Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

PHẨM CÁCH CHỢ TRỜI



13/6/2012

Những năm 70, 80 ở phố Thịnh Yên, Trần Cao Vân-Hà nội,  có một cái chợ, tên là chợ Hòa bình. Nhưng người ta chỉ gọi là Chợ Trời. Chợ còn đến tận bây giờ nhưng tính chất "đặc thù" của nó đã khác xưa.
Hồi đó, nơi đây dân tứ chiếng giang hồ bán dạo, bán hàng ôm vắt vai, bán hàng chứa trong mẹt đủ thứ hàng hóa tạp nham từ đôi dép đúc cao su, săm lốp xe đạp, mũ cối Tàu, áo quần, đồng hồ...và tất cả những thứ hàng tiêu dùng thiết yếu thời bấy giờ.

 
 Ảnh Inter net. Chỉ có tính minh họa
 Chợ hấp dẫn ở chỗ hàng hóa nơi này hầu như cái gì cũng có trong khi tại các cửa hàng Mậu dịch quốc doanh hoặc Hợp tác xã mua bán không thể nào kiếm được. Có điều, rất nhiều người sau khi mua hàng đem dùng mới biết những thứ mình rước về toàn hàng rởm, chỉ đáng bỏ đi.
Có người ra chợ mua được chiếc lốp xe đạp cỡ 650 đỏ như son, đẹp long lanh in nổi chữ “Nhà máy cao su Sao vàng” nhưng khi lắp vào vành xe đạp thì bị bật “tanh” ra ngoài.  “Tanh” là từ chuyên môn để chỉ 2 vòng dây thép được ép hai bên má lốp xe, nó bị bật ra thì chiếc lốp kể như vứt đi. Hóa ra đó là chiếc lốp rởm được các cơ sở tư nhân làm giả lốp của nhà máy rồi đem ra thị trường tiêu thụ.
Mặt hàng “thời trang” cũng vậy. Quần áo cũ ở đây có xuất xứ khá ghê rợn. Phần nhiều đó là quần áo của những người mới chết, được người ta bằng cách này cách khác đem ra chợ mua đi bán lại kiếm chút tiền gầy.
Rất nhiều kẻ đầu trộm đuôi cướp, móc túi, lừa đảo sống bám vào cái chợ này. Dân Hà nội ít khi sập bẫy chứ người ngoại tỉnh đến đây tham rẻ mua hàng bị lừa ngoạn mục bằng đủ trò tinh vi là điều không tránh khỏi.
Một trong những chiêu thức hiệu quả của đám du thủ du thực chợ Trời là trò “chân gỗ”. 
Nguyên tắc của thủ thuật “chân gỗ” là khai thác tâm lý “bầy đàn” và hám lợi của nạn nhân. Chẳng hạn, khi một “con gà” đang tìm mua chiếc đồng hồ SEIKO thì sẽ có ngay một ông “khách” đạo mạo cầm chiếc đồng hồ trên tay tìm người mua với lời phân trần não nề rằng "vợ mổ tử cung, túng tiền có chiếc đồng hồ phải đem đẩy đi lấy tiền trả viện phí".  
Vài ba, có khi cả chục người xúm vào trả giá. Có kẻ trả giá cao ngất. “Ông khách” này tỏ vẻ “hoảng sợ” vì đám đông xúm xít chung quanh, không dám bán nữa, bỏ đi. 
Thực ra ông ta chẳng bỏ đi đâu mà loanh quanh một lúc trong khi vẫn kín đáo  theo dõi “con gà”. Mà thực ra “con gà” cũng đang bám sát “ông khách” với vẻ “khôn ngoan”, thận trọng pha chút tự tin. Đến một chỗ đỡ ồn ào, “con gà” liền đặt vấn đề mua lại chiếc đồng hồ của “ông khách”. Hai bên ngã giá. Người mua cẩn thận yêu cầu người bán cùng đến một hiệu đồng hồ nào đó để kiểm tra chất lượng "ruột gan" xem có vấn đề gì không. Cuối cùng thì việc mua bán diễn ra tốt đẹp. Tiền trao cháo múc. Hồi đó chiếc đồng hồ cơ SEIKO có giá khoảng chỉ vàng, là một tài sản kha khá chứ chẳng phải chuyện chơi. “Ông khách” cầm mớ tiền xong liền mất hút trong đám đông.
Người mua đem chiếc đồng hồ về nhà ngắm nghía đê mê cả đêm. Hôm sau, anh ta trịnh trọng đeo đồng hồ, ăn diện thật oách cho tương xứng với cái vật bằng kim loại sáng loáng đeo lủng liểng trên cổ tay. Lúc đó anh chàng có nỗi mong cháy bỏng là gặp được thật nhiều bạn bè, người quen để khoe và thầm mong có ai đó hỏi giờ. Rồi thì có người hỏi giờ thật. Anh ta khoát tay một cái, khoan thai giơ cao tay cố tình khoe chiếc SEIKO sang trọng ra. Nhưng hỡi ôi, thật không thể tin vào mắt mình, chiếc đồng hồ có 3 chiếc kim thì long ra mất 1. Lắc lắc mấy cái, đưa lên tai không còn nghe thấy tiếng “tích, tích” vui vẻ đêm qua.
Mất mớ tiền nhưng anh ta cũng có một bài học để đời về “chân gỗ”. Xâu chuỗi các sự việc lại, “con gà gô” vỡ ra rằng: Từ “ông khách” bán đồng hồ rồi đám người xúm vào trả giá ở chợ cho đến ông thợ trong cửa hàng đồng hồ đều là lũ “chân gỗ” cả, nào có ai là “chân thật đâu”.
Túm lại, những trò ma giáo kiểu vừa nói trên là một dạng gian dối tập thể nhằm tập hợp nhau lại bởi cùng chung quyền lợi, diễn trò, nhằm móc túi người lương thiện. Đó là cái “Phẩm cách chợ Trời”.
Dân Bắc Hà biết thừa rằng dẫu chẳng phải chợ Trời thì ối cơ quan nhà nước cho đến Quốc hội vẫn cứ có đám “chân gỗ” len vào kiếm chác, diễn kịch như ma, nhất hô bá ứng.
Khi chủ trương đưa vào nghị trình nhằm thông qua Dự án đường sắt cao tốc là có ngay “chân gỗ” đăng đàn: “quyết liệt làm đường cao tốc vì các nước có IQ cao đều làm đường cao tốc”.  Lý lẽ thì rất khôi hài rằng đường sắt cao tốc phục vụ “bà mẹ đi chợ, trẻ con đến trường” (!). 
Vụ hài vãi này làm cho nghị Cảnh Hà nam tự nhiên được lưu danh muôn thuở có lẽ đến khi nằm xuống vẫn sẽ được dân gian đưa vào bài ai điếu trong tương lai.

 
 Ảnh Internet
Một trường hợp chân gỗ sáng tạo khác là trường hợp “chân gỗ” nhưng là chân gỗ thật. Nói thế hẳn mọi người nhớ ngay đến vụ thương binh nặng tấn công Viện nghiên cứu Hán Nôm. Một trong các đồng chí chân gỗ này đã dùng nhục nhã kế tụt quần kèm màn múa nạng áp đáo Ts Nguyễn Xuân Diện, chỉ vì "thương binh" phản đối cờ lốc của ông Tiến sỹ này trong vấn đề điện "hột nhân".
Chuyện này loang khắp toàn cầu và được đánh giá là chiêu chân gỗ “tuyệt kỹ công phu”.
Nghe đâu sau vụ này, ngay đầu giờ làm việc sáng, các chuyên viên sao, dịch phải đặt lên bàn các tổng thống bản rì pọt nhằm tăng tính hẫm dẫn, đậm đà cho bữa cà phê sáng của tất cả các nguyên thủ Quốc gia trên thế giới.
Đẹp mặt.
Nay lại đến Bộ 4T ngày 12/6 cũng tổ chức “giao lưu trực tuyến”. Nhưng ai mà chẳng biết “trực tuyến” kiểu ấy nào khác gì chiêu quân xanh quân đỏ trong đấu thầu xây dựng cơ bản, xây dựng cầu đường đầy rẫy chuyện tiêu cực ở Việt nam hiện nay.
Nhắn với ông 4T là nếu có dám đăng đàn giao lưu trực tuyến xin ông cho truyền hình trực tiếp giao lưu với một người không phải “chân gỗ” thì mới đáng mặt là người đại diện cho bộ Thông tin & Truyền thông.

Mai Xuân Dũng

1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết này của anh, em thấy vui nhộn, hiểu thêm về VN những năm ấy. Thời bao cấp ở ngoài miền Bắc ngèo quá anh nhỉ. Em xem phim ảnh, báo chí, ôi thấy thương quá. May God give you faith, strength and hope. Thank you for a great article. Em sẽ không ngưng ủng hộ anh.

    Trả lờiXóa