Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

CHỖ ĐỨNG CỦA CHÍNH PHỦ

Mai xuân dũng 28/10/2010.
Có thể nói thẳng ra rằng dự án Bô xít Tây nguyên là một dự án gây ra sự chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng dân tộc Việt nam trong 36 năm qua kể từ khi thống nhất đất nước đến nay.
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ kháng thể trong dòng máu, tim gan những người Việt nam yêu nước thương nòi trước họa xâm lăng đến từ ông bạn láng giềng phương Bắc.Trong quá khứ, người Việt nam là một dân tộc bất khuất, liên tục chống lại ách thống trị của các đế quốc từ phương Bắc đến xâm lăng. Nhưng phải nói rằng người Việt cũng đã từng bị các vua chúa Trung Hoa đè đầu cưỡi cổ cả nghìn năm trời. các sử gia và các nhà nghiên cứu sử Việt nam gọi là thời kì 1000 năm Bắc thuộc.
Hàng chục lần Nam tiến, người phương Bắc đã làm cho mảnh đất Việt này không lúc nào khô vết máu binh đao. Nỗi lo canh cánh nghìn năm của những người nặng lòng với nước về hiểm họa Tổ Quốc bị rơi vào thời kì Bắc thuộc Mới là hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc hiện nay đã trở thành một nhà nước đế quốc đói khát lãnh thổ và tài nguyên hơn bao giờ hết.
Tại phi Châu, Trung Quốc bằng thủ đoạn đầu tư tài chính đã ngấm ngầm thuộc địa hóa một số quốc gia giầu tài nguyên. Họ sử dụng lá bài kinh tế phồn thịnh giả tạo để mua chuộc lòng tham. Bằng các khoản tiền mờ ám, Trung Quốc lũng đoạn các chính khách, các nhà lãnh đạo tham nhũng tại các nước này để hoàn toàn chi phối họ, làm bình phong che chắn và là công cụ đàn áp các lực lượng chống đối kế hoạch tham lam của Trung Quốc.
Ở nước ta, việc đánh chiếm quần đảo Hoàng sa và một số đảo ở quần đảo Trường sa thuộc chủ quyền của Việt nam là bước khởi đầu của kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của họ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng chỉ rõ: Khu vực Tây nguyên là nóc nhà của Việt nam, là vị trí chiến lược của khu vực Đông Dương, có vai trò rất quan trọng và là địa bàn hết sức hiểm yếu. Mất Tây nguyên là mất nước trong một sớm một chiều.
Có thể đất nước ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ, chúng ta hơn ai hết khao khát hòa bình để xây dựng đất nước. Đó là ý nguyện toàn dân và cũng là của các nhà lãnh đạo. Nhưng việc nhượng bộ Trung Quốc về lãnh thổ hoặc nhường cơ hội cho ngoại bang để cho họ chi phối, dắt mũi là điều các nhà lãnh đạo của chúng ta phải kiên quyết chống lại.Không có bất cứ một lý do nào có thể biện bạch cho các hành động, thái độ nhân nhượng vô nguyên tắc trên sinh mạng dân tộc, trên sự an nguy của Tổ Quốc.Đó chính là lý do căn bản số một khiến các nhân sỹ trí thức và nhân dân ta tỏ thái độ không nhất trí với dự án khai thác Bô xít tại Tây nguyên.
Lý do thứ hai là hiểm họa sinh thái. Chính Trung Quốc bằng con đường vào Tây nguyên khai thác Bô xít đã xuất khẩu chất thải độc hại lên đất nước Việt nam. Chính họ nhìn thấy nguy cơ nhiễm độc tàn phá quốc gia tiềm tàng nên họ đã từ bỏ việc khai thác tại nước họ mà chúng ta lại chấp nhận hứng lấy cái họa nghìn năm cho con cháu sau này là thế nào? Đó là câu hỏi lớn dành cho các nhà lãnh đạo đất nước hiện nay phải trả lời thẳng thắn với nhân dân với Tổ Quốc.Gần đây, Nhân dân đã thấy có tín hiệu đáng mừng từ phía Nhà nước qua động thái Văn phòng Chính phủ cho biết sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận đối thoại trên cơ sở các luận chứng khoa học sau khi các trí thức, nhân sỹ và đông đảo quần chúng kiến nghị yêu cầu dừng dự án tai hại này. Thái độ tỏ ra biết lắng nghe nhân dân của Chính phủ dù sao cũng đang là một luồng gió mới mát lành giải độc cho không khí căng thẳng, mâu thuẫn có nguy cơ dẫn đến bùng phát giữa Nhà nước và Nhân dân bấy lâu nay.Tuy nhiên nếu đây chỉ là cách thức xoa dịu dư luận và Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai cho nhà thầu Chalieco Trung Quốc xây dựng các khu khai thác chế xuất Bô xít thì Chính phủ sẽ tự làm khó cho mình về sau này.
Mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên có hứa hẹn về sự “An toàn trên lý thuyết” nhưng các nhà khoa học, trí thức cũng đã nhìn thấy cái lỗ hổng to tướng trong lập luận của ông. Mấy lớp vải địa kỹ thuật lót đáy hồ chứa không bao giờ có thể giữ được lớp chất lỏng chết người kia khi trong lòng hồ chứa hàng triệu mét khối nước thải chưa kể gặp mưa lớn tránh sao khỏi tràn, tránh sao khỏi nứt, rách, thẩm thấu trước biến đổi địa lý. Nên biết Hung ga ri là nước có năng lực quản lý và trình độ kỹ thuật cao mà các đập chứa có độ dày 50 mét, chân đập dầy 65 mét mà còn bị vỡ, đi ngược lại mọi định luật vật lý thì ở ta không cần phải động đất, chỉ cần trận lũ như ở miền Trung vừa qua cũng đủ gây ra thảm họa. Không thể hứa liều như vậy được.
Về vấn đề kinh tế của dự án. Chính phủ cần xem xét các báo cáo của các nhà khoa học phân tích thấu đáo về hiệu quả kinh tế một cách xây dựng, tôn trọng lẫn nhau vì rất nhiều nhà kinh tế có trình độ, uy tín đã phân tích cho thấy đây là dự án lỗ nặng chưa kể cái lỗ lớn nhất là các nguy cơ về ô nhiễm, khắc phục hậu quả vv…
Một cái lỗ ghê gớm khác là Chính phủ lỗ to khi để nhân tâm chia rẽ, lòng người ly tán, đất nước mất đi sức mạnh đoàn kết để làm nên thành công trong công cuộc tái thiết đất nước.Đất nước chúng ta chưa đến nỗi buộc phải khai thác Bô xít mới tồn tại và phát triển. Hơn lúc nào hết Đất nước cần sự đoàn kết nhất trí cao giữa Chính phủ và Nhân dân. Một Chính phủ đứng về phía Nhân dân là một Chính phủ Được. Một Chính phủ đi ngược với Nhân dân là một Chính phủ Mất. Quyền lợi Đất nước phải đặt lên trên hết bất cứ một cá nhân nào.
mai xuân dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét