mai xuân dũng 24/9/2010
Anh quen cô bé trong một tiệc sinh nhật của bạn bè. Gọi là cô bé vì nàng kém anh chục tuổi và vì nàng nhõng nhẽo cứ như trẻ con ở tuổi thích đồ chơi. Chỉ như thôi vì nàng hết tuổi thích gấu bông mà bắt đầu thích những món quà hữu dụng. Anh biết vậy và mỗi lần gặp nhau anh đều có gì đó cho cô bé. Bắt đầu là sôcôla với hoa tươi.
Không thể lần nào cũng sôcôla nên lần sau là chiếc túi thời trang hàng hiệu. Khi vấn đề trở nên “có vấn đề” thì việc thăm dò ý tứ hay ho nhất là một chiếc nhẫn. Trước mắt là loại dùng xỏ vào ngón giữa cái đã. Nhỏ nhưng phải xinh và bằng vàng Ý. (Chơi nhẫn dùng hàng nội thì “quê” một cây).
Thế mà rồi lâu lâu cô bé đâm quen với quà lúc nào không hay. Gặp, không có quà là “có chuyện” chứ không phải “có vấn đề”.
Xã hội văn minh lên kéo nhiều thứ lên theo. Nhưng hình như văn minh bỏ quên tình cảm chân thành bơ vơ ở lại. Quà cáp có giá hơn về tiền bạc nhưng kém chất hơn về độ nồng nàn vì kèm theo nó quá nhiều phụ lục. (Mà âm mưu nằm ở phụ lục là chính).
Trước đây anh là người gầy gò và giản dị. Nay thói quen tặng quà tạo nên tính cách hào hoa phong nhã của anh. Trong mắt cô bé xinh đẹp, anh đáng yêu hơn nhiều những chàng trẻ tuổi hót líu lo như họa mi tu tu trên cành liễu nhưng rất chậm rút ví khi thanh toán nhà hàng.
Anh rất hào hoa, nhưng rủi thay cái ví của anh lại không được như chủ nhân của nó. Cái ví ngày càng trở nên…giản dị và gày gò.
Câu phương ngôn “Thói quen tạo tính cách” cũng đúng với cả cô bé. Gặp nhau mà không nhìn thấy quà, nàng cảm thấy…thiêu thiếu cái gì. Ban đầu nàng chỉ cần món quà nho nhỏ, về sau thì thích những món quà to to. Cuối cùng nàng chán những món quà to to mà thích những món quà nho nhỏ. Thậm chí tính cách của nàng thay đổi đến mức bắt đầu chỉ thích những món quà trần trụi không cần bao gói nhưng mong mỏng và xanh xanh…
Với những đối tác không đem lại kết quả như mong muốn thì rồi sẽ phải thanh lý những ràng buộc phiền hà. Khi chàng sa sút về tinh thần và kiệt quệ về tiềm lực thì họ xa nhau dần cho đến lúc phải nói lời cuối cho một cuộc tình.
Rồi nàng lên xe hoa. Dĩ nhiên, với một người chồng thật giầu. Nàng hài lòng trở thành người quản gia tận tụy. Từ đó, nhan sắc của nàng chỉ đem trang trí cho ngôi nhà rộng rãi và đồ đạc sang trọng. Khi họ có một đứa con, đó là lúc lang quân chỉ có mặt bên nàng trong những lúc lỡ làng với bao nhiêu cuộc hẹn có tên và không tên. Đương nhiên. Khi rất nhiều tiền, người ta không thể không có những cô bé chân dài lả lơi khác trong các cuộc vui. Điều đó còn thật hơn tất cả những chân lý sáng ngời mà con người vẫn ngợi ca.
Buồn tủi vì bị phản bội, chán nản vì tù túng. Nàng và những cô bạn cùng cảnh ngộ tụ tập nhau đi shoping và uống cà phê. Bây giờ, chủ đề của họ là kể lể đức hạnh của chồng một cách say sưa để che giấu nỗi bất hạnh ê chề. Sỹ diện dạy cho họ cách thức giấu diếm sự thật và nói dối trơn tru.
Không phải chỉ có Rodena mới viết được kịch bản phim “Người giầu cũng khóc” mà các nàng còn tự viết và thủ luôn vai chính.
Mãi về sau này hồi tưởng lại thời tuổi trẻ, các nàng luôn thầm ước nếu được làm lại từ đầu, nàng chỉ cần người đó với gói sôcôla ngọt ngào và bó hoa tươi với lời tỏ tình vụng về, run rẩy không rõ thành lời.
mai xuân dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét