Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

TRANH NHÁI

Mai xuân dũng 5/11/2010
Dạ tiệc trên tầng 18 Sofitel Plaza.
Anh là một giáo viên. Lại là giáo viên đang công  tác ở miền núi. Người miền núi bình thường đều dễ nhận ra.(Tất nhiên, không phải là nhà buôn gỗ ở Gia Lai).  Dưới chân là một đôi giày lỗi mốt, trên người là một cái áo vét tông màu tro nhạt có lẽ là hàng thùng. Đôi mắt quen với thiên nhiên thoáng đãng của anh khi bị bó vào khoảng không gian hẹp trong các bức tường trở nên ngơ ngác. Anh có vẻ lạc lõng trong cái khách sạn xinh đẹp bên hồ Tây này. Người kia là một doanh nhân, sự thành đạt của anh ta toát ra không chỉ bằng bộ trang phục sang trọng mà còn từ dáng vẻ uy nghi đầy tự tin. Tự nhiên thôi, hai người ác cảm với nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khốn nỗi, thay cho việc quay mặt đi, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà anh lại bước tới nâng ly, mỉm cười thân thiện.
-         Xin chào, tôi là A. Giáo viên.
Người kia lạnh lùng, bàn tay cầm ly đong đưa đúng điệu như một quý ông Monaco nhưng không thèm chìa ra.
-         Tôi là B. Xin lỗi, tôi nhớ ra có ai đó đã nói “Nếu không biết làm gì, hãy làm giáo viên”.
Anh chớp chớp mắt, hơi lúng túng.
-         Vâng, hình như tôi cũng đã nghe ai đó nói điều này rồi. Có thể trong một núi công việc của bầy kiến, con người chỉ có thể chọn cho mình một công việc là làm giáo viên mà thôi.
Chuyện qua lâu rồi. Anh thi thoảng nhớ đến nó như một kỉ niệm man mác, không buồn không vui.
Anh học sư phạm Nhạc, Họa. Ra trường đi công tác ở một xứ khỉ ho cò gáy. Ở một nơi uống nước bằng ống bương thay cho cốc thủy tinh pha lê Bohemieng, ăn cơm bốc tay thay cho bát sứ Giang tô. Anh không nghĩ đó là nỗi phiền muộn hay bực dọc. Anh yêu nghề. Nghề của anh khác với các nghề nghiệp khác trong xã hội. Trong khi người ta tạo ra các giá trị giống nhau, càng giống nhau càng tốt là lợi nhuận thì nghề của anh là tạo ra sự khác biệt. Nhiều đàn ông có thể vui vẻ chung đụng với một đàn bà, còn nhiều người đàn bà không chịu chung đụng với một người đàn ông. Nghề hội họa của anh có vẻ gì đó giống với tính cách đàn bà. Anh mỉm cười một mình khi có lúc ý nghĩ ấy thoáng trong đầu.
Ở mảnh đất suốt ngày phủ sương trắng và mây núi này, học sinh của anh một tháng được xem phim một lần ở rạp “Các vì sao”, ghế hạng nhất là tấm thảm cỏ trâu bò gặm sót. Với các em, phim nào cũng từ tuyệt vời cho đến trên tuyệt vời.
Vâng, đó là bữa tiệc văn hóa thịnh soạn với các em. Điều đó cắt nghĩa vì sao học sinh miền núi xa xôi yêu thích môn vẽ như thế. Trên mảnh đất khô khát, nước đổ đến đâu, đất hút bay hút biến hết đến đó.
Với một người làm công tác quản lý ngành quảng cáo dính dáng nhiều đến mĩ thuật, các dòng chữ bằng nilon cắt theo phông Arian H cỡ chữ 75 dán trên bảng thông báo chỉ lệch 0.5 milimet so với nhau đã có thể làm anh ta, một doanh nhân kĩ tính, dễ dàng phát hiện và nổi cáu với thợ. Còn hơn thế, trong bảng phối 10 nghìn màu, chỉ cần lệch một chút so với Logo mẫu là đã đủ để anh ta phát khùng lên. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh ta có năng khiếu hội hoa.
Anh chàng doanh nhân ngày nào cố ý châm chọc tự ái nghề nghiệp giáo viên của anh thực ra cũng là một người có kiến thức khá rộng nên anh ta tự tin đến ngạo mạn cũng là điều dễ hiểu.
Khi biết anh là giáo viên mĩ thuật anh ta tỏ ra thiện cảm hơn chút ít. Bằng chứng là anh ta “bắt” chủ đề để cho thấy anh ta cũng rành về các trường phái hội họa từ châu Âu sang châu Á. Các danh họa và các họa phẩm nổi tiếng được anh nhắc đến không sót vị nào. Nhưng điều đó không phải anh ta là một người đủ năng lực thẩm mĩ để cảm nhận hội họa. Không dễ để bắt gặp được chân giá trị của nghệ thuật. Cái dễ gặp dễ thấy thì lại là những giá trị giả trá đang phô bày tràn lan khắp nơi.
Trong âm nhạc có hát nhép, trong hội họa có tranh nhái. Trước hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, nếu không phải là chuyên gia, người nghe không phát hiện được cô ca sỹ chân dài kia đang nhép như thế nào. Một chuyên gia về hội họa lại rất  khó khăn để phát hiện được một bức tranh nhái với một bức tranh thật.
Anh nhớ hồi học lớp ba, cô giáo dạy vẽ cho anh điểm 2 về bức tranh phong cảnh vì anh vẽ mặt trời tô màu xanh lét, con bò màu đỏ rực gặm cỏ trên cánh đồng tím ngắt. Anh không giải thích được tại sao anh vẽ thế. Không phải anh muốn tranh của mình khác lạ so với 32 bức tranh của các bạn. Nhưng với anh cảm nhận mĩ thuật là như vậy.
Khi mới ra trường, anh kiếm việc làm tạm ở một xưởng vẽ. Một khách hàng thuê anh vẽ chân dung sơn dầu.
-         Bác muốn vẽ tranh chân dung hay tranh truyền thần bằng sơn dầu thưa bác?
-         Tôi không biết chân dung hay truyền thần khác nhau thế nào nhưng tôi nghĩ tranh vẽ thì giá trị hơn, hiện đại hơn truyền thần. Nhà tôi xây theo lối hiện đại, anh hiểu không?
Anh đã vẽ xong chân dung cho khách. Ông này tỏ vẻ không mấy hài lòng
-         Anh vẽ tôi không giống
-         Tôi đã hỏi bác rồi. Nếu bác thích giống thì bác nên chọn truyền thần thì hơn. Đây là tranh chân dung sáng tác, nếu bác thích giống nữa sao bác không chọn chụp ảnh, chụp sẽ còn giống hơn nhiều.
Thật ra cái “đắt giá” của bức tranh so với ảnh là ở chỗ không giống nguyên mẫu. Hòa sắc, góc nhìn, ánh sáng, thần thái v.v.. đã làm nên tính nghệ thuật của bức tranh. Anh ta có thể bỏ ra nhiều tiền để học hỏi, tìm hiểu hội họa nhưng vẫn không mua được cảm nhận, không hiểu được cái “đắt giá” của một vệt sáng chỉ bằng một nhát cọ, cũng như không “thấy” được cái đầu quá cỡ vặn vẹo trên một cái cổ khẳng khiu của nhân vật trong tranh đẹp ở đâu?
Thành quả và vẻ đẹp của một doanh nhân được đánh giá dễ dàng khi nhìn vào bảng quyết toán doanh thu. Còn vẻ đẹp, thành quả của một họa sỹ chỉ có…Chúa mới biết.
Các chính trị gia thật đáng ngưỡng mộ khi họ tạo ra một bức tranh kì vĩ trong lễ duyệt binh, đội ngũ vuông vắn như các khối hộp hay hình ảnh nghìn người như một giơ tay đều tăm tắp trong những lúc biểu quyết một quyết sách của Nhà nước. Đó cũng là một cái đẹp như các sản phẩm hàng loạt được đúc từ một cái khuân. Nó đồng nhất, ngay lề thẳng lối. Nhưng những cánh tay tăm tắp kia có nói hết được những gì thật sự đang hiện hữu trong đầu các thành viên Chính phủ thì chỉ có…Chúa mới biết.
Với hội họa thì khác. Trong hàng triệu triệu họa phẩm của nhân loại không có cái nào giống cái nào. ( Đương nhiên không phải những họa phẩm nhái).
Quay lại chuyện người doanh nhân hiểu rộng biết nhiều. Anh ta là một trong những nhà tài trợ cho cuộc triển lãm tranh quốc tế được tổ chức tại Sofitel Plaza hôm đó. Anh là lãnh đạo một công ty quảng cáo tiếng tăm.
Vâng, còn bức tranh được đánh giá cao nhất và được các chuyên gia quốc tế lựa chọn cho cuộc triển lãm lớn sắp tới tại Salon D’’autom internationnal de Luneeville ở Paris là tranh của một học sinh người dân tộc sống ở một vùng núi khỉ ho cò gáy xa xôi.
Các bạn đoán ra rồi phải không, người truyền cảm hứng sáng tạo hội họa cho các học trò đó là anh. Người giáo viên dạy vẽ mà doanh nhân nọ đã nói: “Nếu không biết làm gì, hãy làm giáo viên”.
Mai xuân dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét