Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

VÔ THẦN

Entry 05/8/11
Sau cơn bão trời Tĩnh gia xanh biếc. Biển nhẹ nhàng từng đợt sóng âu yếm liếm bờ cát say mê, lai láng bọt nước. Hiển hiện trước mắt là Hòn Mê, hòn đảo khá nổi tiếng, có lẽ một phần vì được đặt tên cho một loại thuốc lá Việt nam được ưa chuộng một thời: thuốc lá Hòn Mê. Giá như có thuốc lá Hoàng sa hay Trường sa thì dù đã cai nhưng ta sẽ quyết định làm một điếu. Hòn Mê nhìn gần đến mức một anh bạn cho rằng chỉ bơi một hơi là ra đến nơi. Tôi bảo rằng đảo cách bờ khoảng 13,14 cây số, anh dứt khoát không tin cãi bằng được rằng không thể có chuyện đó và dứt khoát ra đi…tìm chân lý. Chiều muộn về gặp tôi anh cười với vẻ ngượng ngùng, thừa nhận: Ờ, cậu đúng. Hòn Mê trông gần thế mà xa thật. Thuê thuyền “thổ dân” ra đấy người ta lấy 2 triệu ông ạ. Tôi cười: Không sao, nghi ngờ đẻ ra chân lý mà.
Phần mải chơi, phần bữa trưa chén nhiều hải sản quá, tối mịt mới tính kiếm gì đó nhậu thay bữa chiều. Bốn anh em ngồi bên bờ cát sóng vỗ ỳ oạp vào mạn chiếc mảng tre gắn máy Bông sen. Một chai vodka Putinka trong vắt với mực nướng thơm lừng quyện mùi tanh ngái đặc trưng của biển xứ Thanh đủ làm say cả sóng. Ngồi ở biển, không hiểu sao cái kiểu ăn đêm thế này đưa đẩy cái liên tưởng trôi dạt tới tận vùng sa mạc Libya vào tháng ăn chay Ramadan năm nào. Ăn chay, với nhiều người hiểu là kiêng thức ăn có nguồn gốc động vật. Thật ra nhà Phật còn khuyến cáo kiêng cả các gia vị trong ngũ vị tân (hành, kiệu, tiêu…) vì các món này kích động dục giới. Đấy là luật, còn thực tế người ta có kiêng hay không là chuyện khác. Còn các bác theo đạo Hồi trong tháng Ramadan (năm nay tháng Ramadan bắt đầu từ 1/8) còn kiêng dữ hơn. Đạo Hồi buộc tín đồ tháng này, vào ban ngày không được đưa vào miệng bất kì thức gì, thậm chí đến nước uống cũng bị cấm. Tuy nhiên theo thống kê ở các nước Hồi giáo, lượng thực phẩm tiêu thụ trong tháng Ramadan nhiều gấp đôi các tháng khác. Có lẽ người ta ăn bù chăng?
Đề tài tôn giáo vốn “nhạy cảm” không kém đề tài đa nguyên, đa đảng ở Việt nam. Tất nhiên, nói chuyện về tôn giáo có thể gây cãi vã, tệ hơn là cạch mặt không đến nhà nhau chứ không dẫn đến  nhà…tù như chuyện đa nguyên đa đảng. Vậy là nói chuyện tôn giáo không đến nỗi sợ lắm. Có anh bạn là Giám đốc một công ty nhà nước kha khá ở Hà nội bảo: Tao đi tây nhiều thấy dân Âu châu chúng nó sống rất văn minh nhưng đạo Công giáo của họ cấm ăn thịt chó, cấm thờ cúng ông bà tổ tiên là điều rất dở.
Tôi suýt chết sặc, cười đau cả bụng về sự “hiểu biết” của ông giám đốc. Tại sao một tay học hành đỗ đạt khá, chức vụ cao lại thiếu hiểu biết xã hội đến thế. Đạo Công giáo còn gọi là đạo Thiên chúa không có giáo điều nào cấm người ta ăn thịt chó hoặc thịt động vật nói chung. Ở châu Âu, người ta yêu quý con chó như một người bạn vì truyền thống lâu đời của các nước đó như vậy nên họ không ăn thịt chó có thế thôi.  Các nước Á châu, những người theo đạo Thiên chúa ở Việt nam, Nhật, Hàn quốc… vẫn xơi thịt chó như thường vì từ xửa xừa xưa dân các xứ này coi con chó đơn giản chỉ là…con chó hoặc khá hơn là con…cầy mà thôi. Ăn chay lại là chuyện khác. Giáo luật của đạo Thiên chúa quy định buộc  giáo hữu (trừ trẻ con và người ốm) ăn chay một năm hai lần vào các ngày thứ Tư lễ tro và ngày thứ Sáu tuần Thánh. Còn cái chuyện cho rằng họ “không thờ cúng ông bà tổ tiên” cũng là một hiểu lầm kỳ lạ. Người theo đạo Thiên chúa tổ chức làm giỗ cho ông bà tổ tiên hoặc cha mẹ, anh em…của họ rất nghiêm trang thành kính như mọi gia đình thuộc các tôn giáo khác chỉ có điều Nghi thức thì khác thôi. Người theo một số tôn giáo có lệ làm cỗ giỗ bày lên bàn thờ thắp hương mời các cụ về “xơi”, tàn hương thì lễ tạ, xong đưa xuống “thụ lộc”. Người bên đạo Thiên chúa đặt lên bàn thờ ông bà, cha mẹ hoa tươi, thắp nến, thắp hương hoặc đốt trầm thơm, họp nhau đọc kinh nguyện, hát Thánh ca tưởng nhớ những người đã khuất và nhân dịp họp mặt thì làm cơm để mọi người ruột thịt và bạn hữu đánh chén. Sự khác nhau giữa các tôn giáo thực chất chỉ khác về nghi thức, cũng giống như việc bày tỏ tình cảm mỗi người mỗi khác theo cá tính, theo phong tục địa phương. Ví dụ như dân Exkimo chào nhau mỗi lần gặp gỡ bằng cách cọ mũi vào khách. Ở ta có thể là bắt tay theo lối Âu châu hoặc gật đầu. Quý ông nào bắt chước dân Exkimo cọ mũi mình vào mũi của bà vợ ông bạn nóng tính chắc chắn cái mũi của quý ông sẽ có dịp đổ ra cả…bát tiết. Nôm na là như vậy.Nhưng tại sao các tôn giáo nhiều khi kỵ nhau đến mức từ xa xưa đã xảy ra các cuộc chiến tranh tôn giáo? Tìm hiểu kĩ lịch sử, người ta hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của các tỵ hiềm tôn giáo, thủ phạm không có gì khác là những kẻ có thế lực trong xã hội kể cả Thần quyền lẫn Thế quyền. Các nhà cầm quyền ở thời nào và ở đâu cũng vậy, họ xuyên tạc giáo điều các tôn giáo, khoét sâu những dị biệt dân tộc để chia rẽ nhằm dễ cai trị. Đó là phép tách bó đũa ra từng chiếc cho dễ bẻ. Muôn năm các nhà lãnh đạo.
Trước đây ở ta do thái độ kỳ thị Công giáo, trong các bản lý lịch có mục phải khai tôn giáo ( hầu hết các nước không có mục khai này), người ta thường ghi là tôn giáo: Không (cho dù có theo đạo nào đó) để phù hợp với chính sách Vô thần của đảng ta. Người cộng sản không tin vào bất kì tôn giáo nào, tất cả các tôn giáo đều là “thuốc phiện”. Cụ KarMak, Lê nin dạy thế. Tất cả là thực tại. Với triết lý đó, chết là hết cho nên khi sống cố làm sao kiếm được thật bộn tiền, ăn cho sướng, chơi cho đã đời và để lại tài sản cho con cái…hút hít. Cách sống chỉ biết hiện tại khuyến khích, thúc dục con người phấn đấu ngoi lên cũng nhằm thu lợi lộc cho cá nhân bằng mọi giá, mọi thủ đoạn kể cả tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Khôn sống mống chết, không cần đạo lý gì ráo trọi vì làm gì có đời sau, tu nhân tích đức mà làm gì?
Nói zậy nhưng không phải zậy. Nói là theo chủ thuyết vô thần nhưng thật ra ngày nay các bác vô thần cao cấp chịu khó cúng vái hương khói lắm, tất nhiên là cố che giấu sự thật (các pác này cái gì cũng che giấu tuốt). Người mỏng vốn sắm lễ cầu cúng ở khắp các đền miếu còn quan chức lớn ẵm bộn tiền thuế, tiền “cúng cụ” dư dật không biết tiêu gì thì tính đầu tư xây cất các chùa thật lớn, quảng bá rầm rĩ, vừa được tiếng tự do tín ngưỡng vừa lãnh nhiều ơn huệ của thánh thần (nhỡ ra có thánh thần thật) và thu lại được khối lãi ròng từ các tín đồ và…đồ đệ muốn có tín.Thật là nhất cử tam tứ tiện. Tuyệt, thế mới là biết cách Vô thần theo định hướng XHCN.
MXD                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét