Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

VỤ XỬ ĐỒNG NỌC NẠN VÀ ĐOÀN VĂN VƯƠN


25/3/2013


Vụ án Nọc Nạn là vụ tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào ác bá và quan chức chính quyền thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều. Vụ án phản kháng của nông dân Phong Thạnh được chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với chính quyền thực dân Pháp.
Nguyên nhân sâu xa của vụ án là những mâu thuẫn, bất công về đất đai có dính đến tham nhũng, hối lộ.
Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông.Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại thừa kế phần đất trên. Năm 1917, Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu là Mã Ngân, thường gọi là Bang Tắc, muốn tranh chiếm đất đai nhà Biện Toại. Là người rành rẽ luật lệ, Bang Tắc mua lại phần đất giáp ranh Biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới, bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang sử dụng. Bang Tắc biết rõ đất của nhà Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm.
Tranh chấp đất nổ ra, hai phía thưa kiện nhau bốn lần lên tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu của Biện Toại để dằn mặt. Anh em Biện Toại không phản kháng, chờ nhà chức trách phân xử. Viên quan phủ H. ở quận Giá Rai, theo dư luận nghi ngờ, đã nhận tiền của Bang Tắc, yêu cầu chia đôi phần đất: Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa.
Cũng năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng phái viên (commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở làng Phong Thạnh. Hội đồng này xác nhận phần đất của gia đình Biện Toại thuộc về Nguyễn Thị Dương, và nay là của Bang Tắc.
Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định bán sở đất 50 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5.000 đồng cho Bang Tắc. Đến đây, chính quyền chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai thác và sử dụng là của Bang Tắc. Anh em Biện Toại vô cùng căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện, bèn bán sở đất 50 ha cho một người rất quyền lực là bà Hà Thị Tr., mẹ vợ anh ruột quan phủ H.
Sơ lược về thảm kịch đồng Nọc Nạn
Sáng 16 tháng 2 năm 1928,hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trong, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trong, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trong không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận.
Tournier từ chối, tát tai Trọng. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi. Bouzou tước dao khỏi tay Trọng. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu, tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống.
Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết. Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng 2 tại bệnh viện Bạc Liêu.

Ngày 17 tháng 8 năm 1928 (Nghĩa là sau vụ án mạng đúng 6 tháng) Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn.
Đây là vụ xử công khai của chế độ thực dân nên trừ tờ La Dépâche l’Indochine, tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’Écho Annamite, Đông Pháp thời báo, L’Impartial, l’Opinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.Nhân dân đến dự phiên tòa rất đông.

Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.
Kết thúc phiên tòa, Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm.
Tuy các quan tòa là người Pháp trong bộ máy tư pháp của thực dân nhưng dư luận nhân dân rất ủng hộ vì công lý đã được tôn trọng. Phiên tòa công khai không có bất cứ sự đe dọa, cấm cản nào của nhà chức trách.
Từ vụ án Nọc nan nghĩ về vụ án Đoàn văn vươn.
Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương,6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức.
Đoàn Văn Vươn sinh sống tại Cống rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng,từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cái chết của con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm.
Theo tài liệu của Wikipedia năm 1993, huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm. Trong quá trình sử dụng ông đã đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.
Từ năm 1995, ông đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng.Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.
Tháng 3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn biển ngoài diện tích được giao. Tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.
Đê lấn biển của ông còn được cho rằng đã góp phần giúp nhân dân trong vùng không phải lo vỡ đê mỗi khi bão lũ.Ông Vươn đã đắp được một số đoạn đê để bảo vệ đầm thủy sản của mình, ví dụ như đoạn đê công vụ. Chính quyền huyện sau này cũng đắp thêm được một số đoạn nhỏ của đê công vụ, nhưng lại nhận rằng chính quyền đã có công đắp đê chứ không phải ông Vươn. Việc này đã bị người dân địa phương phản đối.
Đến thời điểm hết hạn giao đất, năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn ( ? ). Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi gộp cả 19,3ha của ông lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên Tòa án.
Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên quyết định thu hồi. Đoàn Văn Vươn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tóa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ và tiến hành “hòa giải” bằng “Biên bản thỏa thuận”: nếu ông rút đơn thì UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất.
Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 19 tháng 4 năm 2010, ông Vươn rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Ba ngày sau, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau đó, huyện Tiên Lãng đã nhiều lần gửi thông báo làm việc với ông Vươn về việc thu hồi đất đã hết thời hạn sử dụng. Ông Vươn vẫn yêu cầu huyện tiếp tục cho ông thuê đất để nuôi trồng thủy sản.
Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Đoàn Văn Vươn vắng mặt vì lúc đó bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng cáo nhưng gia đình đã dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương.
Vụ án chấn động này đã gây nên một làn sóng bất bình trong cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm.Ông cũng cho rằng "Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được" và "sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai" 
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn.
Ngày 2/2/2012, văn phòng Chính phủ cho biết thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định sẽ chủ trì họp chỉ đạo giải quyết vụ việc. Ngày 10/2, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận chính quyền đã sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng.
Ngày 18/3, TAND TP Hải Phòng đã ấn định thời điểm xét xử hai vụ án liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Theo lối dùng văn phạm hành chính của ngành Tư pháp XHCN Việt nam thì đây là vụ xử Đoàn Văn Vươn với tội danh "Giết người, chống người thi hành công vụ. Cách dùng ngôn ngữ  có vẻ “thực dân” hơn cả tòa đại hình thực dân Pháp. Điều  này gây ra rất nhiều bức xúc cho dư luận xã hội.
Như đã so sánh ở trên, vụ án Nọc Nạn do các quan tòa thực dân người Pháp xét xử những người nông dân Việt nam hóa ra khá công bằng thể hiện trong kết quả nghị án. Vậy, trong vụ án Đoàn Văn Vươn, các quan tòa của đảng xẽ hành xử ra sao khi phía bị cáo là những người nông dân bị cướp đất, cướp thành quả lao đang là một dấu hỏi lớn đặt ra cho cả xã hội.
Trong vụ xử sắp tới đây, quan tòa là những người Việt nam, đại diện cho ngành Tư pháp Việt nam sẽ xử những người thuộc giai cấp “tiền phong” của đảng chưa kể họ còn là cựu chiến binh đã từng cầm súng bảo vệ đảng.
Dù mất niềm tin vào công lý khi có quá nhiều vụ xử án kiểu “bỏ túi”, dù biết rằng bộ máy thực thi công lý bị đặt dưới cơ quan công quyền và cơ quan công quyền lại bị dẫn dắt bởi những cá nhân lãnh đạo trong đảng, dù biết rằng với thiết chế nhà nước như vậy, thực chất luật pháp chỉ để trang trí cho đẹp nhưng nhân dân vẫn hy vọng ngành Tư pháp Việt nam sẽ không vì bảo vệ cho cơ quan công quyền mà đưa ra một bản án thiên lệch và mất lòng dân.
Khi con sói giết, ăn thịt cừu thì đó chỉ là hành động được dẫn dắt bởi bản năng sinh tồn của giống vật không có tư duy. Nhưng nếu con  người có tư duy, hành động chà đạp lên chính đồng loại của mình bất chấp lẽ phải thì con người như thế không thể được đặt ngang bằng với loài lang sói.

Mai Xuân Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét