Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

TẢN MẠN ĐIỆN BIÊN PHỦ

7/5/2012


Trừ những người có sinh nhật vào ngày 7/5 ra, có lẽ dịp kỷ niệm 58 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay không mấy ấn tượng.
Báo hình báo tiếng báo giấy báo mạng đề cập qua loa về ngày này cho có. Có lẽ không phải vì lý do năm nay chưa tròn số. Nhưng thôi, không quan trọng. Thời sự có nhiều điều đáng quan tâm hơn những gì đã qua cho dù dĩ vãng có hào hùng hay hào hoa.
Có chục năm sống ở xứ Thái quanh năm xôi nếp nương, có lẽ cũng nên tản mạn vài dòng về vài điều vụn vặt nhưng khó quên.
Có một anh bạn lớn tuổi cứ hai năm một lần lên Sơn la. Mục đích duy nhất chỉ là đến thắp hương ở nhà tù nơi có cây đào Tô Hiệu. Nơi đó, anh có bố đẻ từng là cán bộ lãnh đạo trong chi bộ nhà tù Sơn la khi xưa.
Lần đó, mấy anh em vào thăm khu ca sô ngầm, nơi trước kia cai tù giam các cán bộ Việt minh cứng đầu. Đột nhiên anh hỏi:
- Chú đã đến Điện Biên Phủ chưa?
- Em đi mòn dép ở đó rồi anh.
- Hay tiện đường ta lên Điện biên luôn. Chú thấy ở đó có gì hay?
- Không biết anh hỏi “hay” về cái gì nhưng xét về mặt du lịch thì Điện Biên Phủ là nơi lý tưởng đó anh. Thứ nhất nơi này thỏa mãn những ai đam mê phong cảnh núi non. Thứ hai Điện Biên có thể an ủi du khách ưa thích tắm biển vì ít nhất dù du lịch nơi rừng rú, họ vẫn có cơ hội dùng đến đồ bơi để khoe bo đì. Bởi ở đây anh có thể vào rừng săn nhím lại có thể bơi lội thỏa thích trên dòng Nâm rốm. Rồi vừa bẻ mía ăn ngay trên trên gioi cát giữa sông vừa ngắm gái Thái tắm truồng.
- Hic, ba xạo. Chứng tỏ chú ba hoa chích chòe.
- Ối, em ở đó cả chục năm anh ơi.
- Năm nào gần đây nhất chú không đến Điện Biên?
- Hơn ba chục năm.
- Vậy trưa nay nghỉ ngơi, chiều ta đi luôn Điện Biên. Cũng là dịp để chú thăm lại sông Nậm rốm của chú.
Thời gian chỉ tàn phá nhan sắc con người nhưng chính con người tàn phá cả thời gian. Những gì đã từng là kỷ niệm sống động tươi đẹp một thời nay chỉ còn là hoài niệm mãi mãi.
Tôi còn nhớ bãi ngô bờ đông sông Nậm rốm là bên lở. Nơi bọn trai thị trấn chữ U chúng tôi thường lấy làm cầu nhảy để tung mình 2 vòng lao xuống dòng nước. Trưa hè, cả lũ bơi sang gioi cát giữa sông đoạn dưới đồi A1 khoảng nửa cây số. Bên đó bạt ngàn mía tím nông trường C6. Chui vào vườn mía, ngồi trong bụi tước mía vừa ăn vừa lắng nghe tiếng chim “bắt cô trói cột”.
Cây cầu Mường Thanh bắc qua sông sang bên sân bay vẫn không cũ hơn. Nó chỉ có vẻ nhỏ hơn trước nhiều có lẽ bởi mắt ta quen với những cây cầu bắc ngang sông Hồng sông Hàn hoặc Hậu giang…
Nhưng làm ta thất vọng đến bàng hoàng là con sông. Con sông ngày nào từng bơi qua mùa cạn cũng phải hai tầm bơi sải và bơi chó nay sắn quần trên gối lội vô tư và nước thì đen đến độ sánh tầm với sông Tô lịch. Mất con sông Nậm rốm là sự tự sát cho ngành du lịch Điện Biên.
Các khu du khách tham quan Đồi A1 hoặc khu phục dựng hầm tướng Đờ Cát được quây lại bán vé, kinh doanh tham quan vãn cảnh.
Lục lọi đọc lại các bài viết khảo cứu về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ có đoạn trích: “trận đánh đồi A1 từ ngày 30/3 cho đến ngày 7/5, trục tấn công duy nhất của ta chỉ là 1 con đường từ chân đồi Cháy lên đỉnh đồi A1. Bọn tây ở đây quen thuộc trục đánh này đến nỗi chúng nó đặt luôn 1 cái tên gọi là "Champs Elysee". Điều đó cắt nghĩa tại sao các cứ điểm khác trong lòng chảo Mường Thanh giải quyết trận đánh chỉ vài giờ nhưng riêng cứ điểm này bộ đội ta đánh đổi bao nhiêu sinh mạng mới có được chiến thắng ròng rã hơn 30 ngày đêm. Xác chiếc xe tăng Bazeilles-một trong toàn bộ 10 chiếc quân đội Pháp trang bị trên mặt trận này vẫn nằm lại trên A1 cho đến ngày nay. Đó là chiếc xe tăng hồi nhỏ bọn trẻ vẫn leo lên tháp pháo bám lấy nòng đánh đu lên để quay tròn quanh thân xe.

Sau hơn nửa thế kỷ qua đi, nhiều chuyện được nói lại hé mở nhiều điều còn nằm trong bí mật hay đơn giản chỉ là những chuyện tế nhị không ai muốn động chạm. Một trong những điều đó là câu chuyện về tấm ảnh các chiến sỹ ta cắm cờ trên nóc hầm tướng Đờ cát được biết chỉ là tấm ảnh dựng lại ,biểu tượng cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh hùng Lê Mã Lương đã khẳng định như vậy trong một buổi nói chuyện với báo Tuần việt nam nét:
"Những điều chưa chính xác từ trước, chúng tôi đã bằng các phương pháp tiếp cận với nhân chứng, với tài liệu, bằng phương pháp khoa học và thái độ khách quan, trả lại cho lịch sử những điều vốn có của nó. Sau khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở bảo tàng. Đó chỉ là một biểu tượng của chiến thắng. Phải tôn trọng sự thật. Ngay cả khi làm tư vấn lịch sử cho một dự án ở di tích Điện Biên Phủ, tôi cũng góp ý rằng không nên có hình ảnh chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát, vì lịch sử không có chuyện đó”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề làm suy giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này.



Mai Xuân Dũng

1 nhận xét:

  1. Không ngờ bác lại có thời kỳ sống ở đây lâu đến thế. Có lẽ vì thế nó tạo nên chất lãng tử trong con người bác như vậy chăng?

    Trả lờiXóa