Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

QUỐC KHÁNH MUỘN

Mai xuân dũng 3/9/2010

Ông Trì là kẻ tứ cố vô thân. Vậy mà ông nổi tiếng khắp vùng vì con người ông có quá nhiều giai thoại hào hùng của hạng hiệp khách giang hồ lãng tử.
Ông Trì chẳng kể về mình bao giờ nhưng người làng, xã hay kể về ông. Những chuyện không ra khen không ra chê nhưng nói chung cũng có gì đó khơi gợi về nhiều kỉ niệm một thời quá vãng đầy biến động cho một vùng quê.
Cán bộ xã truyền tụng chuyện trước ngày Tổng khởi nghĩa năm Ất Dậu ông Trì đánh quan tây. Hồi đó dân An nam một cổ ba tròng: quan tây, quan Nhật, quan ta. Nơi tỉnh thành còn khá chứ ở nông thôn thì dân thật là cơ khổ. Dĩ nhiên rồi thời nào thì dân quê vẫn khổ. Một trong những sự khổ đó là nỗi sợ. Bị áp bức hàng nghìn năm nên nỗi sợ nó ngấm vào xương tủy truyền vào não bộ, di truyền cho đến muôn đời con cháu. Dân quê sợ từ quan trên xuống tới quan dưới, sợ cả thằng...mõ sợ đi.
Thế mà có người chả sợ chó gì cả, kể cả quan tây. Đó là ông Trì. Chuyện thế này. Đúng dịp trên tỉnh tổ chức mừng ngày "cát tó dâm dê". Đó là nhời của người quê chứ đúng ra đó là ngày kỉ niệm sự kiện dân chúng Ba lê bên Mẫu Quốc đập phá nhà tù Bastille 14/07/1789 được ghi là " Quatorze juillet", về sau được người Pháp ghi nhận là ngày Quốc khánh.
Thế thì ông chánh tổng có mời quan tây về xã nhà để khoe sang. Chuyện thù tiếp, cỗ bàn ra sao không biết nhưng nổi đình đám là buổi hát mà danh từ bây giờ hay gọi là "ca vũ nhạc, đậm đà bản sắc dân tộc" do cụ chánh sức cho lý hào tổ chức.
Ông Trì vốn đã từng đi lính tây nghe đâu đóng đến chức cai (Caporal), đánh nhau tận bên Maroc sau không biết vì lí do gì ông bỏ về làng làm ruộng. Trì võ nghệ cao cường lại "nổ" tiếng tây choang choác không kém cạnh bất cứ thằng tây xịn nào nên đám lí dịch hàng tổng còn phải nể mặt. Vậy nên ông cũng có chỗ trong chiếu làng mỗi dịp lễ lạt dính dáng đến...tây. Dịp "cát tó giu dê" thì đương nhiên ông Trì có chỗ danh dự gần nơi cụ chánh và quan tây ngự lãm dù rằng cả năm chả ai muốn gần ông. Ông cũng thừa biết "chúng nó" cũng chỉ cần ông làm con chó cảnh gâu gâu cho vui hội thôi. Nhưng kệ mẹ nó, đến hay không là việc của Trì. Không mời, thích cũng cứ đến. Hôm ấy buổi hát đang vui, ngoài sân đình, mấy con đào hát trẻ đẹp nõn, vú căng, mông mẩy đánh tanh tách. Nhất là lúc đến đoạn thị Mầu ve vãn chú tiểu Kính lại lượn qua lượn lại trước hàng ghế quan ba Rober thì ngài không nhịn được cứ lấy ba toong chọc vào mông thị Mầu hất tung bộ cánh mớ ba mớ bẩy của ả lên. Đám lí dịch hoác miệng ra cười cầu tài. Không biết vì ngứa mồm hay bức bối vì hành vi khinh miệt dân An nam quá thể của quan tây mà ông Trì quay sang xổ một tràng tiếng Mẫu Quốc vào mặt Rober làm các quan, cả tây lẫn ta tái mặt cả lượt. Chắc chắn lời lẽ đại phạm thượng nên quan tây sau phút trấn tĩnh giơ ngay cây ba toong vụt cho Trì mấy phát. Tránh né ba bốn đường gậy, Trì điên máu vươn tay giật lại cây ba toong bổ cho quan một nhát trí mạng giữa đỉnh đầu văng cả mũ của ngài. Mấy lính lệ và thông ngôn xô vào liền bị Trì đánh bật ra cả. Nhân lúc hỗn quân hỗn quan Trì bỏ đi mất. Sau việc đó Trì bỏ lên rừng biệt tích mất mấy năm đến khi Việt minh về cai quản thì Trì cũng về làng. Nhà cũ của Trì từ trước đã được Việt minh lấy làm điếm canh đêm cho dân quân. Trì không đòi chỉ cười nhạt một tiếng ra mảnh đất hoang gần mả làng dựng lều trú thân.
Chuyện hồi kháng chiến chống Pháp thì có giai thoại dở khóc dở cười về ông thế này.
Khi kháng chiến nổ ra Trì xin tham gia du kích nhưng không được chấp thuận vì trước đây đã từng đi lính tây. Nghe đâu còn giao du, chơi bời với các quan có cỡ trên Hà nội từng một thời đi đánh nhau ở Basablanca tận hải cảng Marốc kia.

Năm 1952 Pháp cho xây một hệ thống đồn bốt kiên cố, đặc biệt là lô cốt chính gọi là đồn Bứa ngay ngã ba đường quốc lộ 37 bây giờ. Đây là con đường huyết mạch nối Hưng yên, Hải phòng nên lính bố phòng, tuần tra gắt gao. Trung úy Jacquot chỉ huy 4 sỹ quan tây và 2 đại đội lính bản địa. Để đánh mìn, tập kích các đoàn xe Pháp qua đây việc cần là phải nhổ được cái bốt chính thì mới có thể khống chế được con đường.

Nhưng những cuộc công đồn của du kích đều gặp thương vong lớn phải rút về vì hỏa lực quá mạnh của hai khẩu trung liên "ép em". Một lần xã đội nghe Trì nói khơi khơi "Tao mà có 2 tiểu đội, sau hai tuần lấy xong cái bốt, có gì khó mà đánh mãi không xong. Du kích xã này chỉ cho đi hôi của xe tây trúng mìn là giỏi"
Chính vì câu nói đó mà Trì bị du kích xã bắt giam mất mấy hôm vì tội lộng ngôn. Sau, không biết sao có anh Huân bộ đội tỉnh biết chuyện về gặp Trì. Huân nghe Trì trình bày kế hoạch, quyết định cho Trì tham gia. Không biết bằng cách nào sau đó ít lâu Trì lên Hà nội đi xe Jeep cùng một quan ba tây đi thẳng vào đồn Bứa. Đến chiều Trì cùng quan ba và sếp đồn Jacquot lên xe đi Hà nội. Đêm đó Trì mật báo cho du kích đánh chiếm được đồn giặc. Công lớn của Trì là đã bí mật khóa mõm được hai con chó lửa FM đầu bạc nên việc đánh đồn mới thành.

Vậy mà về sau Trì bỏ du kích đi buôn đồ tạp hóa và lấy vợ người Ninh bình. Hai vợ chồng Trì về làng với ở với nhau được hai năm không được mụn con nào đến khi cô vợ có chửa rồi chết cả hai mẹ con vì băng huyết. Từ đó Trì sống một mình không đi lại với ai.
Hồi cải cách, Trì được vận động tố cáo mấy người trong xã bị quy kết là địa chủ, cường hào nhưng Trì không nghe theo nên bị quy vào thành phần chống đối. Đã thế vì không chịu vào hợp tác xã nên Trì bị bắt đi cải tạo mấy lần may có ông Huân trên huyện là bộ đội ngày trước chứng nhận Trì có công giúp du kích đánh đồn tây nên mới thoát nạn.
Từ đó về sau ông Trì hay rượu. Và khi rượu vào là loạn ngôn, ông chửi tất, chả tha mẹ con đứa nào từ xã dưới lẫn huyện trên. Cán bộ từ đó cũng giả điếc chẳng chấp coi như ông không có trên đời.
Được giời cho sức khỏe và giỏi tính, ông khai khẩn khu đất gò bãi hoang hóa thành trại. Vườn nhà cây trái sum xuê, ao sâu thả cá, bò sữa một đôi. Vậy là giầu có nhất hạng ở làng này rồi còn gì. Nhưng ông chả chịu mua sắm gì ngoài cái đài Philip 3 băng nghe í éo suốt ngày. Bạn với ông là bọn trẻ chăn trâu, chúng hỏi ông "mấy nhà trong làng có tivi sao ông không mua một cái để xem cho đỡ buồn" thì ông bảo "năm chục năm trước tao đã xem tivi rồi, xem mãi mà có làm sáng mắt ra được đâu thì xem làm gì". Bọn trẻ cười cho là ông phét lác vì mấy chục năm trước làm gì có tivi.
Quốc khánh năm nào ông cũng xách đôi gà mái tơ thật béo, kèm theo yến nếp cái lên Hà nội ăn cỗ nhà ông Huân. Mồng 3 ông lại kéo ông Huân về làng làm cỗ Quốc khánh.
Đấy là chuyện những năm về trước. Ông Trì ông Huân đều đã tám, chín chục tuổi giời rồi. Quốc khánh đối với các ông bây giờ như là hương là khói bay vật vờ trên bàn thờ thôi chứ chả còn ý nghĩa gì nữa.
MXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét