Mai xuân dũng 3/11/2010
Điều 83 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam :
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước…Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Nhưng xét về thực tế, Quốc hội có phải là cơ quan quyền lực cao nhất không, Quốc hội có quyết định những chính sách cơ bản của đất nước không, Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước chưa ?
Xin nói ngay mà chả cần phải suy nghĩ gì nhiều là: Quốc hội không phải là cơ quan quyền lực cao nhất và chả có quyền quyết định hoặc làm công việc giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước vì đơn giản là đại biểu Quốc hội hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản mà Điều 4 Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng lên Nhà nước và xã hội:Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Quốc hội đã có Đảng lãnh đạo rồi thì mọi vấn đề quan yếu của Nhà nước đều do Đảng quyết định, Đảng giám sát. Thực tế chứng minh các đại biểu Quốc hội của nước ta hầu hết đến hội trường chỉ để ngồi, nghe, ghi chép, lên xe về khách sạn, hết phiên họp về quê chờ đến hẹn lại lên.
Chính vì biết vai trò của mình là gì, đang ở đâu (Theo Hiến pháp) nên hầu hết, trước các vấn đề lớn của Nhà nước, phần đông các ông nghị đều ngồi im thin thít (như thịt nấu đông).
Một số ông nghị tỏ ra mình có vai trò lãnh đạo thật sự (vì là có chân trong Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng) nên thường có phát biểu đóng góp ý kiến có tính chất chỉ đạo kiểu như việc này “không thể không làm” , “Cái này Bộ Chính trị đã có ý kiến”, “Cái này chúng tôi đã xem xét, bàn thảo rất chi tiết và có kế hoạch cụ thể”.
Như vậy thì các ông nghị cứ làm một việc vui vẻ nhất là: gật, cười và vỗ tay thật kêu, thật rôm rả đã là hoàn thành nhiệm vụ.
Một số ông nghị khác cũng có “phát” do được “biểu” hoặc có thể không được “biểu” nhưng muốn tỏ ra IQ của mình cao chứ không lùn nên đã có những phát ngôn đi vào lịch sử “Danh nhân Quốc hội” để lại tiếng thơm cho con cháu mai sau hưởng.
Không kì họp nào mà đại biểu Quốc hội không để lại những dấu ấn trong lòng nhân dân chẳng phải vấn đề này thì cũng là vấn đề kia. Kì họp Quốc hội mới đây, dư luận rất chú ý đến phát biểu của ông nghị Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Về vấn đề Vinashin, ông Kiên nói: “Không phải Vinashin đã phá sản bởi vốn của chủ sở hữu vẫn còn…duy nhất Việt nam áp dụng xử lý hình sự những người quản lý doanh nghiệp nhà nước như trường hợp Vinashin. Ở Mĩ, tập đoàn Enron bị pha sản cũng không có người quản lý nào đi tù cả”. Phát biểu này của ông Kiên khiến những người theo sát, lắng nghe diễn biến các phiên họp sững sờ không tin vào tai mình vì trước đó vài ngày chính ông Kiên trả lời phỏng vấn phóng viên Vietnamnet rằng: “Thực chất Vinashin đã phá sản, chỉ có điều mình không tuyên bố mà thôi, và đây là một hình thức phá sản đặc thù của Việt nam”.
Mới hôm qua ông bảo là Đen mà hôm nay ông rằng nó Trắng thì nhân dân không hiểu nổi ông là người như thế nào?Hay là ông Kiên bằng ví dụ về Enron, muốn đặt ra vấn đề là nên tha bổng ông Vua Vinashin Phạm Thanh Bình và rồi Nhà nước ta “rút kinh nghiệm” là xong.
Mặt khác, xét về vấn đề học thuật kinh tế, ông Kiên là một Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội mà tại sao không phân biệt nổi giữa hai hình thức Sở hữu vốn của một doanh nghiệp như Vinashin (sở hữu vốn của Nhà nước) với tập đoàn Enron bên Mĩ (sở hữu vốn Tư bản tư nhân). Một đằng Vinashin ôm tiền của Nhà nước, khi vỡ nợ thì Nhà nước mất tiền, nhân dân mất tiền còn Enron kinh doanh bằng tiền túi của người ta. Họ có phá sản thì họ mất vốn của họ chứ có ai bị thiệt hại đâu.Thấy bảo ông này có bằng Tiến sỹ, nên chăng xem lại xem ông nghị này có dùng bằng của trường Đại học Nam Thái bình dương không ?
Thiết tưởng không phải nói gì nhiều về Quốc hội nữa khi đã thấy bao nhiêu câu chuyện Hỉ Nộ Ái Ố ở các kì Đại hội. Nhưng ở một góc độ nào đó cũng phải thừa nhận hai sự thật hiển nhiên là tiền thuế của nhân dân đã phải bớt ra không ít để nuôi ăn, phục dịch cho các ông nghị trong các kì họp Quốc hội bất kể là lúc đẹp trời hay bão lũ chết người và các ông nghị cũng có làm được một việc là: “Làm ông Bưu điện để chuyển đơn khiếu kiện của dân đến các cơ quan Nhà nước yêu cầu trả lời” như phát biểu của Đại biểu Quốc Hội Lê Quang Bình.
Mai xuân dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét