Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

LUẬN VỀ ĐẠO


Hà Bá và thần Bắc Hải luận về Đạo.
Mùa thu khi nước dưng, cả trăm con sông đổ dồn ra Hoàng Hà, dòng nước mênh mông, tới nỗi đứng bờ bên đây nhìn qua bờ bên kia không phân biệt được con bò với con ngựa.

Hà Bá (thần sông) hoan hỉ, cho mình làm chủ được hết những cái đẹp trong thiên hạ. Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn [thần biển là] Nhược, bảo:

- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi. Tôi đã nghe người ta chê kiến văn của Trọng Ni không được bao nhiêu, khinh nghĩa khí của Bá Di là tầm thường, mới đầu tôi không tin; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài, nếu tôi không đến cửa của Ngài [mà thụ giáo] thì nguy cho tôi, tôi sẽ vĩnh viễn bị bậc thức giả chê cười mất.

Thần Bắc Hải đáp:

- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được, vì nó chỉ thấy một khoảng không gian hẹp quá. Không thể nói về băng tuyết cho một con trùng chỉ sống một mùa hè nghe được vì nó sống một khoảng thời gian ngắn quá. Không thể luận về đạo giáo cho một kẻ sĩ quê mùa nghe được vì họ bị trói buộc trong điều lễ giáo.

Nay anh ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà nhận rằng mình tầm thường thì ta có thể giảng cái chân lí lớn cho anh nghe được. Nước trong thiên hạ, không đâu rộng bằng biển. Vạn con sông đổ hoài vào đó, không bao giờ ngừng mà nó cũng không hề vơi. Mùa xuân, mùa thu nó vẫn vậy, không biết nắng hạn (xuân) hay lụt lội (thu). Lưu lượng nó hơn hẳn Trường Giang và Hoàng Hà không biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà ta không lấy thế mà tự đắc, vì so với trời đất, với tất cả những vật thụ khí âm dương, thì ta có khác gì một hòn cuội, một cây nhỏ trong núi lớn. Biết rằng mình nhỏ rồi, đâu còn tự đắc nữa?

So với trời đất, bốn biển khác gì cái hang nhỏ trong cái chằm lớn? So với bốn biển, Trung Quốc khác gì một hạt lúa trong cái kho lớn? Sinh vật có cả vạn loài mà loài người chỉ là một. Trong số những người sống ở chín châu (tức Trung Quốc), ăn lúa để sống, đi lại với nhau bằng thuyền và xe, thì cá nhân chỉ là một phần tử. Vậy người so với vạn vật có khác gì đầu sợi lông trên mình con ngựa? Cái mà ngũ đế kế thừa, cái mà tam vương tranh giành nhau, cái mà hạng người có nhân lấy làm lo lắng, hạng người có tài năng phải lao khổ, rốt cục chỉ có vậy thôi ư! Bá Di từ nhượng mà được cái danh thơm, Khổng tử bàn luận mà được coi là bác học. Họ tự hào về đức về tài của họ, có khác gì lúc nãy anh khoe nước của anh nhiều không?

Hà Bá nói:

- Vậy tôi có thể cho trời đất là lớn mà đầu sợi lông là nhỏ được không?

- Không. Vì cái lượng của vạn vật thì vô cùng mà thời gian thì không ngừng, nó biến đổi hoài, không biết đâu là thuỷ đâu là chung. Cho nên bậc đại trí nhìn xa rồi nhìn gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, vì biết rằng cái lượng của vật vô cùng; hiểu lẽ xưa cũng như nay, không tiếc thời xưa mà cũng không cầu gì ở thời nay, vì biết rằng thời gian không ngừng; xét luật đầy vơi ở trên đời, khi được đã không mừng mà khi mất cũng không lo, vì biết rằng số phận bất thường. Theo con đường bằng phẳng rồi không cho sống là vui, chết là hoạ, vì biết rằng sống chết không có gì là vĩnh cửu. Cái ta biết ít hơn cái ta không biết, cuộc đời ta sống không dài bằng thời gian trước khi ta sinh ra. Lấy cái cực nhỏ [tức trí tuệ và đời sống của ta] mà muốn hiểu đến cùng cái cực lớn [tức tất cả cái ta không biết và cả thới gian trước khi ta sinh ra], như vậy là mê loạn, không bao giờ thoả mãn được. Đã vậy rồi thì làm sao có thể biết được đầu cái lông làm tiêu chuẩn cho cái cực nhỏ, mà trời đất làm tiêu chuẩn cho cái cực lớn?

Hà Bá hỏi:

- Bọn nghị luận ngày nay bảo cái cực nhỏ không có hình thể, cái cực lớn không có giới hạn, có thực vậy không?

- Từ lập trường nhỏ mà xem cái lớn thì không thấy khắp được, từ lập trường lớn mà xem cái nhỏ thì không thấy rõ được. Cái cực nhỏ là cái nhỏ nhất trong những cái nhỏ, cái cực lớn là cái lớn nhất trong những cái lớn. Hai cái đó đều có ưu điểm riêng, hiện tượng đó vốn có[9]. Phân biệt tinh với thô là xét những vật hữu hình; những vật vô hình thì không thể phân chia ra được; cái gì không có giới hạn thì không thể tính được. Cái có thể diễn bằng lời được là cái “thô” của của sự vật, cái mà ý có thể đạt được là cái “tinh” của sự vật. Cái gì mà lời không thể diễn, ý không thể đạt thì vượt lên trên cái tinh và cái thô.

Bậc đại nhân hành động không làm hại ai cũng không coi trọng lòng nhân và sự gia ân cho người. Họ hành động không vì lợi, không khinh người coi cửa, người đầy tớ, không tranh của cải, không coi trọng sự từ nhượng, làm việc thì không nhờ cậy ai, mà cũng không khoe rằng chỉ trông cậy ở sức mình, cũng không khinh bọn tham ô. Hạnh thì khác hẳn thế tục mà không tự hào rằng mình khác người; làm thì theo đám đông mà không khinh bọn siểm nịnh. Tước lộc không khuyến khích được họ, hình phạt không làm nhục họ được vì họ biết rằng không có gì định được phải trái, lớn và nhỏ. Ta nghe nói rằng: “Bậc đạt Đạo thì không có danh tiếng, bậc chí đức thì không cần được gì cả, còn bậc đại nhân thì không biết có mình”. Đó là tự thu giảm (từ nhượng) tới mức độ cực cao.

Hà Bá hỏi:

- [Vật không có tinh và thô, nhưng có trong và ngoài], vậy lấy bề ngoài hay bề trong mà xét thì làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ?

Thần Bắc Hải đáp:

- Theo lập trường Đạo mà xét thì vật không có quí tiện. Theo lập trường của vật mà xét thì vật nào cũng cho mình là quí mà vật khác là tiện. Theo thế tục mà xét thì quí tiện không tuỳ thuộc chính mình [mà tuỳ thuộc ý kiến của người khác về mình].

Lấy con mắt sai biệt mà xét, muốn nhấn vào chỗ lớn thì không vật nào không lớn; muốn nhấn vào chỗ nhỏ thì không vật nào là không nhỏ. Biết trời đất chỉ nhỏ bằng hột kê mà đầu chiếc lông lớn bằng đồi, núi, tức là hiểu rõ cái độ số sai biệt rồi.

Xét về phương diện công hiệu, muốn nhấn vào sự công dụng thì không vật nào không có công dụng ; muốn nhấn vào sự vô dụng thì không vật nào có công dụng. Biết được đông và tây đối lập nhau, mà phải có phương này mới có phương kia, tức là phân định được công dụng mỗi vật rồi.

Xét về phương diện ý hướng, muốn nhấn vào chỗ phải của mỗi vật thì không vật nào là không phải; muốn nhấn vào vào chỗ không phải của mỗi vật thì vật nào cũng là không phải. Biết rằng Nghiêu và Kiệt đều tự cho mình là phải mà đối phương là quấy, tức là có ý niệm đúng về ý tưởng, hành vi của mọi người rồi.

Xưa kia Nghiêu và Thuấn vì nhường ngôi mà thành đế vương, vua Yên và Khoái vì nhường ngôi cho tể tướng là Tử Chi mà thân chết, nước mất; Thang và Võ [vương] nhờ tranh đoạt mà lên ngôi vua, Bạch công vì tranh đoạt mà bị giết. Do đó mà xét, việc tranh đoạt hay nhường ngôi, hành vi của Nghiêu và Kiệt, bên nào là cao quí, bên nào là đê tiện, đều là tuỳ thời, không có gì là nhất định.

Cái đòn nóc hoặc cái rường nhà có thể dùng để tông cửa thành mà không thể dùng để lắp cái lỗ nhỏ, vì mỗi việc có một khí cụ riêng. Loài ngựa tốt kí, kì, và con Hoa lưu một ngày đi ngàn dặm mà bắt chuột không bằng con li tinh, vì mỗi loài có một tài riêng. Ban đêm con cú, con vọ bắt được con mạt, thấy được đầu chiếc lông, mà ban ngày mở mắt ra cũng không thấy được ngọn đồi, ngọn núi, đó là bản tính của mỗi loài vật.

Cho nên bảo chỉ muốn bắt chước cái phải mà bỏ cái trái, chỉ muốn có trị mà không có loạn là chưa hiểu cái lí của trời đất; cái bản thể của vạn vật. Như vậy không khác gì chỉ muốn bắt chước trời mà không biết có đất, bắt chước âm mà không biết có dương, điều đó hiển nhiên là không thể được. Nếu cứ cố chấp giữ ý đó thì không phải là ngu muội cũng là lừa gạt. Ngủ đế nhường ngôi mỗi vị mỗi khác, tam đại nhừng ngôi mỗi nhà mỗi khác. Kẻ nào chiếm quyền, mà không hợp thời nghi, trái với lòng dân thì gọi là kẻ cướp ngôi; nếu hợp thời nghi, thuận với lòng dân thì gọi là hợp nghĩa. Thôi đừng nói nữa, Hà Bá! Anh làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ.

Hà Bá hỏi:

- Vậy thì tôi nên làm gì? Không nên làm gì? Nên từ bỏ hay nên nhận cái gì? Nên tiến hay nên lui? Phải làm sao đây?

Thần Bắc Hải đáp:

- Theo lập trường Đạo mà xét thì có gì là quí, là tiện? Đó chỉ là tương đối trái nhau thôi[16]. Anh đừng nên câu chấp, như vậy trái với đạo. Cái gì là ít, là nhiều? Ít, nhiều chỉ là những nhận định nhất thời thôi. Anh đừng chấp nhất trong hành vi, như vậy là sai Đạo.

- Anh phải nghiêm như một ông vua, không có ân huệ thiên tư, phải tự tại như thần Xã trong lúc tế lễ, không ban phúc cho riêng ai; lòng phải rộng rãi như bốn phương vô cùng, không có bờ cõi, ôm cả vạn vật, không che chở riêng cho vật nào. Như vậy là vô tư.

Vạn vật đều ngang nhau, có vật nào dài, vật nào ngắn đâu? Đạo không có đầu có cuối. Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy có vơi, có chung thì có thuỷ. Có thể coi đó là xu hướng của Đạo, tình lí của vạn vật. Đời vạn vật qua mau như ngựa chạy, không có cái động nào mà không biến, không lúc nào là không chuyển. Anh hỏi nên làm gì, không nên làm gì ư? Thì cứ để cho bản thân anh tự nhiên biến hoá.

Hà Bá hỏi:

- Đạo có gì mà quí vậy?

Thần Bắc Hải đáp:

- Ai hiểu Đạo thì tất biết lí, biết được lí thì rõ phép quyền biến, rõ phép quyền biến thì không bị ngoại vật làm tổn thương. Bậc chí đức thì vô lửa mà không nóng, xuống nước mà không chìm, nóng và lạnh không làm cho đau được, cầm thú không làm hại được. Không phải bậc chí đức khinh suất coi thường những cái đó; họ xét rõ an nguy, bình tĩnh trước hoạ và phúc, thận trọng tiến lui, cho nên không cái gì làm hại được.

Cho nên bảo: “Trời ở trong, người ở ngoài, mà Đức ở trời. Biết được tác dụng của trời, của người thì lấy trời làm gốc mà đứng vững ở Đức; người như vậy có thể tiến lui, co duỗi, trở về cái cốt yếu mà bàn về cái cao nhất của Đạo”…
Trang Tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét