Mai xuân dũng 25/8/2010.
Khi miên man thăm thú bạn bè trên blog chợt nhớ mùa sâm cầm hồ Tây. Mình tâm sự với bạn rằng bạn ơi, nhớ quá hồ Tây của thời ấu thơ. Con đường đi học có lúc men hồ ì oạp sóng vỗ bờ cỏ. Sớm tinh mơ nghe đám sâm cầm vỗ cánh ào ào một góc hồ bao la phủ đầy sen tu khô xác. Mình lại thở than: sâm cầm ơi, sao nỡ bỏ Hà nội để hồ Tây bây giờ xa vắng bóng chim.
Thủa nhỏ mình thích ngồi một mình bên dệ cỏ ngắm hồ Tây lúc sớm tinh mơ sương còn lãng đãng hoặc hoàng hôn phủ xuống mặt hồ. Hồi đó Hà nội vào cuối thu, tiết heo may làm không khí se lạnh. Hồ sen tàn lá, rục xuống nhũn mềm trong nước thành mùn trở thành thức ăn cho ốc bươu, ốc vặn và lũ trắm cỏ. Phơ phất đung đưa trên mặt nước là vô số cọng sen tu khô đen nhưng trong bầu đài vẫn còn nhiều hạt mẩy. Đó là món ăn cho lũ sâm cầm di thực hồ Tây.
Danh tài xứ Huế, nhạc sỹ họ Trịnh quả đã nhập hồn đất đế đô với ca khúc Nhớ mùa thu Hà nội:
….Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…
Người Hà nội ai mà chả biết câu Cá rô đần Sét, sâm cầm hồ Tây. Sâm cầm đã ăn ngủ nhiều đời trong ca dao như thể loài chim này vốn “hộ khẩu” hồ Tây! Sâm cầm gốc gác xứ Hàn đi tránh rét bay về phương nam lấy vùng hồ Lãng Bạc làm quê hương thứ hai. Vậy nên giống cầm điểu này mới trở nên thân quen đến thế.
Nhiều người lầm tưởng Sâm cầm là họ vịt trời vì chân của chúng có màng như vịt, lại hay lặn ngụp nơi sông hồ. Thật ra chúng thuộc loài gà.
Có thể Cố nhạc sỹ họ Trịnh không để ý đấy thôi, chẳng ai thấy sâm cầm vỗ cánh bay vào buổi chiều vì giống này mải mê kiếm ăn rất muộn, đêm mới bay về nơi ngủ đêm trên các rặng ổi, rặng trúc bạt ngàn của Nghi tàm và một dải dài những cây bàng Yên Thái. Sáng sớm mới nghe được chúng bay ào ào từ các cành cây xum xuê xuống hồ kiếm ăn.
Cảnh vật hồ Tây dễ làm nao lòng người và dẫn dắt đến những suy tưởng mộng mơ. Chẳng biết văn thơ là gì nhưng mình đã ghép vần cho bài: Hà nội thời mắt biếc, trích lại mấy câu:
….Đêm Yên Thái nghe trời trở rét
Trở mình nghe võng mẹ đưa kẽo kẹt
À ơi…
Thụy Chương, Nghi Tàm, Thạch Khối, Hàng Vôi
Heo may lạnh vẳng khuya chầy giã dó
Mái nâu, ngói cổ
Tiếng rao đêm mấy thuở vọng về
Đi qua cơn mê
Lang thang một mình trong phố
Nghiêng nghiêng nhà đổ
Cơn say
Dốc Tam đa, chợ Bưởi, hồ Tây
Chồn chân, lặng ngâm hồn trong gió
Khuya tĩnh lặng bao la một mình. Cô đơn quá
Tiếng cuốc kêu thắt lặng ven hồ.
Nhớ nửa hồn phố cổ
Hàng Thiếc Hàng Đồng
Hàng Vải Cửa Đông
Dấu chân trần mẹ dắt con đi học
Cầm trên tay nắm xôi ngô gói lá sen thô mộc
Khắc buốt vào tim.
Và những đêm
Rét ngọt, xếp xô thùng hứng nước cùng em
Ngoài phố vắng
Chỉ có cột đèn đường âm thầm đứng lặng
Đếm bước chân qua.
Lớn rồi em, hết tuổi ngắt cỏ, chọi gà
Ven sông Hồng bẻ trộm ngô, câu cá
Qua cầu Long Biên, vệ đê chơi trận giả
Thả diều vi vu, ngây ngất đến bây giờ.
Mắt tím buồn, nhành vi ô lét em đưa
Ngày giáp tết, bên đường vào Trấn Quốc
Thoảng hương trầm , hương mộc lan thân thuộc
Gói tiếng chuông vào lòng, xếp bút ra đi
Ngày trở về mới biết phút chia ly
Nhành hoa tím là nhành hoa vĩnh biệt
Vi ô lét
Một thời mắt biếc
Rụng rơi trong chiến tranh…
Mình có thằng bạn tên Thành, nhà ở Nghi Tàm. Một lần đến chơi, hắn bầy mâm rượu ngoài vườn ổi có khoảnh sân rải đá trông ra mặt hồ. Trước, hắn chuyên nghề khoanh đào, quất bên Tứ Liên nay xoay ra kinh doanh Bonsai, cây cảnh. Có tiền, hắn thích rủ anh em uống rượu với cá trắm hồ om ngó sen lá lốt. “Thưởng rượu” là chữ hắn ưa dùng. “Uống rượu” nghe nó tầm thường, chỉ có kẻ sỹ mới biết “thưởng” rượu mà thôi. Mình bảo nó là cao đạo rởm. Uống rượu trận nào, say trận ấy đến độ “thả cá” về hồ thì phí cái chữ “thưởng” đi.
Thằng này cá tính, rượu không chứa vào chai, uống không dùng chén. Cô bạn đi cùng mình rất ngán khi thấy “Khí cụ” trên chiếu rượu là 2 be sành rượu ngâm và 3 chiếc bát riêu gốm men nâu Bát Tràng. Uống rượu bằng bát là thói quen của dân cư ven Tây hồ xưa. Nghe nói vẫn có nhiều gia đình quanh chùa Báo Ân ở Quảng Bá vẫn giữ thói quen này.
Nhân nói về chùa Báo Ân cũng phải nói thêm kẻo nhiều người dễ nhầm. Chùa Báo Ân là chùa rất cổ. Tương truyền cao tăng Ngô Ân lúc đầu lập ra am thờ sau mở rộng thành chùa, nằm ở phía tây bắc hồ Dâm Đàm nay là đất Quảng Bá từ những năm 1030. Mãi đến khoảng năm 1835, vua Minh Mạng sắc chỉ đổi tên là chùa Hoằng Ân. Dân cư ở đây có lẽ vì những chuyện đất đổi sao dời như trên nên chẳng gọi chùa là Báo Ân tự, cũng chẳng gọi là Hoằng Ân tự mà gọi luôn là chùa Quảng Bá để khỏi lẫn với chùa Báo Ân ở ven hồ Gươm (nay không còn) hay chùa Báo Ân ở bên Dương Quang Gia Lâm.
Lại nói về thói uống rượu bằng bát, ở Hà nội có lẽ chỉ có dân vùng này. Trong “Tây hồ bát cảnh”, thi nhân Lê Vĩnh Hựu cũng nhắc đến “bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng cổ, Phật say làng Thụy chương sâm cầm rợp bóng”…
Dân 12 làng sành rượu. Ăn cá om Tây hồ phải uống với rượu kẻ Mơ. Rượu kẻ Mơ cất bằng nếp tốt, vị dịu, thơm có tiếng: “Rượu kẻ Mơ, cờ Mộ trạch” mà. Dân làng Thụy chương, Nghi Tàm, Yên Thái rót rượu ra bát cho mùi rượu chan hòa cùng gió, không gian ngát sen và nồng thơm hương nếp.
Trong hai cái be kia, một be là rượu nếp cái hoa vàng, một be là rượu ngâm sâm cầm. Ngày trước giống nếp cái Hà nội nổi tiếng khắp nơi. Giống này ở đất Thái bình, xứ Thanh hay kể cả Hải Dương cũng không bì được. Nhưng nay người đông, đất chật Hà nội gần như mất giống nếp hạt tròn ngon tuyệt này. Duy có Kinh Môn Hải Dương còn lưu được giống quý. Rượu cất bằng nếp cái hoa vàng cho mùi hương nồng nàn, êm dịu và ngọt hậu vô cùng. Càng uống càng thấy ngon và sảng khoái. Rồi đến độ nào đó sẽ thấy cảm giác phiêu bồng và say lúc nào không hay. Nhà Thành có gần chục chum nếp cái cỡ 50 lít xếp trong hầm nửa chìm nửa nổi đổ đầy trấu được tưới ướt hàng ngày. Rượu đãi bạn quý là loại rượu hạ thổ vài năm. Tôi từng có chục năm làm chủ nhà hàng, rượu tây vài chục loại đã từng dùng thường ngày nhưng thật sự thấy không thú bằng uống loại nếp cái hoa vàng 3 năm hạ thổ, ngồi ven hồ Tây mùa sen đang kì mở nhụy.
Còn một be nữa nhấc lên thấy nặng tay hơn là be ngâm sâm cầm. Đã từ lâu, sâm cầm khiếp sợ Hà nội không lấy hồ Tây làm chỗ trú. Hình bóng sâm cầm chỉ còn là hoài niệm. Nạn xây cất nhà cửa bừa bãi và kinh doanh nhà hàng khách sạn làm sâm cầm tránh hẳn đất đế đô. Giờ các loài chim di trú chỉ bay đến sinh sống ở vùng ngã ba sông Phú Thọ. Những người thích sưu tầm rượu ngâm thường lên trung du tìm mua sâm cầm cắt lấy chân đem sấy khô, ngâm rượu chứ không có chuyện rượu ngâm sâm cầm là giống sâm cầm của hồ Tây đâu. Giống chim quý này khi xưa là sản vật cung tiến vua. Chắc nó quý, bổ như thế và có gốc gác ở xứ nhân sâm Hàn Quốc nên có tên là sâm cầm chăng?
MXD
Bạn làm tôi nhớ Hà nội.
Trả lờiXóa