Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

MỘT NGÀY HÀ NỘI

Entry 25/10/2012
Những bài viết về Hà nội từ cổ chí kim chưa có thống kê để biết rõ số lượng nhưng có thể nói là không ít. Khen lắm, chê cũng nhiều. 
Những người bị đám lưu manh đất thủ đô "ngược đãi" thì càng hận Hà nội. Kẻ chợ, Chợ Đồng Xuân, Chợ Giời là những địa danh được người ta quen dùng thay cho khái niệm "trộm cắp, móc túi" lừng danh ở đất kinh kỳ.
Nhưng chính những con người sống trên mảnh đất này đã góp phần không nhỏ làm cho một Hà nội từ chỗ thanh lịch một thuở đến nay là một Hà nội lộn xộn,bát nháo. Một thủ đô khổng lồ về vóc dáng qua các con số hợm hĩnh nhưng còi cọc thê thảm về văn hóa. 
Tuy vậy Hà nội không thể lẫn, không thể phai trong tâm trí những người con Hà nội. Ký ức Hà nội sẽ còn sống mãi, còn vang vọng mãi như tiếng pháo tết, thứ pháo Trúc bạch gói trong giấy bóng kính in hình con rồng, các ông bố  trân trọng lấy trên bàn thờ tổ tiên thơm lừng hương trầm xuống đem treo trên cây nêu đêm trừ tịch trước mâm cơm cúng trời đất.
Sẽ lại là sự khơi mào cho một cuộc bút chiến mới nếu cứ viết khen, chê về Hà nội. Trong entry này, người chụp ảnh nghiệp dư xin mời bạn vòng quanh Hà nội được ghi lại trong một đôi ngày cuối thu như kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Sự cảm nhận của bạn dù thế nào cũng sẽ được tôn trọng.       
Nói đến Hà nội phải nói về cầu Long biên (như khi nói về nước Pháp phải nhắc đến tháp Eiffel) được người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 mới hoàn thành mang tên Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương. Nay cây cầu vẫn được sử dụng và là điểm đến cho những người Hà nội hoài cổ.
Từ bên này lối đi sang Gia Lâm, bạn có thể quan sát qua thành cầu dòng người di chuyển bằng xe máy, xe đạp, đi bộ từ phía bên kia sông sang nội thành Hà nội. Bạn cũng nhìn thấy phía xa là cầu Chương dương. Cầu Chương dương hiện nay đang là chiếc cầu có lưu lượng ô tô xe máy qua lại rất lớn. 
Còn những người qua cầu Long biên như chị công nhân đang đạp xe kia không khác gì phiên bản của giai cấp công nhân tiền phong lãnh đạo đảng ta những năm chiến tranh phá hoại năm 1967 ở thủ đô. Nếu bạn muốn cảm nhận về sống chậm hãy thả bộ trên cầu Long biên và lắng nghe âm thanh Hà nội vang vọng từ trong nhịp vỗ của các bước chân trên cầu.


Qua sông sang bên này thành phố là bạn đã có mặt trong khu nội thành. Qua phủ toàn quyền cũ, vườn hoa Tao đàn rồi khách sạn Metropol nổi tiếng, đây là nơi thanh niên tứ xứ ưa thích chọn làm nơi ghi lại hình ảnh một thời yêu đương nồng thắm.  
 




Các sinh viên Mỹ thuật hay lui tới nơi này để thực hành những bức vẽ của mình.
Người Hà nội yêu hoa. Chính vì thế ngoài những shop hoa tươi nhan nhản khắp nơi còn có khá nhiều người nghèo bán hoa rong chở hoa bằng xe máy, xe đạp, gánh gồng trên khắp các nẻo đường Hà nội. Cuộc sống của họ là cuộc vật lộn với áo cơm nhờ hoa tươi và những tấm lòng yêu hoa Hà nội.
Cô sinh viên trường Mỹ thuật này ở một miền quê nào đó nhưng có lẽ với con mắt người chụp ảnh, cô xứng đáng là một bông hoa tô điểm cho thủ đô thêm màu sắc.
 
Cầu Thê húc nhìn từ phía tòa thị chính thành phố dầm chân trong làn nước in bóng mặt hồ như một nét son môi cho khuân mặt Hà nội thêm thanh tú.


Những cao tăng thoát tục cũng bị cảnh sắc hồ Gươm thu hút.
Anh chàng bán sáo trúc khiếm thị đang thử sáo cho khách bằng một điệu thức phương nam: Dạ cổ hoài lang. 
Các bậc cao niên duy trì sức khỏe và tìm cho tuổi già đơn bóng của mình các sinh hoạt như thế này. Có lẽ các biên đạo múa sẽ phải suy nghĩ nhiều về nhạc nền và vũ đạo như trong ảnh. Người nước ngoài dừng chân ngắm nghía mỉm cười: Wow, so funny.
Cô sinh viên mỹ thuật có lẽ hài lòng với bức phác thảo của mình  và đang khoe tác phẩm với đồng nghiệp. Nụ cười của cô như phút lóe sáng hiếm hoi về Hà nội.
Bên kia bờ hồ, chỉ chưa đầy vài trăm mét là bạn đã đứng trước nhà thờ Lớn hà nội, nơi đây đã in dấu một thế kỷ những thăng trầm của đạo Công giáo Việt nam thu nhỏ.
Một buổi sáng thường nhật, các cô học sinh của các trường quanh đó đến đây dạo chơi và chụp ảnh bằng chiếc điện thoại đa chức năng.
Ngôi đền cổ trên đường Đinh Tiên Hoàng nhìn ra hồ gươm. Nơi Phật Pháp ở ngay lề đường có vẻ nhập thế một cách miễn cưỡng khác với tiêu chí xuất thế của nhà Phật.
Nhắc đến Hà nội cũng không thể quên không có vài dòng về các cuộc biểu tình chống Trung quốc nổ ra cả tháng trời những ngày hè nóng cháy năm 2011.
Và những ngày hè 2012, các cuộc biểu tình lại tiếp diễn phản đối các hành động xâm lược của Bắc kinh. Chính quyền Hà nội ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng cách thức đàn áp thù hằn với nhân dân chứ không đúng với chức năng duy trì trật tự.
Các cháu học sinh "tình nguyện làm hàng rào sống" bảo vệ sứ quán Trung quốc trên đường Điện biên phủ. Chắc trong tương lai các sinh viên này sẽ không thể quên những kỷ niệm buồn ê chề trong cuộc đời sinh viên của mình khi chọn chỗ đứng đối mặt với nhân dân và chứng kiến những gì đã diễn ra.



Chàng nhân viên quay phim của đài truyền hình Hà nội đang ghi hình cố điếc trước thái độ bất bình của người biểu tình. Họ bất bình không phải vô cớ khi truyền hình Hà nội đã nhiều lần tỏ ra không khác gì là một "bộ phận không thể tách rời" của nhà đương cục Trung quốc.


Các phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp trong cuộc biểu tình ngày 1/7/2012. 
Trong mắt của nhà cầm quyền các phóng viên này hình như là "các thế lực thù địch nước ngoài" thì phải.
Hà nội có vài khu vực như đường Phạm Hùng trong ảnh rất có nét của những thành phố ăn nên làm ra.
Khu đô thị Nam Thăng long Ciputra, nơi dưỡng thân của những người lắm tiền và quyền.
Các khu nhà cao tầng mọc lên chạy đua với thời gian từ những năm bùng nổ chứng khoán, bùng nổ giá nhà đất 2007.


Tháp Kengnam 65 tầng, một trong những building cao nhất Việt nam như một chiếc cọc bê tông bọc kính ngạo nghễ đang hoàn thiện nốt những phần còn lại và đang được đưa vào sử dụng
Những biệt thự của các quan chức đại gia tìm được nơi đẹp nhất cả về cảnh quan lẫn phong thủy mọc lên như nấm sau mưa.
Đu quay mô phỏng vòng xuyến London trong khu công viên nước Hồ Tây.
Và con đường Hàn Quốc ven hồ, nơi đủ thơ mộng và tĩnh lặng cho những cặp tình nhân tìm đến thả hồn say đắm.


Con đường Ven hồ là con đường thơ mộng để thả bộ và ngồi hóng gió trong những ngày không có mùi cá chết quấy rầy khứu giác của bạn.
Hà nội-Hồ Tây gợn sóng mùa thu còn là nơi cho thấy những mảnh đời vụn, tăm tối, bế tắc.


Nạn nghiện hút tiêm chích làm băng hoại đạo đức vẫn là nỗi nhức nhối không thể loại trừ. Tại sao không thể loại trừ tệ nạn này là câu hỏi vừa dễ vừa quá khó cho những ai muốn tìm hiểu.


Nghề xe ôm, nghề mộc rong và nhiều nghề lạ khác ở đây là nghề kiếm cơm ngày càng gia tăng về số lượng ở hà nội. Họ là thương binh, bộ đội giải ngũ, công nhân xây dựng mất việc...


Những phụ nữ không biết làm nghề gì và có thể làm bất cứ nghề gì quanh hồ Thiền quang là một con số không nhỏ. Chị ấy đang phục hồi sức khỏe sau một đêm trắng lấy hè phố làm nhà, ghế đá làm giường.
Các cháu học sinh trốn trường ra đây ôm ấp tâm tình nhan nhản khắp nơi ven hồ bất chấp người qua kẻ lại.
Nụ cười của ai, khuân mặt của ai mà sao ngạo đời làm vậy, ngô nghê làm vậy khi câu cá và lặn ngụp trong công viên?
Các cháu học sinh sinh viên, thế hệ của tương lai Việt nam, thế hệ xây dựng thủ đô hà nội hầu như không còn các dấu chỉ cho một nền giáo dục trọng tình máu mủ ruột già, gia đình và các giá trị truyền thống. Họ được dạy nhiều về chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng và ngày đêm gạo chữ cho một chiếc ghế ngồi ra tiền trong tương lai đất nước.
Hà nội chẳng là gì nếu bạn quên không nhắc đến các anh, những anh hùng Núp thời đại, CSGT nhưng luôn đi kèm An ninh, thanh niên cờ đỏ tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng 141 đè bẹp bất cứ sự phản kháng nào của bọn nhân dân tham gia giao thông. Chớ chụp ảnh các anh. Các anh không thích ảnh.
Các dòng sông không hề chảy là hình ảnh cuối cùng của Hà nội.
Hà nội đã huy động sức mạnh của cả bộ máy chính trị để làm nên một Hà nội như thế đó.
Một ngày bằng hình của Hà nội là như vậy, nó không rực rỡ cũng không quá ảm đạm. Nó chỉ đen tối như hết ngày phải có đêm và qua đêm trời sẽ sáng.
Nhưng bạn đừng mất hết hy vọng, hoa tường vi đã không còn nở như thế này nhưng vũ trụ sẽ đè nát những gì cản trở vòng quay của nó. không có cái gì tồn tại mãi. Lịch sử đã chứng minh như vậy.

Mai Xuân Dũng

2 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Mai Xuân Dũng đã cho tôi được đi thăm "hàm thụ" một vòng Hà Nội. Tôi chưa được dịp tới Hà Nội bao giờ. Bác Dũng có phong cách chụp ảnh rất riêng, tôi không mô tả được phong cách ấy như thế nào, nhưng nói thiệt là ngắm thích lắm.

    Trả lờiXóa