Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

MẶC CẢM NGƯỜI QUÊ

Mai xuân dũng 22/9/201
…“Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng long”…
Hồi chiến tranh phá hoại, gia đình Hoài sơ tán sang Thuận thành Hà Bắc vì có anh hai dạy học ở đấy.
 
Mẹ Hoài đã đi trước đó mấy ngày, mấy bố con đi sau. Bố dùng chiếc xe đạp Lincon cũ còn Hoài chở thằng em trai bằng chiếc xe đua Sputnik cỡ vành 700. Lúc đó đang mùa rét. Hai anh em mặc áo bông vải xanh chéo Nam định và đi giầy vải. Bố Hoài thì mặc một chiếc áo vải thô dầy cộp màu gạch, khuy cài chồng bằng gỗ hồ đào, trong lót lông cừu. Đó là chiếc áo có từ hồi ông học trường thuốc bên Pháp. Đến đầu làng, ba, bốn đứa trẻ chăn trâu chạy theo hò reo. Chỉ vài phút, bọn trẻ trong làng đâu ra lắm thế. Chúng chạy theo cả đoàn, vừa chạy vừa chỉ trỏ ba bố con cười đùa inh ỏi. Vài đứa bé tí ở truồng chỉ mặc một cái áo của người lớn, cổ rộng huếch hoác. Có đứa nước da đen như củ ấu, nước mũi đặc như sữa bò ông Thọ chảy thò lò xuống đến miệng nó lại hít lên. Nhà Hoài được bố trí ở nhà cụ Àn là mẹ nuôi anh nó. Gia đình cụ có bốn người, ngoài cụ còn có hai vợ chồng ông Hiệu và đứa con trai bằng tuổi Hoài. Nó tên là Thài.
Nhà cụ Àn rộng rãi, ba gian hai chái và một dãy nhà ngang vừa làm kho vừa làm bếp và một cái sân gạch rộng chừng xếp được 10 cái nong to để phơi sắn.Hôm trước về quê, mẹ đã biếu cụ Àn một cái khăn nhung the màu đen và bà Hiệu một chiếc áo cánh bằng vải phin nõn trắng mà mẹ để dành đã lâu. Bố thì làm quà cho ông Hiệu một chiếc áo đại cán màu cỏ úa còn khá mới mà anh cả làm sỹ quan quân đội biếu bố.Thằng Thài không có quà gì làm Hoài áy náy mãi.
Hồi chiến tranh, khái niệm “mốt” trong ăn mặc là cái người ta chưa biết tới. Thời ấy, từ thành thị đến nông thôn nhìn bề ngoài, ai cũng giống nhau như khuân đúc vì áo quần chỉ có mua của cửa hàng mậu dịch. Mẫu mã có vài kiểu. Mùa hè, con trai mặc áo cổ bẻ vải phin trắng hoặc xanh trứng sáo, quần xanh chéo, chân đi dép lốp. Con gái mặc áo hoa cổ sen tròn, quần phíp đen. Mùa đông thì mọi người cả nam lẫn nữ đều giống nhau ở cái áo bông mầu xanh công nhân. Thời đó len hiếm lắm. Với lại, nếu có áo len cũng ngại mặc. Mặc áo len dễ bị coi là nhà giầu, là bọn tiểu tư sản. Khai lí lịch thành phần xuất thân thích nhất được viết về mình ba chữ: “Bần cố nông”. Nếu có trót ở Hà nội hàng chục đời như gia đình Hoài thì cũng tìm cách ghi vào lí lịch là: “dân nghèo thành thị”. Nhà Hoài nghèo. Bữa cơm thường là mì nhiều, cơm ít lại hôi rình. Nhưng có gạo độn mì sợi cũng là may lắm rồi. Bọn trẻ cầm bát cơm chìa ra để mẹ chia mỗi đứa mười hạt lạc rang mặn trắng muối như cái kẹo lạc bao đường ta quen gọi là kẹo trứng chim. Nhân dân ai cũng thế cả. Ngoại trừ cán bộ cao cấp thì có tiêu chuẩn ở nhà ăn Tông Đản. Đó là thiên đường sung túc xa vời. Đại bộ phận nhân dân, cái ăn, cái mặc nếu tỏ ra khá giả là rất phiền.
Thời kì đó bị coi là nhà giầu rất nguy hiểm. Bạn thử hình dung mà coi, cả hội trường mấy trăm con người xanh lè một màu áo riêng ai đó mặc áo mầu khác, lại là mầu da bò, kiểu cách lạ mắt như bố Hoài thì sức ép không nhỏ đâu. Vậy mà bao nhiêu mùa đông qua, ông chỉ mặc chiếc áo thô lót lông cừu đó không chịu thay đổi mặc ai nói ra nói vào cũng vậy. Mà cái áo tốt tại sao phải bỏ đi cơ chứ. Nói vậy chứ trong thời kì lạ lùng đó, chiếc áo của bố đã đem đến cho ông biết bao phiền phức ở đời.
Ở nhà cụ Àn, vì bằng tuổi nhau nên Hoài với thằng Thài thân nhau như anh em ruột. Hoài cùng nó rong chơi khắp nơi, qua bến Sen Hồ lên thị xã Bắc ninh. Có khi còn đạp xe lên tận Hiệp Hòa gần Thái Nguyên. Bây giờ đi bằng xe máy thì vài trăn cây là thường còn đi bằng xe đạp xa vậy là ghê lắm rồi. Hoài cũng hay đèo Thài đi Hà nội chơi. Về Thủ đô, thằng Thài lúng túng thấy rõ. Ở quê nó nghịch ngợm táo tợn bao nhiêu thì ở Hà nội nó khép nép bấy nhiêu. Ăn mặc y chang như Hoài, đầu tóc bắt chiếc Hoài giống từ cái tóc mai cong trở đi nhưng mấy đứa bạn ở Hà nội liếc cái biết ngay nó ở quê lên. Chả phải riêng thằng Thài, người các tỉnh đến Hà nội đều có cảm nhận khá rõ người Hà thành có cái gì đó khác biệt. Hồi nhỏ tuổi Hoài cũng không biết được tại sao như vậy nhưng khi lớn lên mới hiểu sự khác biệt không lớn nhưng đủ để người ta nhận ra người Hà nội giữa bao người ở các địa phương khác đến đây. Có lẽ là do phong cách chăng? Ví như xem bóng đá Anh, cho dù bạn không phải là người am hiểu nhưng thấy ngay cách chơi của Arsenal không giống Liverpoon hoặc Cheelsea đá khác hẳn Man U. Nhưng để cắt nghĩa tường tận thì chịu.
Nhớ lại kỉ niệm năm 1976, Hoài chở thằng Thà đi chơi Hà nội đến ô Cầu Dền bị thanh niên cờ đỏ và công an chặn xe, tóm vào trụ sở. Sau một hồi giáo dục về nếp sống văn minh đô thị và lối sống thanh niên xã hội chủ nghĩa, Hoài và thằng Thà bị lôi ra để cắt trụi mái tóc dài và rạch ống chiếc quần loe. Thằng Thà còn bị các anh chị thanh niên cờ đỏ mắng thêm tội đua đòi với bọn tiểu tư sản thành thị. Họ cũng biết ngay thằng Thài người tỉnh khác mặc dù hai đứa không phải khai báo nơi cư trú cũng như xuất trình chứng minh thư nhân dân.Về sau Thài cũng lên học và định cư ở Hà nội. Nó đổi tên là Thái. Mấy chục năm chúng chơi với nhau, Thài vẫn bị mặc cảm là người nhà quê ám ảnh.Nhưng lạy Giời, bây giờ chuyện đó không bao giờ còn xảy ra nữa và cũng chả có ai phải mặc cảm nữa vì Hà nội bây giờ chỉ là tên địa danh giống như 61 tỉnh thành trên cả nước. Người khắp các tỉnh về Hà nội học hành, làm ăn ngày mỗi nhiều lên. Khi tết đến, người các tỉnh trở về cố hương, thành phố Hà nội vắng như chùa Bà Đanh. Ngày mùng một tết đi trên con phố nhỏ cứ thấy ngẩn ngơ ngỡ như đứng giữa quảng trường Ba đình rộng lớn.Người gốc Hà nội không biết đã đi đâu hết cả. Số người ở đất cố đô mấy đời hoặc mấy chục đời có lẽ chỉ còn là một phần mười hay một phần hai mươi trong cư dân Hà thành xưa mà thôi.Với gia đình Hoài, 1000 năm Thăng Long hay 1000 năm Ninh Bình hay Thái bình cũng thế cả.
Đêm rủ Hoài đi uống rượu ở vũ trường, Thài ăn vận như một quý ông sang trọng, đầu vuốt keo bóng lộn, ăn to nói lớn trong khi Hoài lặng lẽ mơ màng ngắm làn khói thuốc bay. Chai Rémy VSOP cũng gần cạn, Thài giộng chai xuống bàn gọi nhân viên Promotion làm Hoài giật nảy người. Chỉ đơn giản vậy mà cái mặc cảm người quê đã biến mất trong Thài từ hồi nào.
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét