Một tư liệu quý về Ông Nguyễn Thiện Nhân, tân Ủy Viên BCT, P.Thủ tướng,“Fulbrighter”
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Thiện Nhân:
|
|
Trước khi bước vào buổi làm việc chính thức để chuẩn bị nội dung cho cuộc trò chuyện cuối tháng 5/2009, tôi đã tặng ông tập thơ của mình. Ông giở ra và đọc lướt một hai bài rồi thủng thẳng: "Đúng là muốn làm thơ thì phải có tình yêu..." Tôi gật gù: "Dạ, đúng thế..." Ông nói tiếp: "Nên tôi rất khâm phục những người làm thơ đã có vợ rồi mà vẫn làm thơ được..." Rồi ông bật cười to, sảng khoái nhưng tôi bỗng ngẩn người ra và chợt nghĩ, ừ, có lẽ là thế đấy, lắm khi ta quá say mê những công việc mà ta nghĩ rằng là thiên chức của ta, ta đã không để ý tới những nỗi đau, những phiền muộn mà công việc yêu thích ấy của ta có thể gây nên cho những người thân thiết, gần gụi nhất...
Có gia đình rồi sao vẫn có những câu thơ về những hình bóng này nọ, dẫu ta vẫn coi gia đình ta đang có là điều thiêng liêng và thiết thân nhất... Hoá ra là trong những thành công của ta lại có cả nỗi niềm không phải khi nào cũng dễ diễn tả của những người thân. Ta biết vậy nhưng ta vẫn không thể bỏ được công việc yêu thích của mình.
Nhưng trên đời này có khi vẫn có những người sẵn sàng không viết ra những câu thơ có thể là rất hay chỉ vì không muốn làm cho người thân yêu của họ phải bận lòng này nọ... Và trên đời này vẫn có những người sẵn sàng làm những việc có thể chưa được hiểu đúng ngay chỉ vì họ hiểu rất rõ rằng, công việc ấy nếu được làm tốt và kiên quyết, chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho cả những ai hôm nay còn chưa hiểu đúng, còn "lăn tăn" vì lý do này hay lý do khác về quyết định đã được đưa ra...
Trong các hoạt động xã hội, dễ hơn cả và an toàn hơn cả là tung ra những giải pháp mang tính dân tuý, dễ đạt được sự đồng thuận chung nhưng nói cho cùng, rất khó thực hiện một cách thỏa đáng vì thiếu những yếu tố khả thi thực tế. Một nhà hoạt động xã hội thực sự là người đôi khi dám đưa ra những giải pháp thoạt tiên nghe không dễ nhưng hữu lý, có cơ sở khoa học và thực tế vững chãi, và có thể mang lại những hiệu ứng dài lâu, cho cả tương lai. Và đàng hoàng chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, không để ý tới những phản biện mang tính "chọc gậy bánh xe"... Đó đã là suy nghĩ của tôi sau khi thực hiện xong cuộc trò chuyện cuối tháng này với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.
Phóng viên (PV): Hình như ông ra Hà Nội đảm nhận chức vụ hiện nay phải đến hơn hai năm rồi nhỉ?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (PTT NTN): Đến ngày 7/7 tới là tròn ba năm.
PV: Giờ ông đã thấy quen với Hà Nội chưa hay là vẫn cảm thấy nhớ không khí Sài Gòn hơn?
PTT NTN: Với Hà Nội thì tình cảm của mình nó có hai nửa, nửa quen, nửa không quen. Mình ở đây từ bé đến năm 1964 rồi bắt đầu đi sơ tán, ra khỏi Hà Nội rồi. Đến năm 1981, mình lại trở về Hà Nội và ở đến 1983. Rồi sau đó mình về miền Nam một mạch cho đến khi quay ra là năm 2006.
PV: Vậy là sau 23 năm xa mới trở về Hà Nội. Với ông, đến Hà Nội là một sự trở về, với ký ức tuổi thơ, với ký ức tuổi thanh xuân...
PTT NTN: Cho nên phải nói là, với Hà Nội xưa thì nói chung là mình biết, đường phố tương đối biết, nhưng cái phần Hà Nội mới sau này như khu Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính là hoàn toàn mới, nên mình không biết, không rành mấy chỗ đó. Tuy nhiên, nhìn chung, cảm giác với Hà Nội vẫn là gần gũi.
PV: Thực ra một khi mình gắn bó tuổi thơ ở đâu thì đấy là thành phố gần gũi của mình, là thành phố quê hương của mình, nói theo một nghĩa nào đấy, có đúng không ạ?
PTT NTN: Đúng rồi, đúng là thế!
PV: Như vậy là ngay từ bé ông đã theo ba mẹ ra Hà Nội. Xin lỗi, tôi muốn hỏi, ông sinh ra trong miền Nam hay là ở ngoài này?
PTT NTN: Hồi đó ba mẹ tôi chiến đấu ở Quân khu 9, nên đẻ tôi ra ở Cà Mau. Khi tôi lên một tuổi thì mẹ tôi bế tôi ra Bắc tập kết, đi tàu thủy.
PV: À, thế là hồi ấy ông ra Bắc trên con tàu của Ba Lan, phải không ạ?
PTT NTN: Đúng thế. Ra đây thì ở Thanh Hóa một thời gian, mấy tháng, sau đó là về Hà Nội. Cho nên tôi đã đi học từ lớp 1 cho đến lớp 5 ở Hà Nội.
PV: Hồi ấy, ông học ở trường nào? Ông còn nhớ không?
PTT NTN: Có chứ. Hồi lớp ba lớp bốn tôi đã học ở Trường Quang Trung, gần hồ Thiền Quang ấy...
PV: Bây giờ đó vẫn là Trường Quang Trung...
PTT NTN: Vẫn là Trường Quang Trung. Lúc mình mới ra làm Bộ trưởng thì trường đầu tiên mà mình tới dự khai giảng chính là Trường Quang Trung.
PV: Trở về trường cũ của mình bao giờ cũng là một niềm xúc động. Tôi nghĩ rằng ai cũng có cảm giác ấy…
PTT NTN (cười): ...
PV: Tôi rất muốn biết, trong cảm nhận của ông, văn hóa của miền Bắc nói chung và của Hà Nội nói riêng đã có ảnh hưởng như thế nào đến tất cả quá trình phát triển sau này của ông, đến tâm tính, đến tính cách, đến sự rung động của tâm hồn chẳng hạn? Ông cảm nhận gì về khí chất Bắc Hà này mà ông đã cùng nó lớn lên từ bé ở đây?
PTT NTN: Thực ra tất cả những điều đó nó đã hòa vào trong người mình từ lâu rồi nên bây giờ ra đến đây thì về cơ bản là mình không cảm thấy lạ. Khi mình tiếp xúc với người dân ở đây thì mình có thể cảm nhận được là cái gì sắp xảy ra, theo văn hóa cảm nhận được cái việc đấy. Mình thấy là, ở ngoài này, quan hệ họ hàng nó sâu...
PV: Dòng tộc nó sâu...
PTT NTN: Sâu lắm.
PV: Và cổ kính nữa.
PTT NTN: Trong các cuộc nói chuyện ở đây bao giờ cũng vẫn cứ phải "đá" trở về các mối quan hệ họ hàng xưa. Không dám nhận xét là nó sâu hơn miền Nam hay không, nhưng mình cảm thấy quan hệ họ hàng ngoài này sâu. Và mình rất quý cái đấy. Và ngoài này thì cái không khí liên quan đến Phật giáo nó cũng sâu.
PV: Những tình cảm ấy nó lắng ở bên trong hơn, chứ nó không bộc lộ quá nhiều ra bên ngoài.
PTT NTN: Trong câu chuyện ấy nó cũng có cái lý của nó. Những ngôi chùa có vài trăm năm tuổi trở lên là ở ngoài này chứ. Đúng không nào?
PV: Dạ, đúng rồi.
PTT NTN: Gốc là ở ngoài này cả! Ngoài này thì còn có mùa đông và mùa hè, trong Nam không có, nên là người ngoài này họ phải vào trạng thái sẵn sàng sẽ có sự thay đổi.
PV: Cái tâm thế luôn sẵn sàng đón nhận sự thay đổi. Sự biến đổi của thời tiết sẽ buộc chúng ta phải sẵn sàng cho những sự thay đổi.
PTT NTN: Người ta phải chuẩn bị cho những sự thay đổi. Mình cho rằng cái đó cũng hay.
PV: Nó tạo cho người ta khả năng dễ thích ứng được với sự thay đổi.
PTT NTN: Cái đó cũng có cái hay của nó. Buộc người ta luôn luôn phải nghĩ rằng, nó sẽ thay đổi chứ nó không bất biến. Về mặt thiên nhiên ở ngoài này nó không ổn định như trong kia.
PV: Vâng, đúng thế ạ... Xin được hỏi ông tiếp, sau khi hết phổ thông, ông đã sang du học ở nước ngoài, có phải không? Hồi ấy ông được chọn học ngành gì?
PTT NTN: Hồi đó, hết phổ thông là mình đi bộ đội. Lúc ấy mình chưa đến tuổi đâu, mới 17 tuổi thôi, nhưng lúc đó là đang không khí đánh Mỹ rất sôi nổi...
PV: Lúc đó là năm bao nhiêu, thưa ông?
PTT NTN: Năm 1970. Ba mẹ mình lúc đó đang đánh Mỹ trong Nam rồi. Lứa của bọn mình đều nghĩ một cách tự nhiên là hết học là đi đánh giặc thôi. Và thực ra lúc đó không nghĩ rằng là lứa của mình sẽ được chứng kiến cảnh kết thúc chiến tranh.
PV: Cứ nghĩ nó sẽ còn dài lâu lắm, mình đã chuẩn bị tư tưởng dài lâu rồi...
PTT NTN: Ba mẹ tham gia đánh Pháp, đánh Mỹ mãi chưa xong, cho nên bọn mình xác định là, cứ đánh thôi, không biết bao giờ thắng... Tuy nhiên, tôi mới ở đơn vị một năm thì lại được chọn đi CHDC Đức học...
PV: Ông đã theo học ngành gì bên đó?
PTT NTN: Mình học nghề tự động hóa. Học cái đó thì ứng dụng trực tiếp ở ta khi ấy rất là ít, nhưng cái được là học phương pháp phân tích hệ thống và giải quyết vấn đề một cách hệ thống.
PV: Học cách tư duy...
PTT NTN: Rất có ích. Học ở CHDC Đức còn có cái hay là được đọc sách triết học Macxít bằng nguyên bản tiếng Đức, rất là lợi, không phải qua các bản dịch.
PV: Từ lâu tôi cũng đã có một suy nghĩ như thế này, đọc các tác phẩm triết học kinh điển thì càng ở nguyên bản càng tốt, nếu đọc bản dịch thì cũng nên đọc qua bản dịch đầy đủ chứ đừng qua những trích dẫn. Bởi một khi ta biết các nhà kinh điển chỉ qua những trích dẫn của ai đó thì rất khó tiếp cận được chân giá trị, rất khó hiểu hết chiều sâu trong tư tưởng của họ. Có đúng vậy không thưa ông?
PTT NTN: Ừ, đọc bằng cái ngôn ngữ mà tác giả đã viết ra tác phẩm là sướng nhất.
PV: Hồi ấy ông có thích đọc sách về các môn khoa học xã hội không? Hay là sách văn học? Có thể, ông đã chỉ chuyên chú nghiên cứu những cuốn sách viết về môn tự động hóa thôi?
PTT NTN: Hồi đó có lẽ là do đặc tính của mình nên mình rất thích đọc về triết học, mình còn đăng ký học thêm môn triết. Có một ông giáo sư hướng dẫn riêng cho mình về triết, nhất là về chuyên đề triết học và khoa học kỹ thuật. Thứ hai là mình cũng thích quan tâm về lịch sử cổ đại phương Tây vì thấy nó không giống mình. Đọc lịch sử Hy Lạp, La Mã, mình thấy họ không giống mình. Và mình rất quan tâm tới câu hỏi là, họ với ta, ai là ngoại lệ?
PV: Tức là mô hình phát triển ở phương Đông và mô hình phát triển ở phương Tây, cái nào là ngoại lệ, cái nào là quy luật?
PTT NTN: Đúng thế... Và rồi chúng ta phải nói rằng, những cái gì tồn tại được qua hàng ngàn năm và được thừa nhận thì ít nhiều đều có tính quy luật.
PV: Cái gì đã tồn tại là có cái lý của nó, vấn đề là mình có hiểu được cái lý đấy hay không, có đúng vậy không ạ?
PTT NTN: Mình diễn đạt thế nào là theo chu kỳ nhận thức thôi. Cái gì nó đã tồn tại được thì trước hết nó phải có tính hợp lý, chứ không nó đã bị tiêu diệt rồi.
PV: Vâng, đúng vậy... Sau đó, ông về nước vào năm bao nhiêu?
PTT NTN: Năm 1976, mình tốt nghiệp đại học, xong về nước học chính trị thôi...
PV: Sau đó lại quay lại làm luận án?
PTT NTN: Sau đó mình quay lại làm nghiên cứu sinh, cho đến tháng Giêng năm 1980 thì về nước luôn. Nhưng trong nước, công việc chuyên môn lúc đó lại đòi hỏi mình phải đọc tuyền sách của Nga.
PV: Bằng tiếng Nga?
PTT NTN: Đúng thế.
PV: Ông đã học tiếng Nga ở đâu?
PTT NTN: Từ hồi ở bên Đức. Mình đã học thêm hai thứ tiếng là Nga và Anh, đều đã có bằng trung cấp.
PV: Có lẽ ông cũng có năng khiếu bẩm sinh về ngoại ngữ đấy, chứ thực ra học như thế cũng không phải là đơn giản đâu.
PTT NTN: Chẳng biết là mình có năng khiếu không, nhưng mà vất vả lắm, mệt lắm. Nhưng mình cũng cố học vì lúc đó nghĩ rằng, sau này về nước chắc sẽ khó có điều kiện để học.
PV: Phải tranh thủ thời gian...
PTT NTN: Tranh thủ chứ, thời cơ không được bỏ phí.
PV: Ngay lúc đấy ông đã xác định phải cố gắng trau dồi ngoại ngữ…
PTT NTN: Phải tranh thủ, bởi thầy của họ giỏi.
PV: Vâng, ở bên kia có điều kiện hơn.
PTT NTN: Mà học lại không mất tiền, chỉ cần đăng ký là được học thôi. Vậy nên tới năm cuối mình còn tranh thủ học thêm tiếng Pháp, trong sáu tháng...
PV: Thế là ông cũng xứng đáng được gọi là poliglot, người đa ngôn ngữ đấy (cười)
PTT NTN (cười): ...
PV: Sau đó vào TP Hồ Chí Minh, ông vẫn đảm đương công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy hay là bắt đầu chuyển sang công tác quản lý về chính trị xã hội rồi?
PTT NTN: Lúc ở bộ đội thì mình làm nghiên cứu kỹ thuật nhưng đồng thời cũng làm Bí thư Đoàn thanh niên của đơn vị, tương đương cấp trung đoàn. Khi mình về Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh làm công tác giảng dạy, thì sau bốn tháng, thầy Hiệu trưởng gọi lên, nói, tôi đọc lý lịch của cậu, thấy cậu đã từng làm Bí thư Đoàn, nên cậu kiêm Bí thư Đoàn trường Bách khoa nhé! Nhận việc rồi mới thấy cực quá, vì con thì còn nhỏ, lương không đủ sống, trăm sự đổ lên đầu vợ...
PV: Vâng, đúng rồi.
PTT NTN: Nhưng mà cuối cùng thì mình cũng đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ Bí thư Đoàn trường kiêm giảng viên. Đến năm 84 là Đại hội Đoàn của thành phố; các anh cấp trên bảo, thôi thành phố cũng cần, anh ra lo mảng khoa học kỹ thuật cho Thành Đoàn. Lúc ấy mình nghĩ, mình đã ở bộ đội cũng lâu rồi, 13 năm và thực ra tiếp xúc xã hội không nhiều...
PV: Đúng rồi, trong môi trường quân đội nó cũng hơi đặc thù... Nhưng lúc ông rời quân đội ra ngoài thì ông mang quân hàm gì?
PTT NTN: Thượng úy... Thực ra là mình nghĩ thế này, ra Thành đoàn công tác, mình vừa có thể đóng góp cho Đoàn thanh niên và cũng có điều kiện trưởng thành về mặt xã hội hơn. Thế là mình nhận ra. Sau Đại hội, Ban Chấp hành bầu vào Thường vụ Thành đoàn, phụ trách về khoa học và kỹ thuật của thanh niên. Chính hồi đó, mình đã có dịp đi thực tế nhiều. Nhớ mãi là câu chuyện về việc đưa đậu phộng về trồng ở Củ Chi.
Trước đây vùng đó không có truyền thống trồng đậu phộng, người ta bảo đất đấy không hợp với cây đậu phộng. Lúc đó trong hoạt động Đoàn thanh niên có cái mục là làm sao và trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế đối với nông dân? Theo các anh ở Viện Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, ở Củ Chi có thể trồng đậu phộng tốt nhưng mà phải bón vôi. Thế là mình đạp xe xuống Viện Kỹ thuật nông nghiệp, mượn tiền của Thành đoàn mua mấy chục kilôgam đậu phộng giống chở xuống xã và gặp ông Hội trưởng nông dân ở đây. Hai bên thống nhất: Thành Đoàn cung cấp giống đậu phộng tốt, cán bộ trẻ Viện Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đã chọn nông dân tin cậy để trồng thử theo cách mới. Mình chỉ đặt ra có mỗi điều kiện là, khi nào thu hoạch, xã phải trả lại một lượng đậu phộng bằng như mình đã cho mượn để trả lại cho Viện Kỹ thuật nông nghiệp. Ông ấy hứa vui vẻ lắm. Nhưng không ngờ khi trúng vụ to, thì dân không trả đậu phộng mà lấy hết.
PV (cười): ...
PTT NTN (cũng cười): Không trả lại tí nào. Nhưng đấy là sự mất mát rất là vui... Mình cứ nhớ mãi cảnh đạp xe chở bao đậu phộng giống đằng sau mang tới cho dân, lúc đấy mình là Thường vụ Thành Đoàn mà.
PV: Gương mẫu đi làm với nông dân...
PTT NTN: Qua việc này mình mới thấy có khoa học kỹ thuật thì có thể làm những điều trước kia người ta nghĩ không làm được, đấy là một trong những cái…
PV: Nhận thức...
PTT NTN: Nhận thức rất quan trọng... Rồi còn có nhiều việc khác nữa, tựu trung cũng để công tác Đoàn Thanh niên có ích hơn đối với xã hội, các tầng lớp xã hội... Có những việc giúp cả bộ đội nữa, như cuộc thi làm bi đông cải tiến chẳng hạn...
PV: Tức là khi ông phụ trách vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật trong thanh niên của Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh thì thực ra rất nhiều hoạt động bắt đầu khởi sắc lên và có ích thực sự cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
PTT NTN: Không hẳn thế, chắc là ở nơi khác, trong thời kỳ đó họ cũng làm như thế cả thôi. Riêng với mình thì qua thời gian công tác Đoàn đã gắn được mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, với nhu cầu thực tiễn. Đó cũng là cái trục rất quan trọng, tức là anh gắn được giữa nghiên cứu khoa học ở nhà trường với doanh nghiệp, với thực tiễn... Đến năm 87, lại Đại hội Đoàn thành phố, anh em bầu mình làm Phó Bí thư Thành Đoàn cũng phụ trách khối kỹ thuật, làm hơn 1 năm đến 1988 mới đi sang Đức phụ trách Đoàn thanh niên ở Đức.
PV: Hồi ông sang làm nghiên cứu sinh tiếp hay làm gì?
PTT NTN: Lúc đó, thực ra gốc là sang Sứ quán phụ trách công tác Đoàn thanh niên. Nhưng lúc trước khi đi, ở trong nước, mình cũng có cảm thấy là cơ chế tập trung…
PV: Có cái gì đó không ổn rồi?
PTT NTN: Nó không tạo đủ động lực phát triển. Hồi đó mình đã đăng ký làm một nghiên cứu sinh ở trong nước về đề tài động lực phát triển kinh tế của CNXH. Sau đó, thấy nói có nhu cầu cần cán bộ làm công tác Đoàn sang CHDC Đức thì mình nghĩ, nếu có thể kết hợp công tác đó với việc làm nghiên cứu sinh tiếp thì tốt quá.
PV: Ông sang CHDC Đức năm 88, đến năm 89 thì bức tường Berlin sụp đổ.
PTT NTN: Khi ấy Giáo sư hướng dẫn chính luận án của mình không tiếp tục ở lại trường nữa. Tuy nhiên, thầy hướng dẫn phụ thì vẫn ở lại trường. Sau đó ta không duy trì Đại sứ quán ở Berlin nữa, chỉ còn một sứ quán ở bên Bonn. Lúc đó có 2 khả năng, một là về luôn, hai là ở lại học thêm về kinh tế thị trường. Mình nghĩ nếu mà được học trực tiếp xem phương Tây họ quan niệm về kinh tế thị trường là thế nào thì rất tốt. Việc vận dụng thế nào là do mình. Hiềm một nỗi là không có tiền bởi vì thôi làm việc ở sứ quán rồi, không còn lương nữa. Nhưng cuối cùng tôi vẫn ở đó học thêm một năm.
PV: Bằng cách thế nào, ông lấy kinh phí ở đâu ra?
PTT NTN: Anh em cán bộ Đoàn ở các thành phố, các tỉnh ở Đông Đức đã giúp đỡ, mỗi người cho vài trăm mác. Mình chỉ đủ tiền ăn và tự học, không đóng được bảo hiểm y tế, lúc đó chỉ tự học, không lên lớp học.
PV: Tự nghiên cứu, tự học...
PTT NTN: Vâng, tự học xong rồi đi thi, nghiêm chỉnh. Mình không lên lớp vì lên lớp thì tiến độ học quá chậm so với quỹ thời gian của mình.
PV: Vâng, mình tự học luôn thì nhanh hơn.
PTT NTN: Trong một năm mình tự học xong để thi 2 chuyên đề, một chuyên đề về kinh tế vi mô, một về kinh tế vĩ mô... Giai đoạn đấy là mệt lắm. Bởi vì là tiền thì không có đủ cho nên đâu có mua bảo hiểm y tế. Suốt ngày chỉ sợ ốm thôi, vì ốm đi bệnh viện mà không có bảo hiểm thì hết sức tốn kém. Mà học thì rất nhiều, nên lúc cuối mình bị viêm dạ dày nặng. Một năm mà không ăn hết 10 cân gạo cơ mà. Có một anh bí thư tỉnh đoàn Việt Nam ở Đức cho mình một bao gạo mà một năm mình ăn không hết 10 cân. Vì sao, vì toàn ăn mì tôm mà. Không có thì giờ nấu cơm, toàn ăn mì, lâu ngày nên mới bị viêm dạ dày. Cứ ăn xong là đau bụng phải lên giường nằm, thuốc thì không có, không dám báo người nhà, cứ chịu đựng thế thôi. Cuối cùng học xong mình thi và đạt kết quả tốt cả 2 chuyên đề.
Hồi đó, còn một chuyện nữa là, sách Kinh tế học họ viết theo phương pháp của Mỹ. Mình là dân đã được đào tạo về mô hình hóa của điều khiển học nên tuy cũng học theo cuốn sách của họ nhưng mình lập mô hình khác về quá trình cạnh tranh. Cạnh tranh là cái cốt lõi nhất của kinh tế thị trường, nhưng diễn đạt nó như thế nào để phản ánh đúng quá trình đó trong thực tế thì mình thấy trong sách viết không thỏa đáng. Và mình lập ra mô hình cạnh tranh khác sách. Cũng may là thầy hướng dẫn phụ nghiên cứu sinh trước kia khi nghe mình trình bày thì ông ấy hiểu và biết là những gì mình làm là đúng nên đã bố trí cho mình dạy chuyên đề cho sinh viên Đức. Lúc đó, mình là người nước ngoài đầu tiên dạy chuyên đề cạnh tranh cho sinh viên của Đức đang học chương trình của Tây Đức, rất là vui. Thầy ấy có thiện chí và biết được tính khoa học trong công trình của mình.
PV: Hiểu được cái ý tưởng của ông, cách diễn giải của ông, cái mô hình của ông... Tức là ông cũng hiệu đính hộ cho họ cái giáo trình của họ?
PTT NTN: Không, giáo trình của họ không đụng tới, mình nói lại nội dung, trao đổi lại thôi theo cách làm của mình... Rồi sau này về nước, những kiến thức thu nhận được bên Đức đã giúp mình dạy về kinh tế vi mô và vĩ mô, trong đó có dạy về cạnh tranh... Hồi đó dạy về kinh tế cũng có một cái vui là thầy Giáo sư Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính kế toán TP Hồ Chí Minh. Mình không có bằng cử nhân kinh tế, chỉ học về kinh tế xí nghiệp chung, không chuyên về kế toán, nhưng khi ở bên kia thì mình học và mình có quan tâm tới vấn đề định giá doanh nghiệp. Lúc đó, Việt Nam bắt đầu cổ phần hóa nhưng định giá doanh nghiệp như thế nào thì không ai dạy cả. Thế là thầy Tuyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính kế toán đã mời mình dạy chuyên đề định giá doanh nghiệp cho các kế toán trưởng. Mình thấy rằng, với những vấn đề mới, nếu anh có kiến thức nền tảng, có phương pháp, anh quan tâm, anh đều tiếp thu được...
PV: Tôi biết là ông sau đó còn đi học quản lý Nhà nước, về tài chính công. Và ông tham gia giảng dạy rất nhiều. Thế từ năm nào ông đã chuyển sang làm công tác quản lý ở thành phố?
PTT NTN: Khi anh Tư Sang (đồng chí Trương Tấn Sang - HTQ) về phụ trách Thành ủy TP Hồ Chí Minh, anh ấy điều tôi từ Đại học Bách khoa sang làm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Mình nhớ, hồi đó là năm 97 và ngày về Sở KH và CN làm việc đầu tiên đúng ngày 7/5...
PV: Đúng ngày kỷ niệm trận Điện Biên Phủ...
PTT NTN: Giai đoạn những năm 1997-1998 ở châu Á đang có khủng hoảng tài chính, bắt đầu khó khăn rồi... Về Sở Khoa học và Công nghệ rồi, mình muốn tìm cách tận dụng năng lực của nhà trường, các viện nghiên cứu phục vụ doanh nghiệp. Nhưng vì không biết doanh nghiệp họ cần cái gì nên mình mới đi khảo sát ngay một vòng hơn chục xí nghiệp. Nhưng đến đâu cũng thế, khi mình quan tâm giới thiệu tiềm năng khoa học và công nghệ của Thành phố cho doanh nghiệp thì mình mới thấy rằng, các doanh nghiệp đều bảo, cái họ cần nhất không phải là khoa học công nghệ.
PV (cười): ...
PTT NTN (cũng cười): Họ bảo, họ chỉ thiếu vốn nên chỉ cần tiền thôi, không cần khoa học công nghệ! Mà mình đâu phải là Giám đốc Sở Tài chính (cười). Mình bảo thế này thì gay rồi, có ai cần khoa học đâu! Nhưng qua cái vòng đi đó mình lại thấy rằng, cũng có những doanh nghiệp lúc đó rất phát triển nhưng chỉ cách đấy khoảng 7-8 năm thôi, họ đã ở bên bờ vực phá sản. Vậy thì tại sao? Mình mới nghĩ, không biết thế này là ngẫu nhiên hay nó có tính quy luật? Mình cho rằng nó có quy luật, anh ạ. Thế là mình mới…
PV: Để tâm, nghiên cứu?
PTT NTN: Sở KH, CN và MT thành phố mới đặt hàng Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Kinh tế lập 3 nhóm để nghiên cứu về vấn đề là tại sao một số doanh nghiệp sắp phá sản lại vươn lên được.
PV: Bí quyết ở đâu?
PTT NTN: Bí quyết là phải biết cách hiện đại hóa với chi phí thấp. Thực tế chứng minh có người ít vốn lại phát triển nhanh được...
PV: Nếu biết cách hiện đại hóa...
PTT NTN: Đúng thế. Sau đó mình cùng 3 nhóm nghiên cứu xây dựng hẳn một hệ thống các giải pháp giúp hiện đại hóa nhanh với chi phí thấp là sự đúc kết các bài học mang tính quy luật đó. Sau khi tổng kết rồi và được nhiều người ủng hộ, thì nảy sinh nhu cầu là phải làm sao để các giám đốc hiểu rằng, nếu biết tận dụng khoa học thì có thể trụ vững và phát triển ngay cả trong tình hình khó khăn mà vẫn không cần quá nhiều vốn. Và mình mới bàn với thành phố đề xuất một chương trình bồi dưỡng, đào tạo 1.000 giám đốc để đáp ứng nhu cầu hội nhập sắp đến gần. Năm 1997, chương trình ra đời với Trường Đại học Kinh tế là cơ sở được thành phố giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo chương trình. Sau này khi tổng kết thì đã đào tạo được hơn 1.200 giám đốc.
PV: Đích thân ông cũng đi dạy trong chương trình này?
PTT NTN: Mình dạy 2 chuyên đề: Hiện đại hóa với chi phí thấp và Kinh tế vi mô. Có một số người, ví dụ hiện nay chị Giám đốc Xí nghiệp Điện Quang là người học khóa 1, có một số anh em nữa, rất là vui. Mình dạy hầu hết các khóa. Đầu tiên xác định khi về thành phố là làm khoa học, cuối cùng vẫn trở lại vấn đề con người, phải bồi dưỡng con người để họ cần khoa học, để làm ra tiền. Sau một hồi nữa mới thấy là, muốn cho thành phố có năng lực hội nhập thì phải có những người được đào tạo ở nước ngoài, hiểu họ, hiểu ta.
PV: Tiếp cận trực tiếp với những kiến thức mới và hiện đại...
PTT NTN: Vâng. Trực tiếp trở về làm việc cho bộ máy thành phố và làm trong các nhà trường. Mình đề xuất với Thành ủy hình thành chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, đấy là chương trình thạc sĩ đầu tiên trong cả nước, được một địa phương chủ động thực hiện.
PV: Tự làm luôn, tự lấy ngân sách của mình để làm?
PTT NTN: Đúng thế. Thành ủy đã đồng ý và triển khai chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ. Sau đó đến năm 2006-2007 thì thành phố tổng kết và quyết định làm một chương trình đào tạo 500 thạc sĩ và tiến sĩ nữa. Anh em đó tốt nghiệp về thì họ làm việc ở các Sở, cơ quan nghiên cứu và một số làm cho nhà trường.
PV: Thế là nhìn vào quá trình công tác của ông có thể thấy rằng, việc phân công ông về để phụ trách Bộ Giáo dục và Đào tạo là một sự tiếp nối rất là hợp logic, đúng không ông?
PTT NTN (cười): ...
PV: Ông cảm giác gì khi được giao trọng trách phụ trách giáo dục đào tạo, thực ra một lĩnh vực cực kỳ khó khăn, bởi vì sao, bởi vì có quá nhiều thầy, quá nhiều ý kiến, quá nhiều phương pháp mà vào đấy nếu không khéo thì rất khó có thể ra bởi vì giáo dục không phải là việc có thể làm ngay được, nó là cả một quá trình rất dài, rất liên tục. Khi ông nhận nhiệm vụ này, ông có ý thức được rằng những khó khăn sẽ chờ đợi mình không hay thế nào?
PTT NTN: Khi làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, tôi không phụ trách về giáo dục, mà lo về kinh tế, như kế hoạch đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, đối ngoại, cả y tế như phòng chống cúm gia cầm, chống rải đinh, phòng chống lụt bão... Cho nên khi Chính phủ có hướng đưa ra làm Bộ Giáo dục và Đào tạo, lúc đầu mình rất ngại, vì chưa có tích lũy kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này, nhất là không hiểu biết giáo dục phổ thông. Dù mình đã có nhiều năm dạy ở bậc đại học nhưng mình thấy khó khăn nhất trong lĩnh vực giáo dục không phải ở bậc đại học mà nó nằm ở bậc phổ thông, mà cái đó mình không có thế mạnh. Mình tự nghĩ thế. Đang dạy đại học thì năm 1997 ra làm ở thành phố 9 năm, mình vẫn đi dạy tiếp, đến 2002 được phong Giáo sư Kinh tế, vì mình vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh, tiến sĩ, thạc sĩ, vẫn dạy đều đều nhưng không quản lý giáo dục, chỉ làm ông thầy thôi. Cho nên ban đầu mình rất lo lắng, vì mình không hiểu ngành Giáo dục đang cần gì, không biết người ta đang cần gì, giải pháp thế nào, và anh có làm được không... Nói chung rất là lo. Nhưng rồi với tinh thần đảng viên, mình vẫn chấp nhận sự phân công mới của lãnh đạo.
PV: Với tư cách là một nhà hoạt động chính trị, bây giờ ông cảm nhận thế nào về công việc trong ngành Giáo dục mà ông đang thực hiện?
PTT NTN: Thực ra thì lúc trước khi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, mình đã không lường hết được các khó khăn và thách thức.
PV: Sự thật đúng là như vậy!
PTT NTN: Không lường hết. Nhưng mình đã có một kinh nghiệm, một bài học trong thời gian công tác ở TP Hồ Chí Minh là, trong một đống những vấn đề thế này, anh muốn thúc đẩy thì phải tìm được cái điểm đột phá. Tìm được điểm đột phá, tác động vào nó thì nó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, công việc sẽ dịch chuyển theo hướng tiến bộ.
PV: Và điểm đúng huyệt thì nó sẽ chuyển dịch hết.
PTT NTN: Nó sẽ chuyển dịch mà ở thời điểm ban đầu mình chỉ hình dung được một bước thôi nhưng nếu mà thực tế nó vận hành được 1 bước theo mình dự kiến thì thực tế cuộc sống sẽ gợi ý cho mình bước thứ 2 cần làm gì.
PV: Vâng, vẫn theo cái quy tắc của môn điều khiển học mà ông đã học.
PTT NTN: Kinh nghiệm thực tiễn. Đầu tiên tôi về Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, tôi định đi quảng cáo với người ta là khoa học có ích, nhưng người ta không cần, người ta cần tiền vốn. À, anh cần tiền vốn nhiều mà lại ít vốn thì tôi giải bài toán có thể hiện đại hóa ít tiền, nhưng anh phải cần đến khoa học. Cho nên cái mình làm là bám lấy nhu cầu cuộc sống. Bài học thứ hai là khi anh giải quyết vấn đề có quy mô xã hội thì anh chỉ có thể định hướng giải pháp chủ yếu thôi, còn phải để cho quần chúng tự sáng tạo.
PV: Đúng rồi, tự xã hội điều chỉnh lẫn nhau. Chính cách quản lý ấy là cách hiện đại đấy
PTT NTN: Họ sẽ có sáng kiến chứ anh không cầm tay chỉ việc được nhiều đâu. Nhưng vấn đề cốt yếu là ban đầu, anh phải chọn đúng chỗ để tác động vào. Và cái thứ ba, kinh nghiệm mình muốn nói là, anh định làm cái gì mà anh cho là quan trọng thì trước đó, anh phải xuống thực tế xem có tiền đề để thực hiện việc ấy không. Đây chính là lời dạy của Mác. Mác nói rất hay, Mác nói một ý như thế này, lịch sử chỉ đặt ra những vấn đề cho xã hội phải giải quyết nếu tự nó đã chứa đựng những tiền đề để giải quyết.
PV: Vâng, đúng thế.
PTT NTN: Đấy là Mác nói đấy nhé. Anh định làm thế này hay lắm, về mặt lý luận, nhưng anh đi vào thực tế, nếu thấy không có tiền đề thì anh đừng có làm.
PV: Đúng rồi. Trong xã hội không có yếu tố ấy, không có điều kiện ấy thì không thể thực hiện thành công được những ý tưởng dù hay ho đến mấy.
PTT NTN: Không có điều kiện để biến thành hiện thực thì đừng có làm. Lý thuyết có hay bao nhiêu nhưng không có thực tiễn là không làm.
PV: Nói thẳng là, thực trạng nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải lỗi tại ông, bởi vì nó không bắt đầu từ ông và có lẽ cũng khó có thể kết thúc ở ông. Nhưng theo tôi, ông đã dũng cảm nhận nhiệm vụ và đối mặt với tất cả mọi thách thức. Và khi ông cảm thấy có gì vướng là ông bắt đầu xông đến để nghĩ phương pháp giải quyết theo cách mà ông thấy thực tế nhất, trung thực nhất. Và có cảm giác rằng, đôi khi ý tưởng và biện pháp của ông đưa mới quá mà vẫn còn những người chưa hiểu hết và có cả những người không muốn hiểu... Ông có cảm thấy như thế không?
PTT NTN: Năm 2006, mình về Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 7/7. Trụ sở của Bộ lại ở 49 Đại Cồ Việt.
PV (cười): Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị! Bảy bảy bốn chín!
PTT NTN (cười): Ngẫu nhiên thú vị. Lúc đó học sinh phổ thông vừa mới thi xong và tới ngày 31/7 sẽ tổng kết năm học trong cả nước. Lúc đó có chuyện thầy Đỗ Việt Khoa. Thoạt tiên mình cũng không biết thầy ấy đúng hay sai và có bị trù dập hay không. Mình xuống gặp thầy ấy, đâu có xuống trường, xuống nhà, gặp và trao đổi thì tuy rằng chưa đánh giá sâu hết là thầy Khoa đúng hay sai nhưng mình bắt đầu cảm nhận là, việc thi cử có vấn đề. Có lẽ nó là cái tiêu cực kéo dài chứ không phải ngắn hạn. Mình bắt đầu ghi nhận cái đó và mình đi miền Tây.
Có một bà mẹ gặp tôi nói là, chú ạ, con tôi nó học hết lớp 5 rồi nhưng nó không biết đọc, biết viết, tôi đề nghị cho học lại lớp 5 thì cô hiệu trưởng bảo: phải cho cháu lên lớp 6. Mình cảm thấy bị sốc, sao ngành Giáo dục lại như thế này, phải lên lớp 6 cháu sẽ học được gì, đến lúc cháu không học được nữa, cháu sẽ làm gì?! Sau mình quay ra ngoài này, đi một tỉnh miền Bắc nữa, một nơi đất học đó, có rất nhiều cái tốt, nhưng khi mình gợi chuyện bắt lên lớp như thế có hay không thì mình cảm nhận là cũng có.
PV: Chắc không phải một vài tỉnh đâu.
PTT NTN: Tức là việc thi cử không nghiêm túc không phải chỉ vô tình. Hôm mình về Bộ là mùng 7/7 mà tới 31/7 phải tổng kết năm học toàn quốc và định hình năm học mới cần làm gì. Như vậy còn đúng 3 tuần nữa. Và sau khi xem xét thực tế các nơi về, mình mới suy nghĩ là, nếu mà chúng ta muốn nâng cao chất lượng mà vẫn giữ sự giả dối trong thi cử thì không bao giờ có động lực cả. Bởi muốn nâng cao chất lượng thật, dạy thêm là rất vất vả, cải tiến rất vất vả, trong khi đó chỉ giả dối thi cử là xong hết. Vậy nên nếu tiếp tục giả dối trong thi cử thì chúng ta sẽ triệt tiêu động lực học thật, dạy thật.
PV: Đúng rồi, là về "mo" hết.
PTT NTN: Đó là điều nguy hiểm. Cái thứ hai là, nếu trẻ không đủ kiến thức mà vẫn bị đẩy lên lớp trên thì rất nguy hiểm. Làm thế tức là chúng ta góp phần tạo một lớp người có bằng cấp nhưng không có nội dung, không có thực lực chỉ có thể qua mặt nhau trong phổ thông thôi, vào kinh tế thị trường nó sẽ đào thải ngay lập tức. Vậy nên mình mới nghĩ là, phải đột phá vào đây, vừa là để tạo nền tảng chắc chắn cho giáo dục và chấm dứt những sự giả dối. Còn dối trá trong giáo dục thì sẽ không có tương lai.
PV: Sẽ hại cho tương lai của đất nước.
PTT NTN: Trong giáo dục mà đã dối trá thì không giáo dục được.
PV: Đúng thế.
PTT NTN: Theo cảm nhận của tôi, trung thực là yếu tố mang tính nguyên tắc của môi trường sư phạm. Thứ hai là phải có trật tự kỷ cương thì mới làm được. Lúc đó tôi chỉ khái quát hai điều thôi. Chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ lưỡng và dân chủ trong Ban cán sự Đảng của Bộ. Có nên chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích lúc này không, có làm được không? Chúng tôi nhận thấy rằng, chính quy định của Bộ rằng số lưu ban chỉ được 1% đã góp phần tạo ra căn bệnh thành tích trong giáo dục. Bộ GD và ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng ra chỉ thị về việc chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Lúc đó là gấp lắm rồi vì đã sát kề năm học mới. Và Thủ tướng đã ký chỉ thị ấy. Và để các giám đốc các Sở Giáo dục yên tâm và cảm thấy được Bộ hỗ trợ sau lưng, mình đã đề xuất việc ký giao ước thi đua giữa 63 giám đốc sở và Bộ trưởng, các Thứ trưởng cùng ký một tờ giấy rồi gửi lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng. Toàn bộ những việc đó phải thiết kế từ 7/7/2006 đến ngày 30/7 vì 31/7 đã phải tổng kết năm học cũ và đề ra định hướng cho năm học mới.
PV: Tôi cũng nghĩ thế này, để chống lại chuyện trọng bằng cấp thì thực ra chỉ có một mình nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không thể đủ. Phải làm sao để xã hội không còn chỗ để những người mang bằng cấp không thực, y phục không xứng kỳ đức, để họ không thể nào tìm được việc làm tốt, không thể nào được lương cao, không thể nào được phát tài.
PTT NTN: Bộ cũng triển khai tuyên truyền rất kỹ, nói là dù có một tấm bằng phổ thông tốt nghiệp với bảng điểm đẹp nhưng không có năng lực thì ra đời sẽ không thể học lấy một nghề, không có thu nhập tử tế, không phụng dưỡng cha mẹ được...
PV: Không thể nhất nghệ tinh nhất thân vinh... Tức là phải ở trong nhiều cơ quan, ngay cả những cơ quan Nhà nước, những bộ máy hành chính của mình, phải làm sao để thực sự có một sự cạnh tranh lành mạnh bằng chính năng lực, chứ không phải nệ quá vào bằng cấp, ông có công nhận thế không?
PTT NTN: Đúng rồi.
PV: Và ông có thấy rằng đôi khi ở một số địa phương, người ta cứ lấy vấn đề bằng cấp này bằng cấp nọ để tuyển dụng hay bổ nhiệm thì nhiều khi rất có hại. Ví dụ, có những cán bộ có tuổi, ở thời người ta còn trẻ thì người ta không được học, nhưng mà người ta bây giờ đang làm công việc chỉ huy người khác, làm lãnh đạo thì người ta vẫn có đủ năng lực, đủ tâm và tài, vậy tại sao cứ phải nhằm vào cái chuyện người ta có bằng cấp này nọ làm gì?! Nệ bằng cấp quá dễ khiến người có năng lực thực chất vẫn phải mất công đi kiếm những bằng cấp mang tính hình thức, thậm chí đôi khi còn phải làm giả bằng cấp cũ...
PTT NTN: Theo mình, yêu cầu kia nên dành cho lớp sau.
PV: Đúng, chứ còn không nên quá nệ bằng cấp để trở thành mang tính hình thức chủ nghĩa… Không nên hình thức quá để tạo thêm cớ giả tạo cho những cuộc tranh giành nội bộ. Bởi vì, nói cho cùng, ai chẳng muốn làm nhiệm vụ cao, và một khi người ta làm được thì cho người ta làm, đứng quá so đo những chuyện bằng cấp. Đã có thời đa số cán bộ mình phải đảm nhận những công việc thực tế, thời gian đâu để theo học những khóa bổ túc mà nhận bằng cấp này nọ. Tất nhiên, học được vẫn tốt hơn nhưng đừng quá nặng vấn đề bằng cấp. Theo ông, cần làm sao để tư duy này thành ý thức thường xuyên và phổ cập?
PTT NTN: Nhưng cái đó thuộc về trách nhiệm của công tác quản lý bộ máy hơn là trong ngành Giáo dục.
PV: Như ông đã nói, lúc đầu ông nhận công việc hiện nay là do trách nhiệm của một đảng viên. Vậy bây giờ, sau ba năm đã trôi qua, ông đã cảm thấy yêu công việc này chưa, đã cảm thấy thực sự nó cũng mang lại niềm vui cho mình chứ không chỉ là bắt mình suy tư, mệt nhọc, trăn trở? Những thành công ban đầu có khiến ông thực sự có khoái cảm với công việc này không?
PTT NTN: Khoái cảm thì cũng khó nói vì quá vất vả và còn bao việc phải làm, nhưng qua tiếp xúc mình thấy là phụ huynh học sinh người ta gửi gắm vào mình. Người ta cũng nói là, ờ, bác về, bác làm cái này, cái kia là đúng, ích nước lợi nhà. Những lời đó động viên mình và thực sự qua đó càng thấy lo lắng là còn nhiều việc phải làm lắm, cho nên cố làm một số việc...
PV: Ông có mơ ước sau này khi hoàn thành nhiệm vụ một chính trị gia của mình, ông lại trở về giảng đường đại học không?
PTT NTN: Tôi nghĩ là tôi quay lại nghề giáo (cười).
PV: Cái đó vẫn là cái ý thích thứ nhất của ông, đúng không?
PTT NTN: Có thể sức khỏe nó cho phép làm được lâu dài, là cái đó. Hiện nay tôi vẫn còn đề tài nghiên cứu chưa làm xong.
PV: Ông có đề tài gì?
PTT NTN: Tôi có một cái thai nghén từ lâu lắm rồi mà chưa làm được. Đại thể thế này thôi. Lúc mình ở Đức mình phải tự học về môn kế toán thì có bảng kê khai tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Nó kê hết bên trái xem đồ đạc có cái gì: tiền, nhà, máy móc tất cả, đấy là tài sản vật chất. Còn cột bên phải là nguồn gốc tài sản đó ở đâu: tiền đi vay, tiền của tôi. Người ta gọi đó là bảng cân đối tài sản và nguồn vốn. Hồi học mình cũng ghi thế thôi. Sau này nghiên cứu cổ phần hóa và nghiên cứu công ty sắp phá sản thì tôi thấy, chỉ có mỗi thay giám đốc thôi, là ông ấy giải quyết hết mọi việc, từ sắp phá sản thành thành công. Vậy là cái bảng kê khai trên nó đã không tính tới yếu tố con người, mà trong nhiều trường hợp, đó mới là chuyện quan trọng nhất. Cái lạc hậu nhất của hệ thống kế toán là không có yếu tố con người trong tài sản doanh nghiệp.
PV: Quan trọng vẫn là yếu tố con người.
PTT NTN: Cách đây 10 năm, mình có nhờ anh em nhắn, ai muốn làm nghiên cứu sinh đề tài đưa yếu tố con người vào bảng cân đối tài sản thì tôi sẽ nhận là người hướng dẫn, nhưng tới nay vẫn chưa có ai xung phong. Bản thân mình đã làm một phần rồi. Riêng chuyện đặt yếu tố con người nằm bên trái hay bên phải bảng kê khai cũng đã là một chuyện rất hay rồi.
PV: Hay thật đấy. Giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ nhìn rõ thêm nhiều vấn đề. Xin cảm ơn ông!
bài báo đăng ở "An Ninh Thế Giới"/ ngày 05/06/2009 do bạn NH st
NLG: Ông Nhân thuộc loại người thiên tài !
chú ý:
17 tuổi đi bộ đội(1970)(vừa xong lớp 10)
18 tuổi(hoặc 19 t, 1 năm sau ngày vào bộ đội) đi CHDC Đức
PTT NTN: ...Học ở CHDC Đức còn có cái hay là được đọc sách triết học Macxít bằng nguyên bản tiếng Đức, rất là lợi, không phải qua các bản dịch.
Năm 1976, mình tốt nghiệp đại học, xong về nước học chính trịthôi...năm 1980 qua trở lại Đức...
Như thế ông Nhân ở CHDC Đức 5 năm..và chỉ trong khỏang thời gian này khả năng tiếng Đức(đọc nguyên tác Triết học của Đức...mà hiểu được) như vậy là đáng nể, anh em ở Đức nghĩ sao ?
Một đời..."phấn đấu" để đi lên ! Tấm gương cho các em đang muốn làm quan. Xin chúc mừng sự thành công của ông NTN . Tôi tin ông không chém gió.
Phục PTT thật.
Cũng nhóm COCC..thuộc cán bộ "chiến lược" của Đ. nên nhảy nhanh như cóc !
Ông Nhân chỉ thua ông Ủn bên Triều Tiên thôi, một phát nhảy lên làm Đại Tướng chứ ông Nhân mới là thượng úy sau một năm vào bộ đội, chưa biết đi một, hai cũng chẳng hề gì, COCC mà. Đích ở đằng xa là được bảo vệ "dọt" trước rồi !
Người trí thức mẫu của CNXH ? Phét quá đi cha nội.