Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Ý THỨC HỆ VÀ ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP


7/3/2013

Để trả lời câu hỏi: Tại sao đảng cộng sản Việt nam vẫn kiên quyết “cố thủ” điều 4 hiến pháp, nhiều nhà nghiên cứu lý luận đã có những bài viết phân tích về vấn đề này. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra vài suy nghĩ nhỏ về việc đảng đang cố bấu víu vào ý thức hệ cộng sản (Marx) ở Việt nam như chiếc phao cứu sinh cho thể chế độc tài (thực chất là quyền lợi phe nhóm) mà hy sinh quyền lợi dân tộc.

Amartya Kumar Sen là nhà kinh tế học, triết gia Ấn Độ. Năm 1998, ông giành được giải Nobel kinh tế (tức giải thưởng về khoa học kinh tế được trao bởi Ngân hàng Thụy Điển) bởi những đóng góp về: kinh tế phúc lợi, công trình về sự khan hiếm các nguồn lực, nguyên lý phát triển con người, những cơ chế nằm bên dưới sự nghèo nàn và lý thuyết về chủ nghĩa tự do chính trị.
Khi quan sát hiện tượng chậm tiến, nghèo đói và xã hội vô chính phủ ở những nước Á, Phi và Nam Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua, ông Amartya Sen đã thấy rằng hễ nơi nào có độc tài là nơi đó có chậm tiến. Qua công trình nghiên cứu này, ông đã đi đến kết luận là có sự liên hệ ( corrélation) giữa độc tài và chậm tiến. Ông tuyên bố : “Qua nửa thế kỷ qua, người ta thấy dân tộc các nước Á châu, Phi châu, Nam mỹ chậm tiến ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai và các tác động khách quan mà nguyên nhân chính là do những chính quyền độc tài bản sứ.” Công trình nghiên cứu này đã đưa ông đến giải Nobel kinh tế năm 1998.
Không ai phủ nhận Việt nam là một quốc gia nghèo. Thậm chí còn là một quốc gia đứng trong số những nước nghèo nhất thế giới. So sánh với các nước khác có điều kiện địa chính trị, hoàn cảnh lịch sử như Việt nam, nước ta là quốc gia chậm tiến. Có thể nói rằng sự chậm tiến này liên quan hữu cơ, nếu không nói là yếu tố quyết định cho sự cho sự chậm tiến, kém phát triển của Việt nam chính là sự  vận hành của chế độ hiện hữu: một thể chế độc tài theo ý thức hệ cộng sản.
Thế nào là “Ý thức hệ”? Theo tôi hiểu ý thức hệ là tư tưởng có hệ thống được tác tạo bởi một (hoặc) nhóm người được xã hội tự giác hoặc bị cưỡng bức (thông qua tuyên truyền) thừa nhận, trở thành một trào lưu, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. 
Việt nam chưa bao giờ có một hệ tư tưởng của mình. Ngay cả Trung quốc hoặc Liên xô trước đây cũng không có một hệ tư tưởng mà thực ra họ đã chọn lựa đi  theo ý thức hệ của Marx, một hệ tư tưởng được thai nghén từ một nước tư bản châu Âu, lớn lên ở một nước phong kiến quân chủ nửa Tây nửa Đông là nước Nga Sa hoàng, biến thể ở một nước phong kiến phương đông hoang dã là Trung quốc và trở nên già cỗi, quặt quẹo ở Việt nam, Cu ba, Bắc Triều Tiên.
Nếu nhìn lại lịch sử Việt nam từ khi thành lập đảng cộng sản đến nay ta thấy có ba giai đoạn của sự du nhập, phát triển ý thức hệ cộng sản ở Việt nam. Từ năm 1930 đến năm 1945, các lãnh tụ đảng CS Việt nam nhiệt thành với ý thức hệ Marx. Từ năm 1945 đến năm 1990, họ bị (được) ý thức hệ Marx  cưỡng dâm thông qua các bàn tay lớn từ Liên xô, Trung quốc. Từ năm 1990 đến nay, ý thức hệ Marx chỉ còn tồn tại trong các văn bản của đảng, nhà nước trên danh nghĩa còn trong thực tế ý thức hệ hoang tưởng này đã trở thành tấm áo tả tơi trước cơn bão thông tin toàn cầu.
Nói như vậy không có nghĩa ý thức hệ Marx là thứ vứt đi mà nó vẫn còn rất quý giá bởi trong hoàn cảnh của vài nước XHCN còn sót lại trên thế giới, nó là chiếc pháo cứu sinh cho giới cầm quyền bám víu khi con tàu “Titanic thể chế” đã đâm vào núi băng sự thật.
Đứng trước nguy cơ bắc thuộc trước mắt, đảng cộng sản Việt nam không hề lưu tâm trước chủ quyền đất nước bị xâm phạm mà chỉ lo giữ thể chế. Chẳng thế mà một ông tướng của quân đội “nhân dân” Việt nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc Phòng khẳng định tính cách tương đồng của Hà Nội và Bắc Kinh cùng chung một ý thức hệ Cộng sản sẽ giúp cho sự nghiệp xây dựng CNXH dễ dàng hơn.
Thứ trưởng Vịnh công nhận rằng “Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.”
Trên thực tế, đảng CS Trung Quốc đâu có còn theo đuổi ý thức hệ Marx trên con đường CNXH. Vậy mà Việt Nam lúc nào cũng xác tín “kiên định chủ nghĩa Marx-Lê”.  Chúng ta đã biết, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh một nhà ngoại giao lão thành từng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Bắc Kinh cho hay:
“Truyền thống ông cha đến giờ thì thời kỳ nào Trung Quốc cũng xâm lược Việt Nam thì làm gì có truyền thống hữu nghị? Chẳng qua là bịa ra thôi. Hai nữa là cái Ý thức hệ tương đồng cũng không đúng bởi vì từ khi ông Đặng Tiểu Bình ông ấy phát biểu câu “mèo trắng mèo đen mèo nào bắt được chuột thì là mèo tốt” thế nghĩa là ông ta đã đi theo con đường tư bản rồi, đã bỏ con đường Xã hội chủ nghĩa mặc dầu ông ấy vẫn nói XHCN mang mầu sắc Trung Quốc.
Trong thực tế ông ta đã đi con đường tư bản chủ nghĩa và hiện giờ xã hội Trung Quốc là một xã hội tư bản, phát triển chưa đầy đủ chứ không phải là xã hội chủ nghĩa, không tìm thấy cái gì gọi là XHCN. Tôi cho ông Nguyễn Chí Vịnh nói thế là không đúng, là cố nói lấy được mà thôi”.
Sự thật là
Người ta nói ở VN chủ nghĩa cộng sản chỉ là chủ nghĩa phong kiến thời hiện đại, cha truyền con nối. Con vua thì được làm vua, không có bất kỳ cơ hội nào cho nhừng ai không phải là đảng viên cộng sản mà muốn làm lãnh đạo! Ở VN các vị trí cao trong chính phủ đã được sắp xếp chia chác bởi những người chủ chốt trong đảng, là sự thoả hiệp giữa các lãnh tụ để bảo đảm cho con cháu họ thừa kế.
Trước đây, ông Nông Đức Mạnh đưa conn trai Nông quốc Tuấn vào TƯ với chức Bí thư tỉnh uỷ. Ông Lê Đức Anh thu xếp để con trai Lê Mạnh Hà làm Phó chủ tịch UBND TPHCM, con dâu là Nguyễn Thị Doan (hỗn danh là  Doan chém gió) làm Phó chủ tịch nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng có con là Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm bước đệm cho chức  Bộ trưởng sau này và con trai thứ Nguyền Minh Triết mới vào Trung ương Đoàn…vân vân.
Vì vậy nên có mất nước, đảng vẫn phải bám lấy điều 4 Hiến pháp để bảo đảm quyền lực cho con cháu của Đảng.
Bất kỳ quốc gia nào cũng phải đổi mới cho phù hợp với sự vận động của lịch sử để đi lên. Bất cứ hành động nào cũng được hướng dẫn bởi tư tưởng. Đất nước nào cũng cần được dẫn hướng bởi một ý thức hệ. Tuy nhiên nó phải được đối chiếu với thực tế và cần phải được sửa sai, (nếu nó không phù hợp với thực tế). Nay đóng khung tư tưởng thành ý thức hệ Marx, “kiên định điều 4 hiến pháp” như khuôn vàng, thước ngọc nhằm đổ bê tông cho chiếc ghế lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản, nhất định bắt thực tế phải đi theo tư tưởng bằng bất cứ giá nào, thì khác gì “đẽo chân cho vừa giày”. Đó cũng là quy luật, là thảm trạng của ý thức hệ Marx và những người áp dụng nó. Sự độc tôn độc tài đã gây ra quá nhiều sai lầm trong quá khứ và tạo nên sự tụt hậu của đất nước ngày nay, chưa kể nguy cơ sẽ đưa dân tộc Việt nam đến chỗ trở thành con tin của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán.

Mai Xuân Dũng

2 nhận xét:

  1. BẠN VIẾT:hiện giờ xã hội Trung Quốc là một xã hội tư bản, phát triển chưa đầy đủ chứ không phải là xã hội chủ nghĩa, không tìm thấy cái gì gọi là XHCN.
    BẠN PHẢI VIẾT THẾ NÀO ĐỂ CHỨNG MINH CHO NHẬN ĐỊNH CỦA BẠN THÌ BÀI MỚI THUYẾT PHỤC ĐƯỢC CHỨ.
    THEO BẠN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ PHẢI NHƯ THẾ NÀO?

    Trả lờiXóa
  2. Bạn duonglinh xem lại đoạn văn trong bài mà bạn trích ra đây nhé, đó là nguyên văn trả lời của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh (chứ không phải của tôi)
    Bạn muốn hỏi tôi "theo bạn XHCN là phải như thế nào" thì xin ngắn gọn nói với bạn thế này:
    CNXH đã là không tưởng thì làm sao mà ai có thể có câu trả lời cho bạn trừ những người chưa bao giờ đọc MARX

    Trả lờiXóa