mĩ ở miền Bắc những năm 1966-1972. Nhiều phi công Mĩ nhảy dù xuống các làng mạc đã bị bắt bởi chính những người nông dân. Ngày 27-8-1966, cô dân quân nhỏ nhắn Lê Thị Hường ở thôn Lam Tiến xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chỉ có cái liềm làm vũ khí đã bắt sống một tên phi công Mỹ to lớn khỏe mạnh đầy đủ súng ống là một trong nhiều ví dụ khác. Điều đó thể hiện sức mạnh của lòng dân, sức mạnh toàn thắng của chiến tranh nhân dân. Nay với một đội quân  hùng hậu dưới sự chỉ huy của một đại tá giám đốc công an thành phố bầy binh bố trận bài bản sáng tạo chưa từng có hay đến mức có thể viết sách dựng phim như ông Đỗ Hữu Ca hùng hồn tuyên bố mà đến nỗi không bắt được mấy anh nông dân lại bị thương vong đến 6 binh sỹ trong đó có 1 thượng tá và một đại úy an ninh. Nếu lực lượng cưỡng chế được nhân dân ủng hộ thì kết quả đâu đến nỗi thảm hại đến thế?
 
Việc đốt phá nhà, cướp thủy sản trong đầm, đánh đập mấy người đàn bà gia đình ông Đoàn Văn Vươn là đỉnh điểm một bi kịch của chính quyền Hải phòng và huyện Tiên lãng. Chính quyền ở đây không còn là chính quyền của dân mà chính họ tự đặt mình vào vị trí là kẻ thù của nhân dân. Khi nhận ra sai lầm quá lớn, đáng lẽ chính quyền thành phố Hải phòng cần thành khẩn rút kinh nghiệm để sửa sai thì ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng  phát biểu bừa rằng người dân bức xúc  phá nhà ông Vươn. Mới đây, ông Lê Thanh Liêm Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (em chủ tịch huyện Lê Văn Hiền) lại trơ tráo khi nói không biết gì về việc thủy sản trong đầm ông Vươn “bốc hơi” còn việc phá nhà thì đi mà hỏi huyện.
Việc phát biểu quanh co mâu thuẫn của chính quyền thành phố Hải phòng và huyện Tiên lãng nhằm lấp liếp che dấu động cơ thật của việc cưỡng chế bị lòi đuôi và lật tẩy khi các cơ quan ban ngành và truyền thông vào cuộc. 

 
Thấy gì sau vụ cưỡng chế ở huyện Tiên lãng
Trước vụ việc cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng khẳng định, hiện nay nhiều người dân, chủ trang trại sắp hết hạn giao đất mà chưa có hướng dẫn nên người dân rất băn khoăn, không biết có còn được giao đất lại hay không. Trong khi đó các địa phương lại tự tiến hành thu hồi theo cách riêng của địa phương, dẫn đến sự việc đáng tiếc như ở Tiên Lãng vừa qua. Ông cho rằng, địa phương nào tự ý thu hồi đất, khi chưa có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sai. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT chuẩn bị tờ trình trình Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 1993 trong năm 2013. Sau khi có luật, mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ. Người dân có thể yên tâm, vì theo dự thảo, ý kiến của các chuyên gia đề xuất thì thời hạn giao đất có thể từ 50 - 90 năm chứ không chỉ là 20 năm như hiện nay.
 “Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng”. Đó là khẳng định của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước.
Ngoài nguyên nhân từ luật đất đai có nhiều điểm bất cập thì công tác đề bạt, tổ chức cán bộ yếu kém về năng lực, suy thoái về tư cách đạo đức, kéo bè kéo cánh đục khoét nhân dân ở Hải phòng cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước gây đổ vỡ niềm tin của nhân dân đối với đảng chính phủ. Chính những cán bộ như ở huyện Tiên lãng và thành phố Hải phòng đang là một mối đe dọa cho sự tồn vong của chế độ. Sự mất niềm tin vào chính quyền lớn tới mức chưa bao giờ sự mong ngóng quan tâm theo dõi của nhân dân cả nước về buổi làm việc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tỉnh Hải phòng về các sai phạm trong vụ Tiên lãng vào những ngày tới đây trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhiều người mong muốn buổi làm việc này phải được truyền hình trực tiếp công khai để nhân dân theo dõi.
Liệu mong mỏi chính đáng này của nhân dân có được đáp ứng hay không đang là một dấu hỏi lớn dành cho đảng và nhà nước trả lời.
Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét