Dân chủ thực hành và Dân chủ khẩu hiệu
“Dân chủ khẩu hiệu” (Democracy slogan) không phải là một khái niệm mới mà là ngôn từ ước lệ để chỉ thứ Dân chủ ưa dùng cho tất cả các phe phái chính trị lấy làm khẩu hiệu.
193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc có: Lào, Bắc Triều tiên, Sirilanca, Nê pan, Công gô là gắn chữ Dân chủ vào tên nước.
Tất cả 193 quốc gia nói trên đều tự nhận nước mình có Dân chủ. Đặc biệt, ở Việt nam, bà giáo sư tiến sĩ, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan viết trên báo Nhân dân: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Đại đa số các nước trên thế giới có đa đảng tham gia hoạt động xã hội và rất nhiều các đảng phái lấy tên đảng là Đảng Dân chủ.
Trong các bài phát biểu của các vị lãnh đạo nhà nước,hai tiếng Dân chủ được nhắc tới với một tần suât cao.“Chúng ta phải phát huy hơn nữa quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, “pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”…là những câu nói quen thuộc trên các phương tiện truyền thông nhà nước đến nỗi người dân thuộc lòng như thuộc ca dao,tục ngữ vậy.
Ở các nước trên thế giới, các đảng phái, các phong trào cách mạng khi đấu tranh với các thể chế độc tài đều nêu khẩu hiệu đòi Dân chủ. Nhân danh dân chủ, các phong trào của nhân dân Đông Âu đã làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản. Ở Ả rập-Trung Đông, Bắc Phi,dân chúng xuống đường thách thức các chế độ chuyên quyền bằng khẩu hiệu Dân chủ.
Trong tay lực lượng chính trị này, Dân chủ được đem ra làm chắn bảo vệ cho thể chế cầm quyền nhưng trong tay một phong trào chính trị khác,chữ Dân chủ lại được sử dụng như một vũ khí tranh đấu.
Mấy ví dụ trên cho thấy Dân chủ mang ý nghĩa rất cao đẹp, có giá trị to lớn và vì thế hai chữ Dân chủ được tất cả mọi lực lượng trong xã hội giương cao như một ngọn cờ tập hợp lực lượng quần chúng, nó được tất cả các nhà nước,các thể chế chính trị, có khi khác hẳn nhau về bản chất lấy đó làm tấm “bảng hiệu” danh giá gắn cho mình. Dân chủ vừa có ý nghĩa tích cực vì đó là mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại nhưng nó cũng trở nên rất xấu xa khi được những chế độ chính trị tham nhũng,độc đoán sử dụng làm chiêu bài lừa mị quần chúng.
Dân chủ có nghĩa là Nhân dân làm chủ nhà nước. Trên thực tế, khối dân chúng khổng lồ tham gia làm chủ nhà nước là một điều viển vông.Bằng cách nào nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ số phận của mình? Các nhà nước trên thế giới đưa ra hai giải pháp cho dân chúng tham gia “làm chủ”: một là trực tiếp; hai là gián tiếp (qua các đại biểu). Cách trực tiếp được coi là công bằng nhất, nhưng trên thực tế là bất khả thi. Dân chủ cách gián tiếp hiện đang được xem là hình mẫu cho tất cả các quốc gia, nghĩa là đám quần chúng khổng lồ chọn ra các đại diện quyền lợi của mình lãnh đạo đất nước. Điều đó liên quan đến cơ chế, cách thức tổ chức chính quyền. Một nhà nước dân chủ phải được dân bầu một cách tự do và bình đẳng. Nhưng tự do, bình đẳng chỉ có thể thực hiện khi quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi người được thực thi và dân chúng phải có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội, được quyền phản biện, vận động cho quan điểm chính trị của mình. Nói cách khác muốn có bầu cử công bằng (thực hành Dân chủ) phải có các lực lượng chính trị cùng tham gia đại diện cho các ý chí khác nhau của quần chúng nhân dân.
Dân chủ chỉ đúng nghĩa khi nó được đặt trên nền tảng pháp trị. Nền Pháp trị ấy phải gắn liền với những giá trị phổ quát của nhân loại bất ngoại lệ, không có ai, không có nhóm người nào, đảng phái nào có thể đứng trên pháp luật được.
Các phong trào dân chủ ở Ả rập gần đây đã phế truât chính vị tổng thống do mình bầu ra. Điều đó cho thấy sự vật vã của nền Dân chủ sơ khai. Họ đã không thể một lần lựa chọn đúng người đại diện cho mình. Khi đánh đổ một thể chế độc tài, khối quần chúng vĩ đại kia đã sai lầm chọn cho mình một nhà độc tài mới để hôm nay, chính họ một lần nữa phải hạ bệ kẻ mới đây được tôn vinh với tổn thất nhiều sinh mạng. Nhưng các phong trào Dân chủ thường có những bước đi như vậy vì thực hành dân chủ với một khối quần chúng lớn khó có thể tránh được sai lầm bởi có quá nhiều cá thể tập hợp lại với sự khác biệt về xuất xứ, động cơ, trình độ hiểu biêt chính trị, quyền lợi, đẳng cấp xã hội.
Việc lựa chọn người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân rất khó khăn nhưng cũng có những tiêu chuẩn để đánh giá, nhận biêt. Sự nhận diện tính Dân chủ đích thực ở những người đại diện cho quyền làm chủ của quần chúng phải dựa trên những biểu hiện Dân chủ thực hành chứ không phải Dân chủ khẩu hiểu.
Dân chủ thực hành là một tập hợp các biểu hiện hành động có tính Dân chủ thực sự. Người, nhóm người trong một tổ chức, một phong trào,một chính thể được coi là Dân chủ khi họ có những hoạt động theo một nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt tư tưởng, thượng tôn các giá trị phổ quát của nhân loại thể hiện bằng các công ước quốc tế và thực hành nghiêm túc các công ước tham gia.
Quần chúng nhân dân cần trang bị kỹ năng nhận diện năng lực Dân chủ của những đại diện quyền lợi cho mình. Những kỹ năng cơ bản là khả năng tập hợp, phân tích, tổng hợp dữ liệu khách quan.
Đại bộ phận quần chúng không phải là giới tinh hoa. Họ phải chọn trong giới tinh hoa những đại diện đủ tố chất thủ lĩnh chính trị gánh vác trọng trách được giao phó. Nhưng những đại diện của họ lại không có cùng xuất xứ, vị thế, quyền lợi như họ nên quần chúng không thể kỳ vọng những đại diện của mình có hành động Dân chủ thực hành đáp ứng đầy đủ quyền lợi của họ và, việc chấp nhận những đại diện này mang tính tương đối có thể.
Sự lựa chọn các đại diện, gọi cách khác là các thủ lĩnh chính trị cho quần chúng thường đặt trên nền tảng đạo đức chứ không dựa trên cơ sở dữ liệu mang tính phân tích. Đặc điểm của nền tảng đạo đức lại mang nặng cảm tính. Trong chế độ phong kiếnViệt nam, nền tảng đạo đức chịu ảnh hưởng sâu sắc Nho-Khổng. Đạo lý quân- thần hạn chế hết mức tâm lý phản kháng của quần chúng. Khi đầy đủ điều kiện để trốn chạy hoặc chống trả, những người bị vua “ban” giải lụa hoặc thuốc độc để tự xử đã chấp nhận chịu chết mà không phản kháng. Họ đã không có khả năng vượt qua được tư tưởng Nho-Khổng, thà chịu chết chứ không chịu bị “mang tiếng bất trung”,vi phạm “đạo đức người quân tử” dù nhận thức được rằng vua đã ra phán quyết sai trái, hồ đồ.
Trong chế độ cộng sản, chủ nghĩa Marx đã bén rễ sâu trong tiềm thức không những các “con chiên”của nó mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của một vài thế hệ người dân các nước xã hội chủ nghĩa. Tôn sùng cá nhân, độc quyền chân lý là thứ độc tố sẽ còn tồn dư lâu dài trong tư tưởng quần chúng kể cả giới tinh hoa.
Từng có vài phong trào Dân chủ tiến bộ trên thế giới bị thui chột do bị ảnh hưởng lượng tồn dư độc tố nói trên. Khi đạt được vài thành tích về Dân chủ, những nhà dân chủ nhanh chóng trở nên cao ngạo như những cán bộ cách mạng cầm quyền, họ lớn tiếng dạy khôn quần chúng và tự cho phép mình định ra các giá trị đạo đức để kết án người này, phán xét người khác theo nhãn quan cá nhân. Những tử huyệt đó của các phong trào dân chủ sẽ được các nhà nước độc tài chớp lấy cơ hội, khoét sâu thêm hố ngăn cách họ với quần chúng nhân dân. Và, cũng chính từ thời điểm đó, các phong trào Dân chủ sơ khai đã chuyển mầu từ Dân chủ thực hành đến Dân chủ khẩu hiệu mà không biết.
MXD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét